Cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh trẻ em: Quai bị
- Tác giả: TS.Trần Thị Thu Hương
- Chuyên ngành: Nhi khoa
- Nhà xuất bản:bệnh viện nhi trung ương
- Năm xuất bản:2020
- Trạng thái:Chờ xét duyệt
- Quyền truy cập: Cộng đồng
Cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh trẻ em: Quai bị
TS.Trần Thị Thu Hương
ĐẠI CƯƠNG
Quai bị là một bệnh nhiễm trùng cấp tính tự giới hạn. Bệnh đặc trưng bởi sốt, sưng tuyến mang tai một bên hoặc 2 bên, tuyến nước bọt và các mô chứa tế bào biểu mô khác. Biến chứng hay gặp là viêm não - màng não và viêm tinh hoàn.
NGUYÊN NHÂN
Vi rút quai bị (mumps) thuộc chi Rubulavirus trong họ Paramyxoviridae. Nó là một pleomorphic virus RNA sợi đơn. Hai glycoprotein bề mặt là HN và F giúp vi rút xâm nhập vào tế bào vật chủ và kích thích cơ thể sản xuất kháng thể bảo vệ.
Con người là vật chủ tự nhiên duy nhất. Nước bọt của người bệnh có thể chứa virus 6 ngày trước khi sưng và 9 ngày sau khi sưng tuyến mang tai.
CHẨN ĐOÁN
Triệu chứng lâm sàng
Thể thông thường (sưng tuyến nước bọt mang tai)
Thời kỳ ủ bệnh: 14 – 21 ngày
Từ ngày thứ 15 virus quai bị đã có thể bài xuất ra ngoài môi trường nên dịch quai bị tồn tại dai dẳng khó dập tắt.
Thời kỳ khởi phát: 12 – 48 giờ
Khởi phát cấp tính, sốt 38 – 39°C hoặc cao hơn, kèm theo nhức đầu, mệt mỏi, đau nhức xương khớp, ăn ngủ kém.
3 điểm đau có tính chất gợi ý đến viêm tuyến nước bọt mang tai:
Điểm khớp thái dương hàm
Điểm mỏm chũm
Điểm hạch dưới hàm
Thời kỳ toàn phát: 7 – 8 ngày
Tuyến mang tai:
Sưng to, lan ra vùng trước tai, mỏm chũm, lan xuống dưới hàm và làm mất rãnh dưới hàm, làm biến dạng khuôn mặt.
Da vùng sưng có màu sắc bình thường, không nóng đỏ, có tính đàn hồi.
Thường sưng cả 2 bên tuyến mang tai, bên này sau bên kia vài giờ tới vài ngày. Tỷ lệ số các trường hợp sưng cả 2 bên so với 1 bên là 6/1.
Tuyến dưới hàm và dưới lưỡi cũng có thể sưng to nhưng hiếm gặp.
Bệnh nhân vẫn còn sốt 380-390C, đau đầu, chán ăn, khó nuốt, khó nói.
Thăm khám thấy lỗ ống Sténon phù nề, đỏ tấy nhưng không bao giờ có mủ chảy ra.
Thời kỳ hồi phục: sau 1 tuần
Tuyến mang tai giảm đau và nhỏ dần, bệnh nhân hết sốt, các triệu chứng khác cũng lui dần và khỏi hẳn.
Các biểu hiện ngoài tuyến mang tai (biến chứng)
Viêm tinh hoàn: Thường gặp ở tuổi dậy thì, chiếm 20-30% các trường hợp quai bị ở người lớn. Rất hiếm gặp ở trẻ dưới 2 tuổi và người trên 40 tuổi. - Lâm sàng:
Toàn thân: Sốt cao 39 - 40°C trở lại sau khi viêm tuyến mang tai dịu đi, mệt mỏi, nhức đầu, mê sảng, buồn nôn, nôn
Tại tinh hoàn: Sưng tinh hoàn sau sưng tuyến mang tai 7 - 10 ngày, có thể cùng lúc hoặc không kèm sưng tuyến mang tai. Tinh hoàn sưng to gấp 2 – 3 lần bình thường. Thường bệnh nhân sưng một bên tinh hoàn nhưng cũng có thể sưng hai bên.
Đau nhói tinh hoàn, lan xuống đùi, hạ nang. Da bìu đỏ, sờ nắn rất đau, mào tinh và thừng tinh bình thường, đôi khi mào tinh cũng sưng to.
