Hướng dẫn người bệnh thực hiện lọc màng bụng tại nhà
- Tác giả: Bộ Y tế
- Chuyên ngành: Hồi sức cấp cứu
- Nhà xuất bản:Bộ Y tế
- Năm xuất bản:2015
- Trạng thái:Chờ xét duyệt
- Quyền truy cập: Cộng đồng
Hướng dẫn người bệnh thực hiện lọc màng bụng tại nhà
MỤC TIÊU
Huấn luyện người bệnh nhằm cải thiện tiên lượng lâm sàng bằng cách sử dụng một chương trình huấn luyện người bệnh cụ thể và kỹ lưỡng.
LÝ DO
CAPD là kỹ thuật được chính người bệnh hoặc người nhà của người bệnh thực hiện tại nhà theo hướng dẫn của điều dưỡng LMB. Vì vậy người bệnh và người nhà cần hiểu rõ và nắm vững các bước tiến hành của phương pháp điều trị, đồng thời tuân thủ nghiêm túc các yêu cầu của quy trình kỹ thuật LMB nhằm mang lại kết quả điều trị tốt và hạn chế tối đa các biến chứng có thể xảy ra.
Do vậy, huấn luyện người bệnh là khâu bắt buộc của chương trình LMB. Năm 2006 Hiệp Hội Lọc màng bụng Thế giới (ISPD: International Society for Peritoneal Dialysis) đã thiết lập và công bố các khuyến cáo đầu tiên để huấn luyện người bệnh. Hội đồng liên kết điều dưỡng của ISPD đề nghị việc huấn luyện cần phải liên tục cho đến khi người huấn luyện đánh giá người bệnh tối thiểu phải đạt được một số yêu cầu sau:
Có thể thực hiện an toàn mọi thao tác cần thiết;
Hiểu được các khái niệm về lây nhiễm và nhiễm trùng;
Có khả năng xử trí một cách thích hợp những vấn đề đã được huấn luyện.
Nghiên cứu cho thấy việc người bệnh áp dụng đúng các nguyên tắc được huấn luyện đã mang lại kết quả tốt, cải thiện được tỷ lệ VPM, giảm số người bệnh bỏ điều trị, cải thiện cân bằng dịch và tuân thủ điều trị. Các tác giả cũng thấy rằng một chương trình huấn luyện người bệnh được chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ cải thiện được chất lượng huấn luyện đồng thời duy trì và khuyến khích sự linh hoạt của người bệnh, đây là yếu tố quan trọng để cải thiện chất lượng điều trị.
NỘI DUNG HUẤN LUYỆN CHO NGƯỜI BỆNH MỚI
Nội dung chính |
Nội dung chi tiết |
Kiến thức: Phân biệt thận khoẻ mạnh và thận suy |
Thận là gì và ở đâu? Tại sao thận lại quan trọng? Thận hoạt động như thế nào? |
|
5 vai trò chính của thận |
|
Những dấu hiệu và triệu chứng của suy thận |
|
Tại sao thận của tôi bị hư? |
Thẩm phân phúc mạc hay LMB hoạt động như thế nào? |
Tại sao tôi cần lọc máu? CAPD viết tắt cho chữ gì? CAPD là gì? Trao đổi dịch – các giai đoạn khác nhau. Loại bỏ chất thải và nước thừa |
Bắt đầu LMB |
Những dụng cụ nào cần cho việc thay dịch? Những thành phần của hệ thống LMB là gì? – Túi đôi? Khi nào thực hiện trao đổi dịch? Có thể trao đổi dịch ở đâu? Chuẩn bị khu vực thay dịch như thế nào? Làm ấm túi dịch bằng cách nào? |
Chăm sóc ống thông phúc mạc của bạn như thế nào? |
Ống thông LMB là gì? Đầu nối Titianum Xác định lổ thoát Chăm sóc ống thông như thế nào? Cách chăm sóc lỗ thoát như thế nào ? Những dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm trùng lỗ thoát Phải làm gì khi nghi ngờ nhiễm trùng lỗ thoát? Hậu quả của nhiễm trùng lỗ thoát |
Nhận thức về vấn đề vệ sinh |
