Bài giảng hướng dẫn sử dụng dược liệu chữa bệnh hô hấp
- Tác giả: Bộ Y tế
- Chuyên ngành: Trạm y tế xã
- Nhà xuất bản:Bộ Y tế
- Năm xuất bản:2019
- Trạng thái:Chờ xét duyệt
- Quyền truy cập: Cộng đồng
Bài giảng hướng dẫn sử dụng dược liệu chữa bệnh hô hấp
Nguồn: TÀI LIỆU ĐÀO TẠO LIÊN TỤC NÂNG CAO NĂNG LỰC CHO CÁN BỘ DƯỢC LÀM VIỆC TẠI TRẠM Y TẾ XÃ HOẠT ĐỘNG THEO NGUYÊN LÝ Y HỌC GIA ĐÌNH- Bộ Y tế -2019
BẠC HÀ
Tên khác: Nạc nặm, chả phiếc hom (Tày)
Tên khoa học
Cây Bạc hà á (Menha arvensis L.), họ Bạc hà (Lamiaceae)
Đặc điểm thực vật
Cây thảo, sống nhiều năm, cao 60cm – 70cm. Thân vuông màu tím hoặc xanh có nhiều lông nhỏ, thường phân nhánh, mọc đứng hoặc bò, rễ mọc ra từ các đốt. Lá mọc đối chéo chữ thập, phiến lá hình bầu dục, mép lá khía răng cưa. Mặt trên và dưới lá có nhiều lông che chở và lông tiết tinh dầu. Hoa nhỏ mọc thành xim ở kẽ lá, tràng hình môi màu tím hay hồng nhạt. Quả bế tư, hình tròn, mọc ở ngọn cành.
Bạc hà á mọc hoang hoặc được trồng ở nhiều nơi ở nước ta.
Trồng trọt
Bạc hà chủ yếu trồng bằng thân, cành; cắt thành từng đoạn 10cm - 15 cm có 3 - 4 mắt chồi; có thể trồng bằng gốc có mầm non.
Bộ phận dùng, thu hái, chế biến
Phần trên mặt đất của cây bạc hà được thu hái từ 2 – 3 lần trong năm vào khoảng tháng 5, 8, 11 khi cây bắt đầu ra hoa. Cắt lấy thân cây lúc thời tiết khô ráo với kích thước quy định (duới 30cm); đem phơi trong râm cho khô (có thể sấy ở nhiệt độ thấp 40 – 450C).
Tinh dầu bạc hà: cất từ lá và các bộ phận trên mặt đất đã được tinh chế.
Menthol: chất chiết từ tinh dầu Bạc hà
Lá (hà diệp): dùng tươi hay khô
Công dụng – cách dùng
Bạc hà chữa cảm sốt không ra mồ hôi, đau đầu, ngạt mũi, nôn mửa.
Tinh dầu bạc hà, menthol chữa viêm họng, viêm mũi, đau bụng lạnh, xoa bóp trong đau dây thần kinh, vết thương sưng đau.
Liều dùng: Ngày dùng 12 - 20 g, dạng thuốc sắc; khi sắc thuốc nên cho Bạc hà vào sau, dùng tươi liều cao hơn; dạng thuốc xông, thuốc sắc.
Bột cảm cúm có chứa bạc hà diệp chữa cảm mạo, nhức đầu, sổ mũi, hắt hơi, ngày uống 6g chia 2 – 3 lần.
Tinh dầu bạc hà, menthol dùng dưới dạng thuốc xoa, thuốc xông; dùng để sản xuất dầu cao sao vàng, chất làm thơm cho các sản phẩm thực phẩm như bánh kẹo, thuốc đánh răng và trong một số ngành kỹ nghệ khác.
Thận trọng: bạc hà và tinh dầu bạc hà không dùng cho trẻ sơ sinh vì gây ức chế trung tâm hô hấp ở trẻ sơ sinh.
Phụ nữ cho con bú không nên dùng nhiều, vì làm giảm sự tiết sữa.
BÁCH BỘ
Tên khác: Dây ba mươi, củ rận trâu, dây dẹt ác, sam síp lạc (Tày), mùi sấy dòi (Dao), bẳn sam síp (Thái), pê chầu chàng (H’mông).
