Giun lươn
- Tác giả: Học viện Quân y
- Chuyên ngành: Ký sinh trùng
- Nhà xuất bản:Học viện Quân y
- Năm xuất bản:2008
- Trạng thái:Chờ xét duyệt
- Quyền truy cập: Cộng đồng
Giun lươn
Bệnh giun lươn được Normand phát hiện thấy lần đầu tiên ở một lính viễn chinh Pháp từ miền Nam Việt Nam (năm 1876) có giun lươn kèm theo rối loạn tiêu hoá, ỉa chảy (ở một số tài liệu còn gọi là bệnh ỉa chảy Nam Bộ). Giun lươn phân bố rộng khắp thế giới, nhưng tỉ lệ nhiễm không cao. Ở Việt Nam, miền Bắc:
0,2 - 2,5%, miền Nam: 1,19%.
Hình 10.15: Bản đồ phân bố giun lươn S.stercoralis trên thế giới.
Đặc điểm hình thể.
Giun lươn thế hệ tự do ở ngoại cảnh và thế hệ kí sinh ở người có hình thể khác nhau.
Giun sống kí sinh:
Không thấy giun lươn đực sống kí sinh ở ruột, chỉ thấy ở đường hô hấp trên.
Giun lươn cái sống kí sinh có kích thước: 2,2 x 0,03 - 0,075 mm.
Phần đầu hơi tròn, thân thon và dài, đuôi nhọn, trước tận cùng đuôi có chỗ phát triển phình ra, thân có khía ngang rất nhỏ.
Miệng có 2 môi, bao miệng ngắn, thực quản hình ống dài bằng 1/3 chiều dài của thân, tiếp theo thực quản là ruột đi tới hậu môn ở phần cuối đuôi. Hậu môn là một khe ngang nằm ở nền đuôi, ở 1/3 cuối thân, gần lỗ sinh dục.
Trứng hình trái xoan, màu xanh nhạt, kích thước 50 - 58 x 30 - 34 µm (gần lớn bằng trứng giun đũa). Có thể quan sát thấy trứng giun lươn ở trong ống dẫn trứng.
Giun lươn tự do:
Thấy cả giun đực và cái. Thân hình trụ nhẵn, hai đầu thon, nhất là phía sau, miệng có 3 môi, thực quản hình chóp, có 2 chỗ phình hình củ, ngăn ra bởi một eo thắt, chỗ phình trước hơi dài, chỗ phình sau hình quả lê. Giun đực có kích thước 0,7 x 0,036 mm, đuôi cong như cái móc, có hai gai sinh dục cong, có rãnh dài 30xm. Giun cái có kích thước 1 x 0,05 mm, đuôi mảnh, dài.
Hình 10.16: Hình thể giun lươn S. stercoralis
Ấu trùng giun lươn:
Ấu trùng giai đoạn I: thực quản có ụ phình hình củ (rhabditiform), kích thước 200 - 300 x 16 µm, miệng mở, xoang miệng ngắn, khoảng 4 µm (ấu trùng giun móc xoang miệng dài khoảng 15 µm).
Ấu trùng giai đoạn II: thực quản hình sợi (filariform) dài khoảng 500 µm. Giống ấu trùng giun móc, nhưng đuôi cắt ngang, hay chẻ đôi (đuôi giun móc nhọn).
Trứng giun lươn:
Nói chung giống trứng giun móc, có phôi ngay khi mới sinh. Thường chỉ thấy ống dẫn trứng của giun cái hoặc có thể thấy trong dịch tá tràng. Trứng 70 x 45xm, màu vàng nhạt, vỏ mỏng.
Hình 10.17: Ấu trùng giun lươn
Đặc điểm sinh học.
Vòng đời giun lươn có sự luân phiên: sống kí sinh và sống tự do.
Vòng đời kí sinh:
Giun cái trưởng thành sống kí sinh trong thành ruột (đoạn tá tràng-jejunum). Giun cái đẻ trứng, khoảng 50 - 70 trứng/ngày). Trứng S. stercoralis. nở ngay ra ấu trùng trong thành ruột, ấu trùng chui ra lòng ruột, theo phân ra ngoại cảnh. Ở ngoại cảnh, ấu trùng lột xác, phát triển từ ấu trùng có thực quản hình củ (không có khả năng lây nhiễm) thành ấu trùng có thực quản hình sợi (có khả năng lây nhiễm).
Từ ngoại cảnh ấu trùng có thực quản hình sợi chui qua da vật chủ, theo đường tĩnh mạch về tim qua phổi, phát triển ở phổi, phân giới đực, cái, thụ tinh ở phổi rồi lên khí quản, hầu, giun đực bị tống ra ngoài khi bệnh nhân ho, hoặc cũng có thể bị nuốt xuống thực quản rồi xuống ruột, nhưng bị chết không sống kí sinh. Giun cái rơi vào thực quản, xuống ruột, kí sinh trong thành ruột, sinh sản tiếp tục chu kì sinh học.
