Bài giảng Kỹ năng truyền thông tư vấn giáo dục sức khỏe
- Tác giả: Bộ Y tế
- Chuyên ngành: Điều dưỡng
- Nhà xuất bản:NHÀ XUẤT BẢN Y HỌC HÀ NỘI
- Năm xuất bản:2020
- Trạng thái:Chờ xét duyệt
- Quyền truy cập: Cộng đồng
Bài giảng Kỹ năng truyền thông tư vấn giáo dục sức khỏe
Nguồn : TÀI LIỆU ĐÀO TẠO THỰC HÀNH LÂM SÀNG CHO ĐIỀU DƯỠNG VIÊN MỚI – NHÀ XUẤT BẢN Y HỌC HÀ NỘI - Bộ Y tế 2020
PHẦN LÝ THUYẾT
TỔNG QUAN VỀ TƯ VẤN GIÁO DỤC SỨC KHỎE
Quy định liên quan đến nhiệm vụ tư vấn giáo dục sức khoẻ của Điều dưỡng
Theo thông tư 07/2011/TT-BYT, quy định 12 nhiệm vụ chuyên môn của Điều dưỡng viên trong chăm sóc người bệnh. Trong đó nội dung thứ nhất là: Tư vấn, hướng dẫn giáo dục sức khỏe.
Bệnh viện có quy định và tổ chức các hình thức tư vấn, hướng dẫn giáo dục sức khỏe phù hợp.
Trong quá trình điều trị, người bệnh sẽ được điều dưỡng viên, hộ sinh viên tư vấn, giáo dục sức sức khỏe cũng như hướng dẫn chăm sóc, theo dõi và phòng bệnh trong thời gian nằm viện.
Định nghĩa tư vấn giáo dục sức khỏe
Giáo dục sức khỏe được định nghĩa theo nhiều cách khác nhau bởi những nhà nghiên cứu khác nhau.
“Giáo dục sức khỏe nhằm thu hẹp khoảng cách giữa những điều đã biết về thói quen sức khỏe thích hợp nhất và những điều đang được thực hành trên thực tế” (Griffiths, 1972) .
“Mang lại những thay đổi hành vi có hại cho sức khỏe ở các cá nhân, nhóm người và quần thể lớn hơn để trở thành hành vi có lợi cho sức khỏe hiện tại và tương lai” (Simonds, 1976).
“Bất kỳ sự kết hợp kinh nghiệm học tập nhằm tạo thuận lợi cho việc thích nghi tự nguyện các hành vi có lợi cho sức khỏe” (Green, Kreuter, Deeds, và Partridge, 1980).
“Quá trình giúp đỡ các cá nhân, thực hiện riêng biệt hoặc tập thể để ra quyết định về những vấn đề ảnh hưởng tới sức khỏe của họ và của những người khác” (Nhóm Công tác Quốc gia về Chuẩn bị và Thực hành cho những người làm công tác giáo dục sức khỏe, 1985).
Những khía cạnh chung của các khái niệm này là giáo dục sức khỏe bao gồm không những các hoạt động hướng dẫn và các chiến lược để thay đổi hành vi sức khỏe cá nhân mà còn là sự nỗ lực của tổ chức, định hướng chính sách, sự hỗ trợ về kinh tế, các hoạt động môi trường, truyền thông và các chương trình cấp cộng đồng.
Hành vi sức khỏe
Định nghĩa về hành vi sức khỏe
Giáo dục sức khỏe cố gắng ảnh hưởng tới hành vi sức khỏe. Hành vi sức khỏe được định nghĩa, ví dụ như:
Bất kỳ hoạt động nào được thực hiện vì mục đích phòng hay phát hiện bệnh hoặc cải thiện sức khỏe và sự khỏe mạnh (Conner and Norman,1996).
Các mô hình hành vi, hành động và thói quen liên quan tới việc duy trì sức khỏe, hồi phục và cải thiện sức khỏe (Gochman, 1997).
Các hành vi trong định nghĩa này bao gồm:
Sử dụng dịch vụ y tế (vd. đi khám bác sĩ, tiêm phòng và sàng lọc)
Tuân thủ chế độ điều trị (ví dụ: chế độ ăn tiểu đường, chống tăng huyến áp).
Hành vi sức khỏe tự định hướng (ví dụ: chế độ ăn, thể dục, hút thuốc và uống rượu).
Tại cơ sở y tế, giáo dục sức khỏe được thực hiện cho những cá nhân nguy cơ cao, người bệnh, gia đình người bệnh và cộng đồng xung quanh cũng như đào tạo lại cho nhân viên y tế là tất cả các phần của chăm sóc y tế ngày nay.
Hành vi phòng ngừa
Phòng ngừa tiên phát - can thiệp trước khi những ảnh hưởng tới sức khỏe xảy ra thông qua các biện pháp như tiêm phòng, thay đổi những hành vi có nguy cơ (thói quen ăn uống xấu, sử dụng thuốc lá) và cấm các chất được cho là có liên quan đến bệnh tật và tình trạng sức khỏe.
Phòng ngừa thứ phát - sàng lọc để xác định bệnh ở giai đoạn sớm nhất, trước khi xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng thông qua các biện pháp như chụp X quang vú và kiểm tra huyết áp thường xuyên.
Phòng ngừa cấp 3 - xử lý bệnh sau chẩn đoán để làm chậm lại hoặc ngừng sự tiến triển của bệnh thông qua các biện pháp như hóa trị, phục hồi chức năng và sàng lọc các biến chứng.
Phòng ngừa nguyên thủy - phòng ngừa các yếu tố rủi ro liên quan đến điều kiện xã hội và môi trường.
Hiểu biết về sức khỏe
Hiểu biết về sức khỏe cho thấy việc đạt được mức độ kiến thức, kỹ năng cá nhân và sự tự tin để thực hiện hành động cải thiện sức khỏe cá nhân và cộng đồng qua việc thay đổi lối sống cá nhân và điều kiện sống. Do vậy, hiểu biết về sức khỏe có ý nghĩa nhiều hơn là có thể đọc tờ rơi và hẹn gặp. Bằng cách cải thiện việc tiếp cận thông tin y tế của con người khả năng sử dụng thông tin hiệu quả, hiểu biết về sức khỏe là sự trao quyền tích cực. (The WHO Health Promotion Glossary1998)
Để xây dựng chương trình giáo dục sức khỏe, các nhân viên y tế phải xem xét mỗi bước của quá trình hiểu biết về sức khỏe và xác định cho phù hợp.
(Nakayama và CSl. Hiểu biết SK (bằng tiếng Nhật). Chỉnh sửa bởi tác giả)
Vai trò tư vấn sức khoẻ của người Điều dưỡng
Vai trò của người điều dưỡng trong hệ thống y tế hiện nay đã có nhiều thay đổi so với trước kia. Cùng với vai trò là người chăm sóc sức khoẻ, việc tư vấn sức khoẻ cho người bệnh và gia đình người bệnh là rất quan trọng. Với kiến thức và những kinh nghiệm qua thực tế chăm sóc người bệnh, điều dưỡng sẽ tư vấn cho người bệnh và người nhà NB cách chăm sóc phù hợp, hiệu quả, giúp người bệnh nhanh chóng hồi phục sức khỏe, ví dụ: ăn gì, uống gì, nên kiêng cái gì, chế độ làm việc, nghỉ ngơi, tập luyện phù hợp, chăm sóc vệ sinh phù hợp, cách sử dụng thuốc (theo đơn) và theo dõi khi dùng thuốc…
Tư vấn là quá trình giúp đỡ người bệnh nhận biết và đương đầu với những căng thẳng về tâm lý, tác động của bệnh tật; hoặc những vấn đề của gia đình, xã hội liên quan tới người bệnh. Người điều dưỡng tập trung khuyến khích người bệnh xây dựng ý thức tự kiểm soát.
Tư vấn có thể thực hiện với cá thể người bệnh hoặc nhóm người, việc tư vấn không nhất thiết phải theo khuôn mẫu hay quy trình, thường là lồng ghép trong quá trình điều dưỡng thực hiện chăm sóc người bệnh. Để việc tư vấn sức khoẻ phù hợp và hiệu quả, đòi hỏi người điều dưỡng phải có kỹ năng nhận định, phân tích tình hình, tổng hợp thông tin, lựa chọn nội dung và phương pháp tư vấn phù hợp, đánh giá quá trình tiến triển của người bệnh sau khi đã được tư vấn. Chăm sóc sức khoẻ hiện nay chú trọng nhiều tới việc nâng cao và duy trì sức khỏe hơn là chỉ chữa bệnh thuần túy. Vì vậy, người bệnh và gia đình cần có thêm kiến thức và kỹ năng tối thiểu để tự theo dõi và chăm sóc nhằm rút ngắn ngày nằm viện, giúp người bệnh tự theo dõi và chăm sóc khi xuất viện.
Thuyết thay đổi hành vi
Xác định các yếu tố quyết định ảnh hưởng tới hành vi sức khỏe và ra quyết định triển khai chiến lược giáo dục sức khỏe phù hợp là năng lực cần thiết cho cán bộ y tế trong đó có điều dưỡng. Các thuyết thay đổi hành vi có thể giúp xây dựng các hoạt động giáo dục sức khỏe.
