Bài giảng hướng dẫn sử dụng dược liệu chữa bệnh phụ nữ, thấp khớp
- Tác giả: Bộ Y tế
- Chuyên ngành: Trạm y tế xã
- Nhà xuất bản:Bộ Y tế
- Năm xuất bản:2019
- Trạng thái:Chờ xét duyệt
- Quyền truy cập: Cộng đồng
Bài giảng hướng dẫn sử dụng dược liệu chữa bệnh phụ nữ, thấp khớp
Nguồn: TÀI LIỆU ĐÀO TẠO LIÊN TỤC NÂNG CAO NĂNG LỰC CHO CÁN BỘ DƯỢC LÀM VIỆC TẠI TRẠM Y TẾ XÃ HOẠT ĐỘNG THEO NGUYÊN LÝ Y HỌC GIA ĐÌNH- Bộ Y tế -2019
DƯỢC LIỆU CHỮA BỆNH THẤP KHỚP
CỎ XƯỚC
Tên khác: Ngưu tất nam, nhả khoanh ngù (Tày), co nhả lìn ngu (Thái), hà ngù.
Tên khoa học: Achyranthes aspera L., họ Rau dền (Amarathaceae).
Đặc điểm thực vật
Cây thảo sống lâu năm, có thể cao tới gần 1m, thân hơi vuông, có lông mềm. Lá hình trứng, mọc đối, mép lượn sóng. Hoa nhiều, mọc thành bông ở ngọn, dài 20cm - 30 cm. Quả nang là một túi, có thành rất mỏng, có lá bắc nhọn như gai, dễ mắc vào quần áo khi ta đụng phải. Hạt hình trứng dài.
Trồng trọt
Nhân giống bằng hạt hoặc giâm cành. Hạt được gieo thẳng hay gieo trong vườn ươm vào tháng 2 - 3, sau đó đánh cây con ra trồng.
Bộ phận dùng, thu hái, chế biến
Rễ: thu hái vào mùa đông khi cây lụi, phơi hoặc sấy khô.
Công dụng – cách dùng
Chữa cảm mạo phát sốt, phong thấp tê mỏi yếu liệt, đau lưng, nhức xương khớp, viêm khớp, chân tay co quắp, kinh nguyệt không đều, bế kinh, thống kinh, giải độc, chữa đau họng, loét miệng, loét chân răng, tiểu tiện buốt không lợi, đái ra máu, sỏi thận.
Liều dùng: 12 – 40g / ngày, sắc uống.
Cỏ xước dùng ngoài chữa lở ngứa, viêm miệng.
CỐT KHÍ CỦ
Tên khác: Hổ trượng căn, điền thất, phù linh, nam hoàng cầm, mèng kẻng (Tày), hồng lìu (Dao), co hớ hườn (Thái).
Tên khoa học: Polygonum cuspidatum Sieb. et Zucc., họ Rau răm (Polygonaceae).
Đặc điểm thực vật
Cây nhỏ, sống lâu năm.Rễ phình thành củ cứng mọc bò nghiêng dưới đất, vỏ ngoài màu nâu đen, ruột màu vàng. Thân hình trụ, nhẵn, mọc thẳng đứng, cao 0,5cm - 1,0m, thường có đốm màu tím hồng. Lá mọc so le, cuống lá ngắn, phiến hình trứng, đầu lá tù, hơi nhọn, mép lá nguyên, mặt trên màu xanh thẫm, mặt dưới màu nhạt hơn, có bẹ chìa ngắn.
Cụm hoa ngắn hơn lá, mọc thành chùm ở kẽ lá, hoa nhỏ màu trắng, hoa đực, hoa cái khác gốc, bao hoa có 5 phiến, hoa đực có 8 nhị, hoa cái có bầu 3 góc.
Quả khô 3 cạnh, màu nâu đỏ. Mùa hoa quả: tháng 10 - 11.
Trồng trọt
Nhân giống bằng đoạn rễ mang mầm. Khi thu hoạch, những rễ bên được tách ra, giâm trong cát ẩm, đến mùa xuân đem trồng.
Bộ phận dùng, thu hái, chế biến
Rễ củ: thu hái quanh năm, tốt nhất vào mùa thu đông, rửa sạch đất cát, cắt bỏ rễ con, phơi hay sấy khô.
