Cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh trẻ em: Áp xe gan ở trẻ em
- Tác giả: ThS.Hoàng Thị Vân Anh
- Chuyên ngành: Nhi khoa
- Nhà xuất bản:bệnh viện nhi trung ương
- Năm xuất bản:2020
- Trạng thái:Chờ xét duyệt
- Quyền truy cập: Cộng đồng
Cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh trẻ em: Áp xe gan ở trẻ em
ThS.Hoàng Thị Vân Anh
ĐỊNH NGHĨA
Áp xe gan (Liver abscess) là tình trạng tổn thương tại gan do gan bị nhiễm khuẩn hoặc nhiễm ký sinh trùng, tạo tổn thương viêm mủ và các ổ hoại tử.
NGUYÊN NHÂN
Vi khuẩn: Staphylococcus aureus, Escherichia coli, Klebsiella, Enterobacter.
Ký sinh trùng: giun (giun đũa chó), amip (Entamoeba Histolytica)
Áp xe gan do nấm (Candida).
Bệnh lý đặc biệt ở trẻ em gây áp xe gan do nhiễm khuẩn: Suy dinh dưỡng, rối loạn chức năng bạch cầu hạt, suy giảm miễn dịch mắc phải, các bất thường đường mật bẩm sinh (hẹp, tắc nghẽn), hội chứng Papillon-Lifèrve, bệnh u hạt.
CHẨN ĐOÁN
Lâm sàng
Triệu chứng toàn thân: Sốt, mệt, kém ăn, da tái, gầy sút cân, đôi khi xuất hiện tình trạng nhiễm khuẩn huyết nặng
Triệu chứng tại chỗ: Đau bụng cấp tính vùng hạ sườn phải kèm theo sốt, gan to, mật độ mềm, nghiệm pháp rung gan dương tính, tràn dịch ổ bụng gây đau bụng cấp do vỡ ổ áp xe gây viêm phúc mạc
Triệu chứng tại các cơ quan khác: Đôi khi có viêm phản ứng màng phổi hoặc tràn dịch màng phổi phải biểu hiện ho khi thay đổi tư thế, đau ngực kèm theo sốt
Ở trẻ nhỏ, các triệu chứng áp xe gan thường rất mơ hồ và không đặc hiệu: một số trẻ xuất hiện rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy, buồn nôn, nôn), sốt nóng, gai rét, da tái, gầy sút cân (tình trạng nhiễm khuẩn huyết)
Cận lâm sàng
Các xét nghiệm thường quy
Công thức máu: bạch cầu tăng, bạch cầu đa nhân trung tính tăng, có thể thiếu máu do nhiễm trùng nặng.
CRP: Tăng cao trong trường hợp áp xe gan do vi khuẩn, tăng ở giới hạn trung bình trong áp xe gan do ký sinh trùng và bình thường trong áp xe gan do nấm.
Transaminase thay đổi không đặc hiệu: SGOT, SGPT có thể tăng nhẹ, phosphatase kiềm tăng, một số trường hợp tăng Bilirubin do ứ mật.
Cấy máu: Rất có giá trị trong chẩn đoán căn nguyên
Xét nghiệm Elisa: Rất có giá trị trong chẩn đoán các trường hợp áp xe gan do ký sinh trùng
Nuôi cấy dịch mủ tại ổ áp xe để xác định căn nguyên gây bệnh là xét nghiệm rất có giá trị trong chẩn đoán và điều trị. Áp xe gan do amip, soi tươi dịch mủ dễ phát hiện được amip hơn nuôi cấy do amip thường cư trú ở vỏ khối áp xe
Chẩn đoán hình ảnh
Siêu âm: Ổ áp xe điển hình có hình tròn hoặc bầu dục, một hoặc nhiều ổ, giảm âm hoặc hỗn hợp âm tùy từng giai đoạn tiến triển của bệnh.