Trong phần này giới thiệu một số lý thuyết và mô hình của cá nhân và mức độ giữa các cá nhân thường được áp dụng tại cơ sở y tế.
Mô hình niềm tin sức khỏe
Mô hình niềm tin sức khỏe (HBM) chú trọng vào nhận thức của cá nhân về mối nguy do các vấn đề sức khỏe gây ra (sự mẫn cảm, mức độ nặng), lợi ích của việc phòng tránh mối nguy và các yếu tố ảnh hưởng tới quyết định để hành động (các rào cản, tín hiệu để hành động và năng lực bản thân).
Mô hình niềm tin sức khỏe là một trong những lý thuyết hành vi sức khỏe đầu tiên và cũng là mô hình được công nhận rộng rãi nhất trong lĩnh vực này. Nó được phát triển vào những năm 1950 để giải thích tại sao chỉ có ít người tham gia vào các chương trình phòng ngừa và phát hiện bệnh tật. Mô hình niềm tin sức khỏe là phù hợp đối với việc chú trọng vào các hành vi có vấn đề làm dấy lên những quan tâm về sức khỏe (vd. hành vi tình dục nguy cơ cao và khả năng nhiễm HIV).
(Chỉnh sửa bởi tác giả)
Khi áp dụng mô hình niềm tin sức khỏe để lập kế hoạch các chương trình sức khỏe, người hành nghề cần nỗ lực trong việc hiểu đối tượng đích của mình cảm thấy nhạy cảm như thế nào đối với các vấn đề sức khỏe, liệu họ có tin rằng vấn đề đó nghiêm trọng hay không và liệu họ có tin vào hành động giảm mối đe dọa ở mức giá chấp nhận được hay không. Nỗ lực để thay đổi hiện quả trong những yếu tố này hiếm khi đơn giản như nó hiện hữu.
Thuyết hành vi dự định
Thuyết hành vi dự định (TPB) khám phá mối quan hệ giữa hành vi và niềm tin, thái độ và sự can thiệp. Thuyết hành vi dự định cho rằng chủ ý về hành vi là yếu tố quyết định hành vi quan trọng nhất. Theo những lý thuyết này, chủ ý hành vi được ảnh hưởng bởi thái độ của một người hướng tới thực hiện hành vi và bởi niềm tin về việc liệu những cá nhân quan trọng đối với một người có chấp thuận hay không chấp thuận hành vi (quy tắc chủ quan). Thuyết hành vi dự định cho rằng tất cả các yếu tố khác (vd. văn hóa, môi trường) có tác dụng thông qua cấu trúc của mô hình và không giải thích một cách độc lập khả năng mà một người sẽ hành xử theo cách nào đó. (Theory at a Glance, 2005)
(Chỉnh sửa bởi tác giả)
Thuyết nhận thức xã hội
Thuyết nhận thức xã hội (SCT) mô tả quá trình năng động đang diễn ra trong đó yếu tố con người, yếu tố môi trường và hành vi của con người có ảnh hưởng lẫn nhau. Theo Thuyết nhận thức xã hội, ba yếu tố chính ảnh hưởng khả năng một nguời sẽ thay đổi hành vi sức khỏe: (1) tự tin vào năng lực bản thân, (2) mục tiêu, và (3) sự kỳ vọng kết quả. Nếu các cá nhân có ý thức tự kiểm soát hoặc tự tin vào năng lực bản thân, họ có thể thay đổi hành vi kể cả khi đối mặt với những trở ngại. Nếu họ không cảm thấy rằng họ có thể luyện tập kiểm soát hành vi sức khỏe của mình, họ sẽ không có động lực để hành động hoặc kiên trì qua những thách thức. Khi một người chấp nhận các hành vi mới, điều này tạo ra những thây đổi ở cả môi trường và con người. Hành vi không đơn giản là sản phẩm của môi trường và con người, và môi trường cũng không đơn giản là sản phẩm của con người và hành vi. (Theory at a Glance, 2005)
(Chỉnh sửa bởi tác giả với Theory at a Glance, 2005)
Tiếp cận |
Định nghĩa |
Ví dụ |
Bước nhỏ |
Tiếp cận thay đổi hành vi ở từng bước nhỏ để đảm bảo thành công, hãy cụ thể về thay đổi mong muốn. |
Để đạt được việc giảm 5 kg cân nặng, bắt đầu với việc giảm 1 kg và tăng phần thưởng. |
Học qua quan sát (mô hình mẫu). |
Đề nghị các hình mẫu vai trò tin cậy thực hiện hành vi đích. |
Sử dụng tài năng qua ti vi dành cho chương trình quảng cáo trên truyền hình người đã kiêng thành công về chế độ ăn uống. |
Học qua trải nghiệm (trải nghiệm thành công). |
Trích dẫn trải nghiệm thành công của chính bản thân họ. |
Khuyến khích người bệnh răng anh ấy/chị ấy có thể ăn kiêng được vì đã có kinh nghiệm cai thuốc lá trước đó. |
Những kỳ vọng |
Thể hiện các kết quả tích cực của hành vi khỏe mạnh. |
Làm cho bệnh nhân nhận thấy rằng anh ta có thể khỏe mạnh hơn khi anh ta thành công giảm được 2 kg. |
TRUYỀN THÔNG TRONG GIÁO DỤC SỨC KHỎE
Truyền thông là một trong các kỹ năng quan trọng nhất của người cán bộ giáo dục sức khỏe. Phương tiện giúp cho con người có mối liên hệ gần gũi với nhau trong môi trường sống chính là truyền thông qua ngôn ngữ, bằng cả lời nói và không lời, với sự hỗ trợ của một số phương tiện.
Truyền thông là cầu nối giữa người với người. Johnson (1986) coi truyền thông như là phương tiện, qua đó một người chuyển thông điệp đến người khác và mong nhận được sự đáp lại (thông tin phản hồi).
Các khâu cơ bản của truyền thông Truyền thông gồm 3 khâu cơ bản:
Nguồn phát tin
Kênh truyền tin
Người nhận tin
Sơ đồ 1. Ba khâu cơ bản của truyền thông
Hiệu quả của quá trình truyền thông phụ thuộc vào cả 3 khâu cơ bản này. Nếu tin tức được phát ra từ nguồn phát tin không được chuẩn bị kỹ thì thông tin có thể không chính xác, không đến được với người nhận, hoặc thông tin đến với người nhận nhưng người nhận không hiểu được, do thông tin khó hiểu, không đủ, không phù hợp,… Khi thông tin truyền qua các kênh truyền tin có thể có các yếu tối làm nhiễu, sai lạc. Trình độ, đặc điểm cá nhân và hoàn cảnh thực tế của người nhận sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả tiếp nhận thông tin.
Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến sự thành công của truyền thông, việc tách rời và xem xét riêng biệt từng yếu tố: Người nhận, nguồn phát, kênh truyền thông và thông điệp sẽ thuận lợi để xây dựng chương trình truyền thông hiệu quả.
Bước đầu tiên trong việc lập kế hoạch của bất kỳ chương trình truyền thông nào là quan tâm đến đối tượng đích dự kiến. Một phương pháp có thể áp dụng thành công với đối tượng này nhưng lại thất bại với đối tượng khác. Hai người cùng nghe một chương trình trên đài, xem cùng một áp phích nhưng lại hiểu và giải thích về các nội dung có thể hoàn toàn khác nhau. Một số thông tin liên quan đến đối tượng đích cần phải tìm hiểu khi lập kế hoạch truyền thông, đồng thời người truyền thông cũng phải quan tâm đến một số câu hỏi về phạm vi ảnh hưởng cũng như niềm tin và sức khỏe của các đối tượng đích.
Tác động của truyền thông đến đối tượng đích
Truyền thông có thể tác động đến đối tượng đích qua các giai đoạn sau:
Giai đoạn 1: Truyền thông tới được đối tượng
Truyền thông chỉ có hiệu quả khi đối tượng đích phải nghe, nhìn thấy các thông điệp. Thông tin phải trực tiếp đến với đối tượng vào lúc họ có thể nghe được, nhìn được. Để đạt được điều này phải tìm hiểu đối tượng đích, phát hiện nơi mà họ có thể xem pa nô, áp phích và các thói quen nghe đọc.
Sơ đồ 2. Các giai đoạn ảnh hưởng của truyền thông đến đối tượng đích
Giai đoạn II: Thu hút sự chú ý của đối tượng
Bất kỳ hình thức truyền thông giáo dục sức khỏe nào cũng cần thu hút sự chú ý của đối tượng, làm cho đối tượng chú ý nghe, xem và đọc thông điệp. Bất kỳ thời điểm nào, khi đối tượng tiếp nhận thông tin từ năm giác quan, đối tượng thường không tập trung chú ý vào tất cả mọi tiếp nhận từ các giác quan. Sự chú ý là quá trình mà mà đối tượng có thể chọn phần hấp dẫn nhất của thông điệp để tập trung chú ý vào một sự kiện nhất định nào đó và bỏ qua các sự kiện khác cùng một thời gian. Có nhiều yếu tố môi trường khiến cho người ta chú ý hay không chú ý tới một sự kiện, vì thế vấn đề quan trọng là làm thế nào gây được sự chú ý của đối tượng vào vấn đề.