Thời gian từ lúc ấu trùng xâm nhập vào cơ thể đến khi phát triển thành giun trưởng thành, sinh sản, khoảng 20 - 30 ngày, cần hai lần lột vỏ. Giun cái kí sinh có thể sống 10 - 13 năm.
Hình 10.18: Vòng đời sinh học của giun lươn S. stercoralis.
Vòng đời tự do:
Ấu trùng giun lươn từ vòng đời kí sinh theo phân ra ngoại cảnh lột vỏ một lần, phát triển thành giun đực, giun cái trưởng thành, sống tự do (ăn vi khuẩn và các chất hữu cơ trong đất). Giun đực và giun cái sống tự do, giao phối rồi đẻ trứng, sau vài giờ trứng nở ra ấu trùng. Nếu gặp điều kiện thuận lợi, ấu trùng cần nhiệt độ từ 28 - 34oC, pH trung tính, đủ độ ẩm, có nguồn thức ăn phong phú, ấu trùng phát triển qua ba lần lột vỏ, sau vài ngày thành giun trưởng thành, lại sinh sản tiếp tục vòng đời tự do.
Nếu gặp điều kiện không thuận lợi, ấu trùng phát triển thành ấu trùng có thực quản hình sợi ở môi trừơng tự do lại chui qua da, niêm mạc vật chủ chuyển sang vòng đời kí sinh.
Hiện tượng tự nhiên của giun lươn:
Rất hay gặp và thường xảy ra trong các trường hợp sau:
Khi bệnh nhân bị táo bón: ấu trùng có thực quản hình củ tồn tại lâu ở cuối đại tràng, phát triển thành ấu trùng có thực quản hình sợi. Ấu trùng này chui qua ruột vào tuần hoàn, di cư như khi chui qua da vật chủ, phát triển thành giun trưởng thành.
Một số ấu trùng có thực quản hình trụ theo phân tới hậu môn chui ngay qua da, niêm mạc vùng hậu môn, đáy chậu vào vòng tuần hoàn, tiếp tục chu du trong cơ thể và phát triển thành giun trưởng thành.
Ở những bệnh nhân có sức đề kháng quá kém, ấu trùng có thực quản hình củ phát triển thành ấu trùng có thực quản hình sợi ngay khi đang còn ở trong thành ruột. Sau đó ấu trùng xâm nhập vào chỗ sâu hơn, vào tĩnh mạch mạc treo ruột, vào tuần hoàn, tiếp tục chu du trong cơ thể vật chủ rồi lại trở về ruột, chui vào thành ruột phát triển thành giun trưởng thành kí sinh ở đó.
Tại sao bệnh giun lươn kéo dài nhiều năm ?
Trên thực tế có nhiều trường hợp, bệnh giun lươn kéo dài tới 30 - 40 năm, mặc dù bệnh nhân không tiếp xúc với ổ bệnh, không bị tái nhiễm, tuổi thọ của giun trưỏng thành không kéo dài đến mức như vậy. Hiện tượng tự nhiễm của giun lươn đã là lí do để giải thích. Song gần đây, trong báo cáo kĩ thuật 666 của Tổ chức Y tế thế giới (1982) đã đưa ra giả thuyết: giun lươn có thể tồn tại mãi trong cơ thể vật chủ do sản sinh ra được những thế hệ ấu trùng mới từ những giun cái sinh sản đơn giới (trinh sản) (Partheurogenic fenales uniexel) nằm dính vào niêm mạc ở phần trên ruột non.
Vai trò y học.
Ở da:
Khi ấu trùng giun lươn xâm nhập qua da, lần đầu tiên gây ngứa, da sẩn đỏ, bạch cầu ái toan trong máu tăng, nhưng rất chóng khỏi, bệnh nhân không để ý, những lần sau nặng hơn. Nếu là ấu trùng giun lươn của súc vật lạc chủ sang người (giun lươn của chim bồ câu) thì triệu chứng ngứa dữ dội, nổi ban đỏ từng đám, có thể kéo dài gần một tháng.
Ở phổi:
Cũng giống như ấu trùng giun đũa, giun móc, ấu trùng giun lươn có thể gây hiện tượng xung huyết ở phổi, chảy máu do ấu trùng di chuyển làm vỡ mao mạch phổi. Ấu trùng chui vào phế nang gây tăng tiết chất nhầy, gây viêm phổi. Bệnh nhân ho khan dai dẳng, kéo dài khoảng một tuần. Trong một số trường hợp, giun lươn có thể kích thích, làm tái phát những tổn thương lao đã ổn định.
