Toxoplasma –Trùng cong Toxoplasma gondii
- Tác giả: Học viện Quân y
- Chuyên ngành: Ký sinh trùng
- Nhà xuất bản:Học viện Quân y
- Năm xuất bản:2008
- Trạng thái:Chờ xét duyệt
- Quyền truy cập: Cộng đồng
Toxoplasma –Trùng cong Toxoplasma gondii
Trùng cong Toxoplasma gondii là đơn bào thuộc lớp trùng bào tử (Sporozoa). Trùng cong kí sinh ở máu và mô của người hay động vật.
Sơ lược lịch sử:
Nicolle C. và Manceaux L. (1908) phát hiện thấy kí sinh trùng ngành đơn bào trong phủ tạng một loài gặm nhấm Ctenodactylus gondii và đặt tên cho loại đơn bào này là Toxoplasma gondii.
Sau đó nhiều tác giả đã phát hiện thấy Toxoplasma ở nhiều loài động vật khác nhau và đặt cho mỗi mầm bệnh một tên gọi riêng: mầm bệnh ở thỏ - Toxoplasma cuniculi (1908), mầm bệnh ở chó - Toxoplasma canis (Mello, 1910), ở chim bồ câu - Toxoplasma columbae (Carini, 1911), ở sóc - Toxoplasma scicuri (Coles, 1914), ở chuột bạch - Toxoplasma caviae (Cadini, Magliano, 1916), ở gà - Toxoplasma gallinaceum (Hepding, 1939)...
Castellani A. (1914) là người đầu tiên phát hiện Toxoplasma ở người và đặt tên là Toxoplasma pyrogennes castellani. Những công trình nghiên cứu tiếp theo đã giúp các tác giả thống nhất kết luận rằng: các loài Toxoplasma ở người và động vật chỉ là một, đó là Toxoplasma gondii.
Đặc điểm hình thể.
Toxoplasma gondii có 3 thể: thể hoạt động (trophozoit), thể kén (cyst) và thể nang trứng (oocyst).
Thể hoạt động:
Thể hoạt động hình múi cam, kích thước 3 - 7 2 - 4 m. Nhuộm Giemsa, bào tương có màu xanh lam, nhân màu đỏ hồng, có nhiều hạt, màng nhân không rõ. Nhân thường nằm ở giữa và chiếm khoảng 1/4 diện tích thân. Thể hoạt động chỉ thấy ở mô trong giai đoạn cấp tính của bệnh.
Thể kén:
Thể này còn gọi là thể kén giả (pseudocyst), kích thước từ 10 - 100 μm. Trong kén chứa rất nhiều thể hoạt động. Thể kén gặp nhiều ở cơ xương, cơ tim và thần kinh trung ương của vật chủ, trong giai đoạn bệnh mạn tính (hình 7.5).
Hình 7.5:. Hình thể Toxoplasma gondii.
Nang trứng:
Nang trứng được coi như kén thật của Toxoplasma gondii. Nang trứng có vỏ dày, kích thước từ 10 - 12 μm. Nang non chỉ thấy trong ruột mèo và các động vật thuộc
họ mèo (Feliidae). Nang già gặp ở ngoại cảnh, trong nang có nhiều trùng bào tử.
Đặc điểm sinh học.
Toxoplasma gondii phát triển qua hai giai đoạn:
Giai đoạn phát triển vô giới ở vật chủ phụ và giai đoạn phát triển hữu giới ở vật chủ chính (hình 7.6)
Hình 7.6: Vòng đời Toxoplasma gondii.
Giai đoạn phát triển vô giới:
Nang trứng từ ruột mèo theo phân ra ngoại cảnh. Ở ngoại cảnh, nang trứng phát triển, bên trong có một rồi hai bào tử. Trong mỗi bào tử có 4 trùng bào tử. Vật chủ phụ là người hoặc những động vật máu nóng khác (lợn, chuột...) ăn phải nang trứng đã có trùng bào tử, khi nang trứng tới ruột non, trùng bào tử phá vỡ nang chui vào các tế bào niêm mạc ruột, phát triển thành thể hoạt động. Thể hoạt động sinh sản theo hình thức vô giới, tăng nhanh về số lượng, đến một số lượng nào đó, các thể hoạt động phá vỡ tế bào kí sinh rồi lại xâm nhập vào các tế bào khác phát triển.