Công dụng– cách dùng
Chữa phong thấp tê bại, đau nhức gân xương, chấn thương, ngã sưng đau ứ huyết, kinh nguyệt bế tắc, kinh nguyệt khó khăn đau đớn, sau khi đẻ huyết hôi bị ứ đọng trong tử cung, bụng chướng, chữa tiểu tiện ra máu, đái rắt, đái buốt. Còn dùng trị mụn nhọt, lở ngứa và làm thuốc cầm máu trong trường hợp vết thương chảy máu. Liều dùng: 10- 20g, dạng thuốc sắc.
DÂU TẰM
Tên khác: Dâu, dâu ta, tang, mạy mọn, mạy bơ (Tày), Dâu cang (H´mông), co mọn (Thái), nằn phong (Dao).
Tên khoa học: Morus alba L., họ Dâu tằm (Moraceae).
Đặc điểm thực vật
Cây nhỏ, cao 6m hay hơn ở trạng thái hoang dại, cây trồng thường cao 1,5m - 2,0m. Cành mềm, lúc non có lông, sau nhẵn, có màu
xám trắng. Lá mọc so le, hình bầu dục, hình tim, hình trứng rộng hoặc chia thành 3-5 thùy, đầu lá nhọn hay hơi tù, mép lá răng cưa nhỏ đều, hai mặt lá có màu lục sáng, cuống lá dài mảnh, hơi có lông, có lá kèm hình dải nhọn.
Hoa đơn tính, không có cánh hoa, cụm hoa đực mọc thành bông dạng đuôi sóc, cụm hoa cái dạng bông ngắn hình trừng hay gần hình cầu.
Quả bế bao bọc trong các lá đài mọng nước tụ họp thành một quả kép, khi chín màu đỏ hay đỏ hồng, sau đen.
Mùa hoa quả: tháng 5-7.
Hình 41. Cây dâu tằm
Trồng trọt
Dâu chủ yếu được nhân giống bằng cành, trồng tốt nhất vào tháng 12 khi cành dâu chưa ra lộc. Chọn cành có 10-12 tháng tuổi trên cây dâu có 2-5 năm tuổi, chặt thành đoạn dài 25-30cm để làm hom giống.
Bộ phận dùng, thu hái, chế biến
Dược liệu dâu tằm bao gồm nhiều bộ phận của cây:
Lá (Tang diệp): dùng lá bánh tẻ, phơi hay sấy nhẹ đến khô.
Cành (Tang chi): thu hái quanh năm, chọn cành non bỏ hết lá, chặt đoạn ngắn, phơi hay sấy khô.
Quả (Tang thầm): thu hài khi quả chín.
Vỏ rễ (Tang bạch bì): chọn rễ ngầm dưới đất, rửa sạch, cạo bỏ hết lớp mầu vàng nâu của vỏ rễ, lấy phần vỏ màu trắng ngà, chia đoạn ngắn, phơi hặc sấy khô.
Tầm gửi cây dâu (Tang ký sinh): cây mọc ký sinh trên cây dâu, thu hái quanh năm, phơi hặc sấy khô.
Tổ trứng bọ ngựa trên cây dâu (Tang phiêu tiêu): dùng tổ trứng chưa nở, đồ chín, sấy khô.
Sâu dâu: là ấu trùng của một loài sén tóc, sống và lớn dần trong cây dâu, có mầu trắng sữa, mềm nục.
Công dụng – cách dùng
Lá dâu chữa cảm mạo có sốt, viêm họng, ho, nhức đầu, đau răng, chảy nước mắt, viêm màng tiếp hợp cấp, nổi ban xuất huyết do rối loạn thành mạch hay dị ứng, cao huyết áp, mất ngủ.
Liều dùng: 4-12g/ngày, dạng thuốc sắc.
Cành dâu chữa phong thấp, đau nhức các đầu xương, cước khí, chân tay co quắp.
Liều dùng: 6-12g/ngày, có thể dùng 40-60g/ngày, dạng thuốc sắc.
Vỏ rễ dâu chữa phế nhiệt, ho có đờm, hen, ho ra máu, trẻ em ho gà, phù thũng, bụng chướng to, tiểu tiện không thông, băng huyết, sốt, cao huyết áp.
Liều dùng: 4-12g/ngày, có thể dùng 20-40g/ngày, dạng thuốc sắc, thuốc bột.
