Bệnh tay chân miệng: Đặc điểm dịch tễ và cách phòng chống
Bệnh tay chân miệng (TCM) là bệnh nhiễm vi rút cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn.
Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên ở một số trường hợp, tay chân miệng có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong.
Bệnh lưu hành ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tại nước ta, TCM gặp rải rác quanh năm ở hầu hết các địa phương trong cả nước, số mắc thường tăng từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12.
Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh. Các biện pháp dự phòng là các biện pháp không đặc hiệu chung cho bệnh lây truyền qua đường tiêu hoá.
TCM là bệnh lưu hành ở nhiều nước, gây loét miệng, ban mọng nước ở tay, chân và nhiều vị trí khác, có thể gây tử vong
Tác nhân gây bệnh TCM
Bệnh TCM gây ra do các vi rút đường ruột nhóm A, gồm vi rút Coxsackies A (2-8), CA10, CA12, CA14, CA16 và EV71.
Vi rút EV 71 có thể gây các biến chứng nặng và dẫn đến tử vong. Các vi rút đường ruột khác thường gây bệnh nhẹ.
Vi rút có thể tồn tại nhiều ngày ở điều kiện bình thường và nhiều tuần ở nhiệt độ 4 độ C. Tia cực tím, nhiệt độ cao, các dung dịch khử trùng có chứa Clo hoạt tính có thể diệt vi rút.
Nguồn bệnh, thời kỳ ủ bệnh và thời kỳ lây truyền
Nguồn bệnh: là người mắc bệnh, người mang vi rút không triệu chứng.
Thời kỳ ủ bệnh: từ 3 đến 7 ngày.
Thời kỳ lây truyền:
Vài ngày trước khi phát bệnh, mạnh nhất trong tuần đầu của bệnh và có thể kéo dài vài tuần sau đó, thậm chí sau khi bệnh nhân hết triệu chứng.
Vi rút có khả năng đào thải qua phân trong vòng từ 2 đến 4 tuần, cá biệt có thể tới 12 tuần sau khi nhiễm.
Vi rút cũng tồn tại, nhân lên ở đường hô hấp trên và đào thải qua dịch tiết từ hầu họng trong vòng 2 tuần.
Vi rút cũng có nhiều trong dịch tiết từ các nốt phỏng nước, vết loét.
Đường lây truyền
Bệnh TCM lây truyền qua đường tiêu hoá: thức ăn, nước uống, bàn tay của trẻ hoặc của người chăm sóc trẻ, các đồ dùng, đặc biệt là đồ chơi và vật dụng sinh hoạt hàng ngày như chén, bát, đĩa, thìa, cốc bị nhiễm vi rút từ phân hoặc dịch nốt phỏng, vết loét hoặc dịch tiết hô hấp, nước bọt.
Bệnh cũng có thể lây truyền do tiếp xúc trực tiếp người - người qua các dịch tiết đường hô hấp, hạt nước bọt.
Một số yếu tố có thể làm gia tăng sự lây truyền và bùng phát dịch bao gồm: mật độ dân số cao, sống chật chội; điều kiện vệ sinh kém; thiếu nhà vệ sinh; thiếu hoặc không có nước sạch phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày.
Tính cảm nhiễm
Mọi người đều có thể cảm nhiễm với vi rút gây bệnh nhưng không phải tất cả những người nhiễm vi rút đều có biểu hiện bệnh.
Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt ở nhóm dưới 3 tuổi.
Người lớn ít bị mắc bệnh có thể do đã có kháng thể từ những lần bị nhiễm hoặc mắc bệnh trước đây.
Trong các vụ dịch, tỷ lệ người lành mang trùng khá cao (40%).
Định nghĩa ca bệnh
Ca bệnh được định nghĩa với sốt và ban phỏng nước ở 3 vị trí đặc trưng
Ca bệnh lâm sàng: Là những trường hợp có sốt, ban chủ yếu dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông, miệng, có thể kèm theo loét ở miệng.
