RỐI LOẠN TRÍ NHỚ
- Tác giả: Học viện Quân y
- Chuyên ngành: Tâm thần
- Nhà xuất bản:Quân đội nhân dân
- Năm xuất bản:2007
- Trạng thái:Chờ xét duyệt
- Quyền truy cập: Cộng đồng
RỐI LOẠN TRÍ NHỚ
Khái niệm tâm lí học về trí nhớ.
Trí nhớ là một quá trình tâm lí, phản ánh những sự vật, hiện tượng đã từng tác động vào con người. Kết quả của quá trình nhớ là những biểu tượng của nhận thức, kinh nghiệm, cảm xúc, thái độ và những sự vật, hiện tượng mà con người lưu giữ lại. Dưới góc độ hoạt động tâm lí, cấu trúc của hoạt động trí nhớ cũng bao gồm các động cơ, mục đích, phương tiện, hành động và thao tác. Thực chất của trí nhớ là sự ghi lại, lưu giữ và làm tái hiện lại những gì mà cá nhân thu nhận được trong hoạt động sống.
Trong lâm sàng, người ta quan tâm đến hiệu quả của các quá trình ghi nhớ (ghi nhớ có chủ định, không chủ định, ghi nhớ có ý nghĩa, ghi nhớ máy móc, ghi nhớ bằng mắt, bằng tai...); các quá trình giữ gìn, củng cố để lưu giữ các dấu vết; các quá trình tái hiện (nhận lại, nhớ lại, hồi tưởng lại sự vật và hiện tượng). Người ta còn quan tâm đến các thuộc tính, đến chất lượng (độ tin cậy, độ chính xác, độ bền vững) của trí nhớ.
Những rối loạn về trí nhớ.
Giảm nhớ và tăng nhớ:
Đây là sự thay đổi bệnh lí của toàn bộ hoạt động trí nhớ hoặc của từng quá trình ghi nhớ, giữ gìn, tái hiện.
Giảm nhớ: hay gặp giảm hiệu quả của quá trình nhớ và quá trình lưu giữ các tài liệu trong quá trình lão hoá, còn trong tổn thương não và trong những trạng thái đặc biệt như: sợ hãi, xúc động thường hay gặp giảm hiệu quả của quá trình tái hiện.
Tăng nhớ: hiệu quả nhớ của người bệnh tăng một cách bệnh lí, cao hơn hẳn so với những người khác. Đa số các bệnh nhân này chỉ nhớ đến một loại kích thích nhất định liên quan đến những ký ức sâu sắc như điều kiện nghề nghiệp.
Mất nhớ:
Trong những thời điểm, hoàn cảnh nhất định, người bệnh không thể nhớ được cái gì đã xảy ra trong quá khứ. Trong lâm sàng, thường gặp một số loại mất nhớ sau:
Quên ngược chiều: người bệnh không thể nhớ được các sự kiện đã diễn ra trước khi xảy ra sự cố, thường gặp trong CTSN và trong xơ vữa mạch não.
Quên thuận chiều: sau CTSN, bệnh nhân bị hôn mê, khi tỉnh thì bệnh nhân không thể nhớ được điều gì đã xảy ra từ sau khi tai nạn đến lúc tỉnh.
Quên hệ thống: người bệnh không thể nhớ được một sự vật, một đối tượng, một chi tiết nào đó liên quan đến sự trọn vẹn và liên tục của sự kiện cần nhớ.
Cơn mất nhớ: xảy ra tức khắc một thông tin cần nhớ nào đó (không phải là tất cả các thông tin) bị tan rã hoàn toàn, thường xảy ra chốc lát và sau đó trí nhớ nhanh chóng được hồi phục. Nguyên nhân của mất nhớ rất nhiều và phức tạp, trong đó có nguyên nhân bệnh lí (nhất là trong mất nhớ hệ thống). Trong thực tế, thường gặp các trường hợp khi ở trạng thái có ý thức thì bệnh nhân không tái hiện được, song khi ở trạng thái vô thức thì người bệnh nhớ lại.
Loạn nhớ:
Trong loạn nhớ, không có sự gián đoạn các thông tin đưa vào, không có sự suy giảm khả năng nhớ mà là sự lệch lạc về chất lượng các "dấu ấn" được tạo ra do thay đổi bệnh lí về chất lượng và các thuộc tính của quá trình nhớ. Người ta thường gặp các loại loạn nhớ sau:
Nhớ sai: người bệnh tái hiện các sự kiện không chính xác về thời gian và không gian, nhớ sai trình tự các sự kiện, hoặc đem các sự kiện cũ xếp vào lô các sự kiện vừa xảy ra. Trong giới hạn nhất định, bệnh nhân vẫn tái hiện được toàn bộ các sự kiện, không thiếu một chi tiết nào, nhưng về trình tự các sự kiện, về thời gian và không gian diễn ra các sự kiện thì nhớ sai. Các dạng chính của nhớ sai gồm:
Tái hiện các ký ức không chính xác, nhưng về trí nhớ cảm xúc cũng đúng như ký ức đó.
Nhớ sai hợp nhất và nhớ sai phân đôi: người bệnh chia ký ức thành 2 phần theo thời gian hoặc theo không gian. Khi tái hiện lại nhập 2 phần này vào một đối tượng khác hoặc gắn 2 phần đó vào 2 đối tượng khác nhau.
Nhớ không chính xác về thời gian còn biểu hiện có ảo tưởng từng gặp gỡ, từng trải nghiệm, có cảm nhận mình chưa gặp đối tượng này hoặc đã gặp song vẫn cho rằng những cảm giác về đối tượng là mới lạ. Ngược lại, tuy là gặp đối tượng quen biết, song người bệnh vẫn cảm nhận rằng chưa hề gặp đối tượng này bao giờ.