Vô trùng hay không có sự hiện diện của vi trùng là gì? Các ví dụ về vệ sinh nơi thay dịch, vệ sinh vùng bụng, kiểm tra túi đôi… 2 nơi mà vi trùng có khả năng đi vào màng bụng Vi trùng đến từ đâu? Làm thế nào để có thể ngăn cản sự lây lan của vi trùng: bản thân, nhà ở, phòng thay dịch Quy trình rửa tay vô trùng trước khi thay dịch Những bước đơn giản để tránh sự lây lan của vi trùng |
Quy trình trao đổi dịch LMB |
Chuẩn bị các dụng cụ Kết nối với hệ thống túi đôi Xả dịch cũ ra - Cho dịch mới vào - Đậy nút Cân dịch và ghi sổ thay dịch Làm thế nào để bỏ túi dịch xả? Tầm quan trọng của việc ghi sổ thay dịch |
Làm thế nào để giữ cân bằng dịch của bạn? |
Cân bằng dịch là gì? Làm thế nào để kiểm soát dịch? Làm thế nào để phân biệt giữa trọng lượng cơ thể và trọng lượng dịch? cách quan trọng để kiểm soát trọng lượng của bạn? Những dấu hiệu và triệu chứng của thừa dịch? 5 cách kiểm soát cân bằng dịch của bạn Quá tải dịch là gì? Thiếu nước là gì? |
Dinh dưỡng trong CAPD |
Ăn uống đúng cách Tại sao cần ăn thức ăn giàu đạm và đạm có trong những loại thức ăn nào? |
|
Theo sau đó là gì và tại sao cần giới hạn những thứ này? (Phốt pho và Kali), những thực phẩm có nhiều phốt pho và Kali Muối - Điều gì xảy ra nếu ăn quá nhiều muối Những thực phẩm có nhiều muối Nước – Làm thế nào để biết uống bao nhiêu? Bảng hướng dẫn - Lượng nước trong các nhóm thực phẩm Làm thế nào để ăn uống đúng cách – Những qui tắc vàng |
Hiểu biết về thuốc |
Loại thuốc đang uống là những thuốc gì? Tại sao phải uống những thuốc này? (Kháng sinh, thuốc huyết áp, Insulin, thuốc nhuận trường, thuốc tạo máu) |
Kiểm tra các xét nghiệm |
Những xét nghiệm theo dõi chung: Giải thích mục đích và ngưỡng bình thường Bộ xét nghiệm thận Bộ xét nghiệm gan Huyết học Các xét nghiệm chuyên về LMB - P.E.T/ KT/V |
Phân loại những biến chứng của CAPD |
VPM Những dấu hiệu và triệu chứng Tầm quan trọng của việc điều trị sớm Phải làm gì nếu dịch xả bị đục Tơ huyết Tơ huyết là gì? |
|
Phải làm gì? Dịch xả có máu Tại sao trong dịch xả có máu? Phải làm gì? Thiếu máu Táo bón Ngứa Những vấn đề về xương Màu da |
Chuẩn bị đủ dịch cần dùng (Kho dịch) |
Đặt dịch và cách thức vận chuyên dịch về nhà Tầm quan trọng phải có đủ dịch dùng - khoảng an toàn lượng dịch dự trữ Dự trữ dịch đúng cách |
Cuộc sống hằng ngày |
Giải thích sự linh động của việc thay dịch trong giới hạn cho phép Khuyến khích tập thể dục, tránh các môn thể thao như đá bóng Tránh khiêng nhấc những vật nặng – nguy cơ thoát vị Những hoạt động bên ngoài Những số điện thoại quan trọng cần giữ Bệnh viện nơi thực hiện LMB Số cấp cứu |
Lịch tái khám |
Tái khám Lần 1 (2 tuần sau) Lần 2 (2 tuần sau) Hằng tháng |
QUY TRÌNH THAY DỊCH HẰNG NGÀY (Hệ thống túi đôi)
Nơi thay dịch: Thoáng sạch, tắt quạt, ánh sáng tốt, không có chó mèo hay người qua lại.
Chuẩn bị sẵn: Bàn phẳng sạch, túi dịch, hai kẹp xanh. Một nắp đậy mới, khẩu trang, khăn bông khô sạch.
Các bước thay dịch:
Bước 1: Lau sạch mặt bàn.
Bước 2: Bóc túi dịch và để túi dịch, kẹp xanh, nắp đậy lên bàn.
Bước 3: Đeo khẩu trang.
Bước 4: Rửa tay sạch sẽ, lau khô tay bằng khăn bông.
Bước 5: Kiểm tra túi dịch 6 bước.
Bước 6: Tách rời hoàn toàn hai túi và hai dây.
Bước 7: Dùng kẹp xanh kẹp vào dây có túi nước sạch.
Bước 8: Bẻ van màu xanh lá cây ở túi chứa nước sạch.
Bước 9: Treo túi lên móc.
Bước 10: Thả túi không xuống đất.
Bước 11: Để ống dẫn từ bụng ra lên đùi.
Bước 12: Bàn tay trái nắm chặt dây, tay phải móc vào nút xanh lá cây giật mạnh, thả luôn nắp xuống đất.
Bước 13: Tay phải cầm ống thông ở đùi lên, dùng hai ngón tay trái mở nút trắng, thả luôn xuống đất.
Bước 14: Nối dây vào ống dẫn.
Bước 15: Vặn nút trắng phía trong mở ra, để dịch từ bụng xuống túi dưới đất cho đến khi hết.
Bước 16: Đóng nắp trắng phía trong lại.
Bước 17: Mở kẹp xanh, đếm 1 – 2 – 3 – 4- 5 đuổi hết khí trong dây.
Bước 18: Kẹp kẹp xanh vào dây xuống đất.
Bước 19: Mở nút trắng phía trong cho dịch vào bụng.
Bước 20: Đóng nắp trắng phía trong.
Bước 21: Kẹp kẹp xanh khác vào dây dẫn phía trên.
Bước 22: Bóc nút trắng mới.
Bước 23: Tháo dây.
Bước 24: Đóng nút trắng vào.
Bước 25: Cho ống dẫn vào túi.
Bước 26: Kiểm tra dịch đã ra, cân dịch ra.
Bước 27: Ghi số lượng dịch vào, ra, màu sắc.
Bước 28: Túi dịch bẩn cắt góc để nước chảy hết vào bồn cầu sau đó cuộn tròn cho vào thùng rác, nhớ giữ kẹp xanh lại.
Bước 29: Vệ sinh lại bàn, kẹp xanh, khẩu trang, khăn bông và nơi thay dịch.
HUẤN LUYỆN ĐỊNH KỲ
Huấn luyện ban đầu tốt vẫn chưa đủ. Việc điều trị lâu dài bằng phương pháp LMB cho phép người bệnh sẽ tiến bộ dần trong thao tác thay dịch. Russo và cộng sự thấy rằng khoảng 1/3 người bệnh (29%) cần được củng cố lại kiến thức và khả năng thực hiện đúng các thao tác LMB để tránh nhiễm trùng và 27% cần được huấn luyện lại để sử dụng thuốc cho đúng.
Vì vậy, chương trình huấn luyện LMB nên bao gồm việc phân tích tình hình tuân thủ điều trị của người bệnh theo thời gian nhằm nhận ra những thiếu sót cần được huấn luyện lại, từ đó người bệnh sẽ cố gắng phòng tránh tái phát.
Hiệp hội Lọc màng bụng Thế giới (ISPD: International Society for Peritoneal Dialysis) khuyến cáo cần huấn luyện lại cho người bệnh sau khi:
VPM.
Nhiễm trùng liên quan đến catheter.
Nằm viện kéo dài.
ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ CỦA QUÁ TRÌNH GIÁO DỤC
Kiểm tra đánh giá định kỳ kỹ thuật thay dịch và kiến thức xử lý vấn đề của người bệnh.
Theo dõi kết quả thực hiện dựa vào các thông số như thời gian từ lúc bắt đầu thực hiện lọc máu bằng phương pháp LMB cho đến lần đầu tiên bị VPM hoặc nhiễm trùng chân ống, tỷ lệ nhập viện và nguyên nhân.
CÁC KHUYẾN CÁO KHI HUẤN LUYỆN NGƯỜI BỆNH LỌC MÀNG BỤNG
Các nguyên tắc học tập của người lớn cần được lồng ghép vào chương trình huấn luyện LMB để tăng tối đa tỷ lệ thành công.
Chương trình huấn luyện LMB dành cho người bệnh phải dựa trên các nguyên tắc học tập của người lớn.
Các biện pháp tiếp cận để giáo dục khái niệm và thủ thuật phải phù hợp với khả năng tiếp thu của người bệnh.