Quả dâu chữa đái tháo đường, tràng nhạc (lao hạch), mắt mờ, ù tai, thiếu máu, đau khớp xương, kém ngủ, râu tóc sớm bạc, táo bón. Uống lâu khỏe người, ngủ ngon giấc, thính tai, sáng mắt. Quả dâu sát lấy nước cô thành cao mềm, ngày uống 12-20g.
Tang ký sinh chữa đau lưng, đau người, chân tay tê bại, động thai, sau đẻ ít sữa.
Liều dùng: 12-20g/ngày, dạng thuốc sắc.
Tang phiêu tiêu chữa tiểu tiện nhiều lần, di tinh, liệt dương, bạch đới, trẻ con đái dầm.
Liều dùng: 6-12g/ngày, dạng thuốc bột.
Sâu dâu chữa trẻ con đau mắt, nhiều dử, nhiều nước mắt. Cả con sâu nướng chín ăn hoặc hấp chín với mật ong.
ĐỊA LIỀN
Tên khác: Sơn nại, tam nại, củ thiền liền, sa khương, co xá choóng (Thái).
Tên khoa học: Kaempferia galanga L., họ Gừng (Zingiberaceae).
Đặc điểm thực vật
Cây thảo, sống lâu năm, không có thân khí sinh, quanh năm xanh tốt. Thân rễ gồm nhiều củ nhỏ, hình trứng mọc nối tiếp nhau, có nhiều vân ngang. Lá 2-3 cái một, hình trứng gần tròn, mọc xoè rộng sát mặt đất, có bẹ. Phiến rộng hình bầu dục, phía dưới thót hẹp lại thành cuống, mép nguyên, hơi có lông mịn ở mặt dưới, hai mặt lá có nhiều chấm hình vòng.
Cụm hoa không cuống nằm ẩn trong bẹ lá, mọc ở nách lá. Lá bắc hình mũi mác nhọn. Hoa 6-12 cái xếp thành hình bánh xe màu trắng pha đốm tím ở giữa. Đài có 3 răng dài, hẹp và nhọn.
Tràng có ống dài, mang 3 thùy.
Toàn cây, nhất là thân rễ, có mùi thơm và vị nồng.
Mùa hoa quả: tháng 5-7.
Chú ý: tránh nhầm lẫn với cây Kaempferia augustifolia Roscoe mà nhân dân Phú Thọ cũng gọi là địa liền.
Hình 42. Cây địa liền
Trồng trọt
Cây được nhân giống bằng thân rễ. Khả năng tái sinh của thân rễ rất mạnh.
Bộ phận dùng, thu hái, chế biến
Thân rễ: thu hái vào mùa đông xuân, rửa sạch, phơi khô. Không được sấy bằng than.
Công dụng – cách dùng
Chữa ngực bụng đau lạnh, tiêu chảy, giúp tiêu hóa chữa chứng ăn uống khó tiêu, đau dạ dày, cảm, ho, nôn mửa, hen xuyễn. Chữa đau nhức xương khớp.
Liều dùng: 3-6g/ngày, dạng thuốc sắc, thuốc bột, thuốc viên ha, thuốc hãm. Còn dùng ngoài dạng rượu thuốc.
HY THIÊM
Tên khác: Cỏ đĩ, chó đẻ hoa vàng, cỏ bà a, cúc dính, nụ áo rìa, sơn bích, cứt lợn, cỏ cứt heo, lưỡi đồng, nhả khỉ cáy (Thổ), Co boóng bo (Thái).
Tên khoa học: Siegesbeckia orientalis L., họ Cúc (Asteraceae).
Đặc điểm thực vật
Cây thảo, sống hàng năm, cao 30cm - 90cm, phân nhiều cành ngang, có lông tuyến. Lá mọc đối chữ thập, hình tam giác hay hình quả trám, cuống ngắn, phiến lá men theo cuống, đầu lá nhọn, mép lá có răng cưa không đều và đôi khi chia 2 thùy ở phía cuống lá, 3 gân chính mảnh, mặt dưới lá hơi có lông.
Cụm hoa hình đầu, có hai loại lá bắc không đều nhau, lá bắc ngoài to, hình thìa, có lông dính, lá bắc trong hình trái xoan ngược. Hoa mầu vàng, 5 cái ngoài là hoa cái hình lưỡi nhỏ, những hoa khác lưỡng tính, hình ống, không có mào lông. Hoa có chất dính, khi đi qua hoa dễ dính vào quần áo vì vậy gọi là cỏ đĩ.