Cứ thế, thể hoạt động ngày càng tăng nhanh về số lượng và gây hủy hoại tế bào niêm mạc ruột. Những thể hoạt động tự do chui vào bạch cầu đơn nhân và theo bạch mạch đến các phủ tạng kí sinh gây bệnh (não, hạch, mắt, cơ...). Đây là giai đoạn cấp tính của bệnh.
Khi cơ thể vật chủ bắt đầu hình thành đáp ứng miễn dịch (dịch thể - tế bào), những thể hoạt động ở các mô, phủ tạng hình thành lớp vỏ bao bọc - gọi là kén. Trong kén, thể hoạt động vẫn tiếp tục sinh sản vô giới tạo ra một số lượng lớn trùng cong, vì vậy kén này được gọi là kén giả (pseudocyst). Đến một lúc nào đó, các thể hoạt động phá vỡ kén, xâm nhập vào các tế bào khác, tiếp tục sinh sản vô giới và lại hình thành kén, rồi lại phá vỡ kén, xâm nhập vào các tế bào khác, cứ như thế Toxoplasma phát triển và phá hủy tế bào, mô của vật chủ gây bệnh.
Khi đã hình thành kén ở vật chủ thì bệnh chuyển sang giai đoạn mạn tính.
Giai đoạn sinh sản hữu giới:
Nếu vật chủ chính là mèo và các động vật thuộc họ mèo (hổ, báo...) ăn thịt những con vật có kén của Toxoplasma trong cơ hoặc các phủ tạng (lợn, chuột...), hoặc ăn phải nang trứng Toxoplasma do chính chúng thải ra ngoại cảnh. Kén và nang trứng vào đến ruột mèo sẽ phát triển tạo ra thể hoạt động và xâm nhập vào các tế bào niêm mạc ruột kí sinh.
Thể hoạt động tăng nhanh số lượng bằng sinh sản vô giới.
Sau vài vòng sinh sản vô giới, một số thể hoạt động biến thành thể sinh sản, đó là: giao bào đực, giao bào cái. Giao bào phát triển thành giao tử đực và giao tử cái, chúng kết hợp với nhau thành một trứng thụ tinh rồi phát triển thành nang trứng. Nang trứng theo phân ra ngoại cảnh, nếu vật chủ phụ ăn phải nang, ở vật chủ phụ lại diễn ra giai đoạn sinh sản vô giới.
Thời gian xuất hiện nang trứng ở phân mèo kể từ khi mèo nhiễm phụ thuộc vào các thể Toxoplasma mà mèo ăn phải:
Nếu mèo nhiễm phải thể kén già ở giai đoạn mạn tính do ăn thịt chuột, lợn... thì 3 ngày sau đã thấy có nang trứng ở phân mèo.
Nếu mèo nhiễm phải thể hoạt động ở giai đoạn cấp tính cũng do ăn thịt chuột, lợn... thì nang trứng xuất hiện trong phân mèo vào ngày thứ 9 - 11.
Nếu mèo nhiễm nang trứng từ ngoại cảnh thì sau 23 - 24 ngày nang trứng mới xuất hiện ở trong phân mèo.
Vai trò y học.
Toxoplasma gondii kí sinh ở các tế bào nội mô và các tế bào hệ thống võng của hạch, não, phổi, mắt và các phủ tạng khác. Toxoplasma gondii kí sinh ở đâu gây ra tổn thương ở đó, nên lâm sàng của bệnh biểu hiện rất đa dạng. Diễn biến bệnh có thể cấp tính, mạn tính hoặc tiềm tàng.
Theo cơ chế gây nhiễm, Toxoplasma có thể gây ra các bệnh:
Bệnh Toxoplasma mắc phải.
Bệnh Toxoplasma bẩm sinh.
Người lớn nhiễm Toxoplasma tự nhiễm thường ít có biểu hiện lâm sàng, hoặc có triệu chứng nhẹ như cảm cúm, nhưng cũng có trường hợp bệnh nặng và chết.