Giai đoạn III: Hiểu các thông điệp
Một người chỉ chú ý đến thông điệp khi người đó muốn hiểu thông điệp đó. Hiểu thông điệp còn gọi là sự nhận thức. Nhận thức là quá trình chủ quan của mỗi người. Hai người cùng nghe một chương trình hay cùng xem một bức tranh có thể giải thích thông điệp khác nhau, điều đó cũng dẫn đến sự đáp trả khác nhau.
Giai đoạn IV: Thúc đẩy các thay đổi
Truyền thông không dừng lại ở việc tiếp nhận, hiểu biết thông điệp mà tiếp theo là sự tin tưởng và chấp nhận thông điệp. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới việc tin
tưởng thông điệp. Sẽ dễ thay đổi nếu thông tin người ta mới tiếp nhận gần đây, ngược lại với thông tin có từ lâu, sẽ quá khó để thay đổi nó!
Giai đoạn V: Tạo ra và thay đổi trong hành vi
Truyền thông có thể dẫn đến kết quả là nâng cao nhận thức, thay đổi niềm tin nhưng không tác động thay đổi hành vi. Nguyên nhân là do truyền thông không hướng vào thay đổi niềm tin mà niềm tin lại ảnh hưởng nhiều nhất tới hành vi của họ. Một người có thể có thái độ tốt và muốn thực hiện hành động, ví dụ: sử dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, đưa trẻ đi tiêm chủng… tuy nhiên, áp lực từ người khác ngăn cản họ làm việc này. Một lý do khác khiến người ta không thực hiện hành vi vì thiếu các yếu tố như tiền, thời gian, kỹ năng hay các dịch vụ y tế. Như vậy muốn thay đổi hành vi của đối tượng ở giai đoạn này cần tạo ra môi trường và các điều kiện hỗ trợ cho đối tượng.
Giai đoạn VI: Nâng cao sức khỏe
Nâng cao sức khỏe chỉ xảy ra khi các hành vi đã được đối tượng lựa chọn và thực hiện một cách thích hợp trên cơ sở khoa học vì thế nó tác động đến sức khỏe. Nếu thông điệp lỗi thời, nó sẽ không có hiệu quả. Vì vậy, cần đảm bảo các thông điệp chính xác, khoa học và cập nhật.
CÁC YẾU TỐ LÀM CHO TRUYỀN THÔNG GIAO TIẾP CÓ HIỆU QUẢ
Yêu cầu cần có của người làm truyền thông giáo dục sức khỏe.
Để đạt được kết quả, người làm công tác Truyền thông - Giáo dục sức khoẻ (TT- GDSK) phải có tiêu chuẩn sau:
Có kiến thức về y học: Người TT- GDSK phải có đủ kiến thức y khoa cần thiết để soạn thảo các thông điệp phù hợp với từng loại đối tượng.
Có kiến thức về tâm lý học, khoa học hành vi: Để phân tích tâm lý, hành vi của các đối tượng từ đó chọn cách giao tiếp phù hợp.
Có kiến thức và kỹ năng về giáo dục học: Thực chất TT- GDSK là dạy học vì thế đòi hỏi cán bộ TT- GDSK cần có kỹ năng nghiệp vụ sư phạm.
Hiểu biết về văn hóa xã hội, phong tục tập quán và những vấn đề của cộng đồng: Để đảm bảo có cách tiếp cận phù hợp và nhận được sự chấp thuận của cộng đồng.
Nhiệt tình trong công tác TT-GDSK: Đây là tiêu chuẩn đạo đức mà bất kỳ người cán bộ TT- GDSK nào cũng cần phải có.
Yêu cầu đối với thông điệp giáo dục sức khỏe
Thông điệp cần chứa đựng nội dung cốt lõi cần được truyền thông, bao gồm tranh ảnh, đồ vật hấp dẫn và âm thanh để chuyển tải ý tưởng qua đó. Để đảm bảo TT- GDSK hiệu quả thì thông điệp truyền đi cần có các tiêu chuẩn sau:
Rõ ràng: Người gửi có thể làm cho thông điệp rõ ràng bằng cách chuẩn bị cẩn thận trước khi gửi thông điệp đi. Cần xác định rõ mục tiêu, điều gì người gửi muốn người nhận suy nghĩ và làm theo. Sau đó sử dụng các câu từ hoặc biểu tượng đơn giản để diễn đạt thông điệp.
Chính xác: Người gửi cần đảm bảo thông điệp của mình là chính xác. Thông điệp cần ngắn gọn dễ nhắc lại được. Trước khi nói hoặc viết cần chọn từ khóa để chuyển tải thông điệp rõ ràng và loại bỏ các từ thừa để tránh gây nhầm lẫn cho đối tượng.
Hoàn chỉnh: Người gửi có thể làm cho thông điệp gửi đi hoàn chỉnh bằng cách chọn lựa các thông tin đến người nhận để họ hiểu, tiếp thu và hành động theo. Ví dụ khi gửi một thông điệp yêu cầu người khác làm một việc nào đó, thường nêu rõ:
Việc gì cần phải làm?
Vì sao phải làm việc đó?
Làm việc đó như thế nào?
Ai là người làm việc đó?
Làm việc đó khi nào?
Làm việc đó ở đâu?
Nếu thông điệp không hoàn chỉnh người nhận có thể hiểu lầm hoặc đáp ứng không đúng với mong muốn.
Có tính thuyết phục
Các thông điệp phải mang tính thuyết phục đối tượng. Để thuyết phục, các thông điệp phải mang tính khoa học, thực tiễn, tính đúng đắn của hành động được yêu cầu thực hiện, đáp ứng nhu cầu đặt ra của đối tượng nhận thông điệp. Nếu cần, có thể đưa ra lý do tại sao cần thực hiện hành động đó. Mọi người thường có phản ứng tốt hơn khi họ nhận ra lý do tại sao nên thực hiện theo cách này mà không phải cách khác, nhất là khi họ nhận thấy lợi ích của hành động đó. Cân nhắc chọn hình thức chuyển tải thông điệp để làm cho thông điệp có tính thuyết phục đặc biệt chú ý từ ngữ, hình ảnh minh họa phải xúc tích, ngắn gọn và gây ấn tượng mạnh cho đối tượng nhận thông tin.
Có khả năng thực hiện được
Ý nghĩa quan trọng là thông điệp cần có khả năng làm cho người ta thực hiện được (khả thi). Vì vậy người gửi phải hiểu rõ người nhận, dự đoán được với khả năng của họ và sự hỗ trợ của người khác để họ có thể thực hiện được thông điệp hay không.
Trên đây là năm yêu cầu của một thông điệp, được coi là các nguyên tắc cơ bản hướng soạn thảo thông điệp trong TT- GDSK. Các nguyên tắc cơ bản này cần được áp dụng cho cả các thông điệp nói và viết.
Một thông điệp chỉ có hiệu quả khi trình bày rõ ràng về vấn đề liên quan đến đối tượng đích, thích hợp về nội dung và hình thức, được chấp nhận và đưa ra bằng phương pháp có thể hiểu được. Khi đưa ra một thông điệp nào người soạn thảo cần phải dự kiến khả năng tiếp nhận của đối tượng tiếp nhận.
Cách tốt nhất để đảm bảo thông điệp tốt là phải thử nghiệm thông điệp đó trên nhóm đối tượng đích và tham khảo ý kiến các đồng nghiệp trước khi chính thức sử dụng rộng rãi trong cộng đồng.
Sơ đồ 3. Các đặc điểm đặc trưng của thông điệp tốt
Hấp dẫn
Hấp dẫn là cách chúng ta tổ chức thông điệp để thu được lòng tin và sự thuyết phục của mọi người. Có nhiều cách khác để tạo sự hấp dẫn cho thông điệp.
Sợ hãi: Thông điệp có thể cố gắng để đe dọa mọi người hành động, bằng cách đưa ra hậu quả nghiêm trọng do không thực hiện hành động. Cách biểu tượng như là giả người chết, bộ xương, mô hình biến dạng..., có thể được sử dụng. Các bằng chứng cho thấy sự xuất hiện sợ hãi trong đầu có thể dẫn đến hai sự chú ý và tạo ra quan tâm dẫn đến thay đổi. Tuy nhiên quá sợ hãi sẽ làm cho mọi người không chấp nhận và từ chối thông điệp. Ví dụ: GDSK về hút thuốc lá tại nước Anh, bằng cách đưa ra các bệnh về phổi và mô tả ảnh hưởng xấu của thuốc lá, việc làm này ít mang lại hiệu quả với những người hút thuốc vì bản thân họ đã xây dựng hàng rào chắn với truyền thông.