Ca bệnh xác định: Là ca bệnh được chẩn đoán xác định phòng xét nghiệm dương tính với vi rút đường ruột gây bệnh TCM (phân lập vi rút, PCR).
Triệu chứng lâm sàng
Giai đoạn ủ bệnh:
Thường từ 3 - 7 ngày, vi rút xâm nhập vào cơ thể nhưng chưa biểu hiện bệnh.
Giai đoạn khởi phát:
Từ 1 - 2 ngày với các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày.
Giai đoạn toàn phát:
Kéo dài 3-10 ngày với các triệu chứng điển hình của bệnh:
Loét miệng: vết loét đỏ hay phỏng nước đường kính 2-3 mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, gây đau miệng, bỏ ăn, bỏ bú, tăng tiết nước bọt.
Phát ban dạng phỏng nước: ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông; tồn tại trong thời gian ngắn (dưới 7 ngày) sau đó có thể để lại vết thâm, rất hiếm khi loét hay bội nhiễm.
Sốt nhẹ, nôn: nếu trẻ sốt cao và nôn nhiều dễ có nguy cơ biến chứng.
Biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp: xuất hiện sớm từ ngày 2 đến ngày 5 của bệnh.
Giai đoạn lui bệnh:
Thường từ 3 - 5 ngày sau, trẻ hồi phục hoàn toàn nếu không có biến chứng.
Các thể lâm sàng
Thể tối cấp: Bệnh diễn tiến rất nhanh có các biến chứng nặng như suy tuần hoàn, suy hô hấp, hôn mê dẫn đến tử vong trong vòng 24 - 48 giờ.
Thể cấp tính: với bốn giai đoạn điển hình như trên.
Thể không điển hình: Dấu hiệu phát ban không rõ ràng hoặc chỉ có loét miệng hoặc chỉ có triệu chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp mà không phát ban và loét miệng.
Phân độ lâm sàng
Độ 1: Chỉ có loét miệng và tổn thương da
Độ 2: có các triệu chứng liên quan tới thần kinh TƯ như giật mình, ngủ gà, yếu chi…
Độ 3: Rối loạn tri giác, các dấu hiệu tiền sốc, rối loạn hô hấp
Độ 4: Sốc, phù phổi cấp, nguy cơ tử vong
Phòng chống dịch TCM trong trường học bằng cách nào?
Ổ dịch Tay Chân Miệng
Một nơi (thôn/ ấp/ bản/ tổ dân phố/ cụm dân cư/ đơn vị) được gọi là ổ dịch khi ghi nhận từ 02 trường hợp bệnh (lâm sàng hoặc xác định) trở lên khởi phát trong vòng 7 ngày có liên quan dịch tễ với nhau.
Phải tiến hành xử lý ngay trong vòng 48 giờ khi phát hiện trường hợp bệnh/ổ dịch.
Ổ dịch được xác định là kết thúc khi sau 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới kể từ ngày khởi phát của trường hợp mắc bệnh cuối cùng.
Phát hiện ca bệnh và thông báo dịch
Dịch TCM có khả năng lây lan nhanh nên việc phát hiện sớm có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác phòng chống dịch.
Khai báo ngay cho cơ quan y tế (TT YTDP quận/huyện) khi có ca bệnh nghi ngờ để tiến hành điều tra xác minh dịch (điều tra dịch tễ, lấy mẫu bệnh phẩm) và triển khai các biện pháp chống dịch.
Thực hiện báo cáo dịch hàng ngày theo đúng quy định báo cáo dịch
Khi không có ca bệnh mới trong vòng 14 ngày kể từ ngày khởi phát ca bệnh gần nhất thì có thể được xem như là ổ dịch đã kết thúc.
Cách ly, điều trị bệnh nhân TCM
Bệnh nhân cần được cách ly 10 ngày và theo dõi các biến chứng để điều trị kịp thời tránh tử vong.
Phần lớn các trường hợp đều được điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở, chủ yếu là điều trị triệu chứng và phải theo dõi chặt chẽ phát hiện sớm dấu hiệu chuyển nặng để xử trí kịp thời
Ca TCM độ 2 trở lên cần được theo dõi, điều trị tại bệnh viện.
