Bài giảng Kỹ thuật thu hái, chế biến, phơi sấy và bảo quản dược liệu
- Tác giả: Bộ Y tế
- Chuyên ngành: Trạm y tế xã
- Nhà xuất bản:Bộ Y tế
- Năm xuất bản:2019
- Trạng thái:Chờ xét duyệt
- Quyền truy cập: Cộng đồng
Bài giảng Kỹ thuật thu hái, chế biến, phơi sấy và bảo quản dược liệu
Nguồn: TÀI LIỆU ĐÀO TẠO LIÊN TỤC NÂNG CAO NĂNG LỰC CHO CÁN BỘ DƯỢC LÀM VIỆC TẠI TRẠM Y TẾ XÃ HOẠT ĐỘNG THEO NGUYÊN LÝ Y HỌC GIA ĐÌNH- Bộ Y tế -2019
KỸ THUẬT THU HÁI DƯỢC LIỆU
Tỷ lệ hoạt chất chứa trong dược liệu phụ thuộc vào quá trình sinh trưởng, phát triển của cây thuốc. Sự thay đổi này còn khác nhau qua từng năm và có khi qua từng thời gian trong ngày. Do đó việc thu hái các bộ phận của cây thuốc phải tiến hành đúng mùa, đúng thời gian để đảm bảo bộ phận dùng làm thuốc chứa nhiều hoạt chất nhất. Ví dụ: người ta đã xác minh, trong cành và thân xanh của cây Benladon mọc năm đầu tiên, chứa nhiều alcaloid hơn ở lá. Nhưng sang năm thứ hai, thân đã thành gỗ, thì tỉ lệ alcaloid trong thân và cành thấp xuống và tập trung nhiều ở lá. Do đó, lịch thu hái dược liệu chỉ có tính chất hướng dẫn chung. Tùy theo từng cây thuốc, từng vùng, tùy từng thời tiết, trong ngày, trong tháng, trong năm và có thể trong giờ, việc thu hái cần thay đổi cho thích hợp.
Một số nguyên tắc khi thu hái dược liệu:
Thu hái những bộ phận trên mặt đất
Nên thu hái vào lúc thời tiết khô ráo, giữa ngày, khi hạt sương đã bốc hơi hết. Trong đông y, khi dùng số lượng ít, thường thu hái vào sáng sớm để lấy cả tinh khí lúc mới bình minh. Kỹ thuật thu hái cho từng bộ phận cụ thể:
Thu hái vỏ cây
Thu hái vỏ cây như hoàng nàn, núc nác, vỏ cành canh ki na, vỏ xoan, vỏ quế thường thu hái vào mùa xuân là thời kỳ nhựa cây hoạt động mạnh, vỏ dễ bóc, cũng có khi thu hái vào mùa thu khi cây sắp lụi. Thường chỉ thu hái ở những cành trung bình còn bánh tẻ, không nên lấy những cành già hay phần gốc thân. Muốn bóc vỏ cần dùng dao thật sắc, tốt nhất dùng dao bằng thép không rỉ. Tuy nhiên, vỏ thân cây quế quý hơn vỏ cành của nó. Trước khi bóc vỏ, người ta rạch trên thân hay cành 2 đường dọc chiều dài từ 20-30cm, sau đó rạch 2 đường ngang rồi dùng lưỡi dao hay thanh tre để nậy. Khi đóng gói vỏ để cận chuyển, không nên lồng miếng vỏ nọ vào miếng vỏ kia, vì như vậy sẽ lâu khô, mặt vỏ có thể bị thâm đen, chất lượng kém.
Thu hái gỗ
Thu hái gỗ như tô mộc, trầm hương phải thu hái vào mùa đông, khi lá cây đã rụng vì thời gian này gỗ chắc và bảo quản được lâu.
Búp cây
Thu hái búp cây như búp chè, búp ổi, cần thu hái vào mùa xuân khi búp đã nẩy chồi kèm theo 1-2 lá non chưa xoè ra.
Thu hái lá cây
Thường thu hái những lá bánh tẻ vào lúc cây sắp ra hoa hoặc bắt đầu ra hoa (không thu hái lá non quá hoặc già quá), khi đó lá phát triển mạnh nhất, thường chứa nhiều hoạt chất nhất. Không nên thu hái sớm quá có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của cây. Với những cây sống hai năm, thường thu hái lá vào năm thứ hai lúc đó lá chứa nhiều hoạt chất hơn là thu hái vào năm thứ nhất. Vị trí trên cây và thời kì phát triển của lá cũng ảnh hưởng rất nhiều tới thành phần hóa học và công dụng của lá. Ví dụ, lá chè càng già thì càng chứa ít tanin và cafein. Hay một số lá của cây thuộc họ Bạc hà (như tía tô, kinh giới, hương nhu…) lá trên ngọn chứa nhiều tinh dầu hơn lá phía dưới, do đó, thường quy định hái các lá phía trên.