Hài hước: Thông điệp được chuyển đi bằng cách buồn cười như phim hoạt hình, các câu truyện, tranh biếm họa. Hài hước là cách tốt nhất để thu hút sự quan tâm thích thú. Hài hước đồng thời cũng có vai trò giảm bớt căng thẳng khi phải đối phó với những vấn đề trầm trọng. Thư giãn và giải trí có thể dẫn đến hiệu quả tốt, làm cho người ta ghi nhớ và học tập tốt. Tuy nhiên không phải hài hước luôn luôn dẫn đến những thay đổi niềm tin và thái độ. Hài hước cũng mang tính rất chủ quan - những điểu mà người này thấy buồn cười thì lại không làm cho người khác buồn cười.
Hấp dẫn logic/sự việc thật: Nhấn mạnh vào các thông điệp bằng cách truyền đi nhu cầu cần phải hành động, với việc đưa ra các sự thật như số liệu, thông tin về nguyên nhân của bệnh tật, vấn đề sức khỏe…
Hấp dẫn về tình cảm: Cố gắng thuyết phục mọi người bằng cách khêu gợi tình cảm, những tưởng tượng, tình cảm hơn là đưa ra các sự việc và số liệu, ví dụ như chỉ ra nụ cười của những đứa trẻ mạnh khỏe, những gia đình có hố xí vệ sinh sống mạnh khỏe, những hành động liên quan đến tình dục an toàn tạo nên hạnh phúc.
Thông điệp một mặt: Chỉ trình bày những ưu điểm của thực hiện hành động mà không đề cập đến bất kỳ nhược điểm có thể xảy ra nào.
Thông điệp hai mặt: Trình bày cả ưu điểm và nhược điểm khi thực hiện hành động.
Những thu hút qua thông điệp tích cực: Truyền thông yêu cầu mọi người làm việc gì đó: ví dụ như nuôi con bằng sữa mẹ, xây dựng hố xí.
Thu hút qua thông điệp tích cực và tiêu cực: Thu hút qua thông điệp âm tính là sử dụng thuật ngữ như “tránh”, “không” để khuyến khích mọi người không thực hiện những hành vi có hại cho sức khỏe, chẳng hạn như “không nuôi con bằng chai sữa”, “không đi đại tiện bừa bãi” vv... Phần lớn các nhà giáo dục sức khỏe đồng tình dùng thông điệp tích cực (tốt hơn thông điệp tiêu cực) để thúc đẩy các hành vi có lợi cho sức khỏe ví dụ như “hãy nuôi con bằng sữa mẹ”, “sử dụng hố xí hợp vệ sinh”…
Cấu trúc thông điệp: Theo lý thuyết, thông điệp có sử dụng bất kỳ giác quan nào trong năm giác quan: nhìn, sờ, nghe, nếm, ngửi. Tuy nhiên giác quan sử dụng chính trong truyền thông là nghe và nhìn. Những thông tin có thể chuyển đi qua tiếng động, các từ có thể ở dạng nói hoặc viết hay qua lời hát. Thông tin cũng có thể chuyển đi dưới dạng không phải bằng từ ngữ: Truyền thông không lời; Truyền thông không lời bao gồm: dáng điệu, cử chỉ tay chân, hướng nhìn, giọng nói và vẻ mặt. Truyền thông không lời luôn được phối hợp với truyền thông bằng lời trong các phương pháp truyền thông trực tiếp. Cùng một thời gian, cùng một đối tượng người TT-GDSK có thể sử dựng nhiều phương pháp để truyền thông điệp đến đối tượng.
Nội dung thực sự của thông điệp: Nội dung thực sự của thông điệp bao gồm các từ, các bức tranh và tiếng động tạo nên sự hấp dẫn của thông điệp truyền đi. Trong chương trình của đài/loa phát thanh, nội dung có thể bao gồm: lời khuyên, các từ ngữ, giọng nói, âm thanh. Một áp phích có thể bao gồm: những bức tranh, các từ hay cụm từ ngắn gọn, ảnh, các biểu tượng và các loại màu sắc khác nhau.
Trong truyền thông qua thị giác có thể thực hiện “phân tích thị giác” và phân tích nội dung của truyền thông thị giác một cách cụ thể hóa:
Điều gì thực sự được nói đến, từ nào được sử dụng
Kiểu chữ nào được sử dung: Chữ in, chữ thường, chữ thẳng hay chữ nghiêng?
Kích thước của các loại chữ?
Màu và phương pháp in ấn?
Tranh được sử dụng (minh họa) là gì, các loại ảnh nào được đưa vào, các đường vẽ đơn giản hay chi tiết hoặc tranh hoạt hình?
Kích thước và màu của các bức tranh ra sao?
Yêu cầu với kênh truyền thông
Kênh truyền thông phải phù hợp với đối tượng: Khi chọn kênh thông tin phải quan tâm đến khả năng tiếp cận với kênh thông tin của đối tượng đích. Nguyên tắc chọn kênh truyền thông là đảm bảo tối đa nhóm đối tượng đích có đủ các điều kiện để thu nhận được thông tin từ kênh truyền thông đó.
Các phương tiện, thiết bị phải đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật. Ví dụ như các phương tiện nghe nhìn chuyển tải các hình ảnh, âm thanh, lời nói, chữ viết phải rõ ràng, đầy đủ. Cố gắng hạn chế đến mức tối đa tình trạng trục trặc kỹ thuật xảy ra khi đang truyền thông, có thể gây gián đoạn hay ức chế người nghe, người xem, làm cho họ không tiếp tục chú ý đến chương trình.
Không bị các yếu tố gây nhiễu (ồn, sai lạc thông tin).
Chuyển tải được thông tin, thông điệp kịp thời, chính xác và đầy đủ.
Dễ sử dụng, sử dụng được lâu dài, thuận tiện trong bảo dưỡng…
CÁC KỸ NĂNG TRUYỀN THÔNG GIAO TIẾP CƠ BẢN CẦN RÈN LUYỆN
Thực tế có thể nhận thấy thực hành truyền thông, giao tiếp hiệu quả rất khác nhau ở người này hay người khác. Phần lớn những người có kỹ năng truyền thông giao tiếp tốt là những người đã trải qua học hỏi và rèn luyện trong thực tế.
Kỹ năng nói
Lời nói là công cụ trong giao tiếp hàng ngày của con người. Trong TT-GDSK sử dụng lời nói trực tiếp thường đem lại hiệu quả cao nhất. Thực tế không phải ai cũng biết sử dụng lời nói hiệu quả. Nói như thế nào để người nghe dễ nhớ và thuyết phục họ hành động thì cần rèn luyện. Khi nói không chỉ bằng lời mà cần kết hợp với các giao tiếp không lời như ánh mắt, nét mặt, các động tác cơ thể. Lời nói phải thể hiện hài hòa với các cử chỉ, động tác, nét mặt, ánh mắt… (gọi là ngôn ngữ không lời, ngôn ngữ cơ thể).
Mỗi người có thể làm cho cách nói có hiệu quả hơn bằng cách áp dụng những nguyên tắc cơ bản khi nói:
Đảm bảo tính chính xác: Vấn đề trình bày có đủ cơ sở khoa học và thực tiễn.
Nói rõ ràng: Các từ ngữ phải được chọn lựa cẩn thận, ngắn gọn, xúc tích.
Nói đầy đủ: Đảm bảo đủ thông tin cần thiết tránh hiểu lầm.
Nói theo hệ thống và logic: Các nội dung cần nói phải liên tục, nội dung trước mở đường cho nội dung sau, không nói trùng lặp, các nội dung liên kết chặt chẽ với nhau.
Thuyết phục đối tượng: Đảm bảo nội dung đáp ứng nhu cầu của đối tượng, cách nói hấp dẫn thu hút sự chú ý của đối tượng nghe, mang tính giáo dục sâu sắc, phù hợp với hoàn cảnh thực tế, dẫn đến thay đổi hành vi của đối tượng nghe.
Trong TT-GDSK, nhiều khi nếu chỉ nói thì chưa đủ, cần phải kết hợp nói với các thao tác, hướng dẫn hoặc chỉ cho người ta thấy được nếu có thể. Lời nói sẽ có sức mạnh hơn nếu kết hợp với sử dụng các hình ảnh, các ví dụ minh họa thực tế.
Khi nói cần chú ý đến 3 khía cạnh của lời nói:
Âm tốc lời nói: Nói với tốc độ vừa phải, mạch lạc, thích hợp với đối tượng nghe, tránh nói quá nhanh hoặc quá chậm hoặc rời rạc.
Âm lượng lời nói: Đủ to để mọi người nghe rõ ràng.
Âm sắc lời nói: Có nhấn mạnh, thay đổi ngữ điệu trầm bổng cho phù hợp, ngừng, ngắt đúng chỗ để mọi người có thể suy nghĩ và liên hệ bản thân, tránh nói đều đều gây buồn ngủ nhàm chán cho người nghe.