Quả bế, nhẵn, màu đen, hình trứng. Mùa hoa quả: tháng 4-7.
Hình 43. Cây hy thiêm
Trồng trọt
Cây được nhân giống bằng hạt. Hạt được gieo thẳng vào tháng 3-4. Sau 5-7 ngày hạt nảy mầm.
Bộ phận dùng, thu hái, chế biến
Phần trên mặt đất: thu hái khi cây sắp ra hoa, phơi hay sấy khô.
Công dụng – cách dùng
Chữa phong thấp, tê bại, khớp sưng nóng đỏ và đau nhức, đau lưng mỏi gối, đau dây thần kinh, mụn nhọt lở ngứa, kinh nguyệt không đều.
Liều dùng: 8 – 16g khô/ngày, dạng thuốc sắc, cao mềm hoặc hoàn tán.
Hy thiêm tươi dùng ngoài giã đắp tại chỗ chữa nhọt độc, ong đốt, rắn cắn. Chú ý: cây có tác dụng phụ gây nôn khi dùng tươi, uống nhiều.
LÁ LỐT
Tên khác: Tất bát, bẩu pat (Tày), ana khia táo, lau chuẩy (Dao).
Tên khoa học: Piper lolot C. DC., họ Hồ tiêu (Piperaceae).
Đặc điểm thực vật
Cây thân thảo, sống lâu, cao 30cm - 40cm. Thân phồng lên ở các mấu, mặt ngoài có nhiều vạch dọc, đôi khi có màu nâu, hơi phủ lông. Lá đơn nguyên, mọc so le, hình tim, mặt trên lá láng bóng, mặt dưới có ít lông ở các đường gân, gân chằng chịt hình mạng lưới. Cuống lá dài.
Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành bông đơn tính. Trục bông cái có lông, lá bắc có phiến tròn, không cuống.
Quả mọng màu vàng đựng 1 hạt.
Mùa hoa quả: tháng 8-10.
Hình 44. Cây lá lốt
Trồng trọt
Cây được trồng bằng các đoạn thân dài 20cm - 30cm. Có thể trồng quanh năm nhưng tốt nhất trồng vào mùa xuân.
Bộ phận dùng, thu hái, chế biến
Phần trên mặt đất: dùng tươi, hoặc phơi, sấy khô.
Công dụng – cách dùng
Chữa phong thấp, thấp khớp mãn tính, đau nhức xương khớp, đau lưng, tay chân tê bại, rối loạn tiêu hóa, nôn mửa, đầy hơi, trướng bụng, tiêu chảy, đau đầu, đau nhức răng, chảy nước mũi hôi, ra mồ hôi tay chân, phù thũng.
Liều dùng: 5 - 10g (khô), 15 - 30g (tươi)
NÁNG HOA TRẮNG
Tên khác: Tỏi voi, chuối nước, cây lá náng, văn châu lan, luột lài, co lạc quận (Thái).
Tên khoa học: Crinum asiaticum L., họ Thủy tiên (Amryllidaceae).
Đặc điểm thực vật
Cây thảo lớn. Thân hành to hình cầu hoặc hình trứng thuôn, thắt lại ở đầu. Lá mọc thẳng từ thân hành, hình dải, phiến lá dày, dài tới 1m hoặc hơn, gốc lá có bẹ rộng, đầu lá nhọn, mép nguyên uốn lượn, gân lá song song, gân chính lồi rõ ở mặt dưới, hai mặt màu lục nhạt.
Cụm hoa mọc ở giữa túm lá thành tán, trên một cán mập, dẹt, dài 40cm - 60cm, gồm nhiều hoa to màu trắng, có mùi thơm, bao hoa có ống hẹp màu lục. Lá đài và cánh hoa giống nhau, hình dải thuôn hẹp, 6 nhị.
Quả nang hình gần cầu, đường kính 3cm - 5cm, thường chỉ chứa một hạt. Mùa hoa quả: tháng 6-8.
Trồng trọt
Cây có thể trồng quanh năm bằng thân hành. Củ giống là loại bánh tẻ, cắt bớt lá, nhất là rễ con, cắt sát đến chân rễ.
Bộ phận dùng, thu hái, chế biến
Lá và thân hành: thu hái quanh năm, dùng tươi.