Tên khoa học: Stemona tuberosa Lour., họ Bách bộ (Stemonaceae)
Đặc điểm thực vật
Dây leo bằng thân cuốn, dài 6m - 8m. Rễ củ nhiều, mập, nạc, hình trụ, mọc thành khóm dày, dài 15cm - 30cm. Thân nhẵn, hình trụ, màu lục nhạt, hơi phình lên ở những mấu. Lá mọc đối hoặc so le, gốc hình tim, đầu thuôn nhọn, gân lá hình cung, có nhiều gân ngang nhỏ, song song, sít nhau.
Cụm hoa mọc ở kẽ lá, hoa màu vàng lục, mặt trong màu đỏ tía, có mùi hôi. Quả nang có nhiều hạt.
Hình 2: Bách bộ
Trồng trọt
Bách bộ ưa khí hậu ôn hòa, ưa bóng râm khi cây còn nhỏ. Thích hợp trồng trên các loại đất pha cát, nhiều mùn, ẩm mát.
Có thể trồng bách bộ bằng cách gieo hạt trong vườn ươm rồi đánh cây con đi trồng hoặc trồng ngay bằng chồi gốc.
Bộ phận dùng, thu hái, chế biến
Rễ củ thu hoạch vào xuân hoặc mùa thu, đem rửa sạch cắt bỏ hai đầu, đồ chín hoặc nhúng nước sôi, củ to bổ đôi, củ nhỏ để nguyên, phơi hoặc sấy khô ở nhiệt độ 500C - 600C.
Công dụng – cách dùng
Chữa ho, long đờm, viêm họng, viêm phế quản, ho gà, lao hạch có kết quả tốt. Trị giun đũa, giun kim, diệt côn trùng.
Chữa ho: ngày dùng 8-12g, dạng thuốc sắc, cao mềm hoặc bột.
Cao bổ phổi, chai 100 ml và cao bách bộ, chai 100 ml, chữa các chứng ho lâu ngày, ho gió, háo phổi, đờm đặc, ngày uống 2 – 3 lần, mỗi lần 20 ml.
Chữa giun: ngày uống 7-10g, dạng thuốc sắc, uống sáng sớm lúc đói trong 5 ngày liền sau đó tẩy.
Diệt côn trùng: nước sắc bách bộ cho thêm ít đường, ruồi ăn phải chết tới 60%. Dung dịch 1/20 diết chết bọ gậy 100%. Rắc bột bách bộ vào hố phân ròi chết 100%.
Trừ chấy, rận, bọ chó ở người và động vật: đốt rễ bách bộ, hun khói hay dùng dung dịch cồn 20% hoặc nước sắc 50%.
BÁN HẠ NAM
Tên khác: Nam tinh, ba chìa, củ chóc, bán hạ ba thùy.
Tên khoa học: Typhonium trilobatum (L.) Schott., họ Ráy (Araceae).
Đặc điểm thực vật
Cây thảo, sống hàng năm, cao 20cm – 30cm. Thân ngầm dạng củ hình cầu, có những khía ngang. Lá mọc từ củ do thân phát triển thành, lá có cuống dài pha màu đỏ tím nhạt, phần gốc loe ra thành bẹ, phiến lá chia thành ba thuỳ, thuỳ giữa to hình thoi, hai thuỳ bên hẹp hơn, gốc lá hình tim, đầu lá nhọn, mép lá uốn lượn, gân lá ở mặt dưới đôi khi cũng có màu đỏ tím.
Cụm hoa là một bông mo, ngắn hơn lá, mặt ngoài mo có màu lục nhạt, mặt trong có màu đỏ hồng, trục mang hoa có màu hồng, trên đó mang nhiều loại hoa khác nhau, hoa đực ở trên, hoa cái ở dưới, mùi hôi. Quả mọng, khi chín có màu đỏ.
Hình 3. Cây bán hạ nam
Trồng trọt
Bán hạ nam có thể nhân giống hữu tính hoặc vô tính. Hạt của cây chín vào mùa đông, rụng xuống đất, sang xuân nảy mầm thành cây con rồi đánh đi trồng. Cũng có thể tách mầm từ cây mẹ để làm giống.
