Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh viêm da do ấu trùng giun móc chó/mèo ở người
- Tác giả: Bộ Y tế
- Chuyên ngành: Ký sinh trùng
- Nhà xuất bản:Bộ Y tế
- Năm xuất bản:2022
- Trạng thái:Chờ xét duyệt
- Quyền truy cập: Cộng đồng
Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh viêm da do ấu trùng giun móc chó/mèo ở người
(Ban hành theo quyết định Số 1803/QĐ-BYT ngày 30 tháng 6 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Y tế)
ĐẠI CƯƠNG
Bệnh ấu trùng giun móc chó/mèo di chuyển dưới da ở người (Cutaneous Larva migrans) hay còn gọi là bệnh Viêm da do ấu trùng (Mã B 65.3 - Bộ Y tế ICD 10 ) là bệnh do ấu trùng giun móc chó/mèo Ancylostoma braziliense, Ancylostoma caninum gây xuất hiện một hoặc nhiều đường gồ, ngoằn ngoèo di chuyển dưới da ở người. Bệnh phân bố nhiều nơi trên thế giới nhưng hay gặp ở các nước nhiệt đới, cận nhiệt đới như Đông Nam Á, Châu Phi, Nam Mỹ... và cũng rất phổ biến ở Việt Nam.
Tác nhân
Tác nhân gây bệnh chủ yếu do giun móc ở chó (Ancylostoma caninum) hoặc giun móc chó, mèo (Ancylostoma braziliense) gây ra.
Nguồn bệnh
Chó, mèo là vật chủ chính
Phương thức lây truyền
Bệnh viêm da do ấu trùng giun móc chó/mèo ở người lây truyền qua đường da, niêm mạc.
Tính cảm nhiễm và miễn dịch
Tất cả mọi người đều có nguy cơ nhiễm bệnh khi có tiếp xúc với đất, cát có ấu trùng giun móc chó/mèo.
Miễn dịch: Không có miễn dịch lâu dài nên có thể dễ dàng tái nhiễm.
Chu kỳ
Hình 1. Chu kỳ phát triển cúa giun móc chó/mèo (Nguồn CDC - 2019)
1) Giun móc trưởng thành sinh sản trong ruột non của chó, mèo, sau khi thụ tinh, giun cái đẻ trứng, trứng theo phân của chó, mèo ra ngoài môi trường (1).
2) Trong điều kiện thuận lợi sau 1 đến 2 ngày, trứng nở và phát triển thành ấu trùng dạng hình que (L1) trong phân và / hoặc đất (2),
3) Sau 5 đến 10 ngày (qua 2 lần lột xác), chúng trở thành ấu trùng dạng hình sợi (L2 - là giai đoạn có khả năng lây nhiễm) (3).
4) Ấu trùng dạng hình sợi (L2) có thể tồn tại từ 3 đến 4 tuần trong điều kiện môi trường thuận lợi. Con người bị nhiễm bệnh khi ấu trùng từ đất xâm nhập vào da do tiếp xúc (6).
TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG
Triệu chứng biểu hiện tại nơi ấu trùng xâm nhập ở những vùng da hở dễ tiếp xúc với đất, cát như tay, chân, mông...:
Có vết sẩn đỏ, ngứa.
Biểu hiện ấu trùng di chuyển: sau vài ngày xuất hiện một hay nhiều đường hầm ngoằn ngoèo gồ cao hơn mặt da xung quanh, dài thêm 10-20 mm mỗi ngày.
Có thể gặp tổn thương mụn nước, bọng nước, sưng đỏ, phù nề tại chỗ.
Có thể có nhiễm trùng tại chỗ.
Ấu trùng có thể tồn tại ở vùng tổn thương khoảng 5-6 tuần.
Cơ thể có những phản ứng với ấu trùng giun móc chó, mèo tùy thuộc vào số lượng ấu trùng giun bị nhiễm nhiều hay ít và sự đáp ứng của từng người.
