Nội dung nghiên cứu kí sinh trùng y học
- Tác giả: Học viện Quân y
- Chuyên ngành: Ký sinh trùng
- Nhà xuất bản:Học viện Quân y
- Năm xuất bản:2008
- Trạng thái:Chờ xét duyệt
- Quyền truy cập: Cộng đồng
Nội dung nghiên cứu kí sinh trùng y học
Kí sinh trùng y học tập trung nghiên cứu các nội dung:
Đặc điểm hình thể và phân loại.
Đặc điểm sinh học kí sinh trùng y học bao gồm những đặc điểm về sinh lí, sinh thái, vòng đời kí sinh trùng.
Tác động qua lại giữa kí sinh trùng và vật chủ bao gồm các biểu hiện lâm sàng bệnh do kí sinh trùng, khả năng đáp ứng, mẫn cảm của cơ thể con người với kí sinh trùng, các biện pháp chẩn đoán, các thuốc điều trị bệnh kí sinh trùng.
Các quy luật dịch học, các biện pháp phòng chống bệnh kí sinh trùng bao gồm các biện pháp tiêu diệt hoặc loại trừ kí sinh trùng ra khỏi cơ thể con người và các biện pháp cải tạo hoàn cảnh, môi trường để hạn chế sự phát triển hoặc diệt trừ kí sinh trùng.
Để nghiên cứu các nội dung trên, kí sinh trùng y học phải có sự liên hệ mật thiết và cộng tác rộng rãi với các ngành khoa học khác: Dịch tễ học, Vi sinh học, Dược động học, Vệ sinh học, Sinh lí bệnh học, Miễn dịch học, Lâm sàng….
Trong thời gian gần đây, nhờ những thành tựu của các ngành khoa học đặc biệt là những thành tựu trong lĩnh vực Sinh học phân tử, Miễn dịch học, Dược động học… đã và đang được ứng dụng vào ngành kí sinh trùng. Do vậy, các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, chẩn đoán, điều trị và phòng chống bệnh kí sinh trùng đã mở ra nhiều triển vọng hứa hẹn.
Đặc điểm hình thể và phân loại kí sinh trùng y học.
Đặc điểm hình thể:
Khoa học đã chứng minh rằng tổ tiên của các loài kí sinh trùng là những động vật nguyên thủy sống tự do. Chúng buộc phải cạnh tranh với các sinh vật khác để sống. Chỉ những sinh vật nào có khả năng thích nghi mới có thể tồn tại và phát triển. Trong đó có một số sinh vật đã sống thích nghi dựa vào sinh vật khác để tồn tại và phát triển thành kí sinh trùng. Do vậy, hình thể kí sinh trùng cũng có những đặc điểm thích nghi với đời sống kí sinh:
Hình thể của ngoại kí sinh trùng thường có thân ngắn, dẹt để dễ bám vào da của vật chủ (ví dụ: chấy, rận, rệp, ve...) hoặc để dễ luồn lách, lẩn trốn (bọ chét)…
Hình thể đặc biệt của một vài bộ phận chỉ thấy ở động vật kí sinh giúp cho kí sinh trùng bám được vào cơ thể vật chủ như: giác bám của các loại sán, môi và móc của các loài giun, móng vuốt của ve, mò…
Một số bộ phận trong cấu tạo cơ thể kí sinh trùng rất phát triển:
Bộ máy tiêu hoá của rệp, ve có dung lượng lớn, sau một lần hút máu có thể sống rất lâu chờ cơ hội hiếm có mới lại được hút máu vật chủ. Một lần hút máu: rệp có thể sống qua một năm, ve có thể sống qua 5 năm hoặc hơn nữa.
Bộ phận sinh dục của kí sinh trùng rất phát triển vì thường sống trong môi trường giàu chất dinh dưỡng của vật chủ và khả năng sinh sản lớn, do trong quá trình phát triển vòng đời sinh học gặp nhiều yếu tố bất lợi cho sự bảo toàn giống loài, nên kí sinh trùng phải sinh sản nhiều giúp các thế hệ sau có nhiều cơ hội gặp được vật chủ kí sinh để tiếp tục tồn tại và phát triển.
Bộ máy tiêu hoá của một vài loại kí sinh trùng bị thoái hoá hoặc mất hẳn do sống trong cơ thể vật chủ có nhiều chất dinh dưỡng, nên không cần phải tiêu hoá, không cần có hậu môn để thải bã (ví dụ: sán lá, sán dây...).
Do đời sống kí sinh không cần đến, do vậy các loại nội kí sinh trùng không có mắt, không có bộ phận để chuyển động. Nhưng có thể ở giai đoạn ấu trùng chúng vẫn có mắt, hoặc có lông để bơi.
Kích thước của kí sinh trùng rất khác nhau: có loài rất nhỏ bé phải đo bằng micromét (chỉ có thể quan sát được bằng kính hiển vi như các loại đơn bào: kí sinh trùng sốt rét, Toxoplasma, Leishmania...). Có những kí sinh trùng kích thước dài hơn chục mét (sán dây), khoảng 20 cm (giun đũa), các loại ngoại kí sinh trùng chỉ cần quan sát bằng mắt thường như ruồi, muỗi, ve, mò…
Cấu tạo bên trong của kí sinh trùng cũng rất khác nhau: có loài kí sinh trùng thân chỉ là một tế bào (lớp đơn bào), có những kí sinh trùng phát triển tương đối hoàn thiện với đầy đủ các hệ thần kinh, tiêu hoá, sinh dục (giun, sán…).
Do vậy, nghiên cứu đầy đủ về hình thể các loài kí sinh trùng sẽ giúp cho việc chẩn đoán và phân loại kí sinh trùng được dễ dàng hơn.
Phân loại kí sinh trùng y học:
Mỗi loài kí sinh trùng y học đều có vị trí của chúng trong giới động vật hoặc thực vật. Trong mỗi giới chúng được xếp theo ngành, lớp, bộ, họ, chi và loài. Ngoài ra chúng còn được phân chia thành ngành phụ, lớp phụ, bộ phụ, họ phụ, chi phụ, loài phụ.
Ví dụ: Muỗi Anopheles minimus là ngoại kí sinh trùng thuộc ngành động vật chân đốt (Arthropoda), lớp côn trùng (Insecta), bộ hai cánh (Diptera), họ muỗi (Culicidae), họ phụ (Anophelinae), chi (Anopheles), loài (minimus).
Trong kí sinh trùng y học người ta phân loại như sau:
Ngành động vật đơn bào - Protozoa có các lớp:
Lớp chân giả - Rhizopoda.
Lớp trùng roi - Flagellata.
Lớp trùng lông - Ciliata.
Lớp trùng bào tử - Sporozoa.
Ngành giun (vermes):
Ngành phụ giun tròn - Nematodes:
Lớp giun tròn - Nematoda.
Ngành phụ giun dẹt - Platodes có các lớp:
Lớp sán lá - Trematoda.
Lớp sán dây - Cestoda.
Ngành phụ giun đốt - Annelida:
Đỉa vắt - Hirudinae.
Ngành động vật chân đốt (Arthropoda) có các lớp:
Lớp nhện (Arachnida) có các họ:
Họ ve - Ixodidae.
Họ mạt - Gamasidae.
Họ mò - Trombidoidae.
Họ cái ghẻ - Sarcoptoidae.
Lớp côn trùng (Insecta) có các họ:
Họ muỗi - Culicidae.
Họ ruồi vàng - Simulidae.
Họ dĩn - Ceratopogonidae.
Họ muỗi cát - Phlebotomidae.
Họ ruồi trâu - Tabanidae.
Họ ruồi - Muscidae.
Họ bọ chét - Pulicidae.
Họ chấy rận - Pediculidae.
Họ rệp - Cimicidae.
Họ gián - Blattidae.
Ngành nấm (Fungi):
Lớp nấm Tiếp hợp - Zygomycetes.
Lớp nấm Túi - Ascomycetes.
Lớp nấm Đảm - Basidiomycetes.
Lớp nấm Bất toàn - Deuteromycetes.
Đặc điểm sinh học của kí sinh trùng.
Đặc điểm sinh học của kí sinh trùng bao gồm các đặc điểm về sinh lí, sinh thái và vòng đời phát triển của chúng.
Sinh lí của kí sinh trùng:
Sinh lí của kí sinh trùng bao gồm những chức năng đảm bảo cho kí sinh trùng tồn tại, phát triển và bảo tồn giống loài.
Dinh dưỡng và chuyển hoá của kí sinh trùng:
Phải có nguồn dinh dưỡng kí sinh trùng mới tồn tại, phát triển. Nguồn dinh dưỡng của kí sinh trùng chủ yếu dựa vào sự chiếm đoạt những chất dinh dưỡng của vật chủ như gluxit, protit, lipit, vitamin…
Những chất này có trong vật chủ dưới dạng thức ăn đã được tiêu hoá như dưỡng chấp, hoặc thức ăn đã được chuyển hoá thành máu, dịch mô, tế bào… Tùy theo từng loài kí sinh trùng mà thức ăn của chúng có thể là những nguồn dinh dưỡng khác nhau.
Ví dụ: giun đũa ăn dưỡng chấp; giun móc ăn máu, protein huyết thanh, sắt huyết thanh, axit folic… Muỗi, dĩn ăn máu; mò ăn dịch mô; kí sinh trùng sốt rét ăn huyết cầu tố…
Hình thức chiếm đoạt chất dinh dưỡng phụ thuộc vào đặc điểm cấu tạo hình thể và vị trí kí sinh của từng loài kí sinh trùng. Chúng có thể chiếm đoạt chất dinh dưỡng bằng: thẩm thấu, ẩm bào, hoặc hút chất dinh dưỡng qua bộ phận tiêu hoá…
Để đồng hoá thức ăn chiếm được, kí sinh trùng phải chuyển hoá thức ăn đó bằng những hệ thống men phức tạp và theo cách riêng của từng loài.
Hiểu biết đầy đủ về dinh dưỡng chuyển hoá của kí sinh trùng sẽ hiểu được tác hại của chúng đối với cơ thể vật chủ, giúp cho việc tìm kiếm những phương tiện, thuốc men và biện pháp phòng chống kí sinh trùng có hiệu quả.
Cho tới nay sự hiểu biết về dinh dưỡng chuyển hoá của nhiều loài kí sinh trùng còn chưa đầy đủ, cần tiếp tục nghiên cứu.
Sinh sản của kí sinh trùng:
Kí sinh trùng có nhiều hình thức sinh sản phong phú. Có loài sinh sản rất đơn giản, có loài rất phức tạp. Nhìn chung kí sinh trùng sinh sản nhanh, nhiều và dễ dàng để đảm bảo duy trì nòi giống.
Hình thức sinh sản vô giới:
Là hình thức sinh sản đơn giản nhất và thường gặp ở đơn bào kí sinh như amip, trùng roi… Bằng hình thức này, một cá thể kí sinh trùng tự phân đôi thành hai cá thể mới (nhân phân chia trước, bào tương phân chia sau, không có sự giao phối giữa đực và cái).
Cũng là sinh sản vô giới, còn có kiểu sinh sản phân liệt (schizogonie), tức là không phân chia nhân một lần, mà phân chia nhân nhiều lần thành nhiều mảnh, sau đó bào tương mới phân chia theo số mảnh nhân, kết quả là tạo thành nhiều cá thể mới. Ví dụ như sự sinh sản vô giới của kí sinh trùng sốt rét.
Hình thức sinh sản hữu giới:
Là hình thức sinh sản thực hiện bằng sự kết hợp giữa con đực và con cái như giun đũa, giun móc, giun kim… hoặc giữa hai giao bào đực và cái như kí sinh trùng trong dạ dày muỗi. Ngoài ra còn có những loài kí sinh trùng lưỡng giới (một cá thể có cả bộ phận sinh dục đực và sinh dục cái) như nhiều loại sán lá, sán dây… + Hình thức sinh sản đa phôi:
Là hình thức sinh sản đặc biệt cũng thường thấy ở các loài sán lá và một số loài sán dây. Từ kết quả của sinh sản hữu giới: một trứng nở ra một ấu trùng, ấu trùng này phát triển thành nang ấu trùng.
Kết quả sinh sản vô giới: trong nang ấu trùng có rất nhiều mầm sinh ra nhiều ấu trùng thế hệ hai. ấu trùng thế hệ hai lại sinh ra nhiều ấu trùng thế hệ ba. Những ấu trùng thế hệ ba này sẽ phát triển thành sán trưởng thành khi gặp vật chủ. Kết quả từ một trứng ban đầu sẽ thành vô số sán trưởng thành.
Như vậy là có sự luân phiên sinh sản: hữu giới (một trứng thụ tinh) và sinh sản vô giới (sinh sản đa phôi). Sự luân phiên sinh sản hữu giới và vô giới còn gặp ở nhiều loài kí sinh trùng khác như kí sinh trùng sốt rét, Toxoplasma sp….
Các chức năng sinh lí khác:
Chức năng hô hấp của các loài kí sinh trùng khác nhau:
Đối với các loài nội kí sinh trùng hô hấp được thực hiện trong điều kiện yếm khí. Oxy cần thiết cho chúng được cung cấp nhờ các men chuyển hoá thức ăn, hoặc nhờ các vi khuẩn cộng sinh.
Chức năng bài tiết của các loài kí sinh trùng cũng khác nhau:
Đặc biệt lưu ý tới các loài nội kí sinh trùng, những chất chuyển hoá thừa sau khi chiếm thức ăn từ vật chủ được thải ra đều là những chất độc. Vật chủ sẽ bị nhiễm độc do hấp thu phải những chất chuyển hoá thừa của kí sinh trùng.
Hạn định đời sống của kí sinh trùng:
Đời sống của các loài sinh vật cũng như các loài kí sinh trùng đều có hạn định. Mỗi loài đều có tuổi thọ riêng ngay cả với những loài động vật hạ đẳng mà phương thức sinh sản vô giới tưởng chừng như vô hạn. Vì thế một số bệnh kí sinh trùng sẽ tự hết nếu không bị tái nhiễm.
Ví dụ: giun kim có hạn định đời sống khoảng một tháng, giun đũa khoảng một năm. Trong thời gian này nếu giữ vệ sinh, không bị tái nhiễm (nghĩa là cắt đứt được vòng đời phát triển của chúng) thì cơ thể người sẽ tự sạch giun.
Sinh thái của kí sinh trùng:
Nghiên cứu sinh thái kí sinh trùng là nghiên cứu các mối quan hệ giữa chúng với các yếu tố của môi trường ngoại cảnh hoặc của môi trường sinh vật (nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm, độ pH, độ mặn, tốc độ gió, tốc độ dòng chảy của nguồn nước, các yếu tố thổ nhưỡng, các thành phần hoá - lí, các quần thể sinh vật…) để xem các yếu tố đó ảnh hưởng tới sự hoạt động, sinh sản, phát triển của kí sinh trùng như thế nào.
Qua đó đề ra biện pháp cải tạo hoàn cảnh, nhằm mục đích không cho hoặc ngăn cản kí sinh trùng tồn tại, phát triển, sinh sản và có thể diệt được kí sinh trùng có hiệu quả, kinh tế nhất.