Huấn luyện LMB cho người bệnh phải do điều dưỡng chuyên về LMB thực hiện.
Hiệp hội Lọc màng bụng Thế giới (ISPD: International Society for Peritoneal Dialysis) khuyến cáo tỷ lệ người bệnh/điều dưỡng là 1/1 cho đến khi có các nghiên cứu chứng minh hiệu quả của huấn luyện theo nhóm.
Phải thực hiện việc kiểm tra sau huấn luyện để xác định xem có đạt được những mục tiêu huấn luyện không.
Đánh giá thường qui nhu cầu huấn luyện lại (kiến thức người bệnh và khả năng thực hiện các thao tác) sau 6 tháng đầu và sau đó là hằng năm hoặc hơn.
Lên lịch huấn luyện lại nếu người bệnh không có khả năng thực hiện thao tác hoặc không trả lời đúng > 80% các vấn đề liên quan đến thao tác.
Uỷ ban liên kết điều dưỡng của ISPD khuyến cáo mạnh mẽ rằng thăm bệnh tại nhà là một phần của chăm sóc toàn diện người bệnh thực hiện LMB.
HƯỚNG DẪN XỬ LÝ MỘT SỐ VẤN ĐỀ XẢY RA TẠI NHÀ
LMB tại nhà được tiến hành thường xuyên tại gia đình người bệnh và ngoài bệnh viện, chính vì vậy người bệnh và người giúp đỡ cần biết cách xử trí một số tình hướng có thể xảy ra trong khi đang thao tác thực hiện kỹ thuật. Một số hướng dẫn ban đầu như sau:
Khi dịch xả ra có màu hồng hoặc đỏ
Tùy theo nguyên nhân gây ra dịch màu hồng màu đỏ người bệnh có cách xử lý tương ứng trong bảng dưới đây:
Nguyên nhân |
Cần làm gì? |
Do chu kỳ kinh nguyệt. |
Nó sẽ tự hết không vấn đề gì. |
Do mang vác vật nặng. |
Tránh mang vác vật nặng và nên đến ngay trung tâm lọc thận. |
Khi dịch xả ra có màu vàng sậm nhưng không đục
Nguyên nhân |
Cần làm gì? |
Dịch lưu trong khoang phúc mạc trong nhiều giờ, ví dụ lần thay dịch đầu tiên vào buổi sáng. |
Không cần phải lo lắng (nếu nó vẫn tồn tại, hãy đến trung tâm lọc thận). |
Khi bộ phận vô trùng bị ô nhiễm
Nguyên nhân |
Cần làm gì? |
Khi thao tác thay dịch đụng vào hoặc làm rơi các ống nối, hoặc cổng ra của túi Ultrabag™ |
Không sử dụng các vật dụng này nữa, bỏ đi và thay thế cái khác |
Khi làm ô nhiễm phần vô trùng của bộ chuyển tiếp. |
Kẹp kẹp xoắn trên bộ phận chuyển tiếp ngay lập tức. Đến trung tâm lọc thận để thay bộ phận chuyển tiếp khác. |
Khi đụng vào phần vô trùng của nắp đậy hoặc làm rơi nó. |
Không sử dụng bộ phận này nữa. Bỏ nó đi và thay thế cái mới. |
LƯU Ý |
|
Bỏ các bộ phận đi nếu: Các túi dịch lọc không có khóa kéo, hoặc được đậy không đúng. Túi đựng nắp đậy (MiniCap): Bị hở hoặc rách. Miếng xốp bên trong bị khô hoặc không có povidone iodine. Thay thế bộ phận bỏ đi bằng bộ mới |
|
Nếu người bệnh không bảo đảm sự vô trùng của sản phẩm, nên bỏ đi và bắt đầu thay dịch với cái mới. |
Khi rỉ nước trên dây truyền hoặc trên các hệ thống ống trong quá trình thay dịch
Nguyên nhân |
Cần làm gì? |
Nếu làm rách bất cứ phần nào trong hệ thống túi đôi UltraBag™. |
