Ứng dụng của Laser trong điều trị các thương tổn sắc tố và hình xăm
- Tác giả: Fleta N. Bray, BS, Vidhi V. Shah, BA, Adam S. Aldahan, BS, Stephanie Mlacker, BS, Keyvan Nouri, MD
- Chuyên ngành: Da Liễu
- Nhà xuất bản:Biên dịch: Bs. Trương Tấn Minh Vũ
- Năm xuất bản:Đang cập nhật
- Trạng thái:Chờ xét duyệt
- Quyền truy cập: Cộng đồng
Ứng dụng của Laser trong điều trị các thương tổn sắc tố và hình xăm
Tác giả: Fleta N. Bray, BS, Vidhi V. Shah, BA, Adam S. Aldahan, BS, Stephanie Mlacker, BS, Keyvan Nouri, MD
University of Miami Miller School of Medicine, Department of Dermatology and Cutaneous Surgery, Miami, FL, US
Biên dịch: Bs. Trương Tấn Minh Vũ
NHỮNG ĐIỂM CHÍNH
Laser là một lựa chọn điều trị cho nhiều tình trạng sắc tố da.
Các chỉ định phổ biến được điều trị bằng laser bao gồm các đốm nâu, tàn nhang và một số chỉ định khác.
Laser Q-switched không xâm lấn và ánh sáng xung mạnh (IPL) được sử dụng để nhắm mục tiêu melanin trong các tổn thương sắc tố này.
Điều trị bằng laser trong một số trường hợp c n gây tranh cãi, gồm điều trị nốt ruồi, nám, và tăng sắc tố sau viêm.
Trong quá trình đánh giá trước điều trị, bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng da cần điều trị, màu da và tiền sử y tế của bệnh nhân, bao gồm các thông tin liên quan đến hình thành sẹo.
Hình xăm có thể sẽ không được loại bỏ hoàn toàn.
Nếu cần gây tê tại chỗ, kem tê sẽ được bôi hoặc thuốc tê sẽ được tiêm vào vùng điều trị.
Luôn luôn dùng kem chống nắng sau khi điều trị bằng laser để giảm nguy cơ thay đổi màu da.
Các loại laser khác nhau có thể xử lý các màu khác nhau của hình xăm.
GIỚI THIỆU
Laser là một lựa chọn điều trị cho nhiều tình trạng sắc tố da, bao gồm tàn nhang, đốm nâu, một vài loại nốt ruồi, nám, tăng sắc tố sau viêm, và một số vấn đề sắc tố khác. Điều trị bằng laser các tổn thương sắc tố và hình xăm dựa trên nguyên lý “quang nhiệt chọn lọc". Cơ sở của nguyên lý này là năng lượng ánh sáng từ laser sẽ làm tổn thương từng vùng mục tiêu cụ thể, thời gian và năng lượng được sử dụng điều trị phải hạn chế gây tổn thương cho các khu vực xung quanh. Melanin là sắc tố chịu trách nhiệm cho biểu hiện tối màu của hầu hết các rối loạn sắc tố da. Bởi vì điều này, phương pháp điều trị sắc tố bằng laser thường được thiết kế để nhắm mục tiêu melanin [1]. Bước sóng lý tưởng của ánh sáng để điều trị các tình trạng da có chứa melanin là từ 600 đến 1100nm [1]. Laser Q-switched không xâm lấn và ánh sáng xung mạnh (IPL) phát ra ánh sáng có bước sóng trong phạm vi này và thường được sử dụng cho các phương pháp điều trị sắc tố da [1].
Phương pháp điều trị bằng laser có hiệu quả khác nhau và rủi ro điều trị bao gồm thay đổi màu da tạm thời hoặc vĩnh viễn và sẹo. Điều quan trọng là phải hiểu những lợi ích và rủi ro tiềm tàng đối với liệu pháp laser trước khi quyết định điều trị.
