Nấm Penicillium marneffei
- Tác giả: Học viện Quân y
- Chuyên ngành: Ký sinh trùng
- Nhà xuất bản:Học viện Quân y
- Năm xuất bản:2008
- Trạng thái:Chờ xét duyệt
- Quyền truy cập: Cộng đồng
Nấm Penicillium marneffei
Nấm Penicillium có nhiều loài nhưng hầu như chỉ có P.marneffei gây bệnh, bệnh gọi là penicilliosis marneffei.
Đặc điểm sinh học.
Chi Penicillium thuộc lớp Ascomycetes, gồm rất nhiều loài, phân bố rộng rãi trong tự nhiên, là một trong những nấm tạp nhiễm hay gặp nhất trong phòng thí nghiệm. Chỉ có P.marneffei là tác nhân gây bệnh trực tiếp (primary pathogen) ở người và động vật.
P.marneffei là một loại nấm lưỡng dạng. Có nhiều điều chưa biết về sinh thái, dịch tễ và khả năng gây bệnh của P.marneffei. Nấm P.marneffei phân lập được lần đầu tiên ở chuột tre (bamboo rat - Rhizomys sinensis) ở miền Nam Việt Nam và sau đó ở một vài loài gặm nhấm khác, những loại này phân bố chủ yếu ở Đông Nam Á. Mặc dù chuột tre được coi là những vật mang mầm bệnh, chưa rõ chúng có phải là vật dự trữ mầm bệnh quan trọng hay chỉ là những động vật nhậy cảm với nấm ở môi trường. P.marneffei cũng đã được phân lập từ hang chuột tre. Hiện nay đa số đều cho rằng đất là nơi dự trữ mầm bệnh chính, nấm lây vào người qua đường hô hấp tương tự như các nấm lưỡng dạng khác.
Vai trò y học.
P.marneffei có khả năng gây bệnh ở người bình thường cũng như người suy giảm miễn dịch, là một trong những loài nấm gây bệnh cơ hội. Trên người có khả năng miễn dịch bình thường, bệnh do P.marneffei có thể khu trú hoặc lan toả, thể lan tỏa biểu hiện rất giống lao.
Trên bệnh nhân nhiễm HIV, thường chẩn đoán được P.marneffei ở giai đoạn bệnh lan toả. Tổn thương hay gặp nhất ở da, hệ lưới nội mô, phổi và đường tiêu hoá. Có thể nhiễm nấm máu và lan tới các cơ quan như thận, xương, khớp, màng ngoài tim. Biểu hiện lâm sàng thường không đặc hiệu, sốt, thiếu máu, gầy sút cân. Tổn thương da thường gồm sẩn, hoại tử lõm trung tâm giống trong bệnh u hến lây (molluscum contagiosum) thường gặp ở mặt, thân mình, tứ chi, trong nhiều trường hợp có áp xe dưới da, loét kéo dài. Hạch lympho thường sưng đau, có thể loét, hoá mủ và có lỗ dò.
Hình : Tổn thương da do P.marneffei.
Chẩn đoán.
Bệnh phẩm là mô nhiễm nấm, đặc biệt là da, tủy xương, máu, hạch lympho...
Xét nghiệm trực tiếp: nhuộm Giemsa phết áp da, tủy xương cho phép chẩn đoán nhanh, nhậy khi thấy những tế bào nấm men có vách trung tâm, trong tổ chức bào hoặc rải rác trong tổ chức. Tế bào nấm men thường hình tròn, elip, kích thước 2 - 6 µm, có vách ngăn ở giữa.
Giải phẫu bệnh: nhuộm Grocott's methenamine thấy những tế bào tròn hoặc oval , trong hoặc ngoài tế bào, đôi khi thấy những tế bào kích thước lớn, kéo dài thành hình xúc xích. (tới 8 µm) có vách ngăn đặc hiệu.
Hình: Tế bào nấm men có vách ngăn ở giữa của P.marneffei
Nuôi cấy: đây là một loại nấm lưỡng dạng, có hai dạng khi nuôi cấy ở hai nhiệt độ khác nhau.