Muốn duy trì nòi giống, đa số kí sinh trùng phải chuyển từ vật chủ này sang vật chủ khác. Đây là vấn đề phức tạp, khó khăn vì kí sinh trùng phải trải qua nhiều giai đoạn, nhiều thời kì khác nhau, ở các môi trường khác nhau.
Khi sống tự do, kí sinh trùng phụ thuộc vào môi trường ngoại cảnh (đó là các yếu tố tự nhiên - những yếu tố này có khi thuận lợi, tối ưu, có khi khó khăn, khắc nghiệt đối với chúng). Các giai đoạn phát triển của vòng đời: trứng hoặc kén, ấu trùng, thanh trùng, trưởng thành, đều phải thích nghi với môi trường để tồn tại và phát triển, nếu không thích nghi được chúng sẽ bị chết.
Khi sống trong môi trường là cơ thể vật chủ, kí sinh trùng cũng phải thích nghi với môi trường mới để sống kí sinh.
Ví dụ: kí sinh trùng sốt rét khi kí sinh ở muỗi, chúng phải thích nghi được với các yếu tố sinh học của muỗi mới phát triển được. Nếu kí sinh ở những loài muỗi không thích nghi được thì sẽ chết. Bên cạnh đó khi ở trong cơ thể muỗi (sinh vật có thân nhiệt không ổn định), kí sinh trùng sốt rét phát triển được phải phụ thuộc vào yếu tố nhiệt độ của môi trường. Tiếp đến khi kí sinh ở cơ thể người (sinh vật có thân nhiệt hằng định 370C), kí sinh trùng lại phải thích nghi ngay.
Ngoài những nghiên cứu trên, cần phải nghiên cứu về tập tính sinh sản, hoạt động chiếm thức ăn, hoạt động trú ẩn… trong một điều kiện hoàn cảnh thích nghi khác nhau.
Ví dụ: muỗi truyền bệnh sốt rét Anopheles minimus có tập tính hút máu người trong nhà, trú ẩn và đậu tiêu máu trong nhà ở những nơi tối, ẩm, kín, không cao quá 2 mét. Do vậy để diệt muỗi Anopheles minimus người ta phải phun hoá chất diệt muỗi ở trong nhà, phun vào tường từ 2 m trở xuống và phun vào tất cả những nơi ẩm, tối, kín…
Tuy nhiên hiện nay ở một số vùng muỗi Anopheles minimus đã thay đổi tập tính không đậu ở trong nhà tiêu máu, mà bay ra rừng để đậu tiêu máu. Do vậy không thể phun thuốc diệt được mà phải tẩm hoá chất vào màn để xua muỗi.
Vòng đời của kí sinh trùng:
Toàn bộ quá trình phát triển từ khi là mầm bệnh sinh vật đầu tiên (trứng, ấu trùng) cho tới khi sinh ra những mầm bệnh mới tạo ra thế hệ sau được gọi là vòng đời kí sinh trùng.
Nghiên cứu vòng đời của kí sinh trùng bao gồm nghiên cứu sinh lí kí sinh trùng (kí sinh trùng sinh sản, trứng nở ra ấu trùng, ấu trùng phát triển thành thanh trùng, thành con trưởng thành) và cả sinh thái kí sinh trùng vì sự phát triển của kí sinh trùng phụ thuộc vào các yếu tố của môi trường ngoại cảnh và môi trường sinh học (vật chủ)…
Biết được vòng đời của từng loài kí sinh trùng mới có thể đặt kế hoạch phòng chống có hiệu quả.
Ví dụ: xác định được giai đoạn nào trong vòng đời là mắt xích yếu nhất có thể tác động để phá vỡ vòng đời của chúng. Có thể cắt đứt giai đoạn từ vật chủ ra ngoại cảnh, từ ngoại cảnh vào vật chủ mới hoặc diệt kí sinh trùng ở ngay trong vật chủ bằng cách điều trị đối với người, đối với vật chủ có ích như trâu, bò, lợn… hoặc nếu vật chủ không có ích thì tìm cách tiêu diệt ngay vật chủ như chuột, muỗi…
Có thể khái quát một số kiểu vòng đời:
Vòng đời chỉ có một vật chủ và có giai đoạn phát triển ở ngoại cảnh:
Ví dụ: giun đũa (Ascaris lumbricoides) kí sinh trong cơ thể người, đẻ ra trứng, trứng được bài tiết ra ngoại cảnh, phát triển ở ngoại cảnh, sau một thời gian, trứng đã phát triển lại nhiễm vào người theo thức ăn.
Trong cơ thể người, trứng nở ấu trùng và sau một thời gian ấu trùng phát triển thành giun trưởng thành. Giun lại đẻ trứng, hoàn thành một vòng đời của giun đũa.
Vòng đời có hai vật chủ:
Ví dụ: sán dây lợn (Taenia solium) sống kí sinh ở người. Người là vật chủ chính. Khi các đốt sán già chứa đầy trứng được thải ra ngoại cảnh, nếu lợn ăn phải thì các trứng đó sẽ phát triển thành các nang ấu trùng ở tổ chức cơ của lợn. Lợn là vật chủ phụ của sán dây lợn.
Người ăn thịt lợn sống, hoặc chưa được nấu chín, có nang ấu trùng Taenia solium thì ấu trùng sẽ phát triển thành sán trưởng thành ở ruột người, hoàn thành vòng đời của sán dây lợn.
Vòng đời có nhiều vật chủ:
Ví dụ: sán lá gan nhỏ (Clonorchis sinensis) trưởng thành kí sinh ở người. Người là vật chủ chính.
Trứng sán lá gan nhỏ theo phân ra ngoại cảnh rồi vào ốc (vật chủ phụ 1), phát triển ở ốc. Sau khi phát triển ở ốc, ấu trùng lại vào cá (vật chủ phụ 2) phát triển thành nang ấu trùng.
Người ăn cá sống hoặc chưa được nấu chín có nang ấu trùng sán Clonorchis sinensis sẽ phát triển thành sán trưởng thành. Như vậy vòng đời của Clonorchis sinensis phải trải qua ba vật chủ là người, ốc và cá.
Vòng đời qua nhiều sinh vật, không có giai đoạn phát triển ở ngoại cảnh:
Ở mỗi sinh vật kí sinh trùng đều tồn tại dưới dạng cả trưởng thành, cả trước trưởng thành.
Ví dụ: giun soắn (Trichinella spiralis) kí sinh ở chuột, lợn, chó, mèo, cầy, cáo, hổ, báo, gấu… và cả ở người. Tất cả các sinh vật kể trên đều vừa là vật chủ chính, vừa là vật chủ phụ của giun soắn.
Quan hệ giữa kí sinh trùng và vật chủ.
Kí sinh trùng và vật chủ cùng chung sống, có mối quan hệ mật thiết với nhau, nhất định có ảnh hưởng qua lại lẫn nhau.
Nếu kí sinh trùng tác động nhiều mặt đến vật chủ thì vật chủ cũng phản ứng lại một cách đa dạng với sự có mặt và những tác động có hại của kí sinh trùng.
Tác động của kí sinh trùng đến vật chủ:
Kí sinh trùng lợi dụng vật chủ để lấy nguồn dinh dưỡng và là nơi cư trú tạm thời hoặc vĩnh viễn.
Chúng không chỉ chiếm đoạt chất dinh dưỡng mà còn tác động gây độc, gây tổn thương, làm cơ thể vật chủ dễ bị nhiễm trùng hoặc nhiễm thêm một số mầm bệnh khác.
Kí sinh trùng chiếm đoạt chất dinh dưỡng của vật chủ:
Chất dinh dưỡng của vật chủ mà kí sinh trùng chiếm đoạt có thể là chất đã được tiêu hoá như dưỡng chấp, hoặc là chất đã chuyển hoá như máu, dịch tế bào, dịch mô… Mức độ tác hại của kí sinh trùng chiếm đoạt chất dinh dưỡng tùy thuộc:
Chất lượng thức ăn (chất tiêu hoá hay chất chuyển hoá): nếu thức ăn là chất đã chuyển hoá thì mức độ tác hại nặng hơn.
Số lượng kí sinh trùng: liên quan đến số lượng thức ăn mà kí sinh trùng chiếm đoạt. Thức ăn bị chiếm đoạt phải đạt đến một ngưỡng nào đó thì có biểu hiện bệnh lí.
Ví dụ: bị trên 50 giun móc kí sinh thì người bệnh mới có biểu hiện triệu chứng thiếu máu.
Kích thước kí sinh trùng: càng lớn thì chiếm đoạt thức ăn càng nhiều.
Ví dụ: sán dây bò (Taenia saginata) dài từ 4 - 12 m, mỗi ngày sán dài ra thêm 7 - 10 cm. Do vậy chúng phải chiếm một lượng dưỡng chấp rất lớn.
Chế độ ăn uống, tình trạng sức khoẻ của vật chủ có ảnh hưởng đến khả năng bù đắp chất dinh dưỡng của cơ thể khi bị kí sinh trùng kí sinh làm tăng thêm tác hại gây ra của kí sinh trùng.
Ví dụ: nếu người bị nhiễm giun móc có chế độ ăn kham khổ, hoặc những người ăn uống không đủ chất, thiếu các vitamin trong rau xanh, thiếu sắt (người dân, chiến sĩ ngoài đảo xa, thủy thủ đi tàu dài ngày trên biển...) hoặc mặc dù dư thừa protit nhưng chỉ cần nhiễm dưới 50 giun móc cũng có thể có triệu chứng thiếu máu nhẹ hoặc nặng.
Kí sinh trùng gây độc cho vật chủ:
Hầu hết kí sinh trùng đều gây độc cho vật chủ bằng những chất đã chuyển hoá do chúng tiết ra hoặc những chất thải của chúng.
Ví dụ: khi muỗi đốt người bao giờ chúng cũng tiết ra nước bọt, chất chống đông máu và chất gây ngứa hoặc giun sán trong cơ thể bao giờ cũng có những chất chuyển hoá là những chất độc được chứng minh trên lâm sàng gây ra những triệu chứng nhiễm độc thần kinh trong các bệnh giun đũa, giun kim, sán dây…
Kí sinh trùng gây hại do tác động cơ học:
Một vài loài kí sinh trùng gây ra những tác hại đáng kể về mặt cơ học như giun đũa gây tắc ruột, tắc ống mật…, ấu trùng sán dây lợn chèn ép não gây động kinh, đột tử... hoặc che lấp đồng tử mắt gây giảm thị lực, mù…
Kí sinh trùng mở đường cho vi khuẩn gây bệnh:
Kí sinh trùng tạo nên các vết xước, vết loét ở bên ngoài hoặc bên trong cơ thể vật chủ, tạo điều kiện cho các mầm bệnh khác xâm nhập vào cơ thể vật chủ qua các vết xước, vết loét đó.
Ví dụ: ấu trùng giun móc, giun lươn khi chui qua da vào cơ thể người tạo điều kiện cho vi sinh vật gây viêm nhiễm, lở loét ở da. Giun kim chui vào ruột thừa gây viêm ruột thừa cấp. Giun đũa gây áp xe gan…
Kí sinh trùng làm tăng tính thụ cảm của vật chủ với một số bệnh nhiễm khuẩn khác:
Do tác động nhiều mặt đến vật chủ, kí sinh trùng làm suy yếu cơ thể và giảm sức chống đỡ với các mầm bệnh khác. Nguyên nhân có thể do kí sinh trùng ức chế hệ thống miễn dịch của cơ thể vật chủ hình thành kháng thể chống lại một số mầm bệnh. Ví dụ: người có nhiễm giun đũa dễ bị nhiễm lị trực khuẩn, thương hàn, phó thương hàn, bạch hầu, bại liệt. Người nhiễm sán máu (Schistosoma mansoni) thường dễ bị mắc bệnh phó thương hàn do Salmonella paratyphi A. Khi điều trị hết kí sinh trùng thì bệnh nhiễm khuẩn dễ điều trị khỏi, có khi tự hết.
Những tác động của kí sinh trùng đến vật chủ mạnh hay yếu tùy thuộc vào chủng loại kí sinh trùng, đặc điểm sinh lí, sinh thái, giai đoạn phát triển, kích thước, độc tính, số lượng kí sinh trùng.
Tác động của vật chủ đến kí sinh trùng:
Để chống lại kí sinh trùng và tác hại của chúng, cơ thể vật chủ có hàng loạt các phản ứng xảy ra ở tế bào, mô hoặc thể dịch.
Có thể khái quát tác động của vật chủ đến kí sinh trùng bằng các hình thái đáp ứng miễn dịch như sau:
Đáp ứng miễn dịch tự nhiên (miễn dịch bẩm sinh):
Miễn dịch tự nhiên tuyệt đối:
Một loài kí sinh trùng chỉ kí sinh được ở một loài vật chủ nhất định, không thể kí sinh ở bất cứ động vật nào khác. Như vậy động vật khác có miễn dịch tự nhiên với loài kí sinh trùng đó.
Ví dụ: người chỉ nhiễm kí sinh trùng sốt rét của người mà không nhiễm kí sinh trùng sốt rét của chuột, của gà… ngược lại chuột, gà không thể bị nhiễm kí sinh trùng sốt rét của người.
Hiện tượng miễn dịch tự nhiên này không liên quan tới sự hình thành kháng thể chống kí sinh trùng. Nó phụ thuộc vào cá thể, chủng loại động vật, liên quan đến những yếu tố di truyền. Đặc điểm sinh học của những động vật này không dung nạp kí sinh trùng trong cơ thể chúng. Kí sinh trùng sau khi xâm nhập vào động vật có miễn dịch tự nhiên sẽ bị đào thải hoặc bị tiêu diệt.
Miễn dịch tự nhiên tương đối:
Miễn dịch tự nhiên tương đối phụ thuộc vào nhiều yếu tố thể chất của vật chủ và yếu tố của tự nhiên môi trường vật chủ tồn tại:
Trong miễn dịch tự nhiên tương đối có vai trò của tế bào, mô và nhất là vai trò của lách. Người ta thấy loài khỉ không nhiễm kí sinh trùng sốt rét của người, nhưng sau khi cắt lách thì khỉ lại có thể bị nhiễm.
Miễn dịch tự nhiên tương đối có liên quan đến các yếu tố môi trường.
Ví dụ: con cóc và con thằn lằn giữ ở nhiệt độ 350C có thể bị nhiễm giun soắn (Trichinella spiralis), nhưng ở nhiệt độ thấp hơn thì không bao giờ bị nhiễm.
Miễn dịch tự nhiên tương đối có liên quan đến điều kiện sống.
Ví dụ: các loài động vật ăn tạp như chuột, lợn, người… đều thấy có bị nhiễm giun soắn. Các loài động vật ăn cỏ trong tự nhiên không bị nhiễm bao giờ, nhưng trong thực nghiệm có thể gây nhiễm giun soắn dễ dàng cho động vật ăn cỏ.
Miễn dịch tự nhiên tương đối còn phụ thuộc vào tuổi sinh lí của động vật nhiễm.
Ví dụ: chuột cống trắng lớn không bị nhiễm amíp lị Entamoeba histolytica, nhưng chuột cống non mới thôi bú lại có thể nhiễm.
Miễn dịch tự nhiên tương đối của vật chủ không đủ hiệu lực đào thải hoặc tiêu diệt kí sinh trùng nhưng vẫn có tác động đến kí sinh trùng biểu hiện:
Số lượng kí sinh trùng nhiễm không nhiều.