Thường hái lá bằng tay cho khỏi hại cây. Lá có thể hái cả cuống hay không cuống, cũng có trường hợp sống lá dày mọng nước khó cho việc phơi sấy sau này, người ta dọc bỏ ngay sống lá khi hái.
Lúc hái, nên đựng lá vào các rổ có mắt thưa, không xếp cao quá để tránh lá bị ép mạnh và nóng làm đen lá.
Thu hái toàn cây trên mặt đất
Toàn cây trên mặt đất bao gồm thân, cành mang lá và hoa của những cây thuộc loại thân thảo như ích mẫu, bạc hà, hương nhu, kinh giới, tía tô..., phần lớn phải thu hái vào thời kỳ cây bắt đầu ra hoa, cắt từ phía dưới của lá tươi cuối cùng một chút (bỏ phần gốc rễ, thân, cành không còn lá).
Thu hái hoa
Hoa để làm thuốc như hòe hoa, kim ngân hoa, hồng hoa, hoa bụp giấm… được thu hái khi hoa sắp nở hoặc chớm nở, tránh thu hái khi hoa đã nở vì khi đó hoa đã được thụ phấn, cánh hoa rễ rụng, hoạt chất có thể bị giảm. Có khi thu hái cả hoa, có khi chỉ dùng một bộ phận của hoa thôi, phần lớn không hái cuống hoa. Khi thu hái hoa không nên dùng thùng đựng quá cao, để tránh đè lên nhau nhiều quá, khi vận chuyển cần tránh phơi ra ánh nắng mặt trời.
Thu hái quả
Quả cần thu hái vào lúc quả đã chín. Một số trường hợp ngoại lệ cần thu hái vào thời kỳ trước khi quả chín một chút lúc quả còn ương (sa nhân). Khi thu hái các loại quả mọng phải tránh không cho các quả đó đè ép vào nhau. Đối với quả khô tự mở cần thu hái trước khi quả khô hẳn.
Phải thu hái quả vào lúc thật sáng sớm hoặc thật muộn, tránh thu hái vào giữa ngày nắng gắt, quả sẽ chóng hỏng, để quả còn nguyên cuống, xếp nhẹ nhàng, tránh chèn ép vào nhau, các quả bẩn phải rửa nước thì nên thấm khô, xếp riêng để xuất ngay vì quả khi rửa sẽ mất lớp phấn bảo vệ nên quả rễ thối. Dụng cụ đựng quả cần cứng, thoáng, có lót êm, để quả chỗ mát.
Thu hái hạt
Thu hái hạt khi quả đã chín già, lúc hạt đã tự khô một phần, trừ hạt của quả khô tự mở (thảo quyết minh, mã đề) cần thu hoạch trước khi quả khô hẳn, vì để lâu quá sẽ nứt ra, làm rơi hạt.
Thu hái những bộ phận dưới mặt đất (rễ, thân rễ, rễ củ)
Những bộ phận dưới mặt đất như rễ, thân rễ, rễ củ nên thu hái vào lúc thời tiết ẩm ướt vì sau khi thu hái về dược liệu vẫn phải rửa sạch đất cát rồi mới phơi sấy hoặc chế biến.
Những cây sống hàng năm thu hái khi lá cây ngả màu vàng (lúc lá cây úa tàn), quả đã chín già.
Những cây sống hai năm hay lâu năm thường thu hái vào cuối thu sang đông, hoặc vào đầu mùa xuân. Tuy nhiên, trường hợp đặc biệt cần thu hái vào giữa mùa hè, ví dụ rễ cây bồ công anh thu hái vào giữa mùa hè thì hàm lượng chất đắng taraxacin nhiều, nếu chờ đến thu đông thì rễ chứa nhiều inulin ít tác dụng.
Thường dùng thuổng nhọn, xẻng nhỏ sắc để thu hoạch, phải tiến hành thật cẩn thận để tránh không cho dụng cụ thu hái làm tổn hại đến dược liệu. Khi thu hái rễ hay rễ củ cần cắt bỏ bộ phận trên mặt đất, chỉ để lại cổ rễ. Sau khi thu hái phải rửa sạch hết đất cát mới phơi hay sấy khô.
Khi thu hái cần phải chú ý không thu hái những bộ phận thối hỏng, quá bẩn, bị sâu ăn hay bị nấm mốc.
KỸ THUẬT CHẾ BIẾN SƠ BỘ
Chọn lọc dược liệu
Các dược liệu thu hái về đều phải chọn lựa đúng bộ phận dùng làm thuốc, loại bỏ các phần không sử dụng (ma hoàng dùng làm thuốc phát hãn phải bỏ rễ, đốt; hoàng liên, hương phụ, xương bồ phải bỏ rễ con, lông; tắc kè phải bỏ mắt; đào nhân, hạnh nhân, sử quân tử phải bỏ vỏ, màng; mạch môn đông, bách bộ, viễn trí phải rút bỏ lõi, ruột...), những dược liệu khác bị lẫn vào hay các tạp chất (đất, cát) nhằm đảm bảo yêu cầu chất lượng của dược liệu.