Nuôi cấy ở nhiệt độ phòng: nấm mọc chậm, thường sau 2 - 4 tuần nấm mới mọc. Khuẩn lạc giống khuẩn lạc của các loại Penicillium hoại sinh nhưng sinh sắc tố đỏ lan toả vào môi trường. Soi vi thể thấy những sợi nấm không màu, có vách ngăn, đính bào đài thành nhẵn, đầu có hai lớp tiểu bào đài, bào tử tròn, kích thước 2 - 3 µm, mọc thành chuỗi.
Nuôi cấy ở 370C: khuẩn lạc màu vàng nâu, có nếp nhăn, không sinh sắc tố đỏ. Soi kính hiển vi thấy những tế bào nấm men kích thước 2-6 µm, có vách ngăn ở giữa. - Chẩn đoán miễn dịch: hiện nay vẫn chưa có test chẩn đoán nào được lưu hành trên thị trường. Đã có một số kết quả khả quan trong nghiên cứu một loại kháng nguyên mannoprotein thành tế bào, Mp1p , ứng dụng trong chẩn đoán
Hình : P.marneffei nuôi cấy ở nhiệt độ phòng.
Điều trị.
Nấm nhậy cảm với amphotericin B, itraconazole. Tuy nhiên, điều trị khởi đầu nên dùng amphotericin B với liều 0,6 mg/kg/ngày trong hai tuần, sau đó uống itraconazole (400mg/ngày) trong 10 tuần. Do nhiều bệnh nhân tái phát sau 6 tháng, cần điều trị duy trì itraconazole (200mg/ngày). Nếu không điều trị, trên bệnh nhân AIDS tỉ lệ tử vong là 100%.
Dịch tễ học và phòng chống.
Bệnh do P.marneffei ngày nay đang trở thành bệnh cơ hội chính trên bệnh nhân nhiễm HIV. Bệnh xuất hiện chủ yếu ở Đông Nam Á. Một số trường hợp khác phát hiện ở miền Nam châu Á như Trung Quốc, Hồng Kông, Lào, Indonexia.
Gần đây bệnh còn được phát hiện ở một số nước châu Âu (Thụy Sĩ, Italia, Pháp, Hà Lan, Anh, Thụy Điển...), Úc và Mĩ trên những bệnh nhân suy giảm miễn dịch đã đến vùng Đông Nam Á. Ở Việt Nam đã phát hiện một số bệnh nhân HIV nhiễm P.marneffei, tại Bệnh viện 103 cũng đã có thông báo một số bệnh nhân HIV nhiễm P.marneffei.
Phòng bệnh chủ yếu là phòng các yếu tố nguy cơ như phòng nhiễm HIV, việc dùng thuốc phòng P.marneffei trên bệnh nhân nhiễm HIV sống hoặc đi qua vùng dịch tễ của bệnh này cần được nghiên cứu.
-
Tài liệu mới nhất
-
Hướng dẫn của ESC 2022 về quản lý bệnh nhân rối loạn nhịp thất và phòng ngừa đột tử do tim – P1
22:29,26/11/2022
-
So sánh giá trị các phân loại EU-TIRADS, K-TIRADS và ACR-TIRADS
21:21,20/11/2022
-
Quy chế công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của cơ quan Bộ Y tế
20:44,18/11/2022
-
Hướng dẫn: Ghi chép Phiếu chẩn đoán nguyên nhân tử vong
16:36,18/11/2022
-
Siêu âm thoát vị hoành thai nhi: Kỹ thuật đánh giá và tiên lượng trên siêu âm
22:35,13/11/2022
-
Não thoái hóa nước hay não úng thủy
21:30,12/11/2022
-
Theo dõi nỗ lực hít vào của bệnh nhân trong quá trình thở máy: Thông khí bảo vệ phổi và cơ hoành
21:10,07/11/2022
-
Time constant: Chúng ta cần biết gì để sử dụng nó?
21:43,06/11/2022
-
Làm thế nào tôi thiết lập áp lực dương cuối thì thở ra
20:30,06/11/2022
-
Mục tiêu PO2 động mạch theo bệnh lý cơ bản
20:39,24/10/2022
-
Hướng dẫn của ESC 2022 về quản lý bệnh nhân rối loạn nhịp thất và phòng ngừa đột tử do tim – P1