Tuy nhiên, người ta thường thấy Toxoplasma gây ra biểu hiện tổn thương của ba cơ quan: thần kinh trung ương, mắt và hạch.
Toxoplasma gondii gây bệnh ở thần kinh trung ương:
Nếu thai nhi bị Toxoplasma gondii gây bệnh ở thần kinh trung ương, thường chết lưu trong tử cung. Hoặc không chết thì khi sinh ra cũng mang những triệu chứng của thần kinh trung ương như đầu to có nước, hay ngược lại đầu teo nhỏ. Biểu hiện ra bên ngoài là những cơn kinh giật, trí tuệ kém phát triển.
Nếu ở trẻ đang lớn bị Toxoplasma gondii gây bệnh ở thần kinh trung ương hay gặp biểu hiện viêm màng não - não, bệnh kéo dài vài tuần rồi chết.
Toxoplasma gondii gây bệnh ở mắt:
Khi bị nhiễm Toxoplasma tự nhiên, Toxoplasma thường gây ra các bệnh ở mắt, đặc biệt là những người mắc bệnh bẩm sinh. Có tới 35% trường hợp viêm hắc võng mạc do Toxoplasma gây ra (Rima M.L., và Jacks, 1980). Ở trẻ em lác mắt là biểu hiện sớm của viêm hắc võng mạc.
Ngoài ra, Toxoplasma có thể gây ra: đau nhức mắt, nhìn loá, sợ ánh sáng, chảy nước mắt. Nếu tái phát nhiều lần dẫn đến thiên đầu thống (Glaucome), hoặc có thể bị mù...
Toxoplasma gondii gây viêm sưng hạch:
Toxoplasma thường gây viêm các hạch cổ, hạch dưới xương chẩm, hạch trên đòn, hạch nách, hạch ở trung thất, ở bẹn. Có thể biểu hiện ở một hoặc nhiều hạch sưng to, đau hoặc không đau, di động hoặc không di động dưới da. Hạch có thể thay đổi từ rắn sang mềm, gây khó chịu và đau đớn cho bệnh nhân.
Chẩn đoán.
Chẩn đoán lâm sàng ít có giá trị.
Chẩn đoán kí sinh trùng học: sinh thiết hạch, lấy dịch tủy sống, dàn tiêu bản nhuộm giemsa, có thể thấy thể hoạt động hoặc kén. Nói chung chẩn đoán kí sinh trùng cũng ít cho kết quả dương tính.
Phân lập kí sinh trùng: lấy bạch cầu nghiền nát hoặc dịch ở hạch pha thêm nước muối sinh lí, tiêm vào ổ bụng chuột nhắt trắng. Sau 6 - 7 ngày mổ chuột tìm thể hoạt động Toxoplasma ở dịch màng bụng.
Chẩn đoán huyết thanh miễn dịch: các phản ứng huyết thanh miễn dịch có thể được sử dụng như kháng thể huỳnh quang, ngưng kết hồng cầu, phản ứng men (ELISA)... thường được sử dụng rộng rãi và có giá trị trong chẩn đoán bệnh do Toxoplasma gây ra.
Điều trị.
Nguyên tắc điều trị là phát hiện sớm và điều trị sớm.
Thuốc điều trị Toxoplasma đặc hiệu có hiệu quả cao:
Sunfamid: liều 6g trong một ngày - dùng kéo dài 2 tuần.
Pyrimethamin: người lớn dùng liều 100 - 200mg trong một ngày, chia 3 lần và điều trị một đợt từ 4 đến 6 tuần.
Rovamycine 150.000 - 300.000 UI/kg/ngày kéo dài 1 tháng.
Dịch tễ học.
Bệnh do Toxoplasma gây ra phân bố ở khắp nơi trên thế giới. Kết quả điều tra huyết thanh học ở nước Nga: 1,3 - 11,5% (Daiter. A.B. và Tumka A.F., 1980). Ở cộng hoà Séc và Slovakia: 13% ở lứa tuổi 1 - 15 và 30% ở lứa tuổi 15 - 30. Theo Đỗ Dương Thái (1973), điều tra huyết thanh học trên những người có biểu hiện lâm sàng của bệnh Toxoplasma ở Việt Nam cho thấy tỉ lệ dương tính với Toxoplasma là 0,43 - 1,2%.