Làm sạch dược liệu
Làm sạch dược liệu bằng một trong các cách sau:
Rửa
Thường hay áp dụng với những dược liệu là phần dưới mặt đất hoặc sát mặt đất (cam thảo, sinh địa, đẳng sâm, mạch môn...) để loại bỏ đất đá, sỏi, cát, nhưng cần rửa nhanh, không ngâm lâu trong nước.
Dược liệu có muối cần rửa cho sạch bớt muối (côn bố, hải tảo, diêm phụ).
Sàng, sẩy
Với các dược liệu là hoa, hạt, cành nhỏ không chạm đất (cúc hoa, liên kiều, tử tô, mạn kinh tử, quyết minh tử...) không nên rửa, chỉ cần chọn lọc hay sàng sẩy bỏ tap chất.
Chải, lau
Dùng bàn chải bằng lông hay tre mềm chải sạch lớp lông bên ngoài (tỳ bà diệp) hoặc bên trong vị thuốc (kim anh tử) hoặc dùng vải mềm, giấy bản lau sạch đối với dược liệu không rửa được.
Ngâm dược liệu
Các dược liệu cứng cần ngâm cho mềm để dễ bào thái hoặc dược liệu có độc tính, có tác dụng phụ cần ngâm vào dung dịch phụ liệu thích hợp để giảm độc tính, giảm tác dụng phụ (bán hạ, mã tiền, hoàng nàn ngâm nước vo gạo). Thời gian ngâm tuỳ từng dược liệu nếu ngâm qua ngày phải thay nước.
Ủ dược liệu
Các dược liệu có thể chất cứng rắn phải ủ cho mềm mới bào thái thành phiến mỏng được hoặc một số dược liệu cần ủ cho lên men (sinh địa).
Cắt thái, giã dược liệu
Dược liệu thường được cắt thành khúc, đoạn ngắn (dây lạc tiên, dây kim ngân) hoặc thái thành phiến (thổ phục linh, kê huyết đằng, bạch truật, tỳ giải) để tiện cho việc chế biến hoặc sử dụng.
Với dược liệu có gai móc, vỏ cứng hoặc có lớp rễ tơ bên ngoài (hương phụ, thương nhĩ tử, tật lệ) thường được giã để loại bỏ phần không có tác dụng đó đi hoặc để việc chế biến tiếp theo có hiệu quả.
PHƠI SẤY DƯỢC LIỆU
Phơi, sấy dược liệu là làm cho dược liệu khô dần tới độ thuỷ phần an toàn nhằm trong quá trình bảo quản dược liệu không bị nhiễm mốc, vi khuẩn, không bị tác động bởi enzym và hạn chế các biến đổi hoá học có thể xảy ra trong dược liệu như bị thuỷ phân, oxy hoá, đồng phân hoá, trùng hiệp hoá.
Phơi dược liệu
Phơi là phương pháp làm khô dược liệu bằng không khí nóng thiên nhiên.
Ưu điểm: rất ít tốn kém về kinh tế.
Nhược điểm: bị động bởi thời tiết.
Có 2 cách: phơi dưới ánh nắng mặt trời và phơi trong râm.
Phơi dưới ánh nắng mặt trời
Áp dụng đối với những dược liệu không bị ánh sáng mặt trời trực tiếp làm hỏng.
Dược liệu có thể được phơi nắng trên sân phơi sạch sẽ có trải tấm liếp, phên hoặc để dược liệu trong khay, nong, nia. Không nên để dược liệu trực tiếp xuống đất.
Dược liệu có thể được phơi nắng trên giá, kệ cao cách đất (thường áp dụng với dược liệu quý hiếm, dược liệu mỏng manh), hoặc có thể phủ thêm vải màn lên trên để tránh ruồi nhặng (áp dụng với các dược liệu có đường như long nhãn, thục địa).
Khi phơi dược liệu phải tãi mỏng, thường xuyên xới đảo để dược liệu chóng khô và khô đều. Thời gian phơi có thể kéo dài từ vài giờ đến vài ngày tuỳ theo lượng nước chứa trong dược liệu và tuỳ theo thời tiết.
Phơi trong râm (phơi âm can)
Áp dụng đối với dược liệu dễ biến màu, hoạt chất dễ bị biến đổi bởi ánh nắng trực tiếp của mặt trời, dược liệu có tinh dầu.
Tuỳ từng dược liệu mà có thể trải mỏng trên các tấm liếp, phên, khay, nong, nia đặt trên các giá hoặc buộc dược liệu thành từng bó nhỏ treo trên dây cho khô dần.
Việc làm khô được tiến hành trong các lều xung quanh không có vách, thoáng gió. Các giá và dây phơi phải cách nhau để không khí có thể lưu thông dễ dàng.