NGAY LẬP TỨC kẹp kẹp xoắn trên bộ chuyển tiếp, thay nắp đập mới và thay thế hệ thống túi đôi mới. |
Bộ chuyển tiếp bị tổn thương. |
NGAY LẬP TỨC kẹp kẹp xoắn trên bộ chuyển tiếp, kẹp kẹp xanh trên ống thông càng gần bộ phận nối bằng Titanium càng tốt, kẹp sao cho không làm tổn thương miệng lỗ thoát, theo hướng dẫn của điều dưỡng thẩm phân, và đến ngay trung tâm lọc thận. |
Bộ phận nối bằng titanium và bộ chuyển tiếp được nối không đúng cách. |
NGAY LẬP TỨC kẹp kẹp xoắn trên bộ chuyển tiếp và đặt kẹp xanh trên dây dẫn trên bộ chuyển tiếp và đến trung lọc thận ngay. |
Khi dịch không thể chảy vào khoang màng bụng
Nguyên nhân |
Cần làm gì? |
Do quên không mở kẹp trên dây truyền. |
Mở kẹp ra. |
Do quên không bẻ phần van nhựa. |
Có thể bẻ phần van nhựa ngay cả khi nó đã được nối kết. |
Do quên không mở kẹp xoắn trên bộ chuyển tiếp. |
Mở kẹp xoắn trên bộ chuyển tiếp (nếu chuyện này tiếp tục xảy ra, nên đến trung tâm lọc thận). |
Khi dịch không thể thoát ra khỏi khoang màng bụng
Nguyên nhân |
Cần làm gì? |
Kẹp xoắn trên bộ chuyển tiếp bị kẹp lại. |
Mở kẹp xoắn trên bộ chuyển tiếp |
Khi bị táo bón. |
Dùng thuốc nhuận trường mà bác sỹ chỉ định và thay đổi tư thế thường xuyên. Đừng quên ăn những thức ăn giàu chất xơ. Nếu tắc ống vẫn tiếp diễn, đi khám bác sỹ ngay. |
Ống thông hay bộ chuyển tiếp bị xoắn vặn hay bị gập ống. |
Kéo thẳng ống ra hay làm cho ống hết bị gập. |
Ống thông không đúng vị trí. |
Thay đổi tư thế thường xuyên (lăn qua lăn lại hoặc cúi lên xuống). Nếu vấn đề này vẫn tồn tại, đến trung tâm lọc thận NGAY LẬP TỨC. |
Các dây dẫn dịch hoặc ống thông bị gập góc hay chồng lên nhau. |
Kiểm tra từng bộ phận này và phải bảo đảm không bị tắc nghẽn (nếu vấn đề này vẫn tiếp tục xảy ra, đừng cố cho dịch vào và đến trung tâm lọc thận NGAY LẬP TỨC). |
Khi dịch xả ra có dạng sợi (fibrin) bên trong
Nguyên nhân |
Cần làm gì? |
Do có mặt fibrin. |
Đến trung tâm lọc thận để bác sỹ hướng dẫn bạn cần làm gì. |
Khi dịch xả ra bị đục
Nguyên nhân |
Cần làm gì? |
Do VIÊM PHÚC MẠC |
Giữ lại túi dịch xả ra bị đục đầu tiên, đừng bỏ đi; bạn phải mang đến bệnh viện ngay lập tức để làm xét nghiệm cận lâm sàng và xác định loại vi khuẩn gây nhiễm trùng. Làm theo hướng dẫn của Bác sỹ và điều dưỡng. |
CẦN NHỚ
Không bao giờ tự dùng thuốc mà không có hướng dẫn của bác sỹ.
Khi dịch chảy ra miệng lỗ thoát
Nguyên nhân |
Cần làm gì? |
Vùng miệng lỗ thoát chưa lành hoàn toàn. |
Đắp gạc vô trùng lên miệng lỗ thoát và đến trung tâm lọc thận NGAY LẬP TỨC. Không thực hiện bất cứ lần thay dịch nào. |
Nhiễm trùng tại miệng lỗ thoát |
Đến trung tâm lọc thận ngay lập tức. |
CẦN NHỚ
Bạn không nên cho thuốc hay dịch ngoài chỉ định cho đến khi gặp bác sỹ; làm như vậy chỉ gây rắc rối thêm cho bạn.