CT-scanner: Ở thì động mạch, ổ áp xe có hình ảnh tăng sinh mạch vùng vỏ, thì tĩnh mạch có hình ảnh hỗn hợp âm, tăng âm hoặc giảm âm.
MRI: Hình ảnh ổ áp xe gan giảm tín hiệu trên T1, tăng tín hiệu trên T2, nhu mô gan phù nề. Khi tiêm thuốc cản quang, hình ảnh ổ áp xe ngấm thuốc rõ và sớm ở vùng vỏ.
Scintigraphy: Quan sát thấy sự tập trung Tc-99 tại ổ áp xe trên hình ảnh chụp Scintigraphy.
Chẩn đoán xác định
Hội chứng nhiễm trùng: sốt, bạch cầu tăng, bạch cầu đa nhân trung tính tăng.
Đau bụng hạ sườn phải
Chẩn đoán hình ảnh: Hình ảnh tổn thương ghi nhận trên siêu âm, MRI, CT-Scanner.
Chẩn đoán phân biệt
Các khối u gan: u máu trong gan, ung thư gan, u nang bào sán
Bệnh lý đường mật: nang ống mật chủ, viêm đường mật, viêm túi mật
Nang gan
ĐIỀU TRỊ
Mục tiêu điều trị, nguyên tắc điều trị
Điều trị đặc hiệu theo nguyên nhân gây bệnh
Điều trị triệu chứng: nâng cao thể trạng, dinh dưỡng
Điều trị biến chứng: áp xe gan vỡ gây tràn dịch màng phổi, màng bụng, màng tim…
Điều trị cụ thể
Áp xe gan do vi khuẩn
Bệnh nhân có tình trạng nhiễm trùng nặng cần được điều trị cấp cứu bằng bù dịch và các biện pháp hỗ trợ.
Sử dụng thuốc giảm đau nhưng không lựa chọn nhóm NSAIDs
Kháng sinh: Tốt nhất là lựa chọn kháng sinh theo kháng sinh đồ dựa trên kết quả cấy dịch tại ổ áp xe (tỷ lệ bắt được vi khuẩn rất cao) hoặc cấy máu (tỷ lệ dương tính khi cấy máu thường thấp hơn cấy dịch nhiều lần )
Khi chưa có kháng sinh đồ: Kháng sinh ban đầu được khuyến cáo: lựa chọn nhóm nhậy cảm với tụ cầu (Cloxacillin) kết hợp với nhóm điều trị amip (Metronidazole) và một thuốc chống dị ứng kèm theo một kháng sinh nhậy với vi khuẩn Gram âm (Aminoglycosid hoặc Cephalosporin)
Chọc hút ổ áp xe có kích thước lớn qua da dưới hướng dẫn của siêu âm: Chọc hút dẫn lưu các ổ áp xe lớn đã hoá mủ sau điều trị kháng sinh khoảng 3-4 tuần cho kết quả tốt trong 80-90% các trường hợp áp xe gan do vi khuẩn
Chỉ định phẫu thuật: Áp xe gan đa ổ, không đáp ứng với điều trị nội khoa hoặc chọc hút ổ áp xe qua da không hiệu quả (tình trạng nhiễm trùng tiến triển, ổ áp xe xu hướng tăng kích thước)
Áp xe gan do amip
95% áp xe gan do amip được khuyến cáo điều trị nội khoa đơn thuần
Sử dụng Nitroimidazole (Tinidazole cho trẻ trên 3 tuổi: 50mg/kg/ngày (liều tối đa 2 gram/ngày) x 3 ngày dùng trong bữa ăn)
Kết hợp Metronidazole: 30-50mg/kg/ ngày (uống) hoặc 7,5mg/kg/ mỗi 6h (tĩnh mạch)
Áp xe gan do nấm
Thuốc điều trị nấm toàn thân được khuyến cáo: Amphotericin-B 0,61,5mg/kg/ngày truyền tĩnh mạch chậm, ít nhất 3-6 giờ. Nên kết hợp với truyền Lipid tạo phức giữa thuốc chống nấm và Lipid tập trung tại gan để tạo hiệu quả điều trị cao hơn.