Khi nói cần tránh các yếu tố có thể gây khó chịu cho người nghe như lặp đi lặp lại một số từ đệm không cần thiết, nói sai văn phạm, phát âm không đúng, dùng từ không phổ thông, từ chuyên môn, cử chỉ động tác không phù hợp với lời nói, không chú ý và tôn trọng người nghe…
Kỹ năng đặt câu hỏi
Hỏi để có được thông tin từ các đối tượng được TT-GDSK, đặc biệt là thu nhận thông tin phản hồi. Hỏi để biết nhận thức, thái độ, hành vi của đối tượng đích, qua đó hướng dẫn các ý tưởng, lời khuyên, hành động thích hợp. Trong các hoạt động TT-GDSK trực tiếp hỏi nhằm thăm dò các phản ứng, tạo nên không khí giao tiếp sôi nổi, tích cực, thu hút sự tham gia, tập trung sự chú ý suy nghĩ, khêu gợi những sáng kiến, kinh nghiệm của đối tượng, nhất là trong các cuộc thảo luận nhóm. Câu hỏi phải thể hiện được những điều cơ bản: Cái gì? ở đâu? khi nào? ai và như thế nào?... Câu hỏi có hai loại câu hỏi “Đóng” và câu hỏi “Mở”. Câu hỏi “Đóng” để cho đối tượng trả lời bằng một từ hay một vài từ ngắn gọn như “có” hay “không”, “rồi” hay “chưa” … Câu hỏi “Đóng” có thể sử dụng khi bắt đầu, kết thúc hay xen kẽ trong khi giao tiếp. Câu hỏi “Mở” cần thiết được nêu ra để thu nhập được thông tin nhiều hơn, đối tượng có thể trả lời mọi thông tin liên quan tùy ý. Câu hỏi “Mở” thường đặt sau câu hỏi “Đóng”. Yêu cầu khi đặt câu hỏi:
Câu hỏi phải rõ ràng, xúc tích;
Câu hỏi phải ngắn gọn, không cần phải giải thích trả lời;
Phù hợp vời trình độ hiểu biết và kinh nghiệm của đối tượng;
Tập trung vào vấn đề trọng tâm;
Kích thích tư duy, suy nghĩ của đối tượng;
Sau khi đặt câu hỏi giữ im lặng;
Chỉ nên hỏi từng câu hỏi một;
Nên hỏi xen kẽ câu hỏi đóng và câu hỏi mở;
Kết hợp các câu hỏi dễ và câu hỏi khó, câu hỏi chung và câu hỏi cụ thể liên quan đến nội dụng TT-GDSK.
Cần tránh các câu hỏi có thể làm cho đối tượng cảm thấy bị xúc phạm.
Trước khi hỏi đối tượng, người nêu câu hỏi cần phải thu hút sự chú ý, xem xét xem đối tượng đã sẵn sàng tiếp nhận câu hỏi chưa, liệu có người nào trả lời được không? câu hỏi có điều gì khó khăn và làm xúc phạm đến đối tượng trả lời không? Khi nêu câu hỏi xong cần ngừng lại để người nghe có thời gian suy nghĩ trả lời, và quan sát, mời từng người muốn trả lời. Nêu câu hỏi đúng lúc, đúng chỗ và đúng người là một biện pháp kích thích quá trình giao tiếp, thu hút sự tham gia của đối tượng trong TT-GDSK. Người thực hiện TT-GDSK phải thể hiện thiện chí và tích cực trong giao tiếp bằng cách hỏi đáp. Luôn luôn sẵn sàng tiếp nhận các câu hỏi từ phía đối tượng với thái độ tôn trọng và trả lời hết các câu hỏi của đối tượng. Chú ý gắn nội dung trả lời với nội dung giáo dục sức khỏe, nhằm khẳng định tính đúng đắn của các kiến thức đã truyền thông giáo dục và các hành vi lành mạnh cần thực hành.
Kỹ năng nghe
Người làm TT-GDSK cần biết lắng nghe đối tượng được TT-GDSK để:
Thu nhận các thông tin chung, lượng giá khái quát kiến thức, thái độ, thực hành và các ý tưởng mới của đối tượng.
Có được thông tin phản hồi đúng đủ để biết liệu nội dung thông tin, thông điệp truyền đi có được đối tượng tiếp nhận đầy đủ và hiểu đúng hay không.
Có thêm nhiều thông tin và ý tưởng để điều chỉnh quá trình TT-GDSK.
Khích lệ người được TT-GDSK tham gia tích cực hơn.
Thể hiện sự đồng cảm, thấu hiểu các vấn đề, hoàn cảnh của đối tượng. * Yêu cầu khi lắng nghe
Yên lặng khi bắt đầu nghe.
Tạo điều kiện dễ dàng cho người nói: giúp người nói cảm thấy tự tin khi nói, điều này thường được gọi là tạo môi trường cho phép.
Không chỉ nghe bằng tai mà phải nghe bằng cả mắt, bằng cử chỉ, dáng điệu để khích lệ người nói.
Nhìn thẳng vào mắt người nói với thể hiện thân thiện, khích lệ người nói.
Không đột ngột ngắt lời
Không làm việc khác, nói chuyện với người khác, nhìn đi nơi khác khi nghe
Kiên trì, không thể hiện sự sốt ruột, khó chịu, làm chủ khi nghe
Đặt câu hỏi hoặc sử dụng các từ ngữ hợp lý
Đề nghị những người khác cùng chú ý lắng nghe
Kỹ năng quan sát
Quan sát là sử dụng mắt để thu thập thông tin. Quan sát có thể phán đoán được người nhận thông tin có chú ý đến vấn đề hay không, mức độ cung cấp thông tin đã thích hợp chưa? Giúp cho người thực hiện truyền thông hiểu được đối tượng có những phản hồi tích cực hay không để điều chỉnh cho phù hợp. Quan sát làm cho đối tượng tập trung chú ý đến vấn đề được trình bày nhiều hơn.
Yêu cầu khi quan sát
Bao quát được toàn bộ đối tượng
Phát hiện được những biểu hiện khác thường của đối tượng để điều chỉnh
Nhắc nhở, thu hút sự chú ý của đối tượng
Động viên sự tham gia tích cực của đối tượng
Kỹ năng thuyết phục
Thuyết phục các đối tượng TT- GDSK là một kỹ năng tổng hợp, vì mục đích quan trọng nhất của TT-GDSK là thuyết phục được đối tượng thực hành hành vi có lợi cho sức khỏe. Để thuyết phục được đối tượng thì cần phải phối hợp nhiều kỹ năng như làm quen, nói, hỏi, nghe, sử dụng phương tiện và hình ảnh, ví dụ minh họa, hỗ trợ đối tượng. Cần làm cho người được TT-GDSK tin tưởng vào những thông điệp của người gửi là đúng đắn và đưa lại lợi ích cho sức khỏe, và thực hiện theo. Để thuyết phục được cần phải biết giải thích. Giải thích có vai trò quan trọng để thuyết phục đối tượng tin và làm theo người TT-GDSK.
Yêu cầu khi giải thích
Nắm chắc vấn đề cần giải thích
Giải thích đầy đủ, rõ ràng vấn đề
Giải thích ngắn gọn, xúc tích
Sử dụng từ ngữ dễ hiểu
Sử dụng các ví dụ và tranh ảnh, tài liệu minh họa để giải thích nếu có
Giải thích tất cả mọi câu hỏi mà đối tượng đã nêu ra
Bằng cử chỉ thể hiện sự đồng cảm, kính trọng đối tượng, không được tỏ thái độ coi thường họ
Cần có thái độ kiên trì khi giải thích
Kỹ năng khuyến khích, động viên
Khuyến khích, động viên rất quan trọng, làm cho đối tượng được TT-GDSK tự tin, phấn khởi, được khen ngợi, đánh giá cao nên sẵn sàng tiếp nhận cũng như cung cấp hết thông tin, dễ chấp nhận những lời khuyên về thay đổi hành vi.
Yêu cầu của khuyến khích động viên
Thể hiện sự thân thiện, tôn trọng mọi đối tượng qua cách chào hỏi giao tiếp bằng lời và giao tiếp không lời với đối tượng
Không được phê phán những hiểu biết sai chưa đầy đủ, việc làm chưa đúng hay chưa làm của đối tượng
Cố gắng tìm ra những điểm tốt của đối tượng để khen ngợi dù là nhỏ
Tạo cơ hội để mọi đối tượng tham gia qua các câu hỏi yêu cầu đối tượng trình bày ý kiến, kinh nghiệm của họ.
Thu hút sự đồng tình, ủng hộ của những người khác để động viện đối tượng
Tạo điều kiện để tiếp tục hỗ trợ đối tượng thực hiện các thực hành hành vi lành mạnh.
Chú ý động viên về tinh thần, tâm lý, trong một số trường hợp hoàn cảnh nhất định nếu có điều kiện có thể động viên bằng vật chất
Tạo được môi trường xung quanh hỗ trợ, khuyến khích động viên đối tượng (môi trường gia đình, cộng đồng)
Kỹ năng sử dụng tài liệu TT-GDSK
Phối hợp sử dụng tài liệu khi TT-GDSK trực tiếp sẽ tạo nên tính hấp dẫn của hoạt động giáo dục và giúp đối tượng dễ hiểu vấn đề hơn. Những hình ảnh ví dụ minh họa đúng lúc, đúng chỗ, đúng nội dung, đúng đối tượng có thể có tác dụng thuyết phục hơn nhiều so với lời nói.