Sấy dược liệu
Là phương pháp làm khô dược liệu chủ động bằng không khí nóng trong buồng kín có lỗ thông hơi của lò sấy hoặc tủ sấy. Nhiệt độ của lò hay tủ cung cấp nhiệt có thể điều chỉnh để nhiệt độ sấy có thể thay đổi từ 300C - 800C.
Trước khi sấy cần tiến hành làm sạch và phân loại riêng từng loại dược liệu. Khi sấy dược liệu thường nâng nhiệt độ sấy từ từ trong khoảng nhiệt độ 400C - 700C, ở những nhiệt độ này các men không bị phá huỷ mà chỉ ngừng hoạt động do không đủ tỷ lệ nước cần thiết. Khi dược liệu bị ẩm lại, các men hoạt động trở lại bình thường. Quá trình sấy thường chia thành 3 giai đoạn:
Giai đoạn đầu: sấy ở nhiệt độ 400C - 500C.
Giai đoạn giữa: sấy ở nhiệt độ 500C - 600C.
Giai đoạn cuối: sấy ở nhiệt độ 600C - 700C.
Riêng các dược liệu có chứa tinh dầu, chứa hoạt chất dễ bị nhiệt phá huỷ, dễ bay hơi, dễ thăng hoa thì nhiệt độ sấy không quá 400C.
Ưu điểm: không bị động bởi thời tiết. Nhược điểm: tốn kém về kinh tế.
KỸ THUẬT BẢO QUẢN DƯỢC LIỆU
Dược liệu có nhiều loại, có đặc điểm và tính chất khác nhau. Nhưng dược liệu có đặc điểm chung là cồng kềnh, khối lượng bảo quản thường lớn, khó đóng gói kín và thường dùng các bao bì đóng gói đơn giản, không có khả năng chống các yếu tố gây hư hỏng; khó sắp xếp, khó phơi xông sấy, vận chuyển và khó để được lâu. Khi nhập dược liệu phải kiểm tra và có sự phân loại đối với từng dược liệu.
Các loại dược liệu cần bảo quản đúng kỹ thuật, quy định trong nhà kho đúng quy cách để giữ hình thức và phẩm chất của dược liệu không bị giảm sút. Trong thời gian bảo quản, dược liệu chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố, bao gồm:
Độ ẩm
Độ ẩm không khí là tác nhân chính ảnh hưởng đến chất lượng dược liệu. Độ ẩm phù hợp với đều kiện bảo quản dược liệu là 60-65%. Độ ẩm cao sẽ là điều kiện thuận lợi cho sâu mọt, nấm mốc phát triển, dược liệu bị nhiễm nấm mốc sẽ sinh nhiệt, hoạt chất trong dược liệu dễ bị phân huỷ, chất lượng dược liệu sẽ giảm dần.
Để khắc phục độ ẩm cao, nhà kho phải xây dựng đúng quy cách, trang bị máy móc hoặc thiết bị chống ẩm để chủ động hạ thấp độ ẩm. Dược liệu nhập kho phải đạt độ thuỷ phần an toàn cho từng loại (độ ẩm của hạt là 8-10%; độ ẩm của hoa, lá, vỏ cây là 10-12%; độ ẩm của rễ và dược liệu có đường, tinh dầu là 12-15%). Phải có kế hoạch đảo kho theo định kỳ; phải phơi sấy dược liệu khi có điều kiện. Các dược liệu quý (nhân sâm) cần bọc giấy chống ẩm, bảo quản trong thùng kín, có chất hút ẩm (vôi sống, silicagel) để chống nấm mốc.
Nhiệt độ
Nhiệt độ thích hợp để bảo quản các dược liệu là 250C. Nhiệt độ cao sẽ làm thành phần tinh dầu trong dược liệu bay hơi, hoặc dược liệu chứa chất béo dễ bị biến chất; dược liệu có đường dễ bị lên men. Khi nhiệt độ không thích hợp kết hợp với độ ẩm cao sẽ làm cho hoạt chất trong dược liệu bị thuỷ phân, sâu mọt sinh sản nhanh làm giảm sút chất lượng dược liệu.
Để giảm nhiệt độ thì kho chứa dược liệu phải được xây dựng đúng quy cách, kho phải mát, thoáng gió, khô ráo, phải được trang bị hệ thống thông gió để chủ động khống chế nhiệt độ thích hợp. Giữa các giá phải có lối đi lại. Các dược liệu phải được xếp đặt theo từng khu vực để dễ tìm, dễ kiểm soát. Định kỳ phải đảo kho, theo dõi, phát hiện nấm mốc, sâu mọt để sử lý kịp thời.
Nấm mốc
Nấm mốc dễ phát sinh trên dược liệu khi có điều kiện nóng ẩm. Dược liệu bị nấm mốc sẽ sinh ra acid hữu cơ cùng với độc tố của nấm mốc thải ra làm giảm chất lượng dược liệu. Vì vậy cần thường xuyên kiểm tra để phát hiện nấm mốc, nếu chớm mốc phải tách riêng, xử lý ngay như rửa, lau nước hoặc lau cồn rồi phơi sấy lại và có kế hoạch sử dụng sớm, nếu nhiễm nặng thì phải huỷ bỏ.