Bộ phận dùng, thu hái, chế biến
Thân rễ của cây bán hạ nam thu hoạch vào mùa thu đông, khi cây lụi đào lấy rễ củ, rửa sạch, cắt bỏ rễ con, đổ thành đống, ủ khoảng 7 – 10 ngày đến khi vỏ ngoài mềm nát, chà sát cho tróc hết lớp vỏ ngoài. Đồ đến khi củ chín đều (không còn nhân trắng đục). Thái phiến dày 0,2cm – 0,3 cm. Phơi (hoặc sấy) đến khi khô kiệt.
Vì bán hạ dùng sống gây ngứa nên trước khi dùng bán hạ nam làm thuốc phải chế biến tiếp, có nhiều cách chế khác nhau, nhưng đều nhằm mục đích loại trừ tác dụng gây ngứa, tăng tác dụng chữa ho.
Chế biến: Bán hạ phiến 1000g, phèn chua (bột) 100g, gừng tươi 100g, nước vo gạo vừa đủ (1kg gạo, vo lấy 3 lít dịch nước). Ngâm phiến bán hạ với nước vo gạo trong 2 ngày, mỗi ngày thay nước một lần. Gạn bỏ dịch ngâm, rửa nhẹ bằng nước sạch đến khi hết nước đục trắng. Hòa tan phèn chua trong 3 lít nước sạch, ngâm bán hạ tiếp trong 2 ngày đêm đến khi không còn nhân trắng đục, vớt ra, rửa sạch, phơi khô. Gừng tươi, giã nát, thêm 100 ml nước sạch, nghiền kỹ, ép lấy dịch. Làm 2 lần như vậy. Trộn đều dịch gừng. Tẩm vào bán hạ, ủ 2 – 3 giờ. Thỉnh thoảng đảo cho dịch nước gừng thấm đều. Sao đến khi phiến bán hạ chuyển sang màu vàng đậm.
Công dụng – cách dùng
Bán hạ nam được dùng chữa ho, hen suyễn nhiều đờm, viêm khí quản mãn tính, viêm họng, chữa nôn do khí nghịch, nôn ở phụ nữ có thai, nôn do viêm dạ dày mãn.
Liều dùng: 4 – 12 g (đã chế) / ngày, dạng thuốc sắc hay thuốc bột.
Thận trọng: người mới ốm dậy, cơ thể suy nhược, phụ nữ có thai không dùng.
XẠ CAN
Tên khác: Rẻ quạt, lưỡi kiếm.
Tên khoa học: Belamcanda chinensis (L.) DC. = Belamcanda punctata Moench., họ La dơn (Iridaceae).
Đặc điểm thực vật
Cây thảo, sống nhiều năm, cao 0,5m - 1m. Thân rễ mọc bò, phân nhánh nhiều. Lá hình dải, có bẹ mọc ốp vào thân và xòe ra như cái quạt. Gân lá song song mọc sít nhau.
Cụm hoa có cuống, cánh hoa màu vàng cam điểm đốm tím. Quả nang hình trứng mang nhiều hạt màu đen bóng.
Trồng trọt
Xạ can được trồng ở nhiều nơi để làm cảnh và lấy thân rễ làm thuốc. Cây có thể nhân giống bằng hạt hoặc tách mầm.
Bộ phận dùng, thu hái, chế biến
Thân rễ, thu hái về rửa sạch, đem phơi hoặc sấy khô.
Công dụng – cách dùng
Chữa ho, ho gà, viêm họng, khản tiếng, viêm amidan. Chữa sốt, thống kinh, bí đại tiểu tiện, sưng vú, tắc tia sữa, đau nhức tai, rắn cắn.
Liều dùng: mỗi ngày 3-6g sắc uống. Giã nhỏ 10-20g thân rễ tươi với muối ngậm, bã đắp.
Hình 4. Cây xạ can
HÚNG CHANH
Tên khác: Rau tần dày lá, rau thơm lùn, rau thơm lông, dương tử tô.
Tên khoa học: Coleus aromaticusBenth. In Wall. = Coleus amboinicus Lour., họ Hoa môi (Lamiaceae).
Đặc điểm thực vật
Cây thảo, sống lâu năm, cao 20cm - 50cm. Thân mọc đứng hay ngả, phần sát đất hoá gỗ. Lá mọc đối, dày, mọng nước, hình trứng rộng, gốc hình nêm, đầu hơi nhọn hoặc tù.