Fluconazole 6-12mg/kg/ngày tiêm tĩnh mạch chậm là lựa chọn tiếp theo nếu thất bại với Amphotericin-B.
Điều trị dẫn lưu ổ áp xe qua da cần được thực hiện trong các trường hợp
Khối áp xe kích thước lớn, nguy cơ tự vỡ
Ổ áp xe vỡ gây viêm phúc mạc hoặc tràn mủ màng phổi
Không đáp ứng với điều trị nội khoa: Tình trạng nhiễm trùng nặng, dai dẳng, kích thước khối áp xe không cải thiện sau điều trị.
Bệnh nhân suy gan
Phẫu thuật
Thất bại với biện pháp dẫn lưu qua da
Áp xe gan do sán máng
Bệnh nhân có nhiều ổ áp xe lớn
Bệnh nhân sử dụng steroid kéo dài, suy giảm miễn dịch
Bệnh nhân cổ trướng
Ổ áp xe có thành dày
Áp xe gan có kèm theo bệnh lý trong ổ bụng
Áp xe gan thùy trái
Hai chỉ định phẫu thuật phổ biến là: Vỡ áp xe gây viêm phúc mạc và thất bại với biện pháp dẫn lưu ổ áp xe qua da.
TIẾN TRIỂN VÀ BIẾN CHỨNG
Áp xe gan gây tử vong nếu không được điều trị
Biến chứng: Vỡ ổ áp xe gan vào phúc mạc, màng phổi, màng tim
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Sharma M.P. và Kumar A. (2006). Liver Abscess in Children. Indian J Pediatr, 73, 6.
Lübbert C., Wiegand J., và Karlas T. (2014). Therapy of Liver Abscesses. Viszeralmedizin, 30(5), 334–341.
Akhondi H. và Sabih D.E. (2020). Liver Abscess. StatPearls. StatPearls Publishing, Treasure Island (FL).
Lardière-Deguelte S., Ragot E., Amroun K. và cộng sự. (2015). Hepatic abscess: Diagnosis and management. J Visc Surg, 152(4), 231–243.
Waghmare M., Shah H., Tiwari C. và cộng sự. (2017). Management of Liver Abscess in Children: Our Experience. Euroasian J Hepato-Gastroenterol, 7(1), 23– 26.
-
Tài liệu mới nhất
-
Tính hữu ích của thuốc an thần dạng hít ở bệnh nhân ARDS nặng do COVID-19
20:51,26/03/2023
-
Khuyến cáo về vận chuyển bệnh nhân bệnh nặng trong bệnh viện
22:45,13/03/2023
-
Hồi Sức Sớm Và Tối Ưu Hóa Huyết Động
21:58,13/03/2023
-
Chăm sóc trẻ sau ngừng tim: Tuyên bố khoa học từ Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ
21:13,09/03/2023
-
Xử trí sau Hồi sức ngưng tim trẻ em
20:47,09/03/2023
-
Nhiễm trùng phổi biến chứng ARDS
20:51,21/02/2023
-
Sự phân chia cơ học hô hấp ở bệnh nhân mắc HC nguy kịch hô hấp cấp tính và mối liên hệ với kết cục
20:54,17/02/2023
-
THÔNG TƯ : QĐ chi tiết về hoạt động và mối quan hệ công tác của Hội đồng Giám định y khoa các cấp
21:34,11/02/2023
-
Áp lực thực quản (Esophageal Manometry )
22:24,09/02/2023
-
Áp lực xuyên phổi: tầm quan trọng và giới hạn
22:55,07/02/2023
-
Tính hữu ích của thuốc an thần dạng hít ở bệnh nhân ARDS nặng do COVID-19