Côn trùng
Tất cả các loại côn trùng đều có thể ăn hại dược liệu, làm giảm số lượng và chất lượng. Vì vậy cần phải tiến hành kiểm tra thường xuyên, nếu có sâu mọt phải xử lý ngay (phơi, sấy ở 650C, xông cloropicrin…), phân loại và bảo quản lại. Đặc biệt chú ý kiểm tra mối vì chúng phá hoại dược liệu rất nhanh, chúng đem đất lên làm tổ, gây ẩm ướt tạo điều kiện nấm mốc phát triển, xông hỏng dược liệu, bao bì, đồ gỗ trong kho. Để phòng mối trong kho cần có giá, kệ cao, dược liệu xếp xa tường và trần nhà; nếu phát hiện có mối cần tiêu diệt ngay bằng thuốc chống mối.
Bao bì đóng gói
Mục đích của việc đóng gói là để bảo vệ dược liệu về mọi mặt trong thời gian vận chuyển hay bảo quản.
Khi đóng gói cần phải theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật của ngành Dược về loại bao bì, kích thước, khối lượng, hình dáng. Bao bì không sạch hoặc ẩm sẽ là điêù kiện cho nấm mốc, sâu mọt phát triển; đóng gói sơ sài thì khi vận chuyển, đảo kho dược liệu trong bao dễ bị vụn nát, giảm phẩm chất. Vì vậy phải chọn đồ bao gói phù hợp với từng dược liệu, đóng gói đúng quy cách.
Thời gian tồn kho
Mặc dù dược liệu được bảo quản trong những điều kiện tốt về nhà kho, nhiệt độ, độ ẩm, bao bì đóng gói, nhưng nếu thời gian bảo quản lâu cũng ảnh hưởng đến chất lượng của dược liệu. Nói chung thời gian bảo quản dược liệu trong kho càng ngắn càng tốt. Vì vậy, cần có kế hoạch tiêu thụ dược liệu hợp lý, đảm bảo nguyên tắc hàng nhập trước thì phải xuất trước, luôn luôn đảo thuốc, tránh lưu kho quá lâu áp dụng theo nguyên tắc FIFO.
Nguyên tắc First in, First out (FIFO): “Với cùng một loại thuốc, những thuốc nhập kho trước thì phải cấp phát trước và ngược lại”.
MỘT SỐ KỸ THUẬT GACP.
Dựa theo thông tư 19/2019/TT-BYT ngày 30/07/2019 về “Quy định Thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu và các nguyên tắc, tiêu chuẩn khai thác dược liệu tự nhiên”; một số kỹ thuật trong tiêu chuẩn thực hành tốt trồng và thu hái dược liệu tiến hành áp dụng được tại trạm y tế xã phường giúp đảm bảo dược liệu đạt chất lượng tốt khi thu hái.
Thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu
Hạt giống và nguyên liệu nhân giống
Chọn giống
Giống cây để trồng phải là các loài được quy định trong Dược điển Việt Nam hoặc Dược điển các nước và trong các tài liệu về dược liệu được phép xuất bản khác.
Trường hợp các dược liệu mới được du nhập, thì phải lập hồ sơ cụ thể (thành hồ sơ nguồn) như mô tả trong các tài liệu của nước xuất xứ.
Nguyên liệu nhân giống
Các nguyên liệu nhân giống cần được nêu cụ thể, bao gồm các thông tin: nhà cung cấp hạt giống và các vật liệu nhân giống; tất cả các thông tin cần thiết liên quan đến lai lịch, chất lượng và tính năng sản phẩm, cũng như lịch sử phát triển sản phẩm (nếu có thể).
Nguyên liệu nhân giống phải đảm bảo chất lượng, sạch bệnh và không bị ô nhiễm. Nguyên liệu trồng trọt nên có tính đề kháng hoặc dung nạp được các nhân tố sống hoặc không có sự sống.
Các nguyên liệu nhân giống khác là sản phẩm hữu cơ cần được chứng nhận là các dẫn xuất hữu cơ (Nguồn gốc hữu cơ).
Nuôi trồng
Môi trường sinh thái và tác động xã hội
Nên chú ý đến sự cân bằng sinh thái và đặc biệt là tính đa dạng di truyền của hệ thực vật và động vật trong các môi trường sống ở xung quanh.
Việc đưa vào canh tác một loại dược liệu không thuộc bản địa có thể có tác động có hại cho thế cân bằng sinh học và sinh thái của khu vực. Cần theo dõi tác động sinh thái của các hoạt động trồng trọt theo thời gian (nếu có thể được).
Tác động xã hội của việc canh tác đối với các cộng đồng địa phương cần được khảo sát để đảm bảo tránh được các tác động tiêu cực đối với việc làm ăn sinh sống tại địa phương.