Kích thước kí sinh trùng bé đi.
Ví dụ: sán lá gan nhỏ (Clonorchis sinensis) ở chuột lang được gây nhiễm có kích thước chỉ bằng 1/5 kích thước sán ở mèo, ở người (Vũ Văn Phong, Trịnh Trọng Phụng và Lê Bách Quang, 1986).
Thời gian phát triển của kí sinh trùng kéo dài.
Ví dụ: giun móc chó (Ancylostoma caninum) phát triển trong cơ thể chó từ ấu trùng đến trưởng thành mất khoảng 14 ngày, nhưng ở mèo (sinh vật có miễn dịch tự nhiên tương đối) phải mất 17 ngày.
Sinh sản hạn chế.
Ví dụ: giun móc chó (Ancylostoma caninum) trung bình một con đẻ 16.000 trứng trong một ngày đêm. Khi kí sinh ở mèo thì giun móc chó chỉ đẻ được 2.300 trứng. Tỉ lệ trứng nở ra ấu trùng và ấu trùng phát triển đến giai đoạn gây lây nhiễm cũng thấp hơn ở chó.
Tuổi thọ trung bình của kí sinh trùng bị rút ngắn.
Ví dụ: giun lươn của người (Strongyloides stercoralis) sống được nhiều năm ở người, nhưng ở mèo chỉ sống được 2 - 7 tuần, ở chó được 3 - 7 tháng.
Miễn dịch tự nhiên tuyệt đối và miễn dịch tự nhiên tương đối có lẽ liên quan nhiều đến yếu tố di truyền. Theo thuyết thông tin: miễn dịch tự nhiên đối với loài kí sinh trùng nào là hiện tượng kí sinh trùng đó bất lực trong việc tổng hợp protein giống vật chủ để có thể tồn tại trong vật chủ. Do hoàn toàn khác lạ với vật chủ nên không thể hoà hợp được và bị cơ thể vật chủ thải trừ. Người có miễn dịch tự nhiên tuyệt đối với nhiều loài kí sinh trùng của động vật, nhưng cũng có miễn dịch tự nhiên tương đối với một số loài kí sinh trùng.
Ví dụ: người có thể nhiễm sán lá gan lớn ở trâu, bò; nhiễm sán lá ruột của lợn; kí sinh trùng sốt rét của khỉ…
Đáp ứng miễn dịch không đặc hiệu:
Yếu tố tế bào không đặc hiệu:
Kí sinh trùng xâm nhập vào nơi nào trên cơ thể vật chủ, lập tức nơi đó có phản ứng tế bào và mô. Trong đó đầu tiên là tế bào tại chỗ và tiếp theo là tế bào lưu động (bạch cầu, lympho…).
Tại chỗ chủ yếu là các tế bào của hệ thống lưới nội mô như tế bào lách, tế bào Kuffer ở gan. Những tế bào tại chỗ và bạch cầu làm nhiệm vụ tiêu diệt kí sinh trùng bằng cách vơ nuốt rồi tiêu hủy kí sinh trùng (hiện tượng thực bào).
Chúng còn có nhiệm vụ hút các chất độc, phân giải hoặc trung hoà những chất độc hại (hiện tượng ẩm bào).
Phản ứng của tế bào tại chỗ và lưu động biểu hiện ở sự to lên và tăng sinh những tế bào trên. Sự to lên và tăng sinh này có lẽ là do tác động cơ học và hoá học của kí sinh trùng kích thích chuyển hoá tế bào vật chủ. Kết quả là mô cũng tăng sinh rồi xơ hoá để bao vây, cô lập và cuối cùng tiêu hủy kí sinh trùng. (Ví dụ: ở bệnh giun chỉ có hiện tượng màng nội mô thành mạch bạch huyết tăng sinh, các tế bào nội mô tràn vào thành mạch lâu dần thành một bọc giữ chặt lấy giun). Mạch bạch huyết bị hẹp lại, rồi bị tắc, dẫn đến phù nề, phù chân voi trong bệnh giun chỉ.
Những phản ứng tế bào, mô thường có biểu hiện viêm tại chỗ, sưng, nóng, đỏ, đau. Trong trường hợp ấu trùng giun soắn vào các thớ cơ kí sinh cũng tăng sinh tổ chức xơ quanh ấu trùng. Ấu trùng trong nang nếu còn sống cũng không di chuyển được. Lâu dần nang được kết vôi, ấu trùng hoàn toàn bị cô lập, chất độc của ấu trùng không thể thải vào máu gây hại được nữa.
Các phản ứng tế bào, mô chống lại kí sinh trùng cũng như bất cứ mầm bệnh nào khác hoặc các vật lạ xâm nhập vào cơ thể. Nó không có tính đặc hiệu, nên xếp vào miễn dịch không đặc hiệu.
Phản ứng dịch thể:
Ở da, niêm mạc, có các chất tiết: axít béo chưa bão hoà, lysozym, có tác dụng ngăn cản, loại trừ mầm bệnh.
Độ toan dịch vị ở dạ dày có tác dụng diệt kí sinh trùng, vi khuẩn đường tiêu hoá.
Trong máu có sẵn những chất chống vật lạ xâm nhập vào cơ thể đó là: aglutinin (ngưng kết tố), immobilizin (bất động tố), bổ thể, interferon… Vai trò của những chất này đối với kí sinh trùng chưa được nghiên cứu đầy đủ.
Người ta cho rằng: hiện tượng opsonin hoá có vai trò tăng cường hoạt động thực bào, để tiêu diệt mầm bệnh - biểu hiện rõ nhất với kí sinh trùng sốt rét. Immobilizin có khả năng chống lại amíp lị.
Hiện nay đã có những ứng dụng gây miễn dịch không đặc hiệu, dùng các tác nhân kích thích hệ thống miễn dịch chống lại kí sinh trùng:
Dùng vi khuẩn chết (Corynebacterium parvum) chống lê dạng trùng của gậm nhấm. Bacbesia rodhaini và Babesia microti bảo vệ được chuột sau khi tiêm liều tấn công 21 - 28 ngày. Tác dụng bảo vệ kéo dài 6 - 12 tháng.
Dùng vi khuẩn sống (Mycobacterium bovis BCG) chống lại kí sinh trùng sốt rét ở động vật gậm nhấm. BCG cũng có tác dụng bảo vệ thỏ chống lại Toxoplasma gondii, bảo vệ động vật thực nghiệm chống lại Schistosoma mansoni, Echinococcus multocularis và Trichinella spiralis.
Các yếu tố hoà tan, TNF (Tumorous Necrosis Factor) và interferon ó có tác dụng ngăn cản chuyển hoá và phân chia của kí sinh trùng.
NK (Natural killer cell) thuộc quần thể dạng lympho hoạt động do interferon ó kích thích gây độc tố tế bào ung thư và tế bào đích khác. NK là thành phần miễn dịch tế bào tự nhiên.
Đáp ứng miễn dịch đặc hiệu:
Khi có mặt kí sinh trùng trong cơ thể, có phản ứng dịch mô chống lại chúng một cách đặc hiệu (do có kháng thể).
Cơ chế sinh kháng thể khi có mặt kí sinh trùng cũng tương tự như khi có vi sinh vật hoặc bất kì vật lạ nào khác có tính kháng nguyên. Nhưng kháng nguyên kí sinh trùng có những đặc điểm về mặt cấu trúc khác với vi sinh vật, nên miễn dịch đặc hiệu trong các bệnh kí sinh trùng có những đặc điểm riêng.
Đặc điểm kháng nguyên kí sinh trùng:
Kí sinh trùng cũng như vi sinh vật là những vật lạ vào cơ thể vật chủ và là những kháng nguyên kích thích cơ thể sinh ra kháng thể.
Kí sinh trùng so với vi sinh vật có cấu trúc kháng nguyên phức tạp hơn nhiều: Do kí sinh trùng gồm nhiều thành phần khác nhau. Mỗi loại kí sinh trùng có khoảng 15 - 30 yếu tố biểu hiện “dạng kháng nguyên”.
Kí sinh trùng có những thay đổi về cấu trúc kháng nguyên tùy theo giai đoạn phát triển trong cơ thể vật chủ.
Ví dụ: kí sinh trùng sốt rét có giai đoạn phát triển trong gan, có giai đoạn phát triển trong hồng cầu, có giai đoạn là giao bào. Mỗi giai đoạn có những thành phần kháng nguyên khác nhau.
Nhìn chung mỗi kí sinh trùng đều có những kháng nguyên ở thân, kháng nguyên tổ chức như vỏ, cơ… Có những kháng nguyên là chất độc do chúng tiết ra hoặc thải ra (kháng nguyên chức phận).
Tuy nhiên mỗi loài kí sinh trùng có những thành phần kháng nguyên phức tạp nhưng đều có những đặc điểm sau:
Có quyết định kháng nguyên (determinant) sinh kháng thể đặc hiệu chống lại kí sinh trùng. Có thể tách chiết các quyết định kháng nguyên này bằng kĩ thuật kháng thể đơn clon (monoclonal antibody). Khác với kháng nguyên vi sinh vật, quyết định kháng nguyên của kí sinh trùng thường không được bộc lộ mà ở trong tình trạng phức hợp.
Kháng nguyên kí sinh trùng có những thành phần chung ở nhiều loài kí sinh trùng trong cùng một họ. Ví dụ: các loài giun tròn có khoảng một nửa, các loài sán lá có khoảng 1/3, các loài sán dây có ít nhất 2/3 thành phần kháng nguyên chung giống nhau. Những kháng nguyên này cũng kích thích cơ thể vật chủ sinh kháng thể, nhưng thường có miễn dịch chéo giữa các loài trong cùng một họ, vì thế kháng thể sinh ra không có tác dụng bảo vệ. Nhiều khi có phản ứng miễn dịch (phản ứng huyết thanh chẩn đoán) với hiệu giá cao, nhưng không có nghĩa là có miễn dịch tốt chống lại kí sinh trùng.
Kí sinh trùng có những thành phần kháng nguyên giống kháng nguyên của vật chủ. Ví dụ: kí sinh trùng sốt rét có trọng lượng phân tử 30.000 - 33.000 giống như trọng lượng phân tử của huyết cầu tố người (Williamson, 1967) hoặc protein của kí sinh trùng sốt rét có kích thước trung bình giống như albumin của người với hệ số li tâm là 4,5 S. Thân sán máu (Schistosoma mansoni) phủ một lớp protein giống như protein của người (Smithero Terry, 1967). Capron, 1968 đã nghiên cứu trên 30 loại giun sán khác nhau, thấy cấu trúc kháng nguyên của sán lá, sán dây, giun tròn đều có những thành phần giống kháng nguyên của vật chủ là động vật không xương sống, hoặc động vật có xương sống trong đó có cả người. Có nhận xét là ở giai đoạn đầu bị nhiễm sán lá, cơ thể người có kháng thể chống ốc (vật chủ phụ của sán lá).
Để giải thích tính giống kháng nguyên vật chủ có giả thuyết cho rằng: kí sinh trùng có một hệ thống mã tổng hợp protein của vật chủ sau khi xâm nhập vật chủ. Đó là do nhận được tín hiệu dịch thể của vật chủ, một số mã bị ức chế và số khác điều khiển sự tổng hợp protein thích ứng. Như vậy có nghĩa là khi cơ thể vật chủ sinh kháng thể tác động đến kí sinh trùng thì kí sinh trùng tìm cách tránh khỏi tác động của kháng thể bằng cách thay đổi cấu trúc kháng nguyên của mình. Thuyết thông tin này có thể giải thích hiện tượng kí sinh là kết quả của những khả năng cảm ứng đó. Sự kí sinh đặc hiệu (với vật chủ bắt buộc) là giới hạn rất hẹp của khả năng cảm ứng. Ví dụ: giun đũa ở người (Ascaris lumbricoides) chỉ tổng hợp được protein giống như của người mà không có được khả năng đó đối với lợn. Do vậy chỉ có người là vật chủ bắt buộc của giun đũa (Ascaris lumbricoides).
Có thuyết cho rằng: sống ở môi trường nào, kí sinh trùng đều mượn protein của môi trường đó để phủ lên bề mặt cơ thể mình, ngay cả ở môi trường nuôi cấy nhân tạo. Có thuyết giải thích là do quá trình sống lâu đời với vật chủ, kí sinh trùng phải thích nghi với điều kiện sống trong cơ thể khác loài để khỏi bị tiêu diệt. Đó là mối quan hệ với vật chủ - kí sinh trùng, trong đó sự chọn lọc tự nhiên và biến dị của kí sinh trùng dẫn đến giảm bớt sự khác biệt giữa kí sinh trùng và vật chủ. Tất cả các thuyết đều công nhận sự giống nhau về cấu trúc kháng nguyên của kí sinh trùng với kháng nguyên của vật chủ, nhất là kháng nguyên bề mặt của kí sinh trùng, giống như áo ngụy trang. Chính nhờ có áo ngụy trang này mà kí sinh trùng tồn tại được trong cơ thể vật chủ.
Miễn dịch dịch thể đặc hiệu (đáp ứng dịch thể):
Kháng thể chống kí sinh trùng cũng như kháng thể chống vi khuẩn bao gồm những globulin miễn dịch: IgG, IgM, IgA, IgD, IgE. Do đặc điểm cấu trúc kháng nguyên của kí sinh trùng, do tính biến đổi kháng nguyên giống kháng nguyên của vật chủ nên kháng thể không mạnh, không bền. Vì vậy kháng thể bảo vệ ít có khả năng tiêu diệt được kí sinh trùng. Tuy nhiên kháng thể vẫn bảo vệ được vật chủ chống lại các chất độc hại của kí sinh trùng.
Tác dụng của kháng thể trong bệnh kí sinh trùng:
Ngăn cản mầm bệnh kí sinh trùng bám vào niêm mạc ruột, niêm mạc đường hô hấp, tiết niệu… Ví dụ: vai trò của kháng thể IgA tiết.
Ngăn cản mầm bệnh kí sinh trùng lan tràn. Kháng thể bảo vệ trong bệnh sốt rét ngăn merozoites xâm nhập vào hồng cầu cũng giống như kháng thể ngăn virus cúm bám vào màng tế bào.
Kháng thể có tác dụng trung hoà độc tố do kí sinh trùng tiết ra hoặc thải ra.
Kháng thể tham gia vào quá trình opsonin hoá, sau khi xuất hiện kháng thể đặc hiệu tạo ra khả năng opsonin hoá. Kháng thể, bổ thể gắn vào màng tế bào của mầm bệnh. Đại thực bào, bạch cầu trung tính có thụ thể gắn vào Fc (Crystalzable fragment) của kháng thể và thụ thể gắn với bổ thể C3 làm cho đại thực bào, bạch cầu trung tính dễ dàng tóm được mầm bệnh và thực bào chúng.
Kháng thể tham gia đáp ứng miễn dịch dịch thể qua cơ chế ADCC (Antibody Dependent Cell - mediated Citotoxicity) gây độc tế bào phụ thuộc vào kháng thể chống lại kí sinh trùng: kháng thể IgG kết hợp với bạch cầu ái toan (Eo) có tác dụng diệt Schistosoma sp., kháng thể IgE kết hợp với mastocyte có tác dụng diệt Schistosoma sp.