Yêu cầu khi sử dụng tài liệu TT-GDSK
Tài liệu sử dụng phải phù hợp với chủ đề và đối tượng
Sử dụng các tài liệu đã được chính thức lưu hành, có cơ sở khoa học, tài liệu đã được thử nghiệm.
Sử dụng tài liệu đúng lúc, đúng chỗ để thu hút được sự chú ý, tránh làm cho đối tượng không tập trung vào chủ đề TT-GDSK.
Để mọi đối tượng nhìn rõ hoặc đọc được tài liệu
Giới thiệu đầy đủ và giải thích cho đối tượng hiểu rõ tài liệu
Hướng dẫn rõ cấu trúc logic của tài liệu và cách sử dụng tài liệu
Hướng dẫn rõ những địa điểm có các tài liệu liên quan cần thiết khác để đối tượng có thể tìm hiểu thêm.
Một số kỹ năng khác
Chọn thời gian TT- GDSK
Chọn đối tượng và địa điểm TT- GDSK
Đặt câu hỏi kiểm tra sau TT- GDSK
Chọn các phương tiện truyền thông đại chúng
PHẦN THỰC HÀNH
QUY TRÌNH THỰC HÀNH TƯ VẤN GIÁO DỤC SỨC KHỎE CHO NGƯỜI BỆNH RA VIỆN
Khi người bệnh ra viện, việc chăm sóc, theo dõi tại nhà là rất quan trọng, giúp người bệnh hồi phục, phòng bệnh và nâng cao sức khoẻ. Đối với người bệnh mắc bệnh mãn tính, theo dõi, chăm sóc tại nhà là chủ yếu, giúp cho bệnh ổn định.
Điều dưỡng là người trực tiếp hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn người bệnh và gia đình NB tự chăm sóc, theo dõi, dùng thuốc (theo đơn của bác sĩ) khi về nhà. Điều dưỡng cần hiểu rất rõ về tình trạng sức khoẻ của NB và bệnh lý hiện có, nội dung theo dõi, chăm sóc sẽ tư vấn cho NB/GĐ. Điều quan trọng là người điều dưỡng cần có kỹ năng giao tiếp phù hợp để chuyển tải những thông tin cần thiết tới NB và gia đình họ.
Đối tượng tư vấn GDSK là người bệnh, hoặc và gia đình người bệnh.
Trước khi thực hiện tư vấn GDSK, điều dưỡng cần nhận định một số vấn đề liên quan từ đối tượng tư vấn là NB/GĐ NB, giúp cho buổi tư vấn đạt kết quả. Nội dung nhận định:
Tình trạng người bệnh trước khi tư vấn: tri giác, tình trạng sức khoẻ chung…
Trạng thái tâm lý người bệnh khi ra viện: lo lắng, hoang mang, vui mừng, phấn khởi hay vô thức.
Sự hợp tác của NB/GĐ với việc tư vấn chăm sóc sức khoẻ: sẵn sàng tiếp nhận hay chưa sẵn sàng, hoặc không muốn hợp tác?
Các yếu tố văn hoá, tâm linh hoặc tôn giáo của người bệnh.
Khả năng đọc, hiểu của người bệnh/thân nhân.
Ngôn ngữ và phương thức giao tiếp với người bệnh/thân nhân.
Sự hiểu biết của người bệnh/thân nhân về vấn đề sức khoẻ hiện tại Những thói quen hiện tại: có lợi và có hại
Khó khăn của người bệnh/thân nhân: thể chất, nhận thức
Xác định nhu cầu của người bệnh và gia đình về chăm sóc sức khoẻ tại nhà:
Khả năng tự chăm sóc bản thân
Theo dõi chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh tật.
Chế độ ăn uống, nghỉ ngơi.
Sử dụng thuốc điều trị theo đơn tại nhà.
Trong thực tế lâm sàng, khi điều dưỡng thực hiện tư vấn sức khoẻ với NB/ GĐ nhiều khi chưa dành thời gian thích hợp, thường lồng ghép khi thực hiện chăm sóc. Nên việc tư vấn chưa được bài bản, thậm chí chưa chuẩn bị đủ nội dung, vì thế hiệu quả tư vấn chưa tốt, hạn chế này cũng làm cho điều dưỡng chưa suy nghĩ thấu đáo để chuẩn bị cho buổi tư vấn giáo dục sức khoẻ.
Quy trình thực hành tư vấn giáo dục sức khoẻ cho người bệnh ra viện
TT |
Các bước thực hiện |
Lý do |
1 |
Nhận định NB/GĐNB: Khả năng nghe, tiếp nhận tư vấn, vấn đề liên quan đến tự chăm sóc tại nhà… |
Giúp buổi tư vấn đạt kết quả |
2 |
Chuẩn bị cho buổi tư vấn Điều dưỡng: Trang phục, dáng điệu, giọng nói; chuẩn bị nội dung (có thể cả kịch bản) truớc khi tư vấn. Phòng tư vấn: sạch sẽ, thoáng mát, yên tĩnh. (có thể thực hiện tại giường bệnh - nếu không có phòng tư vấn). Tài liệu tư vấn: tờ rơi, tranh ảnh, tài liệu... (nếu cần) |
|
3 |
Tiếp xúc: Điều dưỡng chào hỏi người bệnh/ GĐ, tự giới thiệu, gọi tên người bệnh thích hợp theo tập quán. |
Gây ấn tượng với người bệnh/GĐ khi tư vấn. |
4 |
Thông báo với NB/ GĐ về lý do và thời gian xuất viện; Giải thích mục đích cuộc tư vấn cho người bệnh và gia đình. |
|
5 |
Nội dung tư vấn: Hỏi NB/ GĐ các thông tin cần thiết: hoàn cảnh gia đình, công việc, kinh tế, tinh thần, mức độ hiểu biết về bệnh tật, khả năng tự theo dõi và tự chăm sóc, thói quen… Giải thích diễn biến bình thường của bệnh giai đoạn tiếp theo khi NB về nhà. |
Thu thập thông tin cần thiết từ người bệnh và gia đình. Giúp người bệnh/GĐ người bệnh hiểu về bệnh. |
|
Hướng dẫn theo dõi phát hiện các dấu hiệu/triệu chứng bất thường (nếu có) và cách chăm sóc. Giải thích về thuốc và cách sử dụng thuốc, thiết bị y tế điều trị tại nhà theo đơn (nếu có). Hướng dẫn chế độ ăn uống, ăn kiêng, nghỉ ngơi, tập luyện. Hướng dẫn chế độ làm việc … Hướng dẫn cách vệ sinh phù hợp với NB cần sự hỗ trợ của gia đình trong chăm sóc vệ sinh. Hướng dẫn phòng ngừa bệnh tật: vệ sinh môi trường, VS ăn uống tại gia đình/ cộng đồng, tiêm phòng… |
Giúp người bệnh/GĐ có thể tự chăm sóc bản thân và người nhà họ. |
6 |
Chọn phương pháp tư vấn phù hợp, cân nhắc tới khả năng hiểu biết, năng lực giao tiếp của người bệnh, sự cần thiết khi tư vấn với GĐ người bệnh. Tư vấn bằng lời, có thể kết hợp phát tờ rơi GDSK cho người bệnh và gia đình - trong tờ rơi cần liệt kê nội dung tư vấn giáo dục sức khỏe cần thiết khi ra viện, và một số thông tin liên quan. |
Giúp người bệnh/GĐ tiếp nhận tư vấn hiệu quả |
7 |
Sử dụng giao tiếp không lời phù hợp (giao tiếp bằng mắt, thái độ cởi mở, ngồi ngang tầm với người bệnh/GĐ, …) |
Tạo môi trường giao tiếp thoải mái, sinh động |
8 |
Khuyến khích người bệnh/GĐ đặt câu hỏi, trao đổi về các vấn đề liên quan đến chăm sóc tại nhà. |
Tìm hiểu khó khăn của NB/GĐ khi chăm sóc tại nhà |
9 |
Trả lời câu hỏi của NB: ngắn gọn, dễ hiểu Giải thích lại thông tin khi người bệnh không hiểu hoặc không được biết trước đây. |
Làm cho NB hiểu rõ thông tin |
10 |
Lắng nghe tích cực (ngồi nghiêng về phía người bệnh, gật đầu, nét mặt chăm chú, không làm việc riêng…). |
NB/GĐ thấy được sự quan tâm của điều dưỡng. |
11 |
Kết thúc buổi tư vấn: điều dưỡng tóm tắt lại nội dung tư vấn. Nhấn mạnh điểm mạnh của người bệnh/GĐ, đưa ra vấn đề còn tồn tại cần tìm biện pháp/ hướng giải quyết. |
Đạt mục tiêu tư vấn. |
12 |
Hỏi người bệnh/GĐ Đã nhận được giấy ra viện chưa? y lệnh của bác sĩ về điều trị tại nhà, giấy hẹn khám lại? Hướng dẫn người bệnh lịch đến khám lại và lịch kiểm tra sức khoẻ định kỳ. |
Hỗ trợ người bệnh kịp thời Giúp người bệnh đến khám đúng lịch |
13 |
Chào và nói lời chúc sức khoẻ |
|