Truyền thông giáo dục sức khỏe
Tuyên truyền tới các gia đình có trẻ dưới 5 tuổi, giáo viên các trường học, nhà trẻ, mẫu giáo, về bệnh TCM và các biện pháp phòng chống
Nội dung tuyên truyền cần làm rõ bao gồm:
Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh TCM cao nhất là trẻ em dưới 5 tuổi.
Bệnh lây truyền theo đường tiêu hóa, hiện chưa có vắc xin phòng bệnh đặc hiệu, nên việc tự giác thực hiện vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi sinh hoạt là hết sức cần thiết.
Tuyên truyền các triệu trứng của bệnh TCM, các dấu hiệu chuyển nặng để người chăm sóc trẻ tự phát hiện bệnh nhân và đưa đến cơ sở y tế kịp thời.
Thực hiện 3 sạch: ăn (uống) sạch; ở sạch; bàn tay sạch và chơi đồ chơi sạch.
Các biện pháp vệ sinh phòng bệnh TCM
Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng; đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.
Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.
Tổ chức các đội tự quản tại chỗ (phối hợp ban, ngành, đoàn thể) để hàng ngày kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Xử lý ổ dịch TCM tại trường học
Trẻ mắc bệnh không đến lớp ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh và chỉ đến lớp khi hết loét miệng và các phỏng nước.
Đảm bảo có đủ xà phòng rửa tay tại từng lớp học.
Thầy cô giáo cần theo dõi tình trạng sức khỏe cho trẻ hàng ngày. Khi phát hiện có trẻ nghi ngờ mắc bệnh phải thông báo cho gia đình và cán bộ y tế để xử lý kịp thời.
Tùy tình hình và mức độ nghiêm trọng của dịch, cơ quan y tế địa phương tham mưu cho cấp có thẩm quyền tại địa phương quyết định việc đóng cửa lớp học/trường học/nhà trẻ, mẫu giáo.Thời gian đóng cửa là 10 ngày kể từ ngày khởi phát của ca bệnh cuối cùng.
Sáu (06) khuyến cáo cho cộng đồng để phòng chống bệnh TCM
- Vệ sinh cá nhân: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
- Vệ sinh ăn uống: Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.
- Làm sạch đồ chơi, nơi sinh hoạt: Hộ gia đình, nhà trẻ mẫu giáo, các hộ trông trẻ tại nhà cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
- Thu gom và xử lý chất thải của trẻ: Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
- Theo dõi phát hiện sớm: Trẻ em phải được thường xuyên theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho các trẻ khác.
- Cách ly, điều trị kịp thời khi phát bệnh: Các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ tập trung và hộ gia đình có trẻ dưới 6 tuổi cần chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ để kịp thời phát hiện và đưa ngay đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác.
Biện pháp nào phòng chống dịch Tay Chân Miệng tốt nhất?
Trong khi chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu thì việc phòng chống bệnh TCM quan trọng nhất hiện nay là bảo vệ cơ thể không bị nhiễm vi rút gây bệnh bằng các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống, vệ sinh nơi sinh hoạt.
Tất cả các biện pháp trên phải có kế hoạch thực hiện, kiểm tra đôn đốc, khen thưởng và kỷ luật cụ thể.
>> Để có thêm thông tin về cách phòng và điều trị bệnh, lịch tiêm phòng và các loại vaccine phòng bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa. Bạn có thể gọi số 0896 108 108 / 0899 108 108 hoặc tổng đài tư vấn sức khỏe 1900 633 902 của Health Việt Nam, các chuyên gia, bác sĩ luôn sẵn sàng tư vấn miễn phí và hỗ trợ bạn.
HEALTH VIỆT NAM - Lá chắn an toàn cho sức khỏe người Việt!
Bài viết liên quan
-
-
Phòng chống các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa
09:19,17/12/2019
-
Bệnh tay chân miệng: Đặc điểm dịch tễ và cách phòng chống
00:34,17/02/2020
-
Phòng chống các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa