Hướng dẫn hồi sinh sơ sinh: Đánh giá trẻ sơ sinh
- Tác giả: Hội đồng hồi sức Úc ( ANCOR)
- Chuyên ngành: Nhi khoa
- Nhà xuất bản:BS. LÊ MINH KHÔI ( DỊCH )
- Năm xuất bản:2016
- Trạng thái:Chờ xét duyệt
- Quyền truy cập: Cộng đồng
Hướng dẫn hồi sinh sơ sinh: Đánh giá trẻ sơ sinh
HƯỚNG DẪN
Việc đánh giá xem có cần phải tiến hành và tiếp tục hồi sinh trẻ sơ sinh hay không phải được tiến hành ngay lập tức sau sinh và trong suốt quá trình hồi sinh.
Đánh giá ban đầu phải bao gồm:
Trương lực cơ
Thở
Tần số tim.
Đánh giá trong suốt quá trình hồi sinh sau đó cần dựa trên tần số tim, thở, trương lực cơ và bão hoà ôxy của bé (bão hoà ôxy nên được đánh giá bằng máy đo bão hoà ôxy qua mạch nảy). Tần số tim tăng nhanh vẫn là chỉ dấu nhạy nhất của hiệu quả hồi sinh.
Đánh giá và can thiệp là hai quá trình được tiến hành đồng thời đặc biệt là khi có nhiều hơn một người thực hiện quá trình hồi sinh. Tuy nhiên, để người đọc dễ hiểu, quá trình này được trình bày theo trình tự các bước khác nhau trong lưu đồ bên dưới.
Trương lực cơ và đáp ứng với kích thích
Đánh giá trương lực cơ mang tính chủ quan và tuỳ thuộc vào tuổi thai nhưng một trẻ có trương lực cơ tốt (cử động tay chân và có tư thế hơi gập) thì dường như không có nguy cơ bị suy yếu nặng nề. Ngược lại, một trẻ trông rất mềm nhũn và không cử động sẽ có nguy cơ cao cần phải được hồi sinh.
Hầu hết trẻ sơ sinh sẽ bắt đầu cử động tứ chi, khởi phát động tác thở và tần số tim sẽ tăng trên 100 lần/phút rất nhanh sau sinh. Những bé này không cần hỗ trợ gì và do vậy không nên tách bé khỏi mẹ.
Nếu những đáp ứng này yếu hoặc không có, cần phải lau bé nhanh nhưng nhẹ nhàng bằng khăn ấm nhằm kích thích trẻ thở. Khăn lau trở nên ướt cần phải được thay bằng khăn khác, khô và ấm để phòng ngừa mất nhiệt. Lưu ý bọc trẻ sơ sinh non tháng và sơ sinh rất non tháng bằng túi hoặc tấm polyethylene nhằm tránh mất nhiệt do bay hơi và chỉ lau phần đầu của trẻ. Với những trẻ này không cần thiết phải lau tay chân và mình tuy nhiên có thể kích thích xúc giác qua tấm bọc nếu cần. Với những trẻ nhuộm phân su và không có đáp ứng mạnh sau sinh, nếu đã quyết định đặt NKQ để hút phân su thì cần phải đặt NKQ ngay tức thì và không nên kích thích trẻ cho đến khi đã thực hiện hút NKQ xong.
Việc đánh vào mông trẻ, lắc trẻ hoặc chổng ngược trẻ có thể gây nguy hiểm do vậy không được thực hiện. Trong quá trình thủ thuật phải luôn luôn chú ý giữ cho đầu và cổ bé ở tư thế trung gian đặc biệt là khi trẻ có giảm trương lực cơ.
Nếu trẻ không thở thì cần nhanh chóng trợ thở (xem bài 4).
Thở
Ban đầu thông thường sau 1 đến 2 phút trẻ sẽ có nhịp thở đều đủ để duy trì tần số tim trên 100 lần/phút. Có thể khó đánh giá chính xác hô hấp của trẻ trong vòng 1 đến 2 phút đầu sau sinh. Trẻ đủ tháng hoặc gần đủ tháng thường khởi phát thở trong vòng 30 giây sau sinh và 95% trẻ sẽ thở trong vòng 45 giây đầu đời. Nếu trẻ có trương lực cơ tốt và duy trì tần số tim > 100 lần/phút thì không cần phải can thiệp ngay ngoài việc giữ cho cho đầu ở đường giữa trục thân và giữ tư thế trung gian nhằm đảm bảo thông thoáng đường thở. Nếu trương lực cơ giảm và tần số tim không giữ được trên 100 lần/phút và nếu trẻ không thở thì cần phải hỗ trợ thông khí áp lực dương. Có thể sử dụng CPAP ở trẻ bắt đầu có biểu hiện nỗ lực tự thở đều.
Co kéo các xương sườn dưới và xương ức hoặc bắt đầu có biểu hiện rên thì thở ra là những dấu hiệu báo động quan trọng cho biết rằng trẻ gặp khó khăn trong nỗ lực giãn nở phổi. Nếu những biểu hiện này tiếp tục tồn tại thì cần phải cho trẻ thở CPAP hoặc thông khí áp lực dương.
Ngưng thở kéo dài đặc biệt là đi kèm với giảm trương lực cơ (mềm nhũn) và tần số tim < 100 lần/phút là dấu hiệu rất nặng và trẻ cần được thông khí áp lực dương ngay tức thì.
Tần số tim
Có thể xác định tần số tim thông qua nghe tim bằng ống nghe (tin cậy hơn sờ dây rốn) hoặc trong một vài phút đầu có thể bắt mạch đập ở cuống rốn. Bắt mạch ở chân cuống rốn dễ hơn bắt mạch ở những vị trí khác tuy nhiên nếu không bắt được mạch ở cuống rốn không phải là dấu hiệu tin cậy cho biết không có nhịp tim. Các vị trí bắt mạch khác khó thực hiện ở trẻ sơ sinh nên nếu bắt mạch không có cũng rất khó kết luận rằng trẻ không có nhịp tim. Ôxy qua mạch nảy cũng giúp cho thấy tần số tim một cách liên tục sau khoảng một phút gắn probe vào trẻ. Điện tim có thể cho kết quả nhanh hơn. ANZCOR khuyến cáo sử dụng ôxy mạch nảy ngay lập tức ở trẻ cần phải hồi sinh do dụng cụ này cũng cung cấp thông tin về cung cấp ôxy cho trẻ.
ANZCOR gợi ý rằng có thể cần phải dụng ECG để theo dõi một cách nhanh chóng và chính xác tần số tim trong 3 phút đầu tiên sau sinh. Nhờ đó nó có thể làm giảm những can thiệp hồi sinh không cần thiết dựa trên những thông tin có thể không chính xác từ đo bão hoà ôxy qua mạch nảy hoặc nghe tim. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có chứng cứ cho thấy việc sử dụng ECG sớm có cải thiện được dự hậu hay không.
Trẻ sơ sinh bình thường có tần số tim khoảng 130 lần/phút rất nhanh sau sinh và dao động từ 110 đến 160 lần/phút. Một trẻ mới sinh không bị suy phải có tần số tim luôn cao hơn 100 lần/phút. Tăng hoặc giảm tần số tim là dấu hiệu tốt nhất cho biết tình trạng của trẻ tốt lên hoặc xấu đi.
Nếu tần số tim cứ thấp hơn 100 lần/phút thì cần phải cho trẻ thở CPAP hoặc thông khí áp lực dương.
Màu sắc da
Màu sắc da khó đánh giá chính xác và là một phương tiện không đáng tin cậy để đánh giá tình trạng cung cấp ôxy của trẻ. Những trẻ bình thường có thể tím lúc sinh nhưng bắt đầu trở nên hồng sau khi bắt đầu thở. Tím có thể khó phát hiện và cần phải khám nướu và niêm mạc trong điều kiện ánh sáng tốt. Bàn tay và bàn chân hơi tím là biểu hiện bình thường sau sinh. Nếu trẻ vẫn tím kéo dài thì cần phải kiểm tra bão hoà ôxy bằng máy đo bão hoà ôxy qua mạch nảy.
Trẻ có biểu hiện tái nhợt, đặc biệt là sau khi được thông khí, có thể là dấu hiệu của nhiễm toan nặng, hạ huyết áp do giảm cung lượng tim có kèm hoặc không giảm thể tích tuần hoàn hoặc đôi khi do thiếu máu nặng.
Bão hoà ôxy qua mạch nảy
Đối với những trẻ cần phải được hồi sinh và/hoặc hỗ trợ hô hấp, nên sử dụng bão hoà ôxy qua mạch nảy (pulse oximetry) nhằm theo dõi tần số tim và đánh giá cung cấp ôxy cho bé. Cần bật máy và gắn sensor vào bàn tay hoặc cổ tay phải của bé trước khi gắn dây sensor vào monitor. Tần số tim ghi nhận trên monitor tình thoảng cần phải được đối chứng bằng nghe tim hoặc đo ECG.
Các pulse oximeter thế hệ mới có các sensor được thiết kế chuyên dụng cho trẻ sơ sinh có thể giúp cung cấp thông tin về tần số tim trong vòng dưới 1 phút và cho kết quả bão hoà oxy máu trong vòng 90 giây với điều kiện là cung lượng tim và lưu lượng máu ngoại biên đủ lớn để máy có thể cảm nhận được mạch đập. ANZCOR khuyến cáo sử dụng bão hoà ôxy qua mạch nảy khi tiên đoán trẻ cần phải hồi sinh sau sinh, khi sử dụng CPAP hoặc thông khí áp lực dương, khi trẻ tím kéo dài và khi phải thở ôxy hỗ trợ. Ở trẻ được hồi sức cần phải sử dụng ôxy thì bão hoà ôxy qua mạch nảy giúp tránh được biến chứng của cung cấp ôxy quá mức.
-
Tài liệu mới nhất
-
Khuyến cáo về vận chuyển bệnh nhân bệnh nặng trong bệnh viện
22:45,13/03/2023
-
Hồi Sức Sớm Và Tối Ưu Hóa Huyết Động
21:58,13/03/2023
-
Chăm sóc trẻ sau ngừng tim: Tuyên bố khoa học từ Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ
21:13,09/03/2023
-
Xử trí sau Hồi sức ngưng tim trẻ em
20:47,09/03/2023
-
Nhiễm trùng phổi biến chứng ARDS
20:51,21/02/2023
-
Sự phân chia cơ học hô hấp ở bệnh nhân mắc HC nguy kịch hô hấp cấp tính và mối liên hệ với kết cục
20:54,17/02/2023
-
THÔNG TƯ : QĐ chi tiết về hoạt động và mối quan hệ công tác của Hội đồng Giám định y khoa các cấp
21:34,11/02/2023
-
Áp lực thực quản (Esophageal Manometry )
22:24,09/02/2023
-
Áp lực xuyên phổi: tầm quan trọng và giới hạn
22:55,07/02/2023
-
Đánh giá cập nhật về chiến lược thông khí hướng dẫn bằng áp lực đẩy và ứng dụng lâm sàng của nó
22:28,07/02/2023
-
Khuyến cáo về vận chuyển bệnh nhân bệnh nặng trong bệnh viện