BẢNG KIỂM THỰC HÀNH TƯ VẤN GIÁO DỤC SỨC KHOẺ CHO NGƯỜI BỆNH RA VIỆN
TT |
Nội dung |
Mức độ đạt |
||
Đạt |
Không đạt |
Ghi chú |
||
1 |
Nhận định NB/ GĐNB: khả năng nghe, tiếp nhận tư vấn, vấn đề liên quan đến tự chăm sóc tại nhà. |
|
|
|
2 |
Chuẩn bị cho buổi tư vấn Điều dưỡng; phòng tư vấn; tài liệu tư vấn |
|
|
|
3 |
Tiếp xúc: Điều dưỡng chào hỏi, tự giới thiệu, |
|
|
|
4 |
Thông báo với NB/GĐ về lý do; Giải thích mục đích cuộc tư vấn. |
|
|
|
5 |
Nội dung tư vấn: Giải thích diễn biến, theo dõi, cách dùng thuốc, chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, phòng bệnh, VS |
|
|
|
6 |
Chọn phương pháp tư vấn phù hợp |
|
|
|
7 |
Sử dụng giao tiếp không lời phù hợp |
|
|
|
8 |
Khuyến khích NB/GĐ đặt câu hỏi, |
|
|
|
9 |
Trả lời câu hỏi của NB; Giải thích lại thông tin |
|
|
|
10 |
Lắng nghe tích cực |
|
|
|
11 |
Kết thúc buổi tư vấn: điều dưỡng tóm tắt lại nội dung tư vấn. Nhấn mạnh điểm mạnh của người bệnh/GĐ, đưa ra vấn đề còn tồn tại cần tìm biện pháp/hướng giải quyết. |
|
|
|
12 |
Hỏi người bệnh/GĐ: giấy ra viện, y lệnh, giấy hẹn khám lại? |
|
|
|
13 |
Chào và nói lời chúc sức khoẻ |
|
|
|
VÍ DỤ VỀ KẾ HOẠCH TƯ VẤN CHO NGƯỜI BỆNH RA VIỆN, GHI CHÉP KẾ HOẠCH TƯ VẤN THEO “MẪU THỰC HÀNH GHI TƯ VẤN GIÁO DỤC SỨC KHOẺ NGƯỜI BỆNH RA VIỆN” (XEM MẪU Ở CUỐI BÀI)
Tình huống
Ông Phạm Văn P, 65 tuổi, viên chức nghỉ hưu. Địa chỉ gia đình: Số 07, Nguyễn Trãi, Phường…, TP … Ông cao 1,58 m, cân nặng 64 kg. Ông có tiền sử tăng HA đã điều trị 5 năm. Ông ở cùng với vợ (tên là Hoàng Thị….), vợ ông là nội trợ, nấu ăn ngon, thường xuyên thay đổi món ăn nên ông rất hài lòng, ăn theo nhu cầu; ông thường mời mấy người bạn cùng lứa tới nhà ăn uống nhâm nhi, vì ông thích uống rượu, bia. Hàng ngày ông đi bộ khoảng 40 - 50 phút vào buổi chiều tối. Về điều trị bệnh: ông dùng thuốc hàng ngày theo đơn của BS, nhưng đôi khi quên không uống; thỉnh thoảng ông ra trạm y tế đo kiếm tra huyết áp.
Ông P được vợ ông đưa tới trạm y tế phường Bình Hàn (ngày 22/12/2028) khám trong tình trạng: đầu choáng váng, nóng mặt, hồi hộp. Điều dưỡng trạm y tế tiếp đón, đo dấu hiệu sinh tồn cho ông, kết quả như sau: Mạch 75 lần/ phút; nhịp thở 20 lần/phút; HAĐM 175/100 mmHg, thân nhiệt 36.50C.
Ông P được Bác sĩ chỉ định dùng thuốc hạ huyết áp: coversin 5 mg x 1 viên, uống. Sau khi dùng thuốc, tình trạng ông P đã ổn định: hết triệu chứng hồi hộp và choáng váng; Mạch 70 lần/phút; nhịp thở 16 lần/phút; HAĐM 140/90 mmHg, thân nhiệt 36.20C. Bác sĩ cho ông đơn thuốc và về nhà điều trị. Thuốc hạ huyết áp 1v/ ngày, uống buổi sáng sau khi ăn sáng.
Câu hỏi
Lập kế hoạch và tư vấn cho ông P về tự chăm sóc và điều trị tại nhà.
Lập kế hoạch tư vấn chăm sóc sức khoẻ cho người bệnh Phạm Văn P
MẪU GHI TƯ VẤN, GIÁO DỤC SỨC KHOẺ NGƯỜI BỆNH RA VIỆN
Họ và tên học viên: Lê Văn T
Lớp: Điều dưỡng viên mới khoá 1 năm 2018 - BV đa khoa X
Môn học: Lâm sàng khối Nội
(Trên đây là thông tin của học viên)
1.Thông tin cơ bản về người bệnh
Họ tên bệnh nhân: Phạm Văn P Tuổi: 65
Giới tinh: Nam
Địa chỉ: Số 07, Nguyễn Trãi, Phường…., TP….
Nghề nghiệp: Nghỉ hưu
Người chăm sóc/liên hệ khi cần: Vợ Hoàng Hải Y, ĐT 0904 ….
Ngày vào viện: ……
Khoa:….
2.Thông tin Y tế
Lý do vào viện: choáng váng, nóng mặt, hồi hộp
Chẩn đoán y khoa: Tăng huyết áp
Tiền sử bệnh lý: Tăng huyết áp 5 năm
3.Nhận định
Các yếu tố văn hoá, tâm linh hoặc tôn giáo của người bệnh: Ông P là viên chức nghỉ hưu
Khả năng đọc, hiểu của người bệnh/thân nhân : Bình thường
Sự hiểu biết hoặc kỹ năng của người bệnh/thân nhân về vấn đề sức khoẻ hiện tại.
Chưa hiểu rõ về sức khoẻ hiện tại:
Đôi khi quên dùng thuốc
Chưa theo dõi HA thường xuyên
Chưa biết hoặc không quan tâm tới giảm cân nên ông P ăn theo nhu cầu.
Những thói quen hiện tại: có lợi và có hại
Thói quen có lợi: đi bộ hàng ngày, dùng thuốc, ra trạm y tế đo huyết áp
Thói quen không tốt: ăn theo nhu cầu, uống bia rượu
Những khó khăn của người bệnh/thân nhân: Vấn đề thể chất, nhận thức
Thể chất: Tiền sử tăng HA 5 năm; BMI = 25.6 - thừa cân
Nhận thức: Uống thuốc không đều, uống rượu, bia
Chưa hiểu rõ về chế độ chăm sóc tăng HA.
Ngôn ngữ và phương thức giao tiếp với người bệnh/thân nhân Tiếng Việt, giao tiếp bằng lời
NỘI DUNG TƯ VẤN
Vấn đề tư vấn |
Kế hoạch tư vấn (những giải pháp) |
Mục tiêu mong đợi |
Thực hiện |
Đánh giá |
1. Tư vấn về dùng thuốc |
Giải thích với NB về nguy cơ khi dùng thuốc không đều. Hướng dẫn cách dùng thuốc theo đúng chỉ định. Khắc phục việc quên uống. |
NB hiểu rõ nguy cơ và cách dùng thuốc đúng. |
Đã giải thích với NB: nếu dùng thuốc không đều sẽ có nguy cơ HA tăng bất thường. Đã hướng dẫn NB: đặt chuống báo giờ uống thuốc, hoặc nhờ vợ nhắc ông dùng thuốc hàng ngày. |
NB đã biết nguy cơ của dùng thuốc không đều. NB sẽ cố gắng dùng thuốc đều vợ ông ấy hứa sẽ nhắc hàng ngày. |
2. Tư vấn về dinh dưỡng và giảm cân |
Giải thích với NB và vợ NB: ăn uống liên quan tới cân nặng; uống rượu bia gây nguy cơ cho người tăng HA. Hướng dẫn bỏ/hoặc hạn chế tối đa rượu bia; cần cân đối lại chế độ ăn, giảm số lượng... Hướng dẫn giảm cân và duy trì cân nặng hợp lý. |
NB nghe và hiểu liên quan của ăn uống tới HA, liên quan của cân nặng tới HA. NB sẽ thay đổi sau khi được tư vấn. |
Đã giải thích với NB uống rượu bia gây nguy cơ tăng HA; Đã giải thích: hiện tại BMI của NB= tiền béo phì, nên phải giảm cân, bằng cách cân đối lại ăn uống, theo dõi cân nặng để duy trì chế độ ăn uống… Đã hướng dẫn NB nên bỏ/giảm rượu bia, hướng dẫn chế độ ăn uống … |
Vợ NB đã hiểu và cho rằng sẽ thực hiện cho ông P. Ông P còn băn khoăn về việc bỏ rượu bia. |
3. Tư vấn về theo dõi huyết áp |
Giải thích với NG/GĐ tại sao phải đo HA thường xuyên. Hướng dẫn các dấu hiệu nhận biết khi tăng HA. Khuyên NB nên mua HA kế và hướng dẫn NB tự đo. |
NB hiểu rõ, Và thực hiện theo hướng dẫn. |
Đã giải thích: Đo HA thường xuyên là rất quan trọng để duy trì chế độ chăm sóc và nhận biết khi nào HA tăng bất thường. Đã hướng dẫn rõ các dấu hiệu NB cảm nhận được khi HA tăng Giới thiệu về HA kế điện tử cho NB lựa chọn (nếu mua) |
NB nhận thấy theo dõi thường xuyên là rất cần thiết. NB chưa sẵn sàng mua HA kế để tự đo, vì ngại không biết cách đo. |
…… |
|
|
|
|
Ngày tháng năm 20…
Ý kiến của học viên
Nội dung làm được
Em đã tư vấn được một số vấn đề với NB và GĐ, cảm thấy vui khi người bệnh và GĐ lắng nghe em tư vấn.
