Gãy xương là sự phá hủy đột ngột, làm mất tính liên tục các cấu trúc của xương do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó chủ yếu do nguyên nhân cơ học gây ra (tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt, tai nạn luyện tập, chiến tranh, thiên tai…). Gãy xương gặp ở mọi lứa tuổi, mọi giới, nhưng hay gặp nhất là tuổi lao động và nam giới; là tổn thương hay gặp hàng đầu trong các cấp cứu chấn thương.
Gãy xương bao gồm gãy xương kín (chi sung nề, biến dạng, cong vẹo, lệch trục, gập góc…) và gãy xương mở (ổ gãy thông với môi trường bên ngoài qua vết thương, có thể nhìn thấy đầu xương, ổ gãy). Khi sơ cứu, cần căn cứ vào loại gãy xương để áp dụng kỹ thuật sơ cấp cứu phù hợp.
Cố định tạm thời là biện pháp dùng nẹp và băng (hoặc đai, dây ứng dụng…) để bất động ổ gãy, chi gãy; là biện pháp quan trọng hàng đầu trong cấp cứu các tổn thương xương khớp, tổn thương phần mềm lớn. Cố định tạm thời cũng chính là biện pháp giảm đau và phòng sốc bậc nhất. Đồng thời, cố định tạm thời còn trực tiếp ngăn ngừa các tổn thương thứ phát như tổn thương phần mềm, mạch máu, thần kinh, dây chằng, bao khớp, khớp, gãy kín thành gãy hở… tạo điều kiện cho tuyến sau điều trị tốt hơn. Do đó, cố định tạm thời tốt có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc giảm tỷ lệ tử vong và tàn phế cho các nạn nhân.
Giảm đau tại chỗ: tiêm trực tiếp vào ổ gãy hoặc phong bế gốc chi (Novocain, Lidocain, Xylocain…).
Giảm đau toàn thân: tiêm Promedon, Dolacgan, Morphin…
Nẹp cố định phải đủ cứng, đủ dài.
Nẹp và chi phải tạo thành một khối vững chắc, không bị lỏng, lệch sau cố định.
Quá trình cố định phải nhẹ nhàng, tránh động tác thô bạo; tránh co kéo hoặc cố nắn chỉnh chi gãy, cố đẩy đầu xương gãy vào trong ổ gãy vì có thể gây sốc do đau; gây tổn thương thứ phát và ô nhiễm thêm. Không đặt nẹp cứng trực tiếp vào chi thể; phải đệm lót ở những điểm tì đè (đầu xương, vùng xương cứng) bằng bông hoặc gạc (tốt nhất là bông mỡ) hay các vật dụng mềm mại khác để tránh đau và tránh tổn thương.
Khi chuyển thương, cần tùy theo xương gãy mà lựa chọn kỹ thuật vận chuyển thích hợp, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho chi thể và cho nạn nhân.
Các kỹ thuật vận chuyển gồm: bế, cõng, vác, dìu, cáng võng, cáng cứng, xe…
Các loại nẹp chuyên dụng: như nẹp Thomas, nẹp Diteric, nẹp Beckel… mặc dù là những loại nẹp tốt và có nhiều ưu điểm như các loại nẹp này đều cố định vững chắc, an toàn, có thể tái sử dụng nhiều lần; nẹp Thomas và nẹp Diteric còn có khả năng kéo dãn nhẹ... Tuy nhiên, về cơ bản chưa thể mua để sử dụng rộng rãi được hoặc vì lý do kinh tế (đắt tiền), hoặc vì lý do kỹ thuật (nặng, khó sản xuất, khó linh hoạt cho các nạn nhân, các tổn thương khác nhau…).
Nẹp mới dạng orbe: Nẹp này mới ra đời, được sử dụng khá rộng rãi trong lâm sàng do nẹp tương đối gọn nhẹ, cố định dễ dàng, thuận tiện, có thể tái sử dụng nhiều lần. Mặc dù có nhiều ưu điểm, song theo các nhà lâm sàng, nẹp này phù hợp hơn khi dùng để cố định tạm thời ở tuyến bệnh viện vì các lý do sau:
+ Kích thước nẹp còn hạn chế nên cố định chưa thật vững chắc, nhất là khi cố định gãy xương lớn (ví dụ, trong cố định đùi, nẹp không cố định được khớp háng và khớp cổ chân).
+ Vì bao nẹp che kín đoạn chi nên khi nạn nhân bị tổn thương kết hợp, bao nẹp sẽ che kín các kỹ thuật sơ - cấp cứu khác gây mất an toàn (ví dụ, che kín ga rô khi phải đặt ga rô, che kín băng khi phải băng vết thương...).
Nẹp Cramer: là loại nẹp tốt, làm bằng kim loại, có thể uốn theo hình dáng chi thể nên rất thuận lợi khi cố định; mang vác, cơ động dễ, có thể tái sử dụng nhiều lần... Tuy nhiên, để sử dụng nẹp cramer, chúng ta phải chuẩn bị kỹ trước khi cố định và khi dùng cố định ở chi dưới thì chưa thật vững chắc.
Nẹp ứng dụng - truyền thống: nẹp tre, nẹp gỗ.