Vai trò của các globulin miễn dịch trong bệnh kí sinh trùng:
IgG có vai trò trong bệnh sốt rét, bệnh Leishmania do ngăn thể proamastigote xâm nhập vào cơ thể.
IgM có vai trò trong bệnh trùng roi đường máu do Trypanosoma sp., trong bệnh sốt rét do chống lại giao bào (gametocyte) và ức chế sinh sản trên in vitro.
IgA được ứng dụng để chế ra vaccine khi uống làm tăng tiết IgA ở niêm mạc đường tiêu hoá. Tế bào lympho B mang IgA từ ruột đến tuyến sữa, từ đó gây miễn dịch cho động vật sơ sinh chống lại sán dây bò (Taenia saginata). Các IgA tiết ở niêm mạc đường tiêu hoá, hô hấp có tác dụng ngăn cản kí sinh trùng bám vào niêm mạc.
IgE có hàm lượng thấp trong máu ngoại vi, có vai trò gây phản vệ và tham gia vào đáp ứng miễn dịch gây độc tế bào phụ thuộc kháng thể (ADCC).
Một hiện tượng đặc biệt đáng chú ý là trong các bệnh giun sán, kháng thể IgE thường tăng. IgE là globulin miễn dịch có tính chất ưa tế bào. Khi được sản sinh ra, IgE gắn vào các tế bào mastocyte. Khi có mặt kháng nguyên lần sau, phản ứng kháng thể, kháng nguyên xảy ra trên bề mặt tế bào mastocyte và kích thích các hạt của tế bào giải phóng ra các amin như: serotonin, heparin, prostaglandin, histamin. Histamin có tác dụng làm co thắt cơ trơn, giãn mạch, gây phù nề và là chất trung gian hoá học gây hiện tượng dị ứng.
Đồng thời các tế bào cũng giải phóng ra những chất hoá ứng động làm tăng sinh bạch cầu ái toan (Eo). Bạch cầu Eo có tác dụng trung hoà histamin chống phản ứng quá mẫn gây dị ứng và tham gia vào phản ứng kháng nguyên kháng thể để chống kí sinh trùng.
Ở Việt Nam và các nước chậm phát triển, nguyên nhân hàng đầu gây tăng cao bạch cầu ái toan trong máu ngoại vi thường là do nhiễm kí sinh trùng (trừ đa số đơn bào và vi nấm).
Miễn dịch tế bào đặc hiệu:
Các kháng nguyên khi vào cơ thể ngoài việc kích thích lympho B biệt hoá thành tế bào plasma để sinh ra kháng thể, còn kích thích hoạt hoá tế bào lympho T để hình thành một dạng đáp ứng miễn dịch đặc hiệu khác gọi là đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào (gọi tắt là đáp ứng miễn dịch tế bào).
Đáp ứng miễn dịch tế bào được thể hiện rõ rệt trong trường hợp các kí sinh trùng kí sinh trong tế bào. Đặc biệt chú ý trong các bệnh kí sinh trùng sau: bệnh do đơn bào: Toxoplasma gondii, Plasmodium sp., Leishmania donovani, Trypanosoma cruzi. Bệnh do nấm: Candida albicans, Cryptococcus neoformans, Histoplasma capsulatum…
Những tế bào tham gia trong đáp ứng miễn dịch tế bào là một số tiểu quần thể thuộc quần thể lympho T và đại thực bào: TDTH (Delayed Type Hypersensitivity - T lymphocyte) gây quá mẫn muộn. TDTH sản xuất ra các yếu tố hoà tan, gọi là lymphokine (MIP, MAP là các yếu tố hoá ứng động…) khi tế bào này đã mẫn cảm, tiếp xúc lại với các kháng nguyên đặc hiệu.
Các lymphokine bao gồm:
Yếu tố ức chế di tản đại thực bào MIF (migration inhibition factor).
Yếu tố hoạt hoá Mệ- MAF (macrophage activating factor).
Yếu tố ngưng tập Mệ (macrophage aggregating factor).
Yếu tố hoá hướng dành cho Mệ (chemotactic factor for Mệ).
Yếu tố hoá hướng dành cho bạch cầu trung tính (chemotactic factor for N).
Yếu tố hoá hướng dành cho bạch cầu ái toan (chemotactic factor for Eo).
Yếu tố hoá hướng dành cho bạch cầu ái kiềm (chemotactic factor for basophillis).
Yếu tố tham gia vào sự tương tác T - B, T - T.
Yếu tố sinh nguyên bào (blastogen factor).
Yếu tố vận chuyển (transfer factor).
Lymphotoxin.
Interferon.
Lymphokine hoạt hoá đại thực bào và các bạch cầu trung tính, ái kiềm, ái toan làm cho chúng diệt được mầm bệnh (kí sinh trùng, vi sinh vật…) và tạo hạt. Đại thực bào được hoạt hoá còn được gọi là tế bào thực hiện (effector cell).
Ngoài đại thực bào được hoạt hoá bởi lymphokine, còn có một số đại thực bào tự có khả năng vây bắt và xử lí kháng nguyên (kháng nguyên phụ thuộc tuyến ức) sau đó trình diện các quyết định kháng nguyên (antigen presenting cell), hoặc là tế bào phụ gia (accessory cell). Để giới thiệu các quyết định kháng nguyên cho các tế bào lympho T.
Tiểu quần thể lympho T gây độc: Tc (cytotoxicity T lymphocyte) mẫn cảm diệt được tế bào nhiễm virus, nhưng chưa chứng minh được trực tiếp diệt đơn bào kí sinh. Hiệu quả sự hoạt động của lympho Tc còn chịu ảnh hưởng của kháng nguyên phù hợp tổ chức.
Bạch cầu ái toan (Eo) đáp ứng với các yếu tố hoá hướng sinh ra từ mô đang có phản ứng dị ứng hoặc từ phản ứng miễn dịch của cơ thể chống lại kí sinh trùng. Tế bào mastocyte cũng tiết ra yếu tố hoá hướng Eo. Eo tham gia phản ứng viêm, Eo có ít trong máu, nhưng tập trung tại nơi có phản ứng viêm. Trong đáp ứng miễn dịch cơ chế độc tế bào phụ thuộc kháng thể ADCC, Eo đóng vai trò là một tế bào thực hiện (effector cell).
Trên màng Eo có thụ thể đối với Ig. Đó là hai protein có trọng lượng phân tử 55.000 và 58.000. Hai protein này chỉ có sau khi được kích thích bằng kháng thể và xuất hiện truớc hiện tượng thoát bọng (degranulation). Eo khi được hoạt hoá sẽ tiết ra chất ECP (Eosinophil cationic protein). Trong đáp ứng miễn dịch đặc hiệu với kí sinh trùng chất tiết ECP tác dụng lên kí sinh trùng, đồng thời cũng gây hại cho vật chủ (tổ chức thần kinh và tim). Eo còn tiết ra chất EMP (Eosinophil major protein) có tác dụng bất hoạt histamin. Eo trong cùng một quần thể, khi nhiễm kí sinh trùng dòng Eo có thụ thể Fc.ồ R cao hơn dòng Fc có thụ thể Fc.ó R (Fc.ồ R thụ thể đối với phần Fc của IgE và Fc.ó R là thụ thể đối với phần Fc của IgG).
Kí sinh trùng chống lại đáp ứng miễn dịch:
Kí sinh trùng né tránh cơ quan miễn dịch:
Kí sinh trùng chui vào tổ chức, tế bào, bạch cầu đơn nhân, đại thực bào:
Ví dụ: giun soắn (Trichistoma spiralis) chui vào tổ chức cơ thể để tránh đáp ứng miễn dịch. Leishmania chui vào bạch cầu, đại thực bào. Kí sinh trùng sốt rét chui vào hồng cầu…
Chúng sống được trong các tế bào do các nguyên nhân sau:
Bề mặt hồng cầu có ít kháng nguyên phù hợp với tổ chức, yếu tố cần cho lympho Tc hoạt động.
Trong tế bào monocyte, kí sinh trùng sống được do chúng kháng lại độc tính của lysosome (kí sinh trùng được nhiều ti thể mitochondria bao quanh).
Chống lại các enzym trong lysosome: rời khỏi không bào thực bào (phagocytic vacuole) để đi đến gian bào.
Chống lại quá trình oxy hoá do quá trình thực bào và hoạt hoá đại thực bào gây ra.
Kí sinh trùng tạo nên sự cô lập cách biệt với vật chủ:
Tạo u hạt (granuloma), trong phản ứng viêm các mô sợi phát triển tạo thành các vách ngăn (tác dụng quan trọng về phía vật chủ - kí sinh trùng không gây hại được). Ví dụ: trong bệnh do Schistosoma mansoni ở động vật có mô sợi phát triển kém, tổn thương tế bào gan nhiều hơn động vật có mô sợi phát triển tốt. Các mô sợi tạo nên sự ngăn cách giữa vật chủ với kí sinh trùng.
Tạo vỏ, tạo bọng: vỏ trứng giun chỉ, còn được giữ lại ở ấu trùng giun chỉ. Bọng bảo vệ nuôi dưỡng đầu sán trong nang ấu trùng sán dây lợn, sán dây bò. Vỏ, bọng tạo nên sự cách biệt giữa vật chủ với kí sinh trùng.
Kí sinh trùng tránh kí sinh ở mô:
Ví dụ: giun chỉ chui vào tuần hoàn máu, bạch huyết.
Nếu ở cơ, mô cơ rắn, kí sinh trùng sẽ bị giữ lại, làm bất động kí sinh trùng.
Kí sinh trùng chui vào ống tiêu hoá:
Ví dụ: trùng roi thìa (Giardia intestinalis), amíp lị, giun đũa, sán dây… Chui vào ống tiêu hoá nơi không tiếp xúc trực tiếp với hệ miễn dịch (kháng thể, tế bào lympho, đại thực bào…).
Kí sinh trùng tiết ra chất chống lại đáp ứng miễn dịch của vật chủ:
Kí sinh trùng tiết ra kháng nguyên hoà tan. Khi có nhiều kháng nguyên hoà tan trong dịch thể (thừa kháng nguyên), nó trung hoà kháng thể, tạo nên các phức hợp miễn dịch do đó chống lại đáp ứng miễn dịch dịch thể hoặc gây dung nạp miễn dịch liều cao (trong sốt rét ác tính và trong một số bệnh do đơn bào, giun sán…).
Trong một số bệnh kí sinh trùng, người ta thấy có các kháng thể phóng bế, kháng thể này che chở không cho kháng thể khác có hiệu lực hơn tấn công mầm bệnh.
Thay đổi kháng nguyên:
Một số kí sinh trùng có khả năng thay đổi kháng nguyên bề mặt: Trypanosoma gambiense và Trypanosoma rhodisiense.
Kí sinh trùng sốt rét cũng có khả năng thay đổi kháng nguyên bề mặt. Bằng chứng gián tiếp là sự thay đổi kháng nguyên hoà tan trong huyết thanh bệnh nhân của P.falciparum.
Ngụy trang bắt chước kháng nguyên, kháng nguyên chung:
Schistosoma có một số kháng nguyên chung với vật chủ, do Schistosoma trưởng thành có thể thâu nhập kháng nguyên vật chủ lên bề mặt của chúng.
Kí sinh trùng có thể bắt chước kháng nguyên nhóm máu ABO để ngụy trang.
Đa số giun sán, đơn bào đã tạo ra một số kháng nguyên chung với vật chủ (kháng nguyên vật chủ).
Kết quả tác động qua lại giữa kí sinh trùng và vật chủ:
Có ba khả năng sẽ xảy ra tùy thuộc tương quan lực lượng của mỗi bên: kí sinh trùng và vật chủ.
Khả năng thứ nhất: tác động của kí sinh trùng yếu, phản ứng của vật chủ mạnh, kí sinh trùng sẽ bị chết hoặc bị tống ra khỏi cơ thể vật chủ.
Khả năng thứ hai: phản ứng của vật chủ tương đương với tác động của kí sinh trùng, có nghĩa là tác động qua lại ở thế cân bằng. Kết quả là có hiện tượng người lành mang trùng. Kí sinh trùng không bị tiêu diệt nhưng cũng không đủ sức gây bệnh cho vật chủ. Mặt khác vật chủ không diệt được kí sinh trùng, vẫn có kí sinh trùng trong cơ thể, nhưng không bị bệnh, khả năng này thường gặp và có ý nghĩa thực tiễn lớn vì người lành mang trùng là những nguồn bệnh nguy hiểm, họ vẫn khoẻ mạnh, ít được chú ý đến để đề phòng. Người lành mang trùng vẫn tiếp tục thải mầm bệnh ra môi trường và là nguồn lây nhiễm mầm bệnh cho mọi người xung quanh. Cần phải đặc biệt chú ý phát hiện, quản lí, điều trị triệt để cho người lành mang trùng, nhất là những người làm công tác phục vụ ăn uống, nhà trẻ, nhà ăn, khách sạn…
Khả năng thứ ba: phản ứng của vật chủ yếu, không đủ sức chống đỡ với tác động có hại của kí sinh trùng. Kết quả là vật chủ bị mắc bệnh kí sinh trùng.
Vai trò y học của kí sinh trùng.
Kết quả tác động qua lại giữa kí sinh trùng và vật chủ diễn ra ở khả năng thứ ba: phản ứng của vật chủ yếu, không đủ sức chống đỡ với tác động có hại của kí sinh trùng, khi đó vật chủ bị mắc bệnh kí sinh trùng.
Kí sinh trùng được chia ra làm hai loại nội kí sinh trùng và ngoại kí sinh trùng. Kí sinh trùng có khả năng gây bệnh và truyền bệnh cho người. Tuy nhiên chủ yếu là bệnh do do nội kí sinh trùng gây ra.
Vai trò y học của nội kí sinh trùng:
Khi tác động của kí sinh trùng mạnh, sức chống đỡ của vật chủ yếu, bệnh lí kí sinh trùng sẽ xuất hiện.
Bệnh lí kí sinh trùng có thể rất thầm lặng, nhưng cũng có thể nhẹ, vừa, nặng và rất nặng thậm chí có thể gây chết người và cũng có thể gây thành dịch, đại dịch.
Đối với các bệnh nội kí sinh trùng do đơn bào gây ra, đầu tiên phải kể đến bệnh do kí sinh trùng sốt rét. Theo thống kê chưa đầy đủ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO - 1996) có khoảng 2.020 triệu người ở khoảng 90 nước hoặc lãnh thổ bị bệnh sốt rét đe dọa, khoảng 300 - 500 triệu người mắc bệnh sốt rét hàng năm và từ 1,5 - 2,7 triệu người chết do sốt rét. Bệnh sốt rét cũng là một trong số những nguyên nhân chính gây tử vong và bệnh tật ở châu Phi, các nước khu vực Tây Thái Bình Dương, đặc biệt là ở trẻ em và phụ nữ có thai. Ở Việt Nam những năm trước đây, qua theo dõi ở sư đoàn bộ binh X tác chiến ở vùng sốt rét lưu hành nặng, trong một năm số tử vong do sốt rét là 180 người, số tử vong do các nguyên nhân khác chỉ có 9 người (Lê Bách Quang, Trịnh Trọng Phụng, 1986).