Nội dung chưa làm được
Chưa hài lòng với những giải thích của em về làm thế nào để NB có thể duy trì cân nặng hợp lý. Em còn thiếu kiến thức về dinh dưỡng và kỹ năng tư vấn. Em nghĩ rằng sẽ phải cố gắng nhiều hơn!
Nội dung cần hỗ trợ
Kiến thức về dinh dưỡng và kỹ năng tư vấn
Nhận xét/phản hồi và xác nhận của người hướng dẫn
Bạn chuẩn bị kế hoạch tương đối chi tiết, xác định các vấn đề tư vấn phù hợp với NB. Tuy nhiên nội dung tư vấn cho mỗi vấn đề cần phù hợp với NB, về hướng dẫn NB theo dõi HA, cần bổ sung: cách xử trí khi HA tăng bất thường. Cần phải rèn luyện cách thuyết phục người bệnh. Hy vọng lần sau bạn sẽ làm tốt hơn.
Bảng kiểm đánh giá năng lực thực hành kỹ năng truyền thông, tư vấn, giáo dục sức khỏe
TT |
Nội dung |
Mức độ đạt |
||
Làm độc lập, không cần hỗ trợ (2) |
Làm được, cần có sự hỗ trợ (1) |
Không làm hoặc làm sai (0) |
||
1 |
Trình bày một số điểm cơ bản về truyền thông giáo dục sức khoẻ liên quan đến hoạt động của điều dưỡng: ý nghĩa của truyền thông giáo dục sức khoẻ; các kỹ năng truyền; các yêu cầu làm cho truyền thông, tư vấn hiệu quả. |
|
|
|
2 |
Lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch tư vấn phù hợp, hiệu quả với người bệnh/gia đình người bệnh khi xuất viện. |
|
|
|
3 |
Thể hiện sự hiểu biết về chủ đề tư vấn, giáo dục sức khoẻ; thái độ thân thiện, cởi mở, tôn trọng khi thực hiện tư vấn giáo dục sức khoẻ. |
|
|
|
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Trường Đại học Y Hà Nội, Bộ môn Giáo dục sức khỏe (2010), Bài giảng truyền thông giáo dục sức khỏe, Nhà xuất bản Y học.
Bộ Y tế (2015), "Hướng dẫn thực hiện giao tiếp, ứng xử của CBYT".
Bộ Y tế (2012), Bài giảng kỹ năng điều dưỡng, Nhà xuất bản Y học
Phillip Burnard (2002), Các kỹ năng giao tiếp có hiệu quả của cán bộ y tế, Dự án WHO/HRH-001, Nhà xuất bản Y học.
Karen Glanz, Barbara K. Rimer, K. Viswanath. Hành vi sức khỏe and Giáo dục sức khỏe: Theory, Research, and Practice, 4th edition, 2008 https://www.med.upenn.edu/hbhe4/index.shtml
U.S. Department of Health and Human Services, National Institutes of Health, National Cancer Institute. Theory at a Glance, 2005. https://cancercontrol.cancer.gov/brp/research/theories_project/theory.pdf.
WHO: Hiểu biết về sức khỏe The solid facts, 2013. American Academy of Family Physicians: https://www.aafp.org/fpm/2010/0900/p24.html
MẪU THỰC HÀNH GHI TƯ VẤN, GIÁO DỤC SỨC KHOẺ NGƯỜI BỆNH RA VIỆN
Họ và tên học viên: …………………………………………………………..
Lớp: ……………………………….Môn học…………………………………
Thông tin cơ bản về người bệnh
Họ tên bệnh nhân: ………………………………Tuổi: .................................
Giới tinh: Nam/Nữ
Địa chỉ: ............................................................................................................
Nghề nghiệp: ...................................................................................................
Người chăm sóc/liên hệ khi cần ......................................................................
Ngày vào viện: ................................................................................................
Khoa: ...............................................................................................................
Thông tin Y tế
Lý do vào viện: ...............................................................................................
Chẩn đoán y khoa: ...........................................................................................
Tiền sử bệnh lý ................................................................................................
Nhận định
Các yếu tố văn hoá, tâm linh hoặc tôn giáo của người bệnh
..............................................................................................................................
..............................................................................................................................
Khả năng đọc, hiểu của người bệnh/ thân nhân
..............................................................................................................................
..............................................................................................................................
Sự hiểu biết hoặc kỹ năng của người bệnh/ thân nhân về vấn đề sức khoẻ hiện tại
..............................................................................................................................
..............................................................................................................................
..............................................................................................................................
Những thói quen hiện tại: có lợi và có hại
..............................................................................................................................
..............................................................................................................................
Những khó khăn của người bệnh/ thân nhân: Vấn đề thể chất, nhận thức
..............................................................................................................................
..............................................................................................................................
Ngôn ngữ và phương thức giao tiếp với người bệnh/ thân nhân
..............................................................................................................................
..............................................................................................................................
Nội dung tư vấn
Vấn đề tư vấn |
Kế hoạch tư vấn (những giải pháp) |
Mục tiêu mong đợi |
Thực hiện |
Đánh giá |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
…. |
|
|
|
|
Ngày ……….Tháng……… Năm……………
Ý kiến của học viên
Nội dung làm được
..............................................................................................................................
..............................................................................................................................
Nội dung chưa làm được
..............................................................................................................................
..............................................................................................................................
Nội dung cần hỗ trợ
..............................................................................................................................
..............................................................................................................................
Nhận xét/phản hồi và xác nhận của người hướng dẫn
..............................................................................................................................
..............................................................................................................................
..............................................................................................................................
..............................................................................................................................
HƯỚNG DẪN GHI MẪU GHI TƯ VẤN, GIÁO DỤC SỨC KHOẺ NGƯỜI BỆNH RA VIỆN
(Mẫu này do học viên tự ghi trong khi học)
Thông tin cơ bản, thông tin y tế: ghi theo bệnh án
Phần nhận định: Dựa vào nội dung học viên hỏi trực tiếp người bệnh/thân nhân để thu thập thông tin; nghi đầu đủ, ngắn gọn những thông tin thu thập được.
Nội dung tư vấn
Vấn đề tư vấn: Tùy từng người bệnh mà xác định vấn đề tư vấn phù hợp, xắp xếp thứ tự ưu tiên: ví dụ tư vấ về dinh dưỡng, dùng thuốc, vệ sinh cá nhân, tập luyện,…
Kế hoạch tư vấn: dựa vào nội dung tư vấn để đưa ra kế hoạch phù hợp
Mục tiêu mong đợi: từ mỗi nội dung đưa ra mục tiêu mong đợi
Thực hiện: ghi cụ thể kế hoạch thực hiện cho mỗi nội dung
Đánh giá: sau khi thực hiện KH, đưa ra đánh giá cho mỗi nội dung.
-
Tài liệu mới nhất
-
Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ Y tế
20:56,31/01/2023
-
Chụp CL trở kháng điện để chuẩn độ AL dương cuối thì thở ra trong HC nguy kịch hô hấp cấp tính
15:41,31/01/2023
-
Các kịch bản lâm sàng của ứng dụng chụp cắt lớp trở kháng điện trong chăm sóc tích cực ở trẻ em
22:41,30/01/2023
-
Thông khí hướng dẫn bằng áp lực đẩy so với thông khí bảo vệ phổi ở bệnh nhân ARDS
22:08,12/01/2023
-
Áp lực đẩy và áp lực xuyên phổi: Làm thế nào để chúng tôi hướng dẫn thông khí cơ học an toàn?
22:49,10/01/2023
-
Chuẩn năng lực cơ bản của Cử nhân Dinh dưỡng Việt Nam
20:54,09/01/2023
-
Giảm viêm phổi liên quan đến thở máy ở khoa chăm sóc đặc biệt cho trẻ sơ sinh
21:50,08/01/2023
-
Các chiến lược ngăn ngừa viêm phổi liên quan đến thở máy,...
10:33,07/01/2023
-
Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh do vi rút Adeno ở trẻ em
21:16,06/01/2023
-
Chuẩn năng lực cơ bản của Cử nhân Điều dưỡng Việt Nam
20:31,05/01/2023
-
Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ Y tế