Nguồn: Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương
CẬN LÂM SÀNG
Xét nghiệm công thức máu: xét nghiệm bạch cầu ái toan trong máu có thể tăng
Sinh hóa máu: xét nghiệm chức năng gan, thận.
Xét nghiệm ELISA: lấy máu xét nghiệm ELISA để chẩn đoán phân biệt với giun lươn, giun đầu gai, giun móc.
Siêu âm: thấy hình ảnh tổn thương là các cấu trúc dưới biểu bì khúc xạ (mảnh ấu trùng), các phát hiện bổ sung có thể gồm các đường hầm giảm âm ở da và hạ bì bị viêm.
Sinh thiết da: lấy bệnh phẩm từ vùng tổn thương, xét nghiệm sinh thiết da thấy những u hạt chứa nhiều tế bào bạch cầu ái toan, có thể gặp được ấu trùng nằm giữa u hạt.
CHẨN ĐOÁN
Trường hợp bệnh nghi ngờ
Tiền sử: có tiếp xúc với đất, cát bị ô nhiễm phân chó, mèo.
Lâm sàng: vùng da tổn thương có vết sẩn đỏ, ngứa, có bọng nước, có đường hầm ngoằn ngoèo di chuyển, gồ cao trên mặt da.
Trường hợp bệnh xác định
Là trường hợp bệnh nghi ngờ và cận lâm sàng:
Xét nghiệm bạch cầu ái toan trong máu tăng.
Sinh thiết da: Có thể gặp được ấu trùng nằm giữa u hạt trong có chứa nhiều tế bào bạch cầu ái toan.
Chẩn đoán phân biệt
Ấu trùng giun lươn chui qua da: ấu trùng chui qua da tạo thành các nốt mề đay, dát sẩn ngoằn ngoèo, nhô cao, ngứa, tiến triển nhanh.
Ấu trùng giun móc, mỏ chui qua da: tổn thương tại chỗ do ấu trùng xâm nhập tạo nốt sẩn mầu đỏ, ngứa, ngoằn ngoèo dưới da.
Ấu trùng giun đầu gai: tổn thương là những u cục to nhỏ không đều có tính di chuyển, ngứa.
ĐIỀU TRỊ
Nguyên tắc điều trị
Điều trị bằng thuốc đặc hiệu như: ivermectin, albendazole, thiabendazole.
Điều trị triệu chứng bằng các thuốc kháng sinh khi có bội nhiễm, kháng histamin ...
Nâng cao thể trạng, điều trị các bệnh kèm theo.
Điều trị đặc hiệu
Phác đồ 1: Thuốc albendazol viên nén 400mg.
Liều dùng
Trẻ em trên 2 tuổi: 400mg/ngày X 3 ngày, uống sau ăn.
Người lớn: 400mg/ngày X 3 đến 7 ngày, uống sau ăn.
Chống chỉ định
Có tiền sử quá mẫn cảm với các hợp chất loại benzimidazol hoặc các thành phần của thuốc.
Người bệnh có tiền sử nhiễm độc tủy xương.
Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú.
Phác đồ 2: Thuốc ivermectin viên nén 3mg, 6mg.
Liều dùng: Trẻ em trên 15 kg và người lớn liều 0,2 mg/kg. uống một liều duy nhất vào buổi sáng trước hoặc sau khi ăn trong vòng 2 giờ.
Chống chỉ định:
Trẻ em dưới 15kg
Phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu hoặc đang cho con bú.
Bệnh nhân mẫn cảm với bất cứ thành phần nào của thuốc.
Bệnh nhân mắc các bệnh có kèm rối loạn hàng rào máu não.