CÁC TÌNH TRẠNG SẮC TỐ DA THƯỜNG ĐƯỢC ĐIỀU TRỊ
Nhiều tình trạng da đặc trưng bởi sắc tố đen phổ biến có thể được điều trị bằng liệu pháp laser. Đốm nâu (đốm ánh sáng hay age spots) là những đốm đen nhỏ, tròn hoặc hình bầu dục phát sinh ở những người trung niên hoặc lớn tuổi có tiền sử phơi nắng lâu dài. Đốm nâu thường được điều trị bằng liệu pháp laser rất hiệu quả. Các đốm nâu hiếm khi quay trở lại sau khi điều trị bằng laser, tuy nhiên các đốm nâu mới vẫn tiếp tục xuất hiện ở vùng da tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời. Tàn nhang cũng có thể được điều trị bằng liệu pháp laser, tuy nhiên các nghiên cứu cho thấy tàn nhang có thể xuất hiện trở lại sau một thời gian điều trị [1].
Đôi khi laser có thể được xem xét để điều trị nốt ruồi. Trong những trường hợp này, liệu pháp laser được sử dụng nhằm cho kết quả thẩm mỹ tốt hơn so với phẫu thuật cắt bỏ [1]. Tuy nhiên, loại trị liệu bằng laser này đang gây tranh cãi bởi vì các bác sĩ lo ngại rằng liệu pháp laser có thể thúc đẩy sự phát triển của ung thư da ở nốt ruồi. Hơn nữa, phẫu thuật cắt bỏ cũng cho phép bác sĩ da liễu gửi nốt ruồi làm giải phẫu bệnh để đánh giá ung thư có thể có trong nốt ruồi, trong khi điều trị bằng laser không làm được [2]. Nếu tiền sử cá nhân hoặc gia đình bị u ác tính, nên lựa chọn cắt bỏ nốt ruồi thay vì điều trị bằng laser [1].
Nám là một tình trạng tăng sắc tố da mắc phải phổ biến, xuất hiện dưới dạng các mảng tối màu đối xứng chủ yếu trên khuôn mặt. Nám có thể xảy ra khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá mức, mang thai, hoặc các yếu tố khác. Nhiều loại phương pháp điều trị bằng laser khác nhau đã được thử nghiệm để trị nám; tuy nhiên, kết quả điều trị thay đổi đáng kể và nhiều nghiên cứu cho thấy tình trạng xấu đi hoặc tình trạng da bị đốm mất sắc tố sau khi điều trị [1, 2]. Một số bác sĩ chọn kết hợp liệu pháp laser với các lựa chọn điều trị khác, chẳng hạn như kem ức chế sắc tố. Người bị nám nên sử dụng kem chống nắng đúng cách, vì tiếp xúc với ánh nắng mặt trời sẽ làm cho tình trạng tồi tệ hơn.
Nhiều người da sẫm màu gặp phải tình trạng tăng sắc tố sau viêm của da. Tình trạng này diễn ra sau chấn thương da hoặc viêm da dẫn đến các đốm hoặc các mảng đen có thể mất nhiều tháng hoặc nhiều năm để trở lại tông màu da ban đầu. Vì phải chờ đợi lâu, những người bị tăng sắc tố sau viêm có thể muốn được điều trị bằng laser. Đôi khi tình trạng này được điều trị thành công bằng liệu pháp laser; tuy nhiên, có nguy cơ laser sẽ làm cho tình trạng da tồi tệ hơn. Một số bác sĩ khuyên nên tránh dùng laser điều trị tăng sắc tố sau viêm [1].
ĐÁNH GIÁ TRƯỚC ĐIỀU TRỊ VÀ RỦI RO ĐIỀU TRỊ
Trước khi bắt đầu điều trị bằng laser, bác sĩ sẽ đánh giá các yếu tố có thể ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị. Việc đánh giá sẽ giúp bác sĩ chọn loại laser tốt nhất cho tình trạng da và cũng sẽ giúp xác định các yếu tố có thể dẫn đến tác dụng phụ và biến chứng. Ngoài việc kiểm tra vùng sắc tố cần điều trị, bác sĩ sẽ lưu ý về màu da của bệnh nhân. Những người da sẫm màu có nhiều melanin trong da hơn những người có da sáng hơn. Laser được thiết kế để điều trị mục tiêu là sắc tố melanin, có nguy cơ tia laser sẽ gây tổn hại đến melanin ở vùng da xung quanh của những người da sẫm màu [1]. Điều này có thể dẫn đến các đốm mất sắc tố sau khi điều trị có thể là tạm thời hoặc vĩnh viễn.