Mầm bệnh:
Mầm bệnh là thể hoạt động, thể kén ở trong mô, thể nang trứng trong phân mèo. Nang trứng tồn tại rất lâu trong đất ẩm 40C, có thể tới hàng năm. Thể hoạt động chết nhanh ở nhiệt độ khô 550C, trong cồn 500, phenol 1% chết sau 5 - 10 phút.
Nguồn bệnh:
Theo Kalialin V.N (1972), có khoảng trên 200 loài động vật nhỏ và hơn 100 loài chim có chứa Toxoplasma. Chính vì vậy bệnh do Toxoplasma gây ra là bệnh có ổ bệnh thiên nhiên. Ở Việt Nam, các loài khỉ, chó, lợn đều có huyết thanh dương tính với kháng nguyên Toxoplasma (Đào Quế Anh, 1974).
Đường lây:
Có thể lây từ người sang người hoặc từ động vật sang người bằng những đường:
Qua nhau thai: mầm bệnh từ mẹ lây cho thai nhi.
Qua da: do động vật mắc bệnh cắn người, hoặc do xây sát, tiếp xúc với mầm bệnh, nhất là trong phòng thí nghiệm.
Qua truyền máu: những người cho máu có mầm bệnh Toxoplasma.
Qua đường hô hấp: nước bọt, nước mũi, đờm có mầm bệnh.
Qua đường tiêu hoá: do ăn phải thịt động vật (chủ yếu là thịt lợn, thịt cừu) có thể hoạt động hoặc thể kén của Toxoplasma chưa nấu chín. Theo Rima Mc leod và Coll (1980): ở Mĩ thấy 10% cừu non và 25% lợn có kén Toxoplasma gondii. Người có thể nhiễm nang trứng từ phân mèo qua đường tiêu hoá.
Phòng bệnh.
Vì mầm bệnh có nhiều từ các loài động vật trong thiên nhiên và đường lây nhiễm rất đa dạng, nên phòng bệnh rất khó khăn. Về nguyên tắc phải cắt đứt các mắt xích dịch tễ học của bệnh:
Phát hiện người bệnh và người lành mang kí sinh trùng để điều trị.
Cần xét nghiệm tìm Toxoplasma ở người cho máu.
Không ăn thịt động vật ở các dạng chưa nấu chín.
Phải thận trọng khi tiếp xúc với mèo.
Đảm bảo đúng chế độ bảo hiểm khi tiếp xúc với mầm bệnh.
-
Tài liệu mới nhất
-
Hướng dẫn của ESC 2022 về quản lý bệnh nhân rối loạn nhịp thất và phòng ngừa đột tử do tim – P1
22:29,26/11/2022
-
So sánh giá trị các phân loại EU-TIRADS, K-TIRADS và ACR-TIRADS
21:21,20/11/2022
-
Quy chế công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của cơ quan Bộ Y tế
20:44,18/11/2022
-
Hướng dẫn: Ghi chép Phiếu chẩn đoán nguyên nhân tử vong
16:36,18/11/2022
-
Siêu âm thoát vị hoành thai nhi: Kỹ thuật đánh giá và tiên lượng trên siêu âm
22:35,13/11/2022
-
Não thoái hóa nước hay não úng thủy
21:30,12/11/2022
-
Theo dõi nỗ lực hít vào của bệnh nhân trong quá trình thở máy: Thông khí bảo vệ phổi và cơ hoành
21:10,07/11/2022
-
Time constant: Chúng ta cần biết gì để sử dụng nó?
21:43,06/11/2022
-
Làm thế nào tôi thiết lập áp lực dương cuối thì thở ra
20:30,06/11/2022
-
Mục tiêu PO2 động mạch theo bệnh lý cơ bản
20:39,24/10/2022
-
Hướng dẫn của ESC 2022 về quản lý bệnh nhân rối loạn nhịp thất và phòng ngừa đột tử do tim – P1