Phác đồ 3: Thuốc thiabendazol viên nén 500 mg
Liều dùng: 2 lần/ngày X 2 ngày theo cân nặng bệnh nhân (xem bảng) hoặc liều 25 mg/kg/ngày X 2 ngày (tối đa là 3g/ngày). Sau 2 ngày nếu triệu chứng, tổn thương vẫn còn thì tiếp tục điều trị đợt 2 với liều như trên, uống thuốc sau khi ăn.
Trọng lượng cơ thể (kg) |
Liều dùng |
13.60-<22.6 |
250 mg (½ viên) / một lần |
22.6 - < 34.0 |
500 mg ( 1 viên) / một lần |
34.0-<45.0 |
750 mg ( 1 ½ viên) / một lần |
45.0-<56.0 |
1.000 mg ( 2 viên) / một lần |
56.0-<68.0 |
1.250 mg ( 2 ½ viên) / một lần |
≥68.0 |
1.500 mg ( 3 viên) / một lần |
Chống chỉ định
Với những trường hợp nhạy cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
Phụ nữ có thai và cho con bú.
Bệnh nhân nhi có trọng lượng cân nặng < 13,6 kg.
Một số loại thuốc điều trị tại chỗ
Thuốc thiabendazol dung dịch 15%: bôi tại chỗ 2-5 ngày.
Thuốc albendazole dạng kem bôi 10%: bôi tại chỗ 2 lần/ngày X 10 ngày.
Thuốc kháng sinh dạng kem bôi nếu có bội nhiễm.
Điều trị triệu chứng
Tùy thuộc vào triệu chứng lâm sàng để sử dụng các thuốc kết hợp cho phù hợp như thuốc: kháng sinh, kháng histamin, corticoid, chống phù nề...
Vệ sinh vùng da bệnh sạch sẽ.
Theo dõi sau điều trị
Lâm sàng: tại chỗ tổn thương
Xét nghiệm: sau điều trị bằng thuốc đặc hiệu 1 tháng, người bệnh được đánh giá lại công thức máu (BCAT), chức năng gan, thận.
TIÊU CHUẨN KHỎI BỆNH
Tại chỗ: tổn thương khô, vết ấu trùng di chuyển chuyển sang mầu thâm đen, bong vảy, hết ngứa.
PHÒNG BỆNH
Khi tiếp xúc với đất, cát phải có bảo hộ lao động thích hợp.
Hạn chế cho trẻ em tiếp xúc đất, cát, đi chân đất hoặc ngồi bệt dưới đất, cát.
Định kỳ tẩy giun cho chó, mèo nuôi trong nhà để hạn chế nguy cơ lây nhiễm.
-
Tài liệu mới nhất
-
Chuẩn năng lực cơ bản của Bác sĩ Y học cổ truyền Việt Nam
09:51,03/12/2022
-
Rung nhĩ trong suy tim cấp (Atrial fibrillation in acute heart failure)
21:40,28/11/2022
-
Hướng dẫn của ESC 2022 về quản lý bệnh nhân rối loạn nhịp thất và phòng ngừa đột tử do tim – P1
22:29,26/11/2022
-
So sánh giá trị các phân loại EU-TIRADS, K-TIRADS và ACR-TIRADS
21:21,20/11/2022
-
Quy chế công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của cơ quan Bộ Y tế
20:44,18/11/2022
-
Hướng dẫn: Ghi chép Phiếu chẩn đoán nguyên nhân tử vong
16:36,18/11/2022
-
Siêu âm thoát vị hoành thai nhi: Kỹ thuật đánh giá và tiên lượng trên siêu âm
22:35,13/11/2022
-
Não thoái hóa nước hay não úng thủy
21:30,12/11/2022
-
Theo dõi nỗ lực hít vào của bệnh nhân trong quá trình thở máy: Thông khí bảo vệ phổi và cơ hoành
21:10,07/11/2022
-
Time constant: Chúng ta cần biết gì để sử dụng nó?
21:43,06/11/2022
-
Chuẩn năng lực cơ bản của Bác sĩ Y học cổ truyền Việt Nam