Cụm hoa mọc ở ngọn thân và đầu cành thành bông dày. Các vòng mang hoa rất sít nhau, hoa màu tím hồng. Quả bế tư, nhỏ, hình cầu. Toàn cây có lông rất nhỏ và mùi thơm như chanh. Mùa hoa quả vào tháng 3-5.
Hình 5. Cây húng chanh
Trồng trọt
Húng chanh được nhân giống bằng cành. Vào tháng 2-3, chọn những cây tương đối già, có rễ ở các đốt, cắt thành những đoạn có 2-3 đốt để làm giống.
Cũng có thể dâm cành xuống mặt đất, phủ đất lên cho cành ra rễ rồi cắt đoạn như trên đem trồng.
Bộ phận dùng, thu hái, chế biến
Lá dùng tươi hoặc đem cất tinh dầu, dùng khô phải phơi âm can.
Công dụng – cách dùng
Lá húng chanh dùng chữa cảm cúm, ho, hen, viêm họng, ho ra máu, sốt cao, sốt không ra mồ hôi, nôn ra máu, chảy máu cam.
Dùng 10-16g lá tươi một ngày. Dạng thuốc sắc, xông, dầu xoa hoặc giã vắt lấy nước uống. Dùng ngoài: lá húng chanh giã nát đắp lên vết thương chữa rết và bọ cạp cắn.
MẠCH MÔN
Tên khác: Mạch đông, tóc tiên, lan tiên, xà thảo, lan giới thảo.
Tên khoa học: Ophiopogon japonicus (Thum.) Ker.Gaw., họ Hoàng tinh (Convallariaceae).
Đặc điểm thực vật
Cây thảo, sống nhiều năm, cao từ 10cm – 40cm, không có thân.
Rễ chùm phát triển thành củ nhỏ hình thoi. Lá mọc từ gốc, có hình dải hẹp, đầu lá nhọn, gân lá song song, mặt trên có màu xanh thẫm, mặt dưới có màu trắng nhạt.
Cụm hoa là một chùm dài, hoa màu lục nhạt hoặc lơ sáng. Quả mọng, màu tím.
Hình 6. Cây mạch môn
Trồng trọt
Cây được trồng bằng nhánh, trồng quanh năm nhưng tốt nhất vào mùa xuân. Cây trồng sau 2-3 năm có thể thu hoạch rễ củ.
Bộ phận dùng, thu hái, chế biến
Rễ củ thu hái vào mùa khô ở những cây 2 năm tuổi trở lên, loại bỏ rễ con, rửa sạch đất cát, phơi cho hơi héo, rút bỏ lõi, phơi tiếp hoặc sấy nhẹ đến khô.
Công dụng – cách dùng
Mạch môn được dùng chữa ho khan, viêm họng, hen phế quản, lao phổi nóng âm ỉ về chiều, sốt cao, phiền khát, thổ huyết, khái huyết, chảy máu cam.
Mạch môn còn dùng để chữa táo bón, lở ngứa, nhồi máu cơ tim.
Liều dùng: 6 – 12 g/ngày, dạng thuốc sắc, cao lỏng, siro; thường phối hợp trong các phương thuốc bổ âm, thuốc ho.
CÂY QUÝT
Tên khác: Quất thực, may cam chìa (Tày), cam chày ton (Dao).
Tên khoa học: Citrus reticulate Blanco., họ Cam (Rutaceae).
Đặc điểm thực vật
Cây nhỡ, cao 5m - 8m, cành cứng, thân cành không có gai hoặc có gai ngắn. Lá mọc so le, đơn nguyên hoặc hơi khía tai bèo, dài, hình trái xoan, gốc thuôn đầu tù hoặc hơi nhọn; mặt trên nhẵn bóng, mặt dưới nhạt, có gân nổi rõ. Cuống lá ngắn, hơi có cánh.