Công dụng – cách dùng
Nhân dân thường dùng náng hoa trắng hơ nóng đắp và bóp vào những chỗ tụ máu, sai gân, bong gân, sưng tấy do ngã hay bị đánh, khớp sưng đau, bó gãy xương. Còn dùng xoa bóp khi bị tê thấp, nhức mỏi.
DƯỢC LIỆU CHỮA BỆNH PHỤ NỮ
MÒ HOA TRẮNG
Tên khác: Mò trắng, bấn trắng, bạch đồng nữ, mò mâm sôi.
Tên khoa học: Clerodendrum philippinum Schauer., họ Cỏ roi ngựa (Verbenaceae).
Đặc điểm thực vật
Cây nhỏ, cao khoảng 1m. Thân vuông, có lông màu vàng nhạt. Lá mọc đối, gốc lá tròn hoặc hình tim, đầu lá nhọn dài, mép lá nguyên hoặc có răng cưa nhỏ, có ít lông cứng và mặt dưới có những tuyến nhỏ tròn; gân lá nổi rõ, gân phụ đan thành mạng lưới, vò lá thấy có mùi hăng đặc biệt; cuống lá phủ nhiều lông.
Cụm hoa mọc ở ngọn thân thành chuỳ hoặc xim hai ngả, phủ đầy lông màu hung; hoa có màu trắng ngà hoặc ngà vàng, đài nhỏ, nhẵn, tràng có ống hình trụ mảnh, nhị và vòi nhụy mọc thò dài. Quả hạch, hình cầu, màu đen bóng, có đài tồn tại.
Mùa hoa: tháng 5-8, mùa quả: tháng 9-11.
Trồng trọt
Mò hoa trắng được nhân giống bằng hạt. Hạt được gieo vào tháng 2-3 hoặc tháng 8-9 trong vườn ươm. Khi cây cao 30-40 cm, có 4-5 lá thật, đánh ra trồng.
Hình 46. Cây mò hoa trắng
Bộ phận dùng, thu hái, chế biến
Lá thu hái quanh năm, tốt nhất vào lúc cây đang ra hoa. Chọn lá bánh tẻ, không bị sâu úa, phơi hoặc sấy khô.
Rễ đào về rửa sạch phơi hoặc sấy khô; khi dùng thái mỏng, không phải chế biến.
Công dụng – cách dùng
Mò hoa trắng được dùng điều trị các bệnh: bạch đới, tử cung viêm loét, kinh nguyệt không đều, mụn nhọt lở ngứa, viêm mật vàng da, gân xương đau nhức, mỏi lưng, huyết áp cao.
Liều dùng: 12-16g rễ/ngày, dạng thuốc sắc hay thuốc viên.
Còn dùng trong điều trị vết bỏng. Dùng cành, lá, hoa tươi rửa sạch, đun sôi với nước, lọc và dùng nước lọc này để nhỏ giọt liên tục hoặc ngâm vết thương.
Chú ý: có thể dùng lá bánh tẻ và rễ của cây xích đồng nam (Clerodendrum kaempferi (Jacq.) Sicb., họ Cỏ roi ngựa – Verbenaceae) với công dụng tương tự.
CÂY GAI
Tên khác: Cây lá gai, trữ ma, gai tuyết, chiều đủ (Dao), bâu pán (Tày), hạc co pán (Thái).
Tên khoa học: Boehmeria nivea (L.) Gaud., họ Gai (Urticaceae).
Đặc điểm thực vật
Cây nhỏ, cao 1m - 2m. Thân cứng, hoá gỗ ở gốc. Cành màu đỏ nhạt, phủ nhiều lông. Lá mọc so le, hình trái xoan hoặc hình trứng, lúc non phủ nhiều lông mềm ở cả 2 mặt; lúc già ở mặt trên lá nhẵn, màu lục sẫm, mặt dưới lá có lông, màu trắng bạc, mép có răng cưa hình tam giác, có 3 gân gốc, lá kèm hình dải nhọn, dễ rụng. Cụm hoa đơn tính cùng gốc hay khác gốc, mọc ở kẽ lá. Quả bế, có nhiều lông, hạt có dầu. Mùa hoa quả: tháng 11-1
Hình 47. Cây gai
Trồng trọt
Cây gai có khả năng tái sinh vô tính khỏe bằng cách tái sinh cây chồi sau khi chặt và từ các đoạn thân, cành đem giâm xuống đất.
Bộ phận dùng, thu hái, chế biến
Rễ củ thường gọi là trữ ma căn. Rễ thu hái quanh năm, tốt nhất vào mùa hạ hay mùa thu.
Đào rễ, rửa sạch đất cát, cắt bỏ rễ con, để nguyên hay thái phiến, dùng tươi hay phơi, sấy khô. Ngoài ra, còn dùng lá.
Công dụng – cách dùng
Rễ gai thường dùng làm thuốc an thai, chữa đau bụng động thai, đau bụng ra huyết, dọa sẩy, đái đục, đái ra máu, sưng tấy.
HUYẾT DỤ
Tên khác: Huyết dụng, phát dụ, long huyết.
Tên khoa học: Cordyline terminalis Kunth var. ferrea Bak., họ Huyết dụ (Dracaenaceae).
Đặc điểm thực vật
Cây nhỏ, cao khoảng 2m. Thân mảnh, mang nhiều đốt sẹo, ít phân nhánh. Lá mọc tập trung ở ngọn xếp thành 2 dãy, hình lưỡi kiếm, hai mặt màu đỏ tía, có loại chỉ một mặt đỏ, mặt kia màu lục xám, cuống dài có bẹ và rãnh ở mặt trên. Cụm hoa mọc ở ngọn thân thành chùm xim hoặc chùy phân nhánh, mỗi nhánh mang nhiều hoa màu trắng, mặt ngoài màu tía, 3 lá đài, 3 cánh hoa, 6 nhị, thò ra ngoài tràng, bầu 3 ô. Quả mọng hình cầu.
Mùa hoa quả: tháng 12-1.
Trồng trọt
Trồng bằng cành, cây ưa sáng và ưa ẩm.
Bộ phận dùng, thu hái, chế biến
Rễ, lá, thu hái quanh năm, dùng tươi hay phơi khô.
Công dụng – cách dùng
Lá huyết dụ được dùng làm thuốc chữa rong huyết, băng huyết (không được dùng trước khi đẻ hoặc đẻ rồi còn sót rau), xích bạch đới, thổ huyết, lỵ ra máu, đái ra máu, trĩ, ho ra máu, sốt xuất huyết. Rễ và lá chữa vết thương, phong thấp đau nhức. Ngày dùng 8-16g lá khô hoặc 16-30g lá tươi.
ÍCH MẪU
Tên khác: Chói đèn, sung úy.
Tên khoa học: Leonurus japonicus Houtt., họ Hoa môi (Lamiaceae).
Đặc điểm thực vật
Cây thảo, sống hàng năm hoặc 2 năm, cao 0,5m - 1m. Thân đứng, hình vuông, mặt ngoài có nhiều rãnh dọc. Lá mọc đối, có cuống dài, lá phía gốc gần như tròn có răng cưa nông, hai mặt có lông mềm như nhung, lá giữa dài, xẻ thùy sâu, các thùy có răng cưa nhọn, lá ngọn ngắn, ít xẻ hoặc nguyên. Hoa mọc thành xim co ở kẽ lá, màu hồng hoặc tím hồng, đài hình chuông, tràng hình môi, nhị 4, đính vào giữa ống tràng, quả bế, 3 cạnh, khi chín mầu nâu xám.
Mùa hoa: tháng 3-5, mùa quả: tháng 6-7.
Hình 49. Cây ích mẫu
Trồng trọt
Cây được trồng bằng hạt. Hạt nảy mầm thích hợp ở 20-25oC. Thời vụ gieo hạt tốt nhất ở đồng bằng và trung du là tháng 10-11, ở miền núi là tháng 8-9. Ở miền trung cần tránh mùa khô và gió Lào.
Bộ phận dùng, thu hái, chế biến
Ích mẫu thảo: là toàn cây trên mặt đất, thu hái vào mùa hạ khi cây chớm ra hoa, bỏ gốc rễ, phơi khô.
Sung uý tử: là quả cây ích mẫu, thu hái khi quả già, phơi khô.
Công dụng - cách dùng
Ích mẫu thảo được dùng chữa kinh nguyệt không đều, bế kinh, thống kinh, rong kinh, viêm niêm mạc tử cung, kinh nguyệt quá nhiều, kéo dài, khí hư bạch đới, huyết ứ sau khi sinh đẻ.
Sung uý tử dùng làm thuốc thông tiểu tiện, chữa phù, chữa cao huyết áp, đau đầu, mắt mờ sưng đỏ.