Nhớ dị biệt: là tổng hợp tất cả các hiện tượng ảo tưởng nhớ bằng những cảm giác sai hoặc tri giác nhầm mà người bệnh tạo ra các sự kiện nhớ có thật, nhưng đưa thêm vào những ý nghĩa và những diễn đạt khác trái ngược với thực tế. Đôi khi còn gọi đó là hiện tượng nhớ giả, ví dụ như:
Nhớ vơ vào mình: người bệnh đinh ninh rằng, chính họ đã đặt ra giai điệu quen thuộc này và tin chắc là trước đây chưa ở đâu, chưa bao giờ được nghe một giai điệu như thế. Trường hợp này cũng giống như người "đánh cắp", nhưng người bệnh làm việc này một cách không chủ định và khác với người "đánh cắp" thật ở chỗ họ không muốn có sự phê phán của người khác.
Nhận lại giả: là sự thiếu sót trong nhận biết, nhớ lại sự vật và hiện tượng, người ta có một kỷ niệm cụ thể được ghi trong trí nhớ như một sự "đợi chờ" đã làm mai một dần so với sự mong đợi. Tự nhiên, kỷ niệm từ quá khứ xuất hiện, song không được hiện tại chấp nhận do đã quá lâu, nội dung không còn chính xác và phù hợp.
Nhớ giả: là hiện tượng người bệnh nhớ về ký ức của chính mình (ký ức không đầy đủ), song các quá khứ được "cày xới" lại trở nên khác lạ.
Nhớ bịa: là một triệu chứng phức tạp, người bệnh bổ sung vào trí nhớ của mình những nội dung không đúng, rất khác lạ nhưng chưa đúng. Đây là sự bịa đặt mang ý nghĩa của hành động tự nhiên, bình thường. Khởi đầu trong nhớ bịa là người bệnh đưa ra những nội dung giả mạo một cách rất tùy tiện. Nhớ bịa rất đa dạng và sinh động hơn cả chuyện hoang đường và thường nảy sinh khi não bị tổn thương lớn hoặc rối loạn tâm thần sâu sắc. Đặc điểm của nhớ bịa là người bệnh không duy trì lâu những cái mà họ khẳng định và nếu có sự không thống nhất thì cứ 1 - 2 lần lại thay đổi một nội dung khác cũng giống như các chuyện hoang đường.
Nhớ ảo: là những ký ức không có các tiền đề thực tiễn, những người không có chuyên môn nói đây là sự bịa đặt từ đầu đến cuối. Cũng như trong ảo giác, người bệnh tự khẳng định là những sự kiện mà họ nhớ (nhớ ảo) đúng như sự mô tả vốn có. Ảo nhớ thường xuất hiện như một sự bổ sung của hoang tưởng. Ở người bệnh bị hoang tưởng thể paranoid, ám ảnh đã giúp tạo nên nhớ ảo.
Viễn tưởng giả: ở đây không đưa ra vấn đề bản chất của rối loạn trí nhớ mà chỉ nói tới sự tái hiện có chủ định những dấu vết không đúng, giả dối và bịa đặt. Nhất là ở trẻ em, đôi khi người ta thấy chúng kể về những tai nạn khó tin như: đổ bể, đánh nhau, thương tích,... Sự sợ hãi của cha mẹ càng tăng thêm khi thấy trẻ nói những điều đó một cách tự nhiên, không e ngại, "không chớp mắt". Sự giả dối này có thể được xác định bằng cách xem trẻ có còn biết sợ hãi hay không.
Không thể nói ngay rằng chúng là hoàn toàn bịa ra, cái gì cũng được tạo ra cả, song ở người bệnh thì họ luôn luôn tin rằng những điều đơm đặt, thêu dệt của mình vẫn nằm trong giới hạn cho phép. Sự giả dối này hay gặp trong rối loạn phân li và trong các rối loạn khác. Rối loạn trí nhớ gặp cả trong bình thường cũng như trong bệnh lí, nhưng luôn luôn có ý nghĩa lớn trong tổn thương não. Trong loạn thần nội sinh, khi thấy có rối loạn trí nhớ là rất có giá trị. Rối loạn trí nhớ có liên quan chặt chẽ với các hiện tượng bệnh lí tâm thần khác nhau.
-
Tài liệu mới nhất
-
Khuyến cáo về vận chuyển bệnh nhân bệnh nặng trong bệnh viện
22:45,13/03/2023
-
Hồi Sức Sớm Và Tối Ưu Hóa Huyết Động
21:58,13/03/2023
-
Chăm sóc trẻ sau ngừng tim: Tuyên bố khoa học từ Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ
21:13,09/03/2023
-
Xử trí sau Hồi sức ngưng tim trẻ em
20:47,09/03/2023
-
Nhiễm trùng phổi biến chứng ARDS
20:51,21/02/2023
-
Sự phân chia cơ học hô hấp ở bệnh nhân mắc HC nguy kịch hô hấp cấp tính và mối liên hệ với kết cục
20:54,17/02/2023
-
THÔNG TƯ : QĐ chi tiết về hoạt động và mối quan hệ công tác của Hội đồng Giám định y khoa các cấp
21:34,11/02/2023
-
Áp lực thực quản (Esophageal Manometry )
22:24,09/02/2023
-
Áp lực xuyên phổi: tầm quan trọng và giới hạn
22:55,07/02/2023
-
Đánh giá cập nhật về chiến lược thông khí hướng dẫn bằng áp lực đẩy và ứng dụng lâm sàng của nó
22:28,07/02/2023
-
Khuyến cáo về vận chuyển bệnh nhân bệnh nặng trong bệnh viện