Hoa nhỏ màu trắng, mọc đơn độc ở kẽ lá. Lá bắc nhỏ, hình vảy, có lông ở mép. Đài hoa có 5 răng hình trái xoan, có đầu nhọn, gần dính nhau. Tràng có 5 cánh thuôn dày, khi nở uốn cong ra ngoài. Nhị nhiều, dài bằng cánh hoa, dính nhau một phần ở phía dưới. Bầu nhụy hình cầu. Quả hình cầu, hai đầu dẹt. Vỏ mỏng nhẵn hay hơi sần sùi, dễ bóc. Khi chín có màu vàng cam hoặc màu đỏ.
Mùi thơm, nhiều hạt.
Hình 7. Cây quýt
Trồng trọt
Cây quýt thường được trồng bằng hạt, chiết và ghép cành. Thường chọn phương pháp chiết và ghép cành hơn vì trồng bằng hạt cây lâu cho trái và năng suất thấp.
Khi trồng, đặt cây con vào giữa hố đã được đào sẵn, đắp đất xong thì hơi nhẹ tay kéo cây con lên từ 3cm – 5cm. Sau đó phải tưới nước, cắm cành chống đổ, phủ rơm cỏ quanh gốc để giữ độ ẩm cho đất, ngắt bớt một phần lá và cành yếu để tăng tỉ lệ sống cho cây.
Bộ phận dùng, thu hái, chế biến
Vỏ quả chín phơi khô để lâu năm (trần bì), hạt quýt phơi khô (quất hạch), vỏ quả quýt còn xanh (thanh bì), vỏ ngoài của quả (quất hồng), lá quýt (quất diệp).
Quả thu hái khi chín, bóc lấy vỏ phơi khô làm trần bì. Theo Y học cổ truyền và dân gian, trần bì để càng lâu năm càng tốt. Nếu hái quả lúc còn xanh, lấy vỏ phơi khô thì được thanh bì.
Hạt lấy ở quả chín phơi khô làm quất hạch. Để có quất hồng, lấy vỏ ngoài của quả quýt chín, cạo bỏ phần trong, phơi khô.
Công dụng – cách dùng
Trần bì chữa ăn không tiêu, đau bụng, nôn mửa, ho tức ngực, nhiều đờm. Liều dùng 412g/ngày, dưới dạng thuốc sắc hay thuốc bột.
Thanh bì chữa đau gan, tức ngực, đau mạng sườn, sốt rét. Liều dùng 3-9g/ngày.
Hạt quýt chữa sa ruột, đau tinh hoàn, thoát vị bẹn, viêm tuyến vú, đau lưng với liều 39g/ngày.
Lá quýt chữa ngực đau tức, ho, sưng vú, sa ruột với liều 10-20g lá/ngày.
THIÊN MÔN
Tên khác: Thiên đông, tóc tiên leo, dây tóc tiên.
Tên khoa học: Asparagus cochinchinensis (Lour.) Merr., họ
Thiên môn đông (Asparagaceae).
Đặc điểm thực vật
Cây bụi, leo, sống lâu năm, dài 1m - 2m. Rễ củ mọc thành chùm. Cành biến đổi thành lá hình lưỡi liềm, có mặt cắt 3 góc, đầu nhọn gọi là diệp chi. Lá tiêu giảm thành vảy nhỏ.
Cụm hoa mọc ở kẽ các diệp chi gồm 1-2 hoa màu trắng, hoa đực có bao hoa gồm 6 cánh, 6 nhị và nhụy lép; hoa cái có bao hoa như hoa đực, nhị ngắn hơn, bao phấn tiêu giảm, bầu thuôn có vài ngăn. Quả mọng, hình cầu. Hạt màu đen.
Hình 8. Cây thiên môn
Trồng trọt
Cây được nhân giống bằng tách mầm. Khi thu hoạch, ở gốc cây có nhiều mầm. Các mầm này được tách thành nhiều khóm nhỏ, mỗi khóm 3-4 mầm. Thời vụ trồng vào tháng 2-3.
Bộ phận dùng, thu hái, chế biến
Rễ củ, thu hái vào mùa khô ở những cây từ 2 năm tuổi, loại bỏ rễ con, ngâm qua nước cho mềm rồi đồ qua. Lúc rễ còn nóng, bóc lấy vỏ hoặc rút bỏ lõi, thái phiến mỏng, phơi hoặc sấy khô.
Công dụng – cách dùng
Chữa viêm phế quản mạn tính, ho khan, ho ra máu; chữa rối loạn thần kinh, hồi hộp, mất ngủ; chữa viêm loét miệng, chữa đại tiện táo.
Liều dùng: 6 - 12g khô, dùng tươi 30- 50g/24h, thuốc sắc, thuốc cao hay thuốc bột.
QUẤT
Đặc điểm thực vật
Cây nhỏ 1-5m, có gai. Cành lá sum suê; lá đơn mọc so le, màu lục sẫm bóng; hình trái xoan hay tròn dài, cuống có cánh rất nhỏ, dày và cứng. Chùm hoa ngắn ở nách lá hay ở ngọn; hoa trắng, cánh hoa dài 7-9mm; nhị 15-20. Quả nhỏ hình cầu, rộng 1,5-3,5cm, màu vàng da cam bóng, có 5-6 múi, nạc chua; hạt có màu xanh.
Có quả từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau.
Hình 9: Quất
Trồng trọt
Gốc ở Trung Quốc và Nhật Bản, được thường trồng làm cảnh ở khắp cả nước ta, nhất là vào dịp Tết
Nguyên đán vì dáng cây đẹp, tán lá sẫm màu, quả nhiều màu vàng da cam đẹp.
Bộ phận dùng, thu hái
Quả – Fructus Fortunellae Japonicae. Lá và vỏ cũng được dùng.
Công dụng – cách dùng
Quả có vị chua, hơi ngọt, tính bình. Năm 1942, cụ Phó Ðức Thành đã viết trong Việt Nam Dược học: Quất chuyên chữa về lá gan, dạ dày, thông xuất hung cách, tiêu hoá thực tích, trừ ách nghịch, chữa tiêu khát, giải tửu độc, trừ uế khí.
Công dụng
Ngoài việc dùng quả để ăn uống và làm mứt, làm nước quả nấu đông, xirô, người ta còn dùng quả làm thuốc. Mứt Kim quất chữa các chứng ách nghịch, giúp sức tiêu hoá cho dạ dày, công hiệu hơn Sa nhân. Rượu Kim quất dùng để chữa: gan uất kết, tỳ vị yếu hèn, lại trừ được đờm tích và chữa ẩu thổ.
Nay ta dùng quả làm thuốc ngậm chữa ho, viêm họng (thường chưng với đường phèn hoặc
Mật ong), và cũng dùng lá và vỏ có tác dụng như Quýt. Mứt Quất hoặc Quất ngâm đường dùng rất tốt vừa bổ dưỡng vừa trị ho.
Quả quất rất giàu chất pectin, là chất sợi hòa tan, có tác dụng ngoại hấp cholesterol trong máu, giúp phòng ngừa xơ vữa động mạch. Ngoài ra, quất có chứa đường, acid hữu cơ, vitamin C (0,13- 0,24 mg %), các hoạt chất có tác dụng sát khuẩn, chống viêm, nhuận trường, tăng cường chức năng tiêu hóa, kích thích hệ thần kinh trung ương, an thần, hạ huyết áp, chống oxy hóa, tăng cường miễn dịch, phòng ngừa ung thư…
Trong lá tươi và chồi có chứa tinh dầu tỷ lệ 2,21 %. Lá và hạt quất cũng được dùng làm thuốc.
Cách dùng
Chữa ho trẻ em: quả quất chín 10-15g, hoa hồng trắng 10-12g, hạt chanh 6-8g. Tất cả cho vào tô cùng với một ít mật ong hoặc đường phèn, chưng cách thủy hoặc hấp trong nồi cơm 15-20 phút. Lấy ra nghiền nát, chia 2 lần cho trẻ uống trong ngày.
Chữa ho nhiều đàm: Quất chín 5-8 quả, đường phèn vừa đủ, đem hấp cách thủy, dùng ăn trong ngày.
Chữa nôn mửa do lạnh bụng: Vỏ quất 10-12g, gừng tươi 10-12g, hai thứ hơ lửa cho sém cạnh. Nấu với 500 ml nước, sắc còn 200 ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn.
Chữa bụng lạnh, ăn không tiêu, đầy trướng: Dùng quất chín 10-12 quả, ăn tươi vào lúc đói bụng.