Liều dùng: ích mẫu thảo 10-12 g/ngày, dạng thuốc sắc, cao hoặc viên.
Sung uý tử 3-9g/ ngày, dạng thuốc sắc.
NGẢI CỨU
Tên khác: Thuốc cứu
Tên khoa học: Artemisia vulgaris L., họ Cúc (Asteraceae).
Đặc điểm thực vật
Cây thảo, sống nhiều năm, cao 40cm - 90cm, thân có rãnh dọc và lông nhỏ. Lá mọc so le, lá phía dưới thường có cuống, lá ở trên ngọn không cuống, lá xẻ lông chim 1 hoặc 2 lần, mặt trên lá màu lục sẫm, nhẵn hoặc có ít lông, mặt dưới phủ đầy lông mềm, mịn, màu trắng. Cụm hoa mọc ở ngọn thân và đầu cành thành chùm kép, mang nhiều hoa hình đầu nhỏ, màu vàng lục nhạt. Quả bế, thuôn nhỏ,
không có túm lông. Toàn cây có mùi thơm hắc.
Mùa hoa quả: tháng 10-12
Hình 50. Cây ngải cứu
Trồng trọt
Trồng bằng đoạn thân cành mọc sát mặt đất hoặc bằng cây con. Thời vụ trồng tốt nhất là mùa xuân.
Bộ phận dùng, thu hái, chế biến
Toàn cây trên mặt đất, thu hái khi cây bắt đầu ra hoa, dùng tươi hoặc phơi khô trong râm.
Ngải cứu khô được dùng chế ngải nhung (gọi là thục ngải): ngải cứu khô đem vò nát, bỏ hết xơ, tán nhỏ, rây lấy phần lông trắng thu được ngải nhung.
Công dụng – cách dùng
Dùng chữa kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh, bạch đới, kinh nguyệt nhiều, đau bụng lạnh, nôn mửa đi lỵ, chữa động thai, chữa phong thấp, đau đầu, đau dây thần kinh, băng huyết, thổ huyết, cháy máu cam, tiểu tiện ra máu.
Trong đông y ngải nhung được dùng làm mồi cứu.
TRINH NỮ HOÀNG CUNG
Tên khác: Tỏi lơi lá rộng.
Tên khoa học: Crinum latifolium L., họ Loa kèn đỏ (Amaryllidaceae).
Đặc điểm thực vật
Cây cỏ lớn, thân hành to, gần hình cầu hoặc hình trứng thuôn, phủ bởi những vẩy to, dày, màu trắng. Lá mọc từ thân hành, hình dải, mép nguyên, đầu nhọn hoặc tù, gân song song, có bẹ lá. Cụm hoa mọc thành tán trên một tán dẹt, hoa màu trắng pha hồng, bao hoa gồm 6 phiến bằng nhau, hàn liền 1/3 thành ống hẹp, nhị 6, bầu dưới. Quả gần hình cầu (ít gặp).
Mùa hoa quả: tháng 8-9
Trồng trọt
Cây được nhân giống bằng thân hành vào mùa xuân (tháng 2-3) ở miền Bắc và vào đầu mùa mưa ở miền Nam. Chọn thân hành bánh tẻ, chưa ra hoa, không sâu bệnh để làm giống.
Bộ phận dùng, thu hái, chế biến
Lá, thân hành.
Công dụng – cách dùng
Dùng chữa u xơ tuyến vú, u nang buồng trứng, u xơ tử cung, phì đại tiền liệt tuyến. Lá thái nhỏ, mỗi ngày 3-5 lá, sao vàng, sắc uống. Dùng ngoài, lá và thân hành giã nát, hơ nóng dùng xoa bóp chữa tê thấp, đau nhức.
TRẮC BÁCH
Tên khác: Trắc bá, bá tử, Co tòng péc (Thái).
Tên khoa học:Platycladus orientalis (L.) Franco., họ Hoàng đàn (Cupressaceae).
Đặc điểm thực vật
Cây nhỏ, cao vài mét, phân nhánh nhiều. Tán lá hình tháp. Thân hơi vặn vẹo, có vỏ màu nâu đỏ, hoặc nâu đen, nứt nẻ. Các cạnh dẹt mang lá xếp thành những mặt phẳng thẳng đứng, song song với thân. Lá mọc đối, hình vẩy, màu lục sẫm ở cả hai mặt. Hoa đơn tính cùng gốc, hoa đực hình đuôi sóc ở đầu cành nhỏ, hoa cái hình nón tròn, mọc ở gốc cành nhỏ, quả hình trứng hoặc gần hình cầu, bao bọc bởi nhiều lớp vẩy màu lục pha lơ nhạt, chứa hai hạt hình trứng, vỏ ngoài cứng nhẵn.