Diễn biến: sau 4 - 5 ngày bệnh nhân hết sốt nhưng tinh hoàn sưng lâu hơn, không hoá mủ. Sau khoảng 2 tuần tinh hoàn mới hết sưng. Sau 2 – 6 tháng mới đánh giá được tinh hoàn có bị teo hay không.
Có thể nhồi máu phổi sau quai bị có biến chứng viêm tinh hoàn
Viêm buồng trứng: 7% sau dậy thì, sốt và đau hạ vị, hiếm khi vô sinh.
Tổn thương thần kinh
Viêm màng não
Có thể xảy ra đơn độc hoặc sau khi viêm tuyến mang tai 3 - 10 ngày.
Triệu chứng lâm sàng: có sốt cao, nhức đầu, nôn, rối loạn ý thức, co giật, cổ cứng, dấu Kernig (+). Trẻ nhỏ có thể có thóp phồng.
Nếu không kèm viêm não thì lành tính.
Viêm não
Hiếm xảy ra hơn so với viêm màng não (0,5%), cũng có thể xảy ra đồng thời hoặc sau khi viêm tuyến mang tai khoảng 1 - 2 tuần.
Biểu hiện lâm sàng: sốt cao, nhức đầu, co giật, rối loạn hành vi, thất ngôn, có thể liệt khu trú, rối loạn tri giác: ngủ gà, hôn mê.
Các rối loạn ý thức và vận động trong tổn thương thần kinh do virus quai bị thường cuối cùng sẽ tự phục hồi, rất hiếm có di chứng vĩnh viễn.
Viêm tuỵ cấp
Gặp khoảng 3-7%, thường ở người lớn, phần lớn là thể ẩn, chỉ biểu hiện biến đổi sinh hoá qua xét nghiệm.
Bệnh xảy ra vào tuần thứ 2 khi viêm tuyến mang tai đã đỡ.
Bệnh nhân sốt trở lại, đau bụng vùng thượng vị, nôn, đầy bụng, ỉa lỏng, chán ăn.
Xét nghiệm: amylase trong máu và nước tiểu tăng cao từ ngày thứ 3 của bệnh và trở về bình thường sau 15 ngày. Glucose máu tăng cao, có thể có đường niệu.
Bệnh diễn biến lành tính, khỏi sau 1-2 tuần, hiếm để lại di chứng.
Có thể tạo nang giả tụy khi có sốt cao, đau và có phản ứng thành bụng, nôn, truỵ mạch.
Biểu hiện ở các cơ quan khác:
Viêm tuyến lệ, tuyến giáp, tuyến vú.Viêm thanh khí phế quản, viêm phổi mô kẽ.
Viêm cơ tim: nhẹ, xảy ra 5-10 ngày sau khi viêm tuyến mang tai
Xuất huyết giảm tiểu cầu, viêm đa khớp.
Cận lâm sàng
Công thức máu: Bạch cầu bình thường, có thể tăng trong viêm tinh hoàn
Tốc độ lắng máu: Bình thường, tăng trong tổn thương tinh hoàn và tuỵ tạng.
Amylase máu tăng; Lipase máu: chỉ tăng trong viêm tuỵ.
Vài trường hợp đường huyết và đường niệu tăng.
Dịch não tuỷ (DNT):trong, tế bào 0 – 2000 bạch cầu, đa số là lympho (giai đoạn sớm có thể là đa nhân trung tính), protein tăng vừa (0,5-1g/l), glucose bình thường.
Siêu âm tuyến mang tai khi cần phân biệt viêm hạch hay viêm tuyến mang tai.
Xét nghiệm đặc hiệu:
Phân lập virus: bệnh phẩm máu, dịch phết họng, dịch tiết lỗ Stenon, DNT, nước tiểu.
Miễn dịch huỳnh quang: ít được áp dụng trong chẩn đoán
Huyết thanh học: Xác định kháng thể
Phương pháp ELISA: Nhận diện đáp ứng kháng thể IgM, IgG đặc hiệu.
Phương pháp cố định bổ thể: sớm nhất, cao nhất 1 tuần, biến mất sau 6-12 tuần, hiệu giá kháng thể cách 2-3 tuần sau tăng ≥ 4 lần.
Chẩn đoán xác định
Dịch tễ: Chưa tiêm phòng quai bị, chưa mắc bệnh quai bị, có tiếp xúc với bệnh nhân quai bị 2 – 3 tuần trước
Lâm sàng: Sưng tuyến mang tai 1 hoặc 2 bên, lỗ Stenon sưng đỏ không chảy mủ.