Năm 1991, toàn quốc đã xảy ra 144 vụ dịch sốt rét, với 1.091.201 trường hợp mắc sốt rét và 4.646 ca tử vong do sốt rét.
Theo báo cáo của “Hội nghị tư vấn không chính thức của WHO về giun móc và thiếu máu ở phụ nữ tại Geneva, 12/1994”, “Hội nghị tư vấn không chính thức của WHO về việc sử dụng hoá trị liệu trong phòng chống các bệnh do giun truyền qua đất gây ra tại Geneva, 5/1996”, cho biết trên thế giới có xấp xỉ 1,4 tỉ người hiện đang nhiễm giun đũa (Ascaris lumbricoides), 1,2 tỉ người nhiễm giun móc (Ancylostoma duodenale và Necator americanus) và 1 tỉ người nhiễm giun tóc (Trichuris trichiura). Trung tâm hợp tác của WHO (WHO Collaborating Centre) tại Oxford đã ước tính có 214 triệu ca giun đũa, 130 triệu ca giun tóc và ít nhất 98 triệu ca giun móc bị bệnh về mặt lâm sàng với những ảnh hưởng xấu đến sự tăng trưởng, tình trạng dinh dưỡng, thể trạng, hoạt động về thể chất và khả năng học tập của trẻ em. Nhiễm giun móc được thừa nhận là yếu tố chính gây thiếu máu do thiếu sắt ở phụ nữ tuổi mang thai tại các nước đang phát triển và được biết có liên quan đến tỉ lệ bệnh, tử vong cao của sản phụ. Ước đoán số người nhiễm giun móc và số người có nguy cơ mắc bệnh giun móc ở các khu vực khác nhau trên thế giới, khu vực nhiễm cao nhất là Ấn Độ và các nước châu Á khác đều có trên 10 triệu ca nhiễm giun móc trên đối tượng là trẻ sơ sinh và phụ nữ có thai (trên toàn thế giới có 44 triệu ca bị nhiễm). Đánh giá số người thiếu máu hoặc thiếu sắt cho thấy trên thế giới có 2.150.000.000 người, trong đó tỉ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai chiếm 51%.
Hiện nay trên thế giới có trên 1 tỷ người sống trong vùng dịch tễ học bệnh giun chỉ bạch huyết. Năm 1996, ước tính có khoảng 120 triệu người nhiễm mầm bệnh giun chỉ (trong đó 107 triệu người nhiễm loài giun chỉ Wuchereria bancrofti tại nhiều vùng ở các nước Trung Quốc, Ấn Độ, nhiều vùng Đông Nam Á, các đảo ở Thái Bình Dương, châu Phi nhiệt đới, Trung Mĩ, Nam Mĩ và 13 triệu người nhiễm loài giun chỉ Brugia malayi chủ yếu ở Đông Nam Á. Bệnh giun chỉ bạch huyết ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, khả năng lao động, thẩm mỹ và tâm lý của người bệnh. Vì vậy WHO đã đưa giun chỉ bạch huyết vào một trong 6 bệnh cần được nghiên cứu phòng chống và thanh toán bệnh này vào năm 2020. Bệnh giun chỉ Onchocerciasis do một loài giun chỉ kí sinh là Onchocerca volunlus gây ra làm 18 triệu người bị mắc bệnh này, trong đó có 268.000 bị mù, 500.000 người bị khiếm thị nặng (theo số liệu năm 1955). Bệnh chủ yếu phân bố ở Tây và Trung châu Phi.
Bệnh sán máng (Schistosomiasis) là bệnh kí sinh trùng ở người phổ biến nhất tại các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, nó đứng và hành thứ hai sau bệnh sốt rét về phương tiện kinh tế xã hội và tầm quan trọng đối với sức khoẻ con người nhất là ở vùng nông thôn các nước đang phát triển. Năm 1996, người ta thông báo rằng: bệnh sán máng lưu hành ở 74 nước nhiệt đới, và ước tính trên 200 triệu người sống ở những vùng nông thôn bị nhiễm sán máng. Khoảng 500 - 600 triệu người coi là có nguy cơ nhiễm bệnh.
Năm 1993, ít nhất có khoảng 40 triệu người, chủ yếu là ở Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương được thông báo là nhiễm sán gây bệnh mà không phải là sán máng. Bệnh sán lá gan (Fascioliasis), do Fasciola hepatica hoặc Fasciola gigantica gây ra, là bệnh nhiễm sán ở gan, có thể tìm thấy trên khắp thế giới. Khu vực châu Á còn nhiễm nhiều loại sán lá gan nhỏ khác như Clonorchis sinensis, Opisthorchis viverrini và Opisthorchis felineus. Năm 1995, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng có trên 7 triệu người Thái Lan, Lào, Cămpuchia nhiễm sán lá gan Opisthorchis viverrini, trên 5 triệu người Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam nhiễm Clonorchis sinensis, 2 triệu người Đông Âu, Liên Xô (cũ) nhiễm Opisthorchis felineus. Bệnh sán đường ruột, gây ra bởi Fasciolopis buski và nhiều loài khác. Bệnh sán lá phổi (Paragonimiasis) xảy ra có thể ở châu Á, Tây Phi, Ecuador, Peru và các nước Nam Mĩ khác.
Bệnh lây truyền qua đường tình dục nguyên nhân gây ra do kí sinh trùng Trichomonas vaginalis là một trong những bệnh xã hội chủ yếu lây qua đường tình dục, bệnh thường gặp trên toàn thế giới và gây nên hậu quả nghiêm trọng đối với sức khoẻ và kinh tế của cộng đồng. Đối với các nước đang phát triển tỷ lệ mắc bệnh khá cao, theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trung bình mỗi năm có thêm 230 triệu bệnh nhân và trong số này có ít nhất 1 triệu người bị nhiễm HIV/AIDS. Chỉ riêng khu vực Tây Thái Bình Dương mỗi năm có khoảng 35 triệu lượt người mới mắc.
Theo một cuộc điều tra cho thấy ở một số nước cứ 10 phụ nữ đến khám tại các cơ sở kế hoạch hoá gia đình và sản phụ khoa thì có 1 đến 2 người bị bệnh và trên 10% số người ở tuổi hoạt động tình dục bị nhiễm. Theo Trung tâm phòng chống bệnh lây truyền qua đường tình dục của Trung Quốc cho biết, năm 1998 số bệnh nhân bị bệnh lên tới 632.512 người (tăng 37%) và trở thành bệnh đứng hàng thứ 3 trong số bệnh nhiễm trùng phổ biến nhất, sau bệnh lị và viêm gan.
Thực tế số bệnh nhân thống kê được hiện nay chỉ là phần nổi của tảng băng” vì còn rất nhiều người trong cộng đồng không đi khám và điều trị vì nhiều lí do (họ không thấy có triệu chứng, thiếu hiểu biết về sự nguy hại của bệnh, mặc cảm cá nhân...). Chính vì vậy, bệnh dễ chuyển sang giai đoạn mạn tính nên đây là nguồn truyền nhiễm rất nguy hiểm cho cộng đồng rất khó kiểm soát hoặc xuất hiện các biến chứng có hại cho sức khoẻ.
Bệnh amíp lị do Entamoeba histolytica gây ra ở hầu khắp các vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới, ôn đới và thậm trí ở cả các vùng Bắc cực, Nam cực trên thế giới. Bệnh xảy ra có tính quy luật của vùng lưu hành là nơi mà ở đó trình độ dân trí thấp, điều kiện vệ sinh chưa tốt và còn phụ thuộc vào vùng địa lí (vùng đồng bằng tỉ lệ nhiễm bệnh amíp lị cao hơn miền núi).
Bệnh lây nhiễm qua đường tiêu hoá và có thể gây thành dịch. Bệnh có tỉ lệ nhiễm cao tới 85% dân số ở những vùng không được kiểm soát như Merida, Yucatan, Mexico và có tỉ lệ nhiễm thấp khi được kiểm soát như một số vùng dân cư ở Mĩ trung bình là 13,6% (dao động từ 0,8 - 38%).
Ngoài ra còn nhiều bệnh kí sinh trùng khác như bệnh lê dạng trùng (Leishmaniose), bệnh trùng hình cung (Toxoplasmose), bệnh ngủ (Trypanosomose) lưu hành ở nhiều vùng, nhiều khu vực trên thế giới.
Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, nhờ các kĩ thuật chẩn đoán ngày càng hiện đại, người ta đã xác định được nhiều loại kí sinh trùng gây bệnh kí sinh trùng cơ hội trên cơ địa bệnh nhân bị chi phối bởi các yếu tố sinh lí, yếu tố bệnh lí, yếu tố làm suy giảm miễn dịch và yếu tố do dùng thuốc gây ra.
Đó chính là những yếu tố dẫn độ tạo cơ hội cho các bệnh kí sinh trùng cơ hội phát triển.
Các tác nhân kí sinh trùng gây bệnh kí sinh trùng cơ hội đó là:
Tác nhân đơn bào: Giardia lamblia, Leishmania sp., Toxoplasma gondii, Cryptosporidium sp., Isospora belli, Pneumocystic carinii, Microsporidia, Babesia microti.
Tác nhân giun sán: Strongyloides stercoralis.
Tác nhân vi nấm: Candida sp., Cryptococcus neoformans, Histoplasma capsulatum, Aspergillus sp., Penicillium marneffei, Phycomycetes, Geotrichum, Trichosporon sp., Rhodotorula sp., Torulopis glabrata…
Nhìn chung tình trạng bệnh nội kí sinh trùng phụ thuộc vào tác động của kí sinh trùng mạnh hay yếu và phụ thuộc vào sức chống đỡ của cơ thể vật chủ ở mức độ nào ?
Những yếu tố về kí sinh trùng liên quan đến bệnh nội kí sinh trùng:
Mật độ: số lượng kí sinh trùng càng nhiều, tác động của kí sinh trùng càng mạnh. Ví dụ: giun móc hút máu, số lượng 50 giun/một người gây thiếu máu nhẹ, nhưng với số lượng hàng trăm, hàng nghìn giun thì tình trạng thiếu máu sẽ nặng hơn.
Chủng loại kí sinh trùng. Ví dụ: kí sinh trùng sốt rét loại Plasmodium falciparum gây bệnh nặng hơn các loại Plasmodium khác.
Giai đoạn phát triển của kí sinh trùng. Ví dụ: đối với sán dây lợn (Taenia solium); khi người mắc bệnh ấu trùng thì nguy hiểm hơn là chỉ mắc bệnh sán trưởng thành. Vì ấu trùng sán dây lợn thường có những biến chứng nguy hiểm: gây mù, động kinh, đột tử …
Vị trí kí sinh: kí sinh trùng sốt rét hoặc ấu trùng sán dây lợn khi vào não gây bệnh rất nguy hiểm. Amíp lị khi kí sinh ở gan, ở phổi gây bệnh nặng hơn khi kí sinh ở ruột.
Những yếu tố về phía vật chủ liên quan đến bệnh nội kí sinh trùng: Những yếu tố quyết định tình trạng bệnh về phía vật chủ:
Vật chủ đặc hiệu hay không đặc hiệu: người nhiễm kí sinh trùng sốt rét của khỉ thường có triệu chứng lâm sàng nhẹ.
Tuổi của vật chủ: trẻ em bị sốt rét thường nặng và dễ chết. Trẻ em bị giun đũa thường có biểu hiện bệnh rõ hơn ở người lớn.
Số lần nhiễm: người đã bị sốt rét nhiều lần khi nhiễm lại, bệnh thường bị nhẹ, ít bị sốt rét ác tính.
Thể trạng vật chủ: người bị suy nhược và bị giảm miễn dịch, nếu bị nhiễm kí sinh trùng thì sẽ bị nặng hơn. Ví dụ: người bị nhiễm giun lươn, dùng corticoid (thuốc có tác dụng gây giảm miễn dịch) thì bệnh giun lươn sẽ phát triển nặng hơn, có khi nguy hiểm đến tính mạng. Phụ nữ có thai và người dùng corticoid dễ bị bệnh amíp.
Dinh dưỡng của vật chủ: có những người tuy bị nhiễm giun móc với số lượng ít, nhưng do chế độ ăn thiếu protein hoặc thiếu sắt… thì vẫn bị thiếu máu nặng như trường hợp bị nhiễm giun móc với số lượng nhiều.
Như vậy tình trạng bệnh nội kí sinh trùng phụ thuộc vào mối tương quan giữa kí sinh trùng và vật chủ. Không thể chỉ đơn thuần chú ý đến tác nhân gây bệnh là kí sinh trùng. Tuy cùng một chủng loại kí sinh trùng, với số lượng tương tự nhưng bệnh thể hiện ở mỗi người một khác. Đối với bệnh kí sinh trùng, cần chẩn đoán chính xác chủng loại kí sinh trùng, ước tính số lượng kí sinh trùng, xác định cơ quan bị kí sinh. Đồng thời tìm hiểu thể trạng của người bệnh để giải quyết bệnh một cách thích hợp và có hiệu quả nhất.
Vai trò y học của ngoại kí sinh trùng:
Ngoại kí sinh trùng chủ yếu có vai trò truyền các mầm bệnh gây ra các vụ dịch hoặc các đại dịch và ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ, tính mạng của con người. Ngoài ra ngoại kí sinh trùng còn có vai trò là tác nhân gâyra một số bệnh cho con người (gây ngứa, dị ứng, choáng, tê liệt, lở loét…). Những bệnh do ngoại kí sinh trùng truyền còn gọi là bệnh có vật môi giới. Đó là những bệnh lây lan từ người ốm sang người lành do ngoại kí sinh trùng (những loài động vật chân đốt hút máu truyền bệnh). Chúng có thể truyền những bệnh của súc vật bị ốm sang súc vật hoặc sang cả người. Ví dụ: bệnh sốt rét lây từ người ốm sang người lành qua vật môi giới là muỗi sốt rét (Anopheles). Bệnh sốt mò lây từ chuột sang người qua vật môi giới là mò (Trombidiidae). Vai trò của ngoại kí sinh trùng - những động vật chân đốt tác dụng là rất quan trọng. Chúng không chỉ đưa mầm bệnh vào cơ thể người mà chúng còn là nơi để cho mầm bệnh phát triển và là nơi dự trữ mầm bệnh trong thiên nhiên.
Người ta đã biết được một số ngoại kí sinh trùng truyền các bệnh như:
Bọ chét: truyền vi khuẩn dịch hạch, mầm bệnh sốt phát ban chuột.
Ve: truyền virut viêm não ve.
Mò: truyền Rikettsia orientalis.
Chấy, rận: truyền sốt phát ban.
Ruồi: truyền vi khuẩn tả, lị, thương hàn.
Muỗi: truyền virut viêm não Nhật Bản, sốt xuất huyết, sốt rét, Leishmania.
Những bệnh do vật môi giới truyền thường có những đặc điểm sau:
Thường là những bệnh nguy hiểm như: sốt rét, dịch hạch, sốt xuất huyết, … Mầm bệnh có thể là kí sinh trùng, cũng có thể là mầm bệnh vi sinh vật khác.
Bệnh dễ phát thành dịch, đại dịch vì động vật chân đốt có số lượng lớn, phát tán rộng, một con mang mầm bệnh có thể gây lây nhiễm cho nhiều người (qua đốt hút máu hoặc vận chuyển mầm bệnh đi nhiều vị trí).