Khí hậu
Điều kiện khí hậu có thể ảnh hưởng đến chất lượng của dược liệu về mặt vật lý, hóa học và sinh học. Thời gian có nắng, lượng mưa trung bình, nhiệt độ trung bình, gồm cả các khác biệt về nhiệt độ ban ngày và ban đêm, cũng ảnh hưởng đến các hoạt động sinh lý, sinh hóa của cây.
Thổ nhưỡng
Đất cần có những lượng thích hợp các dưỡng chất, chất hữu cơ và những yếu tố khác để bảo đảm chất lượng và sự tăng trưởng tối ưu của dược liệu;
Các điều kiện tối ưu của đất, bao gồm loại đất, hệ thống thoát nước, khả năng giữ ẩm, độ phì nhiêu và độ pH phải thích hợp cho loài dược liệu được chọn và/hoặc bộ phận thảo dược cần có;
Cần phải bảo đảm việc dùng phân bón đúng chủng loại, đúng lượng và đúng thời điểm. Không được dùng phân bắc làm phân bón do nguy cơ tiềm ẩn của các vi sinh vật hoặc ký sinh trùng truyền nhiễm. Phân gia súc, gia cầm (phân chuồng) cần được ủ kỹ để đạt các tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn với giới hạn vi khuẩn có thể chấp nhận và diệt được khả năng nảy mầm của cỏ dại. Tất cả các lần sử dụng phân bón đều phải lưu hồ sơ.
Tưới nước và thoát nước
Cần kiểm tra và thực hiện việc tưới nước và thoát nước đúng theo nhu cầu của từng loài dược liệu trong các thời kỳ tăng trưởng khác nhau của cây. Nước dùng để tưới phù hợp với đặc điểm của từng vùng, cẩn thận trọng để bảo đảm các cây đang trồng không bị thiếu nước hay úng nước;
Khi chọn cách tưới nước (tưới nhẹ trên bề mặt đất, tưới ngấm hoặc tưới bằng vòi phun), phải xét đến tác động đối với sức khỏe cây trồng, nhất là những nguy cơ truyền bệnh do các vật chủ trung gian.
Chăm sóc và bảo vệ cây
Áp dụng đúng lúc các biện pháp như bấm ngọn, nhặt nụ, tỉa cành và che nắng để kiểm soát sự tăng trưởng và phát triển của cây, cải thiện chất lượng và số lượng dược liệu sản xuất được.
Cần áp dụng phương pháp quản lý tổng hợp sâu bệnh hại. Khi cần, chỉ được dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục được phép sử dụng, theo đúng hướng dẫn trên nhãn thuốc và các yêu cầu theo quy định. Chỉ có các nhân viên đã qua tập huấn mới được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Tuân thủ thời gian tối thiểu giữa những lần xử lý thuốc và thời gian cách ly khi thu hoạch theo đúng các hướng dẫn trong bao bì của mỗi loại sản phẩm. Lượng tồn dư của thuốc bảo vệ thực vật trong cây dược liệu theo quy định hiện hành. Tất cả các lần sử dụng thuốc đều phải lưu hồ sơ.
Thu hoạch dược liệu
Cần thu hoạch dược liệu đúng thời vụ hay khoảng thời gian tối ưu để đảm bảo sản xuất dược liệu với mức chất lượng tốt nhất có thể. Thời điểm thu hoạch phụ thuộc vào bộ phận dùng của cây dược liệu;
Thời điểm tốt nhất cho thu hoạch (mùa vụ/thời điểm trong ngày đạt đỉnh chất lượng) cần được xác định theo chất lượng và hàm lượng hoạt chất có tác dụng sinh học;
Trong khi thu hoạch phải cẩn thận để bảo đảm không có tạp chất, cỏ dại hoặc những loại cây có độc xen lẫn vào các dược liệu đã thu hoạch;
Nên thu hoạch dược liệu trong những điều kiện tốt nhất, tránh sương, mưa hoặc ẩm quá cao. Nếu thu hoạch trong điều kiện ẩm ướt thì dược liệu đã thu hoạch cần được vận chuyển ngay đến một cơ sở sơ chế để tiến hành sấy khô nhằm ngăn ngừa sự lên men của vi sinh vật và sự phát triển của nấm mốc;
Hạn chế tối đa việc để dược liệu thu hoạch tiếp xúc với đất nhằm giảm thiểu tình trạng nhiễm khuẩn trong các dược liệu đã thu hái (có thể dùng các tấm trải rộng bằng vải bạt hoặc nilon để lót giữa dược liệu đã thu hoạch và đất). Nếu dược liệu thu hoạch là các bộ phận dưới mặt đất (như rễ), thì phải loại bỏ mọi đất cát bám vào dược liệu ngay khi thu hoạch. Dược liệu đã thu hoạch phải được vận chuyển ngay trong điều kiện sạch và khô. Có thể đặt dược liệu trong các giỏ sạch, bao khô, xe moóc hoặc các đồ đựng thông thoáng khác đưa đến một điểm tập trung để dễ vận chuyển đến cơ sở chế biến;
Mọi đồ đựng dùng trong thu hoạch phải được giữ sạch, không bị nhiễm tạp chất hay các dược liệu đã thu hoạch trước. Nếu dùng đồ đựng bằng nhựa thì phải đặc biệt chú ý không để hơi ẩm tồn đọng để tránh nấm mốc phát triển. Phải giữ các đồ đựng này trong điều kiện khô ráo, ở nơi được bảo vệ khỏi ảnh hưởng của các loại côn trùng, loài gặm nhấm, chim và các loài gây hại khác, cũng như thú nuôi và gia súc;
Nên tránh mọi sự hư hại cơ học hoặc nén chặt dược liệu. Các loại dược liệu bị phân hủy cần phải được đánh dấu và loại bỏ trong khi thu hoạch, kiểm tra sau thu hoạch và chế biến, để tránh ô nhiễm vi khuẩn ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
Sơ chế, đóng gói, bảo quản, vận chuyển dược liệu sau khi thu hoạch.