Xét nghiệm: Huyết thanh chẩn đoán, Amylase máu tăng, phân lập virus
Chẩn đoán phân biệt
Viêm tuyến mang tai
Do virus khác.
Viêm mủ tuyến mang tai do tụ cầu, liên cầu: sưng, nóng, đỏ, đau, chảy mủ từ lỗ Stenon.
Mọc răng khôn, hạch góc hàm.
Tắc ống dẫn tuyến nước bọt do sỏi: sưng tuyến mang tai một hoặc hai bên tái đi tái lại. Chụp cản quang ống tuyến Stenon tìm nguyên nhân.
U tuyến mang tai, viêm mô tế bào.
Sưng tinh hoàn
Viêm mủ tinh hoàn.
Lao tinh hoàn: Sưng đầu mào tinh, thừng tinh có chuỗi hạt như tràng hạt.
Ung thư tinh hoàn: gặp ở người già, diễn biến từ từ, tinh hoàn rất cứng.
Viêm não – màng não
Phân biệt với các viêm não – màng não do các loại virus khác, hoặc viêm màng não mủ mất đầu, lao màng não.
ĐIỀU TRỊ
Nguyên tắc điều trị
Chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Chỉ điều trị theo triệu chứng.
Phát hiện và điều trị biến chứng
Điều trị cụ thể
Điều trị triệu chứng
Sốt, đau tuyến mang tai: Paracetamol 10 – 15mg/kg X 4 lần/ngày
Chế độ ăn: Thức ăn mềm, dễ nuốt
Vệ sinh răng miệng
Điều trị biến chứng
Viêm tinh hoàn:
Nâng đỡ tại chỗ (mặc quần lót chặt), nghỉ ngơi, hạn chế vận động.
Corticoid: prednisolon 1mg/kg/ngày X 7 – 10 ngày hoặc dexamethason 0,2 – 0,4mg/kg/ngày X 5 – 7 ngày.
Viêm não – màng não: Điều trị theo phác đồ viêm não màng não do virus.
Viêm tụy cấp: Điều trị theo phác đồ viêm tụy cấp.
Tiến triển và biến chứng
Quai bị là bệnh lành tính hiếm khi để lại di chứng nặng nề kể cả các trường hợp có biến chứng như viêm não – màng não.
DỰ PHÒNG
Phòng bệnh thụ động
Cách ly trẻ bị bệnh để tránh lây lan.
Phòng bệnh chủ động
Tiêm vắc xin sống giảm độc lực cho trẻ từ 12 tháng tuổi, nhắc lại mũi 2 lúc 4 – 6 tuổi. Thường hay sử dụng loại vắc xin kết hợp sởi - quai bị - rubella (MMR).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Bệnh quai bị (2002). “Bệnh học truyền nhiễm “, Nhà xuất bản Y học .
Anders H, Steven R, Kathrin M. Mumps (2008). Lancet 2008; 371: 932–44. Vol 371 March 15.
Koskiniemi M, Donner M, Pettay O (1983). Clinical appearance and outcome in mumps encephalitis in children. Acta Paediatr Scand; 72: 603–09.
-
Tài liệu mới nhất
-
Các kịch bản lâm sàng của ứng dụng chụp cắt lớp trở kháng điện trong chăm sóc tích cực ở trẻ em
22:41,30/01/2023
-
Thông khí hướng dẫn bằng áp lực đẩy so với thông khí bảo vệ phổi ở bệnh nhân ARDS
22:08,12/01/2023
-
Áp lực đẩy và áp lực xuyên phổi: Làm thế nào để chúng tôi hướng dẫn thông khí cơ học an toàn?
22:49,10/01/2023
-
Chuẩn năng lực cơ bản của Cử nhân Dinh dưỡng Việt Nam
20:54,09/01/2023
-
Giảm viêm phổi liên quan đến thở máy ở khoa chăm sóc đặc biệt cho trẻ sơ sinh
21:50,08/01/2023
-
Các chiến lược ngăn ngừa viêm phổi liên quan đến thở máy,...
10:33,07/01/2023
-
Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh do vi rút Adeno ở trẻ em
21:16,06/01/2023
-
Chuẩn năng lực cơ bản của Cử nhân Điều dưỡng Việt Nam
20:31,05/01/2023
-
Chuẩn năng lực cơ bản của Cử nhân Hộ sinh Việt Nam
20:14,05/01/2023
-
Khuyến cáo về chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp 2022 ( Tóm tắt )
22:43,03/01/2023
-
Các kịch bản lâm sàng của ứng dụng chụp cắt lớp trở kháng điện trong chăm sóc tích cực ở trẻ em