Khi hết dịch lọc hoặc nắp đậy trước lần thay dịch kế tiếp
Nguyên nhân |
Cần làm gì? |
Có thể do đã thực hiện nhiều lần thay dịch hơn chỉ định. Ví dụ: cho dịch lọc vào thay vì xả ra. |
Nếu bạn cần nhiều lượng dịch hơn được chỉ định, bạn nên thông báo cho bác sỹ hay điều dưỡng về lý do bạn phải thay đổi số lượng dịch để bạn sẽ được gửi đến trong lần giao dịch kế tiếp. |
Do bàn giao sai số lượng dịch cho bạn. |
Thông báo cho Baxter càng sớm càng tốt thông qua bộ phận chăm sóc khách hàng (Customer Service Representative). Đừng chờ cho đến khi hết cạn dịch. Phải chắc chắn rằng Baxter giao đúng số lượng túi dịch và Nắp đậy ở mỗi lần giao dịch. |
Khi có nhiều hơn số túi dịch được chỉ định ở nhà
Nguyên nhân |
Cần làm gì? |
Do được bàn giao nhiều hơn số lượng chỉ định. |
Báo cho trung tâm lọc thận rằng bạn có dư số lượng dịch lọc. |
Do bạn đã không thực hiện một số lần thay dịch. |
Không bao giờ bỏ thay dịch. Việc bỏ dỡ này khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, yếu ớt, chán ăn, buồn nôn hay chóng mặt do nước và các chất thải (urê và creatinine) sẽ tích lũy trong cơ thể. |
Khi bị đau bụng
Nguyên nhân |
Cần làm gì? |
Do VIÊM PHÚC MẠC |
Nếu dịch trong túi xả bị đục, đến trung tâm lọc thận NGAY LẬP TỨC. Nếu dịch không đục, nhưng bạn bị sốt cũng phải đến trung tâm lọc thận ngay. |
Vị trí đặt ống thông chưa lành. |
Đến trung tâm lọc thận. Có thể bạn cần phải uống thuốc cho đến lúc chỗ đó lành. |
Nếu đau xảy ra vào lúc cuối quá trình xả dịch, có thể do đầu ống thông chạm vào màng bụng hoặc do ống thông chạm vào mạc nối do lực hút. |
Giảm tốc độ xả bằng cách kẹp một phần bộ chuyển tiếp vào cuối kỳ xả dịch. |
Do táo bón. |
Tham vấn bác sĩ dinh dưỡng để bảo đảm rằng bạn đang có chế độ ăn thích hợp. Khám bác sĩ bởi vì có thể bạn cần dùng thuốc nhuận trường nếu vấn đề này thường xuyên xảy ra. |
Khi bạn bị sốt
Nguyên nhân |
Cần làm gì? |
Do VIÊM PHÚC MẠC |
Nếu dịch trong túi dịch xả ra bị đục, hãy đến trung tâm lọc thận NGAY LẬP TỨC để họ sẽ chỉ cho bạn cách điều trị cần thiết. |
Do nhiễm trùng tại miệng lỗ thoát. |
Kiểm tra miệng lỗ thoát. Nếu đỏ, chảy mủ, bị sưng hay bị tổn thương, đến trung tâm lọc thận để bắt đầu được điều trị thích hợp. Nhiễm trùng miệng lỗ thoát có thể gây viêm màng bụng, vì vậy cần phải theo dõi sát màu sắc dịch chảy ra. |
Do bị cúm, cảm lạnh, hay nhiễm trùng đường tiểu. |
Nếu bạn không có dấu hiệu bị viêm màng bụng hay nhiễm trùng miệng lỗ thoát, có lẽ bạn bị cúm, cảm lạnh, nhiễm trùng đường tiểu, hay bất cứ tình trạng nhiễm trùng nào khác, đó là lý do bạn nên đến trung tâm lọc thận để có điều trị thích hợp. |
Khi bị nhức đầu
Nguyên nhân |
Cần làm gì? |
Có thể do bạn bị tăng huyết áp. |
Nếu bị nhức đầu, có thể do bạn bị cao huyết áp. Đo huyết áp và ghi lại trên bảng theo dõi theo hướng dẫn của điều dưỡng. Hãy đến trung tâm lọc thận. |
Có thể do huyết áp thấp. |
Kiểm tra cân nặng và huyết áp. Nếu trị số thấp, có thể bạn bị mất nước, hoặc liều thuốc hạ áp quá cao. Nếu chuyện này xảy ra, bạn cần đến trung tâm lọc thận ngay để bác sĩ điều chỉnh dịch thẩm phân và toa thuốc. |