Kiểm tra và phân loại dược liệu
Dược liệu cần được kiểm tra và phân loại trước khi sơ chế. Công tác kiểm tra có thể bao gồm:
Kiểm tra bằng cảm quan để loại tạp chất.
Đánh giá theo cảm quan về mức độ hư hỏng, kích cỡ, màu sắc, mùi, vị khả dĩ có.
Sơ chế
Các dược liệu được thu hoạch hay khai thác cần được bốc dỡ hoặc tháo ra khỏi bao bì ngay khi đến cơ sở chế biến. Trước khi chế biến, cần phải bảo vệ dược liệu khỏi bị ảnh hưởng của mưa, hơi ẩm và bất cứ điều kiện nào có thể làm giảm phẩm chất của chúng. Chỉ đem phơi dược liệu trực tiếp dưới ánh nắng khi nào có yêu cầu cụ thể phải làm theo phương pháp này.
Các loại dược liệu phải tưới nước thì cần được thu hái và vận chuyển càng nhanh càng tốt đến cơ sở chế biến để ngăn sự lên men do vi khuẩn (có thể bảo quản trong điều kiện đông lạnh, trong bình, lọ, hộp cát hay những biện pháp bảo quản thích hợp khác). Nên vận chuyển ngay đến người sử dụng. Cần tránh dùng chất bảo quản. Nếu có dùng các chất bảo quản thì phải theo đúng các quy định hiện hành.
Các loại dược liệu phải sử dụng tươi thì cần được giữ đông lạnh, trong bình, lọ, hộp cát, hay những hiện pháp bảo quản thích hợp khác và vận chuyển đến người sử dụng cuối cùng càng nhanh càng tốt. Cần tránh dùng chất bảo quản. Nếu có dùng các chất bảo quản thì phải theo đúng các quy định hiện hành.
Tất cả các dược liệu đã sơ chế cần được bảo vệ khỏi bị nhiễm bẩn và phân hủy, tránh để côn trùng, loài gặm nhấm, chim và các loại có hại khác hay thú nuôi và gia súc làm hư hỏng.
Làm khô
Khi dược liệu đã sơ chế để sử dụng ở dạng khô, thì cần phải đạt tiêu chuẩn độ ẩm theo quy định.
Có thể làm khô dược liệu bằng một số cách: âm can (phơi gió ở chỗ trống và râm, tránh nắng); rải lớp mỏng trên khung phơi, trong phòng hay nhà có lưới chắn; phơi nắng trực tiếp, nếu thích hợp; sấy trong lò/phòng và máy sấy dùng năng lượng mặt trời; sấy bằng lửa gián tiếp; nướng; đông khô; sấy bằng lò vi sóng; hoặc thiết bị sấy hồng ngoại.
Cần khống chế nhiệt độ trong quá trình làm khô để tránh làm hỏng các hợp phần có hoạt tính hóa học. Lưu hồ sơ về phương pháp và điều kiện làm khô.
Nên tránh phơi dược liệu trực tiếp trên nền đất không che phủ. Nếu dùng một bề mặt bê tông hay xi măng để phơi thì phải đặt dược liệu trên một tấm vải nhựa hoặc một loại vải hay tấm trải khác thích hợp. Các khu vực phơi dược liệu cần cách xa các loài côn trùng, loài gặm nhấm, chim và những loài có hại khác cũng như thú nuôi và gia súc.
Nếu sấy khô trong nhà thì cần xác định thời gian, nhiệt độ sấy, độ ẩm và các điều kiện khác căn cứ theo từng bộ phận sử dụng (như lá, rễ, thân, vỏ, hoa...) và các hoạt chất dễ bay hơi, như tinh dầu.