Chữa cảm mạo phong hàn, không ra mồ hôi: Lá quất 30g, nấu với 300 ml nước, sắc còn 200ml, uống nóng cho ra mồ hôi. Một số cách chế biến từ quất:
Quất muối: Rửa quả quất thật sạch, để ráo nước, xếp vào hũ sành hoặc hũ thủy tinh,cứ một lớp quất xen với một lớp muối, rồi đem phơi nắng. Thời gian cất giữ càng lâu,công hiệu càng tốt. Khi sử dụng, lấy 5-10 quả quất muối nấu nước uống hoặc giã nát, pha nước rồi quậy đều để uống. Tác dụng: chữa ho đàm, khô cổ, sau khi ăn bị nặng ngực, đàm vướng trong cổ không khạc được. Nếu dùng để giải khát thì lấy 2-4 quả, giã nát, hòa với nước đường hoặc nước pha mật ong để uống.
Kim quất: Lấy 1 kg quả quất chín, rửa thật sạch rồi để ngoài gió cho đến lúc lớp vỏ ngoài nhăn nheo. Dùng 8g bạch phàn (phèn trắng, phèn chua – Alumen), 50g phát tiêu (mang tiêu Natrium Sulfuricum – Na2SO4,10H2O),100g muối ăn. Tất cả nghiền thật mịn, trộn đều với quả quất, đựng vào chậu sành, đem phơi nắng. Thỉnh thoảng trộn đảo đều cho tới khi thật khô, đem cất vào hũ sành hoặc hũ thủy tinh để sử dụng. Những người bị đàm nhiều, nặng ngực, hít thở khó khăn, lên cơn suyễn, cổ họng bị viêm sưng, dùng 2-4 quả kim quất này để ngậm,nuốt nước từ từ, sẽ giúp tiêu đàm, thuận khí tiêu viêm.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Bộ y tế (2005), Dược liệu, Nhà xuất bản y học.
Bộ y tế (2009), Dược điển Việt Nam IV, Nhà xuất bản Hà Nội.
Đỗ Tất Lợi (2004), Những cây thuốc và vị thuốc ở Việt Nam, Nhà xuất bản Y học và Nhà xuất bản Thời đại, Hà Nội.
Nguyễn Viết Thân (2013), Cây thuốc Việt Nam và những bài thuốc thường dùng tập 1, Nhà xuất bản thế giới, Hà Nội.
Nguyễn Viết Thân (2013), Cây thuốc Việt Nam và những bài thuốc thường dùng tập 2, Nhà xuất bản thế giới, Hà Nội.
Nguyễn Viết Thân (2013), Cây thuốc Việt Nam và những bài thuốc thường dùng tập 3, Nhà xuất bản thế giới, Hà Nội.
Viện Dược liệu (2003), Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam tập 1, nhà xuất bản khoa học và kỹ thuật, Hà Nội.
Viện Dược liệu (2003), Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam tập 2, nhà xuất bản khoa học và kỹ thuật, Hà Nội.
-
Tài liệu mới nhất
-
Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ Y tế
20:56,31/01/2023
-
Chụp CL trở kháng điện để chuẩn độ AL dương cuối thì thở ra trong HC nguy kịch hô hấp cấp tính
15:41,31/01/2023
-
Các kịch bản lâm sàng của ứng dụng chụp cắt lớp trở kháng điện trong chăm sóc tích cực ở trẻ em
22:41,30/01/2023
-
Thông khí hướng dẫn bằng áp lực đẩy so với thông khí bảo vệ phổi ở bệnh nhân ARDS
22:08,12/01/2023
-
Áp lực đẩy và áp lực xuyên phổi: Làm thế nào để chúng tôi hướng dẫn thông khí cơ học an toàn?
22:49,10/01/2023
-
Chuẩn năng lực cơ bản của Cử nhân Dinh dưỡng Việt Nam
20:54,09/01/2023
-
Giảm viêm phổi liên quan đến thở máy ở khoa chăm sóc đặc biệt cho trẻ sơ sinh
21:50,08/01/2023
-
Các chiến lược ngăn ngừa viêm phổi liên quan đến thở máy,...
10:33,07/01/2023
-
Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh do vi rút Adeno ở trẻ em
21:16,06/01/2023
-
Chuẩn năng lực cơ bản của Cử nhân Điều dưỡng Việt Nam
20:31,05/01/2023
-
Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ Y tế