Trồng trọt
Cây nhân giống bằng hạt, giâm hoặc chiết cành. Ở Việt Nam, phương pháp giâm hoặc chiết được áp dụng chủ yếu. Khi chiết cành, chọn cành có đường kính 0,6cm - 1cm, chiết vào tháng 9-10, đến tháng 2-3 năm sau cành chiết ra rễ và có thể đem giâm. Đối với giâm cành, cần chọn cành bánh tẻ và giâm vào tháng 12.
Bộ phận dùng, thu hái, chế biến
Cành mang lá (trắc bách diệp): thu hái quanh năm, tốt nhất vào tháng 9-11, phơi hay sấy khô.
Quả già thu hái vào thu đông, giã bỏ vỏ cứng, sàng sẩy cho sạch, phơi khô lấy nhân (bá tử nhân). Khi dùng có thể để nguyên dùng sống hoặc sao qua, giã nát, ép bỏ dầu, gọi là bá tử sương.
Công dụng - cách dùng
Trắc bách diệp chữa ho ra máu, đại tiểu tiện ra máu, chảy máu cam, tử cung xuất huyết, băng huyết, rong kinh. Còn dùng làm thuốc lợi tiểu, chữa ho, sốt.
Bá tử nhân chữa hồi hộp, mất ngủ, hay quên, người yếu ra nhiều mồ hôi, táo bón, kinh giản, trẻ con khóc đêm, bụng đầy, đi ngoài phân xanh.
Liều dùng hàng ngày: 6-12g đối với trắc bách diệp, 4-12 đối với bá tử nhân.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Bộ y tế (2005), Dược liệu, Nhà xuất bản y học.
Bộ y tế (2009), Dược điển Việt Nam IV, Nhà xuất bản Hà Nội.
Nguyễn Viết Thân (2013), Cây thuốc Việt Nam và những bài thuốc thường dùng tập 1, Nhà xuất bản thế giới, Hà Nội.
Nguyễn Viết Thân (2013), Cây thuốc Việt Nam và những bài thuốc thường dùng tập 2, Nhà xuất bản thế giới, Hà Nội.
Nguyễn Viết Thân (2013), Cây thuốc Việt Nam và những bài thuốc thường dùng tập 3, Nhà xuất bản thế giới, Hà Nội.
Viện Dược liệu (2003), Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam tập 1, nhà xuất bản khoa học và kỹ thuật, Hà Nội.
Viện Dược liệu (2003), Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam tập 2, nhà xuất bản khoa học và kỹ thuật, Hà Nội.
-
Tài liệu mới nhất
-
Các kịch bản lâm sàng của ứng dụng chụp cắt lớp trở kháng điện trong chăm sóc tích cực ở trẻ em
22:41,30/01/2023
-
Thông khí hướng dẫn bằng áp lực đẩy so với thông khí bảo vệ phổi ở bệnh nhân ARDS
22:08,12/01/2023
-
Áp lực đẩy và áp lực xuyên phổi: Làm thế nào để chúng tôi hướng dẫn thông khí cơ học an toàn?
22:49,10/01/2023
-
Chuẩn năng lực cơ bản của Cử nhân Dinh dưỡng Việt Nam
20:54,09/01/2023
-
Giảm viêm phổi liên quan đến thở máy ở khoa chăm sóc đặc biệt cho trẻ sơ sinh
21:50,08/01/2023
-
Các chiến lược ngăn ngừa viêm phổi liên quan đến thở máy,...
10:33,07/01/2023
-
Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh do vi rút Adeno ở trẻ em
21:16,06/01/2023
-
Chuẩn năng lực cơ bản của Cử nhân Điều dưỡng Việt Nam
20:31,05/01/2023
-
Chuẩn năng lực cơ bản của Cử nhân Hộ sinh Việt Nam
20:14,05/01/2023
-
Khuyến cáo về chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp 2022 ( Tóm tắt )
22:43,03/01/2023
-
Các kịch bản lâm sàng của ứng dụng chụp cắt lớp trở kháng điện trong chăm sóc tích cực ở trẻ em