Có thể áp dụng các phương pháp như: lột bỏ vỏ của rễ và căn hành, luộc, hấp, tẩm, ngâm giấm, chưng cất, xông hơi, sao, cho lên men tự nhiên, xử lý bằng vôi và thái thành miếng nhỏ, xử lý kháng khuẩn bằng chiếu xạ để bảo quản dược liệu.
Đóng gói và dán nhãn hàng chờ đóng gói
Phải có các biện pháp để đảm bảo việc đóng gói được thực hiện nhanh chóng và giảm thiểu nguy cơ nhiễm chéo hay nhầm lẫn hoặc thay thế đối với các hoạt động dán nhãn và đóng gói. Phải có phân cách cơ học để phòng tránh sự nhầm lẫn của sản phẩm và bao bì đóng gói khi thực hiện việc đóng gói các sản phẩm khác nhau trong khu vực đóng gói. Tên sản phẩm và số lô phải hiển thị ở khu vực đang thực hiện công đoạn đóng gói sản phẩm.
Phải vệ sinh sạch sẽ dây chuyền trước khi thực hiện hoạt động đóng gói để đảm bảo không có bất kỳ sản phẩm, vật liệu, tài liệu sử dụng trước đó không cần thiết cho các hoạt động hiện tại còn sót lại trên dây chuyền.
Các mẫu nhãn và mẫu của bao bì đã được in ấn phải được lưu trong hồ sơ lô. Có các khu vực biệt trữ riêng biệt và an toàn cho các thành phẩm chờ cho phép xuất xưởng. Hoạt động in (ví dụ đối với số lô, hạn dùng) phải được thực hiện độc lập hoặc trong quá trình đóng gói và phải được kiểm tra và ghi lại. Việc in ấn bằng tay phải được kiểm tra lại đều đặn.
Các sản phẩm và vật liệu đóng gói được sử dụng phải được kiểm tra khi giao hàng cho các bộ phận đóng gói đảm bảo về số lượng và đúng chủng loại.
Các thông tin được in ấn và dập nổi trên bao bì phải dễ dàng nhận thấy và có khả năng chống phai màu hoặc tẩy xóa.
Việc kiểm soát trong quá trình đóng gói tối thiểu phải bao gồm; hình thức của bao bì; bao bì đã sử dụng đúng với sản phẩm; độ chính xác của việc in ấn; hoạt động chuẩn xác của dây chuyền.
Bảo quản và vận chuyển
Phải xây dựng các quy trình cho việc bảo quản thành phẩm xuất xưởng. Phải có các hồ sơ cho phép xác định nhanh tất cả thông tin thành phẩm.
Cần lưu trữ các ghi chép về thời gian bảo quản, nhiệt độ và các điều kiện bảo quản khác trước khi phân phối.
Phương tiện vận chuyển để vận chuyển nguyên liệu dược liệu chờ đóng gói từ nơi sản xuất đến bảo quản để chế biến phải làm sạch giữa hai lần, phải được làm sạch, và khi thích hợp được thông gió tốt để làm mất hơi ẩm ở nguyên liệu dược liệu và để ngăn ngừa sự ngưng tụ nước.
Nguyên liệu dược liệu trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ phải được bảo quản và vận chuyển riêng biệt hay cách bảo đảm sự nguyên vẹn của chúng.
Chỉ được phép xông thuốc chống dịch bệnh khi cần thiết và giới hạn theo quy định hiện hành.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Bộ y tế (2005), Dược liệu, Nhà xuất bản y học.
Bộ Y tế (2019), thông tư 19/2019/TT-2019 của Bộ Y tế về “Tiêu chuẩn Quy định Thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu và các nguyên tắc, tiêu chuẩn khai thác dược liệu tự nhiên”.
-
Tài liệu mới nhất
-
Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ Y tế
20:56,31/01/2023
-
Chụp CL trở kháng điện để chuẩn độ AL dương cuối thì thở ra trong HC nguy kịch hô hấp cấp tính
15:41,31/01/2023
-
Các kịch bản lâm sàng của ứng dụng chụp cắt lớp trở kháng điện trong chăm sóc tích cực ở trẻ em
22:41,30/01/2023
-
Thông khí hướng dẫn bằng áp lực đẩy so với thông khí bảo vệ phổi ở bệnh nhân ARDS
22:08,12/01/2023
-
Áp lực đẩy và áp lực xuyên phổi: Làm thế nào để chúng tôi hướng dẫn thông khí cơ học an toàn?
22:49,10/01/2023
-
Chuẩn năng lực cơ bản của Cử nhân Dinh dưỡng Việt Nam
20:54,09/01/2023
-
Giảm viêm phổi liên quan đến thở máy ở khoa chăm sóc đặc biệt cho trẻ sơ sinh
21:50,08/01/2023
-
Các chiến lược ngăn ngừa viêm phổi liên quan đến thở máy,...
10:33,07/01/2023
-
Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh do vi rút Adeno ở trẻ em
21:16,06/01/2023
-
Chuẩn năng lực cơ bản của Cử nhân Điều dưỡng Việt Nam
20:31,05/01/2023
-
Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ Y tế