Ưu điểm: Cố định vững chắc, nẹp dễ làm (tự làm được) do vật liệu là tre, gỗ rất sẵn có ở Việt Nam, giá rẻ; mang vác tương đối nhẹ, có thể ứng dụng linh hoạt trên thực tế chiến trường.
Nhược điểm: Nẹp còn khá cồng kềnh, nẹp dài nhất dài 1,2 mét đến 1,3 mét; kỹ thuật tương đối khó, phải sử dụng bông gạc để đệm lót ở nhiều vị trí và dùng băng cuộn để cố định nẹp vào chi bằng nhiều vòng băng, nhiều kiểu băng khác nhau nên có nhiều thao tác phải thực hiện (điều này rất bất lợi khi phải cấp cứu cho nhiều nạn nhân cùng một lúc, ví dụ trong cấp cứu thảm họa).
Cố định nẹp vào chi bằng hai đường băng:
Đường băng cố định ở cổ tay băng theo kiểu băng số 8 (như băng vết thương gan tay). Tuy nhiên, cần tăng cường các vòng băng tròn quanh nẹp để cố định nẹp được chắc chắn.
Đường băng cố định ở khuỷu tay băng theo kiểu băng số 8 kép (giống như băng vết thương nếp gấp khuỷu).
Treo tay trước ngực ở tư thế cẳng tay tương đối vuông góc với cánh tay, bàn tay ở tư thế chức năng.
Đường băng ở 1/3 trên cánh tay và khớp vai băng theo kiểu băng cơ delta.
Đường băng ở khuỷu theo khiểu băng số 8 kép giống như băng vết thương nếp gấp khuỷu.
Băng ép cánh tay vào thân người bằng đường băng tròn.
Treo tay ở tư thế chức năng.
Đường băng ở gối theo kiểu băng số 8 kép (băng vết thương vùng khoeo).
Đường băng ở cổ - bàn chân theo kiểu băng số 8 (băng vết thương mu chân).
Đường băng giữa đùi cố định đầu trên hai nẹp vào đùi bằng đường băng tròn.
Cố định 2 chân vào nhau bằng các vòng băng tròn quanh cả 2 cổ chân.
Đường băng ở gối theo kiểu băng số 8 kép (băng vết thương vùng khoeo).
Đường băng ở sát nếp bẹn theo kiểu băng vòng tròn.
Đường băng ở cổ - bàn chân băng kiểu băng số 8 (băng vết thương mu chân).
Đường băng ngang qua hai gai chậu trước trên băng theo kiểu băng vòng tròn.
Đường băng ngang ngực băng vòng tròn.
Cố định 2 chân vào nhau bằng các vòng băng tròn quanh 2 gối và 2 cổ chân.
Dùng băng cuộn để cố định xương đòn gãy theo kiểu băng số tám.
Áp dụng đường băng vết thương ngực hở để cố định (có thể cố định bằng băng dính to bản).
Áp dụng đường băng vết thương cằm.
1. Cố định gãy xương cẳng tay bằng nẹp tre/ gỗ
2. Cố định gãy xương cánh tay bằng nẹp tre/ gỗ
3. Cố định gãy xương cẳng chân bằng nẹp tre/ gỗ
4. Cố định gãy xương đùi bằng nẹp tre/ gỗ
5. Cố định tạm thời gẫy xương đòn bằng băng cuộn
6. Cố định tạm thời gẫy xương sườn
7. Cố định tạm thời vỡ xương hàm dưới
8. Giới thiệu kỹ thuật cố định gãy xương bằng loại nẹp khác
Phân nhóm, phân vai
Phân nhóm: 03 học viên vào một nhóm để rèn luyện.
Phân vai: 01 học viên đóng vai người bị thương, 01 học viên đóng vai người cấp cứu, 01 học viên sử dụng bảng kiểm.
Hướng dẫn sử dụng bảng kiểm
Bảng kiểm gồm 3 cột, cột thứ nhất là cột thứ tự, cột thứ 2 là cột nội dung, cột thứ 3 là cột thực hiện.
Lần 1. Người cầm bảng kiểm tiến hành đọc thứ tự các bước ở bảng kiểm cho người cấp cứu thực hiện.
Lần 2. Người người cấp cứu tự thực hiện kỹ thuật, người cầm bảng kiểm đối chiếu với các bước thực hiện kỹ thật (đánh dấu “X” vào bước thực hiện, để trống nếu không thực hiện).
Giáo viên tổ chức cho đại diện các nhóm bốc tình huống vết thương, trên cơ sở đó, các nhóm tổ chức thi chạy trạm thực hành kỹ thuật băng.
Khi các nhóm thực hiện kỹ thuật, giáo viên và thành viên còn lại của các nhóm cùng sử dụng bảng kiểm đánh giá kết quả, nhóm thực hiện kỹ thuật chính xác và nhanh nhất sẽ nhận giải thưởng của khóa học (túi cứu thương/sách/khác…).
Cố định tạm thời xương gãy là một trong những kỹ thuật cấp cứu đầu tay thiết yếu của cán bộ y tế và cộng đồng, giúp cứu sống tính mạng người bị nạn nếu làm đúng và kịp thời. Vì vậy, mỗi học viên cần phải rèn luyện thành thạo kỹ thuật để trong mọi điều kiện, hoàn cảnh có thể áp dụng để cấp cứu được nhanh nhất, hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ tử vong và tàn phế do tổn thương gãy xương gây ra.