Bệnh thường xảy ra theo mùa, mùa phát triển của bệnh phụ thuộc vào mùa phát triển của động vật chân đốt truyền bệnh.
Bệnh thường khu trú ở từng địa phương. Mỗi địa phương có sinh vật cảnh và môi trường thích hợp riêng cho từng loại động vật chân đốt. Ví dụ: bệnh sốt rét thường gặp ở vùng rừng núi vì ở đó thích hợp cho muỗi sốt rét phát triển.
Bệnh có thể lây từ động vật sang người và ngược lại. Vật môi giới truyền bệnh có thể hút cả máu động vật và máu người.
Do những đặc điểm trên, một số bệnh do môi giới truyền bệnh là những bệnh có ổ bệnh thiên nhiên.
Khái niệm về ổ bệnh thiên nhiên:
Vào những năm 30 cuối thế kỉ XX, nhà kí sinh trùng học E.N. Palvloskii của Liên xô (cũ) (Trung tướng quân y, Viện sĩ) đã đề xướng học thuyết về ổ bệnh thiên nhiên sau khi cùng các nhà bác học khác nghiên cứu phòng chống bệnh viêm não Xuân - Hè ở một vùng mới khai phá, thuộc lãnh thổ Xiberi. Bệnh được xác định do một loài virut gây nên và do ve Ixodes truyền từ các động vật hoang dại bị bệnh sang người. Bệnh này có từ lâu đời, ở vùng chưa hề có dấu chân người. Bệnh lưu hành từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, giữa động vật với động vật, có ve là môi giới truyền bệnh. Người chỉ là một mắt xích ngẫu nhiên trong quá trình lưu hành bệnh.
Bệnh viêm não Xuân - Hè còn gọi là bệnh viêm não ve, vì ve không chỉ là vật môi giới mà còn là nơi dự trữ mầm bệnh, có thể truyền mầm bệnh virut qua trứng cho những thế hệ sau của ve. Người ta chỉ phát hiện thấy ve truyền bệnh có mặt ở từng vùng nhất định, có sinh vật cảnh thích hợp với ve, có động vật hoang dại sinh sống - là vật chủ của ve. Những vật chủ này lại là những động vật cảm thụ với mầm bệnh virut. Tất cả những yếu tố trên: mầm bệnh virut, động vật hoang dại thụ cảm, vật môi giới truyền bệnh, sinh vật cảnh thích hợp cho các động vật phát triển, đã tạo nên một ổ bệnh lưu hành khép kín trong thiên nhiên không cần sự có mặt của con người. Đó là ổ bệnh thiên nhiên.
Theo học thuyết này: một bệnh có ổ bệnh thiên nhiên cần có những đặc điểm sau:
Bệnh lưu hành giữa động vật với động vật có từ lâu đời, không cần sự có mặt của con người. Người chỉ là một mắt xích ngẫu nhiên trong quá trình lưu hành bệnh.
Bệnh có vật môi giới là ngoại kí sinh trùng truyền bệnh.
Bệnh khu trú ở một vùng nhất định, có điều kiện thiên nhiên (thổ nhưỡng, khí hậu, động thực vật…) thuận lợi cho mầm bệnh, nguồn bệnh và vật môi giới tồn tại, phát triển.
Từ khái niệm ban đầu này, học thuyết về ổ bệnh thiên nhiên giúp nhiều cho các nhà dịch tễ học phát hiện, phòng chống hiệu quả nhiều bệnh có ổ bệnh thiên nhiên. Học thuyết này ngày càng được nhiều nước công nhận và cũng được phát triển sâu rộng thêm.
Ngày nay người ta xếp vào ổ bệnh thiên nhiên tất cả những bệnh có đặc điểm thứ nhất (bệnh lưu hành giữa động vật với động vật không cần sự có mặt của con người) bất kể bệnh đó có vật môi giới hay không. Ví dụ: bệnh sán lá gan nhỏ (C.sinensis), bệnh giun soắn (T.spiralis) là những bệnh có ổ bệnh thiên nhiên mà không có vật môi giới truyền. Người chỉ là một mắt xích ngẫu nhiên trong chu trình phát triển của bệnh.
Do ổ bệnh thiên nhiên có từ rất lâu đời, ở một vùng nhất định, người ở vùng đó thường xuyên tiếp xúc với ổ bệnh nên thường bị nhiễm bệnh, và dần dần có miễn dịch với bệnh, không mắc bệnh nữa, hoặc có mắc bệnh cũng chỉ bị nhẹ. Những người từ vùng khác đến vùng có ổ bệnh thiên nhiên, sẽ dễ bị nhiễm và bệnh thường diễn biến nặng.
Ở Việt Nam đã phát hiện một số ổ bệnh thiên nhiên như:
Ổ bệnh thiên nhiên sốt mò ở Mộc Châu, Đồ Sơn- Hải Phòng. Ổ bệnh thiên nhiên giun soắn ở Mù Căng Chải - Nghĩa Lộ. Ổ bệnh thiên nhiên dịch hạch ở Tây Nguyên. Ổ bệnh thiên nhiên sán lá gan nhỏ (C.sinensis) ở Ninh Bình, Nam Định. Ổ bệnh thiên nhiên sán lá gan nhỏ (O.viverrini) ở Tuy An - Phú Yên, ổ bệnh thiên nhiên sán lá phổi (Paragonimus sp.) ở Sìn Hồ - Lai Châu… Ngoài ra có thể còn nhiều ổ bệnh thiên nhiên khác chưa phát hiện ra, nhất là giai đoạn hiện nay khi đường Hồ Chí Minh và nhiều con đường mới khác được mở ra qua những khu rừng nguyên sinh chưa có dấu chân người và có sự lưu thông giữa nhiều vùng sinh cảnh, nhiều cộng đồng dân cư khác nhau.
Trong quân đội, do đặc điểm nhiệm vụ, bộ đội thường phải hoạt động ở những vùng xa lạ, có nơi chưa có dấu chân người nên thường dễ mắc những bệnh có ổ bệnh thiên nhiên nên diễn biến bệnh thường rất nặng và dễ có thể tử vong làm hao hụt quân số hoặc khủng hoảng tinh thần gây ảnh hưởng nhiều đến khả năng hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu và sản xuất. Cán bộ quân y cần nắm được địa lí dịch tễ học các loại bệnh có ổ bệnh thiên nhiên ở những nơi bộ đội phải đi qua hoặc trú quân, từ đó đề ra kế hoạch phòng chống bệnh thích hợp bảo vệ được sức khoẻ, tính mạng cho bộ đội.
Vai trò của ngoại kí sinh trùng trong chiến tranh sinh học:
Trong chiến tranh sinh học, người ta đã dựa vào những đặc điểm sinh học và tập tính của một số loài ngoại kí sinh trùng để làm vật mang, vận chuyển các mầm bệnh nguy hiểm (tác nhân sinh học) gây bệnh một cách tự nhiên nhằm đảm bảo yếu tố bất ngờ, khó phòng chống, tạo các đại dịch nhân tạo trên địa bàn rộng lớn làm suy giảm sức lực, tinh thần và tính mạng của đối phương.
Tuy khả năng gây bệnh cho người của ngoại kí sinh trùng hạn chế như: hút máu truyền độc tố gây đau, dị ứng, mẩn ngứa, lở loét, hoại tử (vết loét do mò đốt) hoặc có thể gây choáng, tê liệt, nhiễm độc và chết (bò cạp, rết độc). Nhưng khả năng vận chuyển và truyền tác nhân sinh học cho người thì vô cùng to lớn và rất nguy hiểm, đó là do:
Một số loài ngoại kí sinh trùng chỉ nhiễm mầm bệnh một lần, nhưng có khả năng truyền mầm bệnh cho nhiều thế hệ sau qua trứng.
Có thể tạo ra các loài ngoại kí sinh trùng lạ có khả năng vận chuyển và truyền các tác nhân sinh học đã được gây biến đổi gen, kháng thuốc là các mầm bệnh cực kì nguy hiểm và khó phòng chống.
Người ta cũng có thể tạo ra các loài ngoại kí sinh trùng có khả năng dung nạp, chịu đựng và kháng với các hoá chất thường dùng để diệt ngoại kí sinh trùng.
Bệnh kí sinh trùng ở vùng nhiệt đới và ở Việt Nam:
Vùng nhiệt đới nằm sát đường xích đạo nên có khí hậu nóng gần như quanh năm, độ ẩm thường xuyên cao, thảm thực vật phát triển mạnh, quanh năm và động vật rất phong phú, đa dạng trong đó có những loài động vật là trung gian truyền bệnh. Điều kiện thiên nhiên nhiệt đới rất thuận lợi giúp cho kí sinh trùng phát triển quanh năm, sinh sản không ngừng.
Có nhiều quốc gia nằm trong vùng nhiệt đới, phần lớn là những nước nghèo nàn, kinh tế chậm phát triển. Các yếu tố tự nhiên của vùng nhiệt đới bất lợi chưa được cải tạo, khắc phục.
Bệnh do nội kí sinh trùng và bệnh do ngoại kí sinh trùng còn mặc sức hoành hành, thường xuyên phát thành dịch và đại dịch: như sốt xuất huyết, dịch hạch, sốt rét … Bệnh giun sán chiếm tỉ lệ cao, cường độ nhiễm hơn hẳn các vùng khác trên thế giới. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đặt kế hoạch khống chế 6 bệnh ở vùng nhiệt đới: phong hủi, sốt rét, sán máu, Leishmania, Trypanosoma và giun chỉ. Trong 6 bệnh trên có tới 5 bệnh do kí sinh trùng gây ra.
Việt Nam cũng nằm trong vùng nhiệt đới, nên mang đầy đủ những đặc điểm trên, cộng thêm những khó khăn khách quan, chủ quan: đất nước phải trải qua nhiều năm chiến tranh, sản xuất bị đình đốn, nền kinh tế còn nghèo nàn, phong tục tập quán của phần đông cộng đồng còn bảo thủ, lạc hậu, đó là những yếu tố thuận lợi cho kí sinh trùng phát sinh, phát triển.
Hiện nay đất nước đã được thống nhất, nhân dân đang từng bước cải thiện đời sống vật chất và nâng cao trình độ văn hoá, dân trí, xã hội. Đặc biệt, chúng ta đang từng bước cải thiện nền y tế một cách có chiều sâu và chiều rộng, đại đa số cộng đồng đều được chăm sóc về y tế.
Do vậy, hơn lúc nào hết chúng ta phải tiến hành đấu tranh có hiệu quả với các bệnh kí sinh trùng, tiến hành thanh toán dần từng bước và giữ vững những thành quả đạt được trong cuộc đấu tranh chống lại những bệnh do kí sinh trùng gây ra.
Vai trò của kí sinh trùng y học trong quân đội:
Quân đội ta là quân đội nhân dân, mọi hoạt động sinh hoạt gắn bó chặt chẽ với nhân dân. Do vậy, cũng như nhân dân, bộ đội cũng có thể mắc hầu hết những bệnh kí sinh trùng đang hoặc sẽ tồn tại, xuất hiện trong cộng đồng.
Tuy nhiên, do đặc thù của nhiệm vụ trong thời chiến cũng như thời bình, địa bàn hoạt động chủ yếu của bộ đội vẫn là những vùng rừng núi, biên giới hải đảo. Đó là những vùng xa lạ đối với bản thân người lính, nên họ không những chỉ mắc những bệnh kí sinh trùng phổ biến, mà còn hay gặp những bệnh kí sinh trùng có ổ bệnh thiên nhiên như: sốt rét, sốt mò, giun soắn…
Trong kháng chiến chống Pháp, cũng như trong kháng chiến chống Mĩ và ngày nay trong điều kiện hoà bình, bệnh sốt rét vẫn là bệnh hàng đầu làm giảm và mất quân số chiến đấu, lao động của bộ đội. Các bệnh tả, dịch hạch, thương hàn, sốt mò, sốt soắn khuẩn, lị trực trùng do ngoại kí sinh trùng truyền. Các bệnh lị amíp, giun sán, nấm gây bệnh ngoài da… vẫn đang chiếm một tỉ lệ cao trong số những bệnh mà bộ đội mắc phải.
Do đó công tác phòng chống có hiệu quả các bệnh kí sinh trùng gây ra sẽ góp phần nâng cao sức khoẻ, sức chiến đấu, sức lao động, sản xuất của bộ đội.
Chẩn đoán bệnh kí sinh trùng.
Có nhiều phương pháp để chẩn đoán bệnh kí sinh trùng: lâm sàng học, dịch tễ học, cận lâm sàng (kí sinh trùng học, huyết thanh miễn dịch học, gây bệnh thực nghiệm trên động vật, sinh học phân tử…). Trên thực tế để chẩn đoán được bệnh kí sinh trùng, thường không chỉ dùng một phương pháp mà đôi khi phải sử dụng nhiều phương pháp phối hợp mới có được kết quả chính xác trong chẩn đoán.
Chẩn đoán lâm sàng:
Nhìn chung các biểu hiện lâm sàng của các bệnh do kí sinh trùng gây ra thường không điển hình do vị trí gây bệnh, giai đoạn kí sinh thường không cố định và khả năng chống lại tác động của kí sinh trùng của người nhiễm bệnh thường không đồng đều.
Tuy nhiên một số bệnh do kí sinh trùng gây ra có thể chẩn đoán dựa vào các triệu chứng lâm sàng đặc hiệu. Ví dụ: bệnh sốt rét có cơn sốt theo chu kì. Bệnh giun chỉ bạch huyết có triệu chứng sốt kèm theo sưng hạch, đau, viêm mạch bạch huyết, đái dưỡng chấp, phù voi ở các phủ tạng…
Vì vậy cần nắm vững các triệu chứng lâm sàng điển hình và đặc hiệu của từng bệnh kí sinh trùng. Những triệu chứng chỉ điểm thường liên quan đến vị trí kí sinh, cơ quan bị kí sinh. Ví dụ: sán lá gan nhỏ (C.sinensis) kí sinh ở đường dẫn mật trong gan, bệnh do sán này gây nên thường có triệu chứng gan to và đau. Amíp lị, giun tóc kí sinh ở đại tràng nên bệnh do chúng gây ra có những triệu chứng của viêm đại tràng…
Mỗi loại kí sinh trùng đều có những thuốc điều trị đặc hiệu. Ví dụ: DEC (diethyl carbamazin) điều trị đặc hiệu bệnh giun chỉ. Emetin, flagyl điều trị đặc hiệu bệnh amíp lị. Do vậy, trong thực tế lâm sàng, đôi khi rất khó chẩn đoán phân biệt triệu chứng lâm sàng do nhiều loại kí sinh trùng kí sinh gây bệnh giống nhau hoặc do nguyên nhân khác. Ví dụ: phù do giun chỉ với phù do viêm tắc bạch mạch, giữa hội chứng lị do amíp với lị do các loại kí sinh trùng khác hoặc do các nguyên nhân khác. Để phân biệt các triệu chứng giống nhau, người ta phải dùng các thuốc đặc trị để điều trị thử. Đây cũng là phương pháp chẩn đoán lâm sàng học hay được áp dụng.