Ngoài ra, một số người có xu hướng phản ứng viêm có thể làm cho da có các đốm tăng sắc tố sau khi điều trị. Nếu bệnh nhân có da sẫm màu hơn và muốn điều trị bằng laser, có thể yêu cầu được điều trị thử vài điểm ở vị trí ít bị nhìn thấy để theo dõi những thay đổi không mong muốn trên da sau điều trị [1]. Bác sĩ có thể chọn loại laser và các thông số cụ thể để phù hợp nhất với loại da của bệnh nhân, như sử dụng bước sóng dài hơn với công suất thấp hơn cho làn da tối màu. Bất cứ ai đang rám nắng tại vị trí điều trị nên đợi cho đến khi mờ dần mới điều trị bằng laser. Điều này là do da rám nắng có nhiều melanin, làm tăng nguy cơ điều trị bằng laser.
Ngoài việc kiểm tra tình trạng da và màu da của bệnh nhân, bác sĩ sẽ hỏi tiền sử cá nhân về sẹo, quá trình lành vết thương, và một số vấn đề khác liên quan điều trị. Những cá nhân có tiền sử sẹo lồi hoặc sẹo phì đại có nguy cơ bị sẹo lớn hơn khi điều trị bằng laser.
Điều quan trọng là ngay cả các phương pháp điều trị bằng laser được thực hiện một cách thích hợp và an toàn cũng có thể dẫn đến các biến chứng và không thể loại bỏ hoàn toàn tình trạng sắc tố của da. Những rủi ro chính trên các trường hợp điều trị laser gồm các đốm mất sắc tố vĩnh viễn, tăng sắc tố và sẹo ở các vùng điều trị [1]. Bác sĩ sẽ không thể chắc chắn 100% kiểm soát các biến chứng này. Bác sĩ cũng không thể biết chắc chắn sẽ cần bao nhiêu buổi điều trị để loại bỏ tình trạng sắc tố của da, hoặc tình trạng này có thể được điều trị hoàn toàn bằng laser hay không. Liệu pháp laser có thể không phải là phương pháp điều trị tốt nhất để chọn nếu bệnh nhân đang tìm kiếm một lựa chọn điều trị không có rủi ro và đảm bảo hiệu quả.
XÓA HÌNH XĂM
Hình xăm là một hình thức biểu hiện bên ngoài của con người được tạo ra bằng cách đưa mực vào da. Văn hóa hiện đại của chúng ta làm cho hình thức nghệ thuật cơ thể này trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, khi cuộc sống thay đổi, nhiều người xăm hình trước đây thường hối tiếc và muốn loại bỏ nó. Trước đây, việc xóa hình xăm rất khó khăn và thường dẫn đến một vết sẹo khó coi. Nhờ công nghệ mới hơn, xóa hình xăm bằng laser đã ngày càng thành công với ít tác dụng phụ hơn [3]. Laser Q-switched sử dụng xung cực ngắn để phá vỡ các sắc tố màu thành các mảnh nhỏ và bị loại bỏ bởi hệ thống miễn dịch của cơ thể. Theo Học viện Da liễu Hoa Kỳ và Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), điều trị bằng laser bởi một bác sĩ da liễu được đào tạo là vượt trội so với các phương pháp xóa xăm khác như mài mòn da, cắt bỏ hoặc xăm đè lên trên [3, 4]. Nếu không c n muốn giữ hình xăm, hãy trao đổi với bác sĩ da liễu. Trong buổi thăm khám, loại hình xăm và loại da sẽ được đánh giá. Các yếu tố ảnh hưởng đến số lần điều trị cần thiết bao gồm tuổi hình xăm, kích thước, màu sắc và độ sâu của sắc tố [3]. Một số màu như xanh và đen được loại bỏ hiệu quả hơn các màu khác. Khách hàng cần được điều trị nhiều lần, sau mỗi lần điều trị hình xăm sẽ dần dần nhạt màu hơn. Bác sĩ sẽ xem xét các tác dụng phụ có thể xảy ra như nhiễm trùng, thay đổi kết cấu da, bỏng, sẹo, tăng sắc tố hoặc giảm sắc tố [3, 4]. Ngoài ra, thất bại điều trị luôn luôn là một khả năng có thể xảy ra.