Khi bạn bị phù mắt cá
Nguyên nhân |
Cần làm gì? |
Do bị dư nước trong cơ thể. |
Kiểm tra cân nặng và huyết áp. Nếu trị số cao, bạn cần: Kiểm tra xem ống thông có hoạt động tốt không? Giảm lượng muối và nước ăn vào. Dùng dịch lọc có nồng độ đường cao nếu bạn có. Đến trung tâm lọc thận để kiểm tra chế độ ăn và dịch lọc. |
Khi bạn khó thở
Nguyên nhân |
Cần làm gì? |
Do bị dư nước trong cơ thể. |
Đến trung tâm lọc thận NGAY LẬP TỨC. |
Khi bị đau khớp vai
Nguyên nhân |
Cần làm gì? |
Do dịch lọc quá lạnh |
Lần sau nhớ làm ấm dịch bằng cách dùng nhiệt khô. |
Dịch chảy vào quá nhanh. |
Kẹp bớt bộ chuyển tiếp để dịch chảy vào chậm hơn. |
Có khí trong dây dẫn. |
Phải bảo đảm rằng đã đuổi khí trong đường ống trước khi mở kẹp bộ chuyển tiếp để cho dịch vào. |
Khi bị đau chỗ miệng lỗ thoát
Nguyên nhân |
Cần làm gì? |
Do nhiễm trùng miệng lỗ thoát. |
Kiểm tra miệng lỗ thoát. Nếu bị đỏ, rỉ mủ, sưng nề, hoặc bị tổn thương, hãy đến trung tâm lọc thận để bắt đầu điều trị thích hợp. Nhiễm trùng miệng lỗ thoát có thể gây viêm màng bụng, đó là lý do tại sao phải theo dõi sát dịch xả ra. |
Do kích thích quanh miệng lỗ thoát. |
Giữ cho ống thông cố định tại chỗ sao cho nó không bị di động (bất động). Kích thích có thể gây ra nhiễm trùng miệng lỗ thoát. |
Do nhiễm trùng bên trong đường hầm ống thông. |
Kiểm tra đường hầm ống thông. Nếu bị sưng nề hoặc đỏ tấy, hãy đến trung tâm lọc thận ngay. |
Khi bị tiêu chảy hay bị nôn mửa
Nguyên nhân |
Cần làm gì? |
Do VIÊM PHÚC MẠC. |
Nếu dịch xả ra bị đục, đến trung tâm lọc thận NGAY LẬP TỨC. |
Do ăn thứ gì đó không hợp với bạn. |
Nếu bạn bị tiêu chảy, hãy đến trung tâm lọc thận NGAY LẬP TỨC. |
Do giảm hiệu quả lọc. |
Theo đúng chỉ định trong toa (ít nhất 4 lần thay dịch một ngày). Nếu bạn đã theo đúng liều, phải đến trung tâm lọc thận ngay để điều chỉnh liều lọc thận. |
-
Tài liệu mới nhất
-
Áp lực xuyên phổi: tầm quan trọng và giới hạn
22:55,07/02/2023
-
Đánh giá cập nhật về chiến lược thông khí hướng dẫn bằng áp lực đẩy và ứng dụng lâm sàng của nó
22:28,07/02/2023
-
Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ Y tế
20:56,31/01/2023
-
Chụp CL trở kháng điện để chuẩn độ AL dương cuối thì thở ra trong HC nguy kịch hô hấp cấp tính
15:41,31/01/2023
-
Các kịch bản lâm sàng của ứng dụng chụp cắt lớp trở kháng điện trong chăm sóc tích cực ở trẻ em
22:41,30/01/2023
-
Thông khí hướng dẫn bằng áp lực đẩy so với thông khí bảo vệ phổi ở bệnh nhân ARDS
22:08,12/01/2023
-
Áp lực đẩy và áp lực xuyên phổi: Làm thế nào để chúng tôi hướng dẫn thông khí cơ học an toàn?
22:49,10/01/2023
-
Chuẩn năng lực cơ bản của Cử nhân Dinh dưỡng Việt Nam
20:54,09/01/2023
-
Giảm viêm phổi liên quan đến thở máy ở khoa chăm sóc đặc biệt cho trẻ sơ sinh
21:50,08/01/2023
-
Các chiến lược ngăn ngừa viêm phổi liên quan đến thở máy,...
10:33,07/01/2023
-
Áp lực xuyên phổi: tầm quan trọng và giới hạn