Chẩn đoán dịch tễ học:
Phương pháp này dựa vào hỏi và điều tra tiền sử bệnh nhân. Tìm hiểu điều kiện nhiễm bệnh, cách nhiễm bệnh vì bệnh kí sinh trùng thường lưu hành ở những vùng địa lí nhất định, có các yếu tố thiên nhiên, môi trường phù hợp cho chúng tồn tại và phát triển. Ví dụ: trước một bệnh nhân bị sốt, bệnh nhân lại mới ở vùng rừng núi về thành phố thì ta phải nghĩ tới bệnh nhân có thể bị bệnh sốt rét. Ví dụ: một bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng: sốt, phản ứng quá mẫn, nhiễm trùng, nhiễm độc, đau cơ, phát bệnh có liên quan đến bữa ăn (có món ăn bằng thịt của động vật ăn thịt sống hoặc chưa nấu chín) thì phải nghĩ đến bệnh nhân có thể bị giun soắn (T.spiralis). Một số bệnh kí sinh trùng có liên quan đến nghề nghiệp như: công nhân làm lông vũ hay bị bệnh nấm phổi. Người trồng rau hay bị bệnh giun móc… Cần tận dụng khai thác hết các yếu tố dịch tễ học để phục vụ cho chẩn đoán. Phương pháp dịch tễ học giúp cho thầy thuốc có hướng chẩn đoán, từ đó đề ra các phương pháp chẩn đoán tiếp theo.
Chẩn đoán cận lâm sàng:
Phương pháp kí sinh trùng học:
Phương pháp này nhằm phát hiện mầm bệnh kí sinh trùng. Đây là phương pháp chính xác nhất để chẩn đoán quyết định bệnh kí sinh trùng. Ví dụ: bệnh nhân bị sốt cơn có chu kì, nếu xác định được trong máu có kí sinh trùng sốt rét, nghĩa là đã xác định được nguyên nhân của cơn sốt. Hơn nữa còn xác định được sốt rét do chủng loại kí sinh trùng nào, để có phác đồ điều trị thích hợp. Phương pháp chẩn đoán kí sinh trùng học đơn giản, không đòi hỏi nhiều phương tiện kĩ thuật, hoá chất phức tạp. Đôi khi chỉ bằng mắt thường cũng có thể chẩn đoán được chính xác. Ví dụ: đối với bệnh nhân bị bệnh sán dây lợn, sán dây bò, giun đũa…
Ngay cả ở tuyến cơ sở: trung đoàn, trạm y tế xã… với một kính hiển vi, một số hoá chất thông thường cán bộ y tế đã có thể chẩn đoán được hầu hết các bệnh kí sinh trùng phổ biến.
Tất nhiên phương pháp kí sinh trùng học cũng có những nhược điểm:
Nếu số lượng kí sinh trùng ít sẽ khó phát hiện.
Nếu kí sinh trùng ở trong mô (ví dụ: bệnh giun soắn, bệnh amíp ở gan, phổi) thì khó lấy bệnh phẩm để tìm kí sinh trùng.
Khó tiến hành chẩn đoán hàng loạt vì mất nhiều công sức và thời gian.
Phương pháp chẩn đoán miễn dịch học:
Dựa trên kết quả phản ứng kháng nguyên - kháng thể. Phương pháp này cho phép phát hiện được kí sinh trùng có trong cơ thể một cách gián tiếp.
Phương pháp miễn dịch học có ưu điểm là chẩn đoán được bệnh kí sinh trùng trong phủ tạng mà phương pháp kí sinh trùng học khó phát hiện được. Phương pháp miễn dịch học có thể tiến hành hàng loạt, ít tốn công sức, thời gian. Tuy nhiên phương pháp này cũng có nhược điểm:
Đòi hỏi phương tiện hoá chất phức tạp, tốn kém.
Thường cho kết quả không chính xác vì kháng nguyên kí sinh trùng có nhiều thành phần chung giữa các loài khác nhau, hay có phản ứng chéo.
Có khi cơ thể vật chủ đã hết kí sinh trùng nhưng kháng thể vẫn còn, vì vậy kết quả chẩn đoán không giúp được gì cho điều trị kịp thời mà chỉ giúp cho điều tra dịch tễ với số lượng mẫu điều tra lớn.
Các phương pháp nuôi cấy, gây nhiễm trên động vật thực nghiệm:
Kết quả chính xác, nhưng tốn kém, mất nhiều công sức, cần nhiều thời gian, nên chỉ được áp dụng ở các cơ sở chuyên khoa sâu, có đầy đủ phương tiện, điều kiện.
Phương pháp sinh học phân tử:
Ngày nay nhờ áp dụng những thành tựu khoa học của sinh học phân tử, người ta đã áp dụng những kĩ thuật sinh học phân tử vào công tác chẩn đoán kí sinh trùng như kĩ thuật PCR (Polymerase Chain Reaction).
Nhờ kĩ thuật này có thể chẩn đoán chính xác, chẩn đoán sớm loài, phân loài kí sinh trùng gây bệnh cho người và có thể sử dụng trong nghiên cứu chuyên ngành kí sinh trùng như định loại, cơ cấu, phân bố, xác định chủng kháng thuốc… của kí sinh trùng.
Tuy nhiên kĩ thuật này mới chỉ được áp dụng ở các trung tâm nghiên cứu lớn do phải đầu tư trang bị labo, đòi hỏi cán bộ chuyên sâu và giá thành xét nghiệm còn cao.
Điều trị bệnh kí sinh trùng.
Điều trị bệnh kí sinh trùng nhằm mục đích tiêu diệt kí sinh trùng, loại trừ nguyên nhân gây bệnh hoặc tống kí sinh trùng ra khỏi cơ thể bệnh nhân (loại trừ nguồn truyền nhiễm). Nhưng đôi khi chỉ nhằm đạt được mức giảm cường độ nhiễm, làm bớt nguy hiểm và bớt được mầm bệnh thải ra môi trường.
Để điều trị có kết quả, cần đảm bảo các nguyên tắc sau:
Chẩn đoán chính xác trước khi điều trị:
Vì mỗi loài kí sinh trùng đáp ứng với mỗi loại thuốc khác nhau nên trước khi điều trị phải xác định được loại kí sinh trùng nào gây ra bệnh.
Ví dụ: để điều trị bệnh sốt rét thì phải chẩn đoán xem loại kí sinh trùng Plasmodium nào? P.falciparum, hay P.vivax, hay P.malariae, hay P.ovale. Hoặc muốn điều trị bệnh giun móc thì cần phải biết chính xác người bệnh nhiễm giun móc Ancylostoma duodenale hay Necator americanus.
Chọn thuốc đặc hiệu ít độc cho vật chủ (người bệnh):
Ví dụ: có nhiều loại thuốc đặc hiệu để điều trị giun móc, nhưng tùy theo hoàn cảnh và điều kiện để người ta chọn loại thuốc nào cho thích hợp.
Nếu để bệnh nhân tự điều trị ở nhà thì cho dùng mebendazole (vermox), tuy tác dụng có kém một số thuốc khác nhưng thuốc rất ít độc.
Nếu sử dụng didaken (tetrachlor - ethylen) để điều trị thì bệnh nhân phải được điều trị ở bệnh viện để tiện theo dõi, vì thuốc có tác dụng mạnh với giun móc, nhưng có độc tính cao, khó bảo quản.
Thuốc didaken bào chế dưới dạng viên nang, nếu nang vỡ, dưới tác dụng của không khí, ánh sáng thuốc sẽ biến thành chất độc photgen.
Didaken gây kích động làm tăng chuyển động giun đũa, nên muốn dùng didaken điều trị giun móc phải điều trị giun đũa trước.
Tuy nhiên hiện nay người ta đã sản xuất ra nhiều loại thuốc có độ an toàn cao, phổ tác dụng rộng trên nhiều loại giun sán và áp dụng rộng rãi cho cả bệnh nhân ở bệnh viện và cộng đồng.
Chọn thuốc có tác dụng rộng:
Ở Việt Nam cũng như ở nhiều nước nhiệt đới, bệnh kí sinh trùng rất phổ biến, tình trạng một người nhiễm nhiều loại kí sinh trùng là phổ biến.
Vì vậy chọn thuốc có tác dụng đến nhiều loại kí sinh trùng vừa có ý nghĩa bảo vệ sức khoẻ vừa có ý nghĩa kinh tế. Ví dụ: có nhiều người bị nhiễm đồng thời cả giun đũa, giun tóc, giun móc và giun kim. Cần phải chọn thuốc có tác dụng với tất cả các loại giun đó để tránh không phải điều trị nhiều lần, hạn chế được độc hại cho cơ thể người bệnh và tiết kiệm được kinh phí.
Kết quả điều trị phải được kiểm tra bằng kĩ thuật chẩn đoán chính xác:
Phải xác định được mức độ giảm hay hết kí sinh trùng. Trong nhiều bệnh kí sinh trùng (ví dụ: bệnh sốt rét, lị amíp….) nếu điều trị không hết kí sinh trùng sẽ tái phát hoặc có những hậu quả xấu. Muốn khẳng định kết quả điều trị hết (sạch) kí sinh trùng, phải dựa vào kết quả xét nghiệm nhiều lần âm tính hoặc những phương pháp xét nghiệm có độ tin cậy cao.
Điều trị kết hợp với phòng bệnh, chống tái nhiễm và ô nhiễm môi trường:
Vì miễn dịch trong bệnh kí sinh trùng yếu, không bảo vệ được cơ thể vật chủ nên sau khi đã khỏi bệnh vẫn có thể bị nhiễm lại. Ở điều kiện khí hậu nhiệt đới như nước ta khả năng tái nhiễm rất dễ dàng. Do đó đã điều trị hết kí sinh trùng vẫn cần phải phòng bệnh, chống tái nhiễm.
Kết hợp điều trị với phòng bệnh, chống ô nhiễm môi trường. Vì đối với một số mầm bệnh kí sinh trùng như: giun, sán… sau khi đã bị tống ra khỏi cơ thể người (do tác dụng của thuốc), thì trứng ở trong cơ thể giun, sán vẫn có thể lây nhiễm cho người.
Vì vậy, để tránh làm ô nhiễm môi trường, sau khi bệnh nhân uống thuốc: giun, sán tẩy ra ngoài cần phải thu gom lại một nơi để xử lí (khử trùng rồi chôn sâu).
Điều trị cho tất cả các thành viên trong gia đình người bệnh và tập thể:
Nguyên tắc này được áp dụng cho nhiều bệnh kí sinh trùng mang tính xã hội, cộng đồng, bệnh thường phân bố ở các gia đình, các tập thể nhà trẻ, mẫu giáo, đơn vị quân đội.
Mầm bệnh lây truyền giữa các thành viên trong gia đình hoặc trong các tập thể có điều kiện sống, sinh hoạt giống nhau, nhưng biểu hiện bệnh ở mỗi người một khác. Kết quả khám nghiệm lâm sàng, xét nghiệm kí sinh trùng học không cho kết quả dương tính ở tất cả mọi người trong cùng thời điểm. Ví dụ: bệnh giun chỉ, trùng roi âm đạo, giun kim…
Cần điều trị cho tất cả mọi người trong gia đình, tập thể, ngay cả khi kết quả xét nghiệm chưa thấy mầm bệnh kí sinh trùng ở tất cả mọi người.
Đặc điểm dịch tễ học kí sinh trùng.
Cũng như trong sinh thái học nghiên cứu mối quan hệ sinh thái của một loài động vật nào đó và sinh thái học quần xã trong mối quan hệ phức tạp với môi trường giữa các thành viên trong quần thể sinh vật.
Kí sinh trùng y học có thể phân tích các quy luật liên quan tới loài kí sinh trùng nào đó với vật chủ và các điều kiện môi trường chi phối sự phát triển của chúng. Đó chính là những nội dung nghiên cứu của dịch tễ học kí sinh trùng.
Mầm bệnh (kí sinh trùng có khả năng gây bệnh):
Mầm bệnh có thể có ở trong vật chủ, trung gian truyền bệnh, các ổ bệnh thiên nhiên, xác súc vật, phân, chất thải, đất, nước, rau cỏ, thực phẩm, đồ chơi…
Những mầm bệnh này tồn tại trong khoảng thời gian ngắn hay dài từ vài giờ, vài ngày, vài tháng hoặc hàng chục năm là tùy thuộc vào vị trí nơi chứa, điều kiện môi trường và tùy khả năng tồn tại của mỗi loại kí sinh trùng. Tuy nhiên nếu kí sinh trùng trong cơ thể vật chủ là sinh vật sống thì tồn tại lâu hơn ở ngoại cảnh hay môi trường.
Nguồn bệnh (sinh vật chứa mầm bệnh):
Nguồn bệnh là những sinh vật có chứa mầm bệnh (kí sinh trùng) có khả năng gây bệnh cho con người. Nguồn bệnh có thể là những người đang mắc bệnh (ví dụ: người mắc bệnh sốt rét, amíp lị, Leishmaniasis…), những trung gian truyền bệnh (ví dụ: muỗi sốt rét, muỗi cát, ruồi nhà…), những vật chủ chính, vật chủ phụ khác (ví dụ: lợn, bò, cá, tôm, cua…).
Đường lây truyền:
Xâm nhập của kí sinh trùng vào vật chủ và trung gian truyền bệnh:
Kí sinh trùng xâm nhập vào cơ thể vật chủ và trung gian truyền bệnh bằng nhiều đường khác nhau (có thể trực tiếp hoặc do động vật chân đốt truyền):
Đường tiêu hoá qua miệng: hầu hết các mầm bệnh giun sán (giun đũa, giun tóc, sán lá gan…), đơn bào đường tiêu hoá (amíp, trùng lông…).
Đường tiêu hoá qua hậu môn: như ấu trùng giun kim.
Đường da rồi vào máu: như kí sinh trùng sốt rét, ấu trùng giun chỉ, trùng roi đường máu và nội tạng (Trypanosoma sp., Leishmania sp…), giun móc, nấm…
Đường da rồi kí sinh ở da hoặc tổ chức dưới da: như nấm da, ghẻ…
Đường hô hấp: như nấm, đơn bào…
Đường nhau thai: như Toxoplasma gondii bẩm sinh, loài Plasmodium sp.
Đường sinh dục, tiết niệu: như Trichomonas vaginalis, nấm…
Đường kí sinh trùng thải ra môi trường hoặc vào sinh vật khác:
Kí sinh trùng ra môi trường hoặc vào vật chủ khác bằng nhiều con đường:
Qua phân: như nhiều loại giun sán (giun đũa, giun móc, giun tóc, giun kim, sán lá gan…).
Qua chất thải: như đờm (sán lá phổi), dịch tiết âm đạo (T.vaginalis, nấm…).
Qua da: như nấm da (nấm gây hắc lào, lang ben…).
Qua máu: như kí sinh trùng sốt rét, giun chỉ bạch huyết…
Qua dịch tiết từ vết lở loét: như ấu trùng giun chỉ Onchocerca volvulus…
Qua xác vật chủ: như sán Echinococcus granulosus…
Qua nước tiểu: như trứng sán máng Schistosoma haematobium.
Khối cảm thụ:
Khối cảm thụ (người có khả năng nhiễm bệnh) là một trong các mắt xích có tính chất quyết định trong dịch tễ học bệnh kí sinh trùng.