KẾT LUẬN
Laser là một lựa chọn điều trị cho nhiều tình trạng sắc tố da. Phương pháp điều trị bằng laser có hiệu quả khác nhau tùy thuộc vào từng cá nhân và tình trạng đang được điều trị. Nên được điều trị từ một bác sĩ đã được đào tạo về laser. Những người da sẫm màu và rám nắng có nhiều rủi ro hơn khi điều trị bằng laser. Những rủi ro chính của liệu pháp laser bao gồm sẹo và mất sắc tố vĩnh viễn sau khi điều trị. Những rủi ro này không thể được loại bỏ hoàn toàn ngay cả với kỹ thuật trị liệu bằng laser thích hợp.
KHUYẾN NGHỊ
Sử dụng laser để điều trị đốm nâu vì hiệu quả với rủi ro thấp, đặc biệt là ở những người có làn da sáng.
Chỉ dùng laser điều trị tàn nhang nếu chúng gây ra vấn đề đáng kể về ngoại hình và tàn nhang có thể xuất hiện trở lại sau khi điều trị.
Không sử dụng laser để điều trị nốt ruồi. Phẫu thuật cắt bỏ thường là lựa chọn tốt hơn vì nó cho phép làm giải phẫu bệnh để xác định thương tổn. Không bao giờ điều trị nốt ruồi bằng liệu pháp laser nếu bạn có tiền sử gia đình bị u ác tính.
Không sử dụng laser để trị nám, vì nó có thể làm tệ hơn tình trạng da hiện tại.
Không sử dụng tia laser để điều trị tăng sắc tố sau viêm (sắc tố có kết quả sau chấn thương, bệnh chàm hoặc các tình trạng khác gây viêm da). Điều trị bằng laser có thể làm cho tình trạng tồi tệ hơn.
Thử dùng laser trên một diện tích nhỏ ở vùng da ít nhìn thấy trước khi điều trị bằng laser nếu có làn da tối màu để đánh giá phản ứng của da với tia laser.
Không được điều trị bằng laser nếu da mới rám nắng gần đây, vì nó làm tăng nguy cơ tổn thương cho da.
Không được điều trị bằng laser nếu có tiền sử sẹo lồi hoặc sẹo phì đại.
Sử dụng laser để xóa hình xăm, cần nhiều lần điều trị để xóa hình xăm, một số màu sắc xăm rất khó để xóa bằng laser.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Metelitsa, Andrei, Thomas Rohrer, and Kenneth A Arndt. 2015. “Laser and light therapy for cutaneous hyperpigmentation.” UpToDate. http://www.uptodate.com.
Zachary, CB, and R Rofagha. 2012. “Laser Therapy.” In Dermatology, edited by JL Bolognia, JL Jorizzo and JV Schaffer. New York: Elsevier.
2012. “Lasers lighting the way for enhanced treatment of melasma and tattoo removal.”
2013. “Inked and Regretful: Removing Tattoos.”
-
Tài liệu mới nhất
-
Kế hoạch Phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2022
21:44,24/01/2022
-
HD tạm thời triển khai điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP) cho sinh viên, học sinh
21:00,24/01/2022
-
Bài giảng Điều trị bệnh dịch tả
16:02,19/01/2022
-
Bài giảng ngộ độc BARBITURATES
15:58,19/01/2022
-
Bài giảng điều trị ngộ độc khí CO
15:55,19/01/2022
-
Bài giảng nhiễm HIV/AIDS ở người lớn
15:54,19/01/2022
-
Bài giảng điều trị rắn độc cắn
15:49,19/01/2022
-
Bài giảng ngộ độc thuốc phiện (OPIOIDS)
15:48,19/01/2022
-
Bài giảng điều trị ngộ độc Acetaminophen
15:46,19/01/2022
-
Tương tác não-phổi trên bệnh nhân tổn thương não có thở máy
10:31,19/01/2022
-
Kế hoạch Phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2022