Tuổi:
Hầu hết các bệnh kí sinh trùng ở mọi lứa tuổi có cơ hội nhiễm như nhau. Tuy nhiên có sự khác biệt về cường độ nhiễm và tỉ lệ nhiễm ở một số bệnh kí sinh trùng là do các yếu tố không phải là tuổi.
Nghiên cứu kí sinh trùng ở người cho thấy nhiều kí sinh trùng kí sinh vào những lứa tuổi nhất định. Trẻ sơ sinh dinh dưỡng bằng sữa mẹ vì thế không có kí sinh trùng đường ruột. Chỉ rất ít trường hợp kí sinh trùng theo nhau mẹ xâm nhập vào phôi như các bệnh truyền nhiễm: sốt rét (Plasmodium sp.), tiêu mao trùng (Trypanosoma sp.), giun móc (Ancylostoma duodenale), sán lá máu (Schistosoma), sán dây (Echinococcus)…
Trẻ sơ sinh và người già hay mắc các bệnh do nấm Candida sp. gây ra…
Phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ tỉ lệ nhiễm Trichomonas vaginalis thường cao…
Giới:
Nhìn chung không có sự khác nhau về nhiễm kí sinh trùng do giới.
Tuy nhiên trừ một vài bệnh như trùng roi âm đạo Trichomonas vaginalis thì nữ mắc nhiều hơn nam một cách rõ rệt, bệnh sốt rét, bệnh sán lá gan nhỏ thì nam mắc nhiều hơn nữ…
Nghề nghiệp:
Do đặc điểm kí sinh trùng liên quan mật thiết với sinh cảnh, tập quán… nên tỉ lệ mắc bệnh kí sinh trùng cũng liên quan đến tính chất nghề nghiệp rất rõ rệt ở một số bệnh như: bệnh sốt rét gặp nhiều ở những người làm nghề rừng, khai thác mỏ ở vùng rừng núi. Tỉ lệ nhiễm giun móc cao ở những người nông dân trồng hoa màu, trồng hoa. Bệnh sán máng vịt gặp nhiều ở những người nông dân trồng lúa nước…
Bên cạnh đó cũng có một số bệnh kí sinh trùng không liên quan đến nghề nghiệp mà do ngẫu nhiên mắc phải.
Nhân chủng:
Đa số các bệnh kí sinh trùng không liên quan đến nhân chủng học.
Tuy nhiên các nhà khoa học đã xác định có một số bệnh kí sinh trùng có tính chất chủng tộc khá rõ, như trong các màu da thì người da vàng dễ nhiễm sốt rét hơn, rồi đến người da trắng. Người da đen ít nhạy cảm với sốt rét nhất. Hay trong cùng một màu da, có nhóm người chỉ nhiễm một loài kí sinh trùng sốt rét… * Cơ địa:
Tình trạng cơ địa, thể trạng của mỗi cá thể cũng có ảnh hưởng tới nhiễm kí sinh trùng nhiều hay ít.
Bệnh kí sinh trùng có thể liên quan đến các nhóm cơ địa như: trẻ em, phụ nữ có thai, người già…
Khả năng miễn dịch:
Trừ vài bệnh, nhìn chung khả năng tạo miễn dịch của cơ thể chống lại sự nhiễm trong các bệnh kí sinh trùng không mạnh mẽ, không chắc chắn.
Tuy nhiên trẻ em nhiễm giun đũa nhiều hơn người lớn, người bị nhiễm HIV/AIDS dễ bị nhiễm trùng cơ hội Toxoplasma gondii, Leishmania sp., Aspergillus sp….
Các yếu tố môi trường, tự nhiên, kinh tế - xã hội:
Môi trường:
Môi trường ở đây nói theo nghĩa rộng bao gồm: đất, nước, thổ nhưỡng, khu hệ động vật, khu hệ thực vật, không khí… đều ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển của kí sinh trùng và bệnh kí sinh trùng. Nhìn chung khi nói đến kí sinh trùng thường phân biệt hai môi trường: môi trường dinh dưỡng của vật chủ hay môi trường thứ nhất là nơi trực tiếp của kí sinh trùng, ngoài ra kí sinh trùng còn liên hệ với môi trường bên ngoài bao quanh vật chủ gọi là môi trường thứ hai.
Tuy nhiên môi trường thứ hai (có thể là tự nhiên hoặc do con người tạo ra) lại có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát sinh, phát triển, biến dạng, mật độ và phân bố của các loài kí sinh trùng. Ví dụ: vùng rừng núi bao giờ cũng là nơi để cho bệnh sốt rét lưu hành. Các nơi đô thị có nhiều phế thải lại là nơi tạo điều kiện cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết (Aedes aegypti) phát triển và truyền bệnh.
Thời tiết khí hậu:
Là những sinh vật, lại có thể có những giai đoạn sống và phát triển ở ngoại cảnh hoặc sống tự do phát triển mọi giai đoạn ở ngoại cảnh, nên kí sinh trùng chịu tác động rất lớn của thời tiết khí hậu. Hay nói khác đi sự phát triển, biến đổi của kí sinh trùng có thể theo mùa.
Vì vậy đã có phân ngành kí sinh trùng địa lí. Khí hậu nhiệt đới, bán nhiệt đới, nóng ẩm, mưa nhiều thì khu hệ kí sinh trùng phong phú, bệnh kí sinh trùng phổ biến. Thời tiết khí hậu có thể làm kí sinh trùng phát triển nhanh hoặc diệt vong (thảm hoạ, lũ lụt, khô hạn kéo dài…).
Các yếu tố kinh tế - văn hoá - xã hội:
Đa số các bệnh kí sinh trùng là bệnh xã hội, bệnh của người nghèo, bệnh của sự lạc hậu, bệnh của phong tục tập quán cổ hủ, bệnh của mê tín - dị đoan…
Nền kinh tế, trình độ văn hoá, phong tục - tập quán, dân trí, chiến tranh - hoà bình, sự ổn định xã hội, hệ thống cơ sở điện thắp sáng, sinh hoạt, giao thông, trường học và dịch vụ y tế… đều ảnh hưởng có tính quyết định đến sự phát sinh, phát triển của kí sinh trùng và bệnh kí sinh trùng. Hay nói khác đi mức độ tồn tại bệnh kí sinh trùng đánh giá trình độ phát triển của một xã hội.
Do vậy nghiên cứu biện pháp phòng chống các bệnh kí sinh trùng phải gắn liền với các vấn đề xã hội.
Phòng chống bệnh kí sinh trùng.
Bệnh kí sinh trùng phần lớn mang tính chất xã hội do:
Mức độ rộng lớn, từng khu vực, hoặc trong phạm vi cả nước.
Mức độ phổ biến, hàng triệu, hàng chục triệu người mắc.
Liên quan chặt chẽ với nền kinh tế quốc dân, trình độ khoa học kĩ thuật, trình độ văn hoá xã hội, phong tục tập quán của từng dân tộc…
Ở các nước công nghiệp phát triển, trình độ kinh tế, khoa học kĩ thuật cao, bệnh kí sinh trùng ngày càng giảm, có bệnh đã bị tiêu diệt. Trái lại ở các nước nghèo nàn lạc hậu, bệnh kí sinh trùng ngày càng trầm trọng.
Có thể nói tỉ lệ bệnh kí sinh trùng là thước đo trình độ phát triển kinh tế xã hội của một nước. Tất nhiên công tác phòng chống bệnh kí sinh trùng không thể chờ đợi cho kinh tế các nước kém phát triển khá lên. Ngược lại phải chống bệnh kí sinh trùng đồng thời với các kế hoạch phát triển kinh tế. Vì hai việc này ảnh hưởng qua lại lẫn nhau.
Ví dụ: việc phòng chống bệnh sốt rét ở nước ta phải đặt ra ngay từ đầu, khi có kế hoạch xây dựng vùng kinh tế mới ở miền núi. Nếu không chống sốt rét thì người dân đồng bằng, đô thị lên vùng kinh tế mới không thể sản xuất được do bị bệnh sốt rét. Mặt khác vùng rừng núi nào phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội tốt, thì ở đó bệnh sốt rét bị đẩy lùi càng nhanh.
Cán bộ ngành Y tế, Quân y, cần tham gia cả hai nhiệm vụ: phòng chống bệnh kí sinh trùng và góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội. Như vậy có thể nói nhiệm vụ phòng chống bệnh kí sinh trùng không chỉ là của riêng ngành Y tế mà là nhiệm vụ của toàn xã hội.
Dưới đây là một số nguyên tắc phòng chống bệnh kí sinh trùng:
Có trọng điểm, trọng tâm:
Bệnh do kí sinh trùng có nhiều và phổ biến, không thể đồng loạt phòng chống. Phải chọn những bệnh nào có hại nhiều đến sức khoẻ, sức sản xuất, lao động, chiến đấu của từng vùng. Bệnh đó có khả năng khống chế được với điều kiện vật chất, kĩ thuật có thể có được.
Ví dụ: bệnh sốt rét ở Tây Nguyên, bệnh sán lá phổi ở một số vùng trọng điểm khu Tây Bắc, bệnh sán lá gan nhỏ ở vùng Ninh Bình, vùng ven biển miền Trung, bệnh giun móc ở đồng bằng…
Nhiều bệnh kí sinh trùng khác có thể sẽ giảm dần trên cơ sở đời sống kinh tế ngày càng nâng cao cùng với phong tục, tập quán, văn hoá, xã hội…
Tiến hành lâu dài kiên trì:
Chúng ta không thể một sớm, một chiều thanh toán được các bệnh do kí sinh trùng gây ra, do không phải chúng ta áp dụng các biện pháp chuyên môn kĩ thuật không đúng, mà quá trình thanh toán sẽ nảy sinh ra nhiều yếu tố trở ngại không thể lường trước được (về cộng đồng, kĩ thuật, cơ sở vật chất…).
Do vậy phải xác định phòng chống bệnh kí sinh trùng phải lâu dài, kiên trì từng bước một, vừa tiến hành vừa điều chỉnh.
Dựa vào đặc điểm sinh học của kí sinh trùng:
Trên cơ sở các đặc điểm sinh lí, sinh thái và vòng đời phát triển của các loại kí sinh trùng, từ đó đề ra các biện pháp chuyên môn, kĩ thuật phòng chống cụ thể cho từng
Kết hợp các biện pháp:
Cùng một lúc có thể kết hợp các biện pháp phòng chống thô sơ với hiện đại, kết hợp các biện pháp cơ học - hoá học - lí học và sinh học, tùy theo đặc điểm sinh học của kí sinh trùng ở mỗi vùng, mỗi thời điểm khác nhau.
Phải có kế hoạch phòng chống bệnh kí sinh trùng:
Để phòng chống bệnh kí sinh trùng đã được lựa chọn phải dựa vào kế hoạch hành chính của chính quyền từ Trung ương đến địa phương.
Trong quân đội phải từ Bộ hay quân khu, mặt trận, xuống đơn vị cơ sở. Mỗi đơn vị hành chính trong phạm vi có thể phải xây dựng kế hoạch phòng chống bệnh kí sinh trùng phù hợp với điều kiện thực tế và khả năng phòng chống.
Bên cạnh những kế hoạch phòng chống trước mắt mà còn phải đề ra những kế hoạch lâu dài có tính chiến lược.
Phòng chống bệnh kí sinh trùng phải là công tác của quần chúng:
Vì mức độ phổ biến của bệnh kí sinh trùng liên quan đến hàng triệu người nên mọi người phải hiểu biết về bệnh để tự giác tham gia vào việc cải tạo môi trường, xây dựng nếp sống khoa học vệ sinh, cải thiện đời sống. Có như vậy việc phòng chống bệnh kí sinh trùng mới đạt kết quả. Không có cá nhân nào dù là tài giỏi, không có đội chuyên nghiệp nào dù là tinh thông nghề nghiệp có thể làm biến đổi được tình hình nhiễm bệnh kí sinh trùng, nếu không có đông đảo quần chúng tham gia tự giác. Vì vậy, người làm công tác chuyên môn phải biết tuyên truyền giáo dục, vận động, giúp cho mọi người dân hiểu biết, tự nguyện phòng chống bệnh kí sinh trùng.
Ở nước ta cũng như một số nước chậm phát triển trên thế giới, quần chúng nhân dân, cán bộ chính quyền và thậm chí cả người làm công tác y tế còn xem nhẹ, coi thường bệnh kí sinh trùng. Có lẽ vì bệnh kí sinh trùng là quá phổ biến, nhiễm và mắc bệnh kí sinh trùng là chuyện bình thường. Tác hại của bệnh kí sinh trùng thường biểu hiện từ từ thầm nặng. Mức độ thiệt hại làm giảm sút sức sản xuất, chiến đấu, giảm sút các chỉ tiêu thể lực của trẻ em, thanh thiếu niên, những tổn thất về lương thực, thực phẩm, những chi phí xã hội do kí sinh trùng gây nên chưa được lượng hoá. Nhân dân chưa nhận thức hết tác hại của kí sinh trùng, chưa thấy cần thiết phải đầu tư tiền của và công sức để phòng chống bệnh kí sinh trùng. Mặt khác do bệnh kí sinh trùng quá phổ biến, công tác phòng chống bệnh kí sinh trùng đòi hỏi chi phí tốn kém, việc phòng chống bệnh kí sinh trùng càng ít được quan tâm.
Nhiệm vụ của ngành Y tế là phải làm tham mưu cho chính quyền, cho chỉ huy các cấp thấy rõ được hết tác hại của bệnh kí sinh trùng bằng những số liệu thuyết phục về tác hại của các bệnh do kí sinh trùng gây ra (sức khoẻ, tính mạng con người và thiệt hại về kinh tế), đề xuất được kế hoạch phòng chống cụ thể và hiệu quả. Có như vậy chính quyền, chỉ huy các cấp và cộng đồng mới tiếp thu xem xét, từ đó mới có hy vọng phòng chống được bệnh kí sinh trùng.
-
Tài liệu mới nhất
-
Hướng dẫn của ESC 2022 về quản lý bệnh nhân rối loạn nhịp thất và phòng ngừa đột tử do tim – P1
22:29,26/11/2022
-
So sánh giá trị các phân loại EU-TIRADS, K-TIRADS và ACR-TIRADS
21:21,20/11/2022
-
Quy chế công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của cơ quan Bộ Y tế
20:44,18/11/2022
-
Hướng dẫn: Ghi chép Phiếu chẩn đoán nguyên nhân tử vong
16:36,18/11/2022
-
Siêu âm thoát vị hoành thai nhi: Kỹ thuật đánh giá và tiên lượng trên siêu âm
22:35,13/11/2022
-
Não thoái hóa nước hay não úng thủy
21:30,12/11/2022
-
Theo dõi nỗ lực hít vào của bệnh nhân trong quá trình thở máy: Thông khí bảo vệ phổi và cơ hoành
21:10,07/11/2022
-
Time constant: Chúng ta cần biết gì để sử dụng nó?
21:43,06/11/2022
-
Làm thế nào tôi thiết lập áp lực dương cuối thì thở ra
20:30,06/11/2022
-
Mục tiêu PO2 động mạch theo bệnh lý cơ bản
20:39,24/10/2022
-
Hướng dẫn của ESC 2022 về quản lý bệnh nhân rối loạn nhịp thất và phòng ngừa đột tử do tim – P1