Toàn thân:
Giun lươn có thể gây mất ngủ hoặc các rối loạn thần kinh khác do độc tố của giun tiết ra.
Ở ruột:
Thường có những cơn đau như viêm hành tá tràng (Desports.1949). Giun lươn kích thích ruột gây đau bụng ỉa chảy từng đợt, phân có nhầy máu kèm theo đau bụng, sốt, bạch cầu ái toan tăng cao. Xen kẽ với đi lỏng, có những đợt táo bón, gây nên bệnh cảnh lâm sàng tương đối đặc hiệu, được nhiều tác giả mô tả là bệnh ỉa chảy Nam Bộ. Nếu bệnh nặng có thể có triệu chứng chảy máu ruột, thiếu máu nhược sắc...
Chẩn đoán.
Xét nghiệm kí sinh trùng học: tìm ấu trùng giun lươn trong phân đôi khi gặp khó khăn, vì ấu trùng giun lươn được thải ra ngoài không liên tục, nên xét nghiệm ngay khi đi ngoài để phân biệt với ấu trùng giun móc.
Có thể xét nghiệm trực tiếp nếu có nhiều ấu trùng; nếu có ít ấu trùng thì phải sử dụng phương pháp Bearmann. Xét nghiệm dịch tá tràng có thể cho kết quả sớm, chính xác, có thể áp dụng với những bệnh nhân táo bón. Ở giai đoạn ấu trùng di cư đến phổi, đôi khi có thể thấy giun lươn trong đờm.
Điều trị.
Dithiazamin iodua: uống mỗi lần 200mg, ngày 3 lần, trong 21 ngày, thuốc có tác dụng tốt, nhưng độc tính cao.
Thiabendazole: liều 50mg/kg thể trọng/1 ngày, uống 3 ngày liền có hiệu quả 60 - 90%. Hiện được coi là thuốc tốt nhất để điều trị giun lươn. Thuốc gây tác dụng phụ: buồn nôn, chóng mặt, mồ hôi, nước tiểu có mùi khó chịu.
Mebendazol, viên 100mg, dung dịch uống 20mg/ml: trẻ em và người lớn liều dùng như nhau. Chỉ uống 1 viên (hoặc 5ml) một lần duy nhất. Sau 2 tuần, nên uống thêm 1 lần nữa. Không dùng thuốc này cho người có thai và trẻ em dưới 24 tháng.
Albendazole, viên nén 200mg, dịch treo 100mg/5ml. Liều dùng: người lớn và trẻ em từ 24 tháng tuổi trở lên uống liều duy nhất 400mg. Không dùng thuốc này cho ngưòi có thai và trẻ em dưới 24 tháng.
Điều trị đặc hiệu phải kết hợp với những biện pháp chống táo bón. Cấm dùng các thuốc corticoid, các thuốc ức chế miễn dịch trong bệnh giun lươn, vì sẽ làm tăng số lượng giun lươn, làm giun lươn có thể thay đổi vị trí có thể lên phổi, não, dẫn đến tử vong. Trước khi phẫu thuật cấy ghép mô, nếu phát hiện thấy giun lươn cần điều trị giun lươn trước, sau đó mới tiến hành phẫu thuật.
Dịch tễ học và phòng chống.
Tuy có phân bố rộng khắp thế giới, nhưng giun lươn cũng như giun móc, có giai đoạn phát triển ngoại cảnh nên có một số yếu tố khí hậu và địa lí khác nhau, vì vậy mức độ nhiễm khác nhau tùy từng vùng. Những vùng nhiễm giun móc nặng thường nhiễm giun lươn nhiều. Tuy nhiên giun lươn không yêu cầu nhiệt độ cao như giun móc nên một số vùng khí hậu lạnh vẫn có bệnh, ngay ở quanh Matxcơva có khí hậu lạnh cũng có bệnh (Shikobalova và Sêmcova). Ở châu Âu, bệnh giun lươn gặp ở Đức, Italia, Bỉ, Hà Lan, Pháp...
Theo một số thống kê điều tra tình hình nhiễm giun lươn ở một số vùng trên thế giới như sau:
Châu Phi : 3 - 16%.
Achentina : 11%.
Braxin : 23 - 35%.
Trung Quốc : 2%.
Ai Cập : 1,3%.
Mĩ : 8 - 20,5%.
Ấn Độ : 1,3 - 16,3%.
Nhật : 12%.
Thái Lan : 18,3%.
Ở Việt Nam, theo điều tra của Galliard năm 1940, ở miền Bắc tỉ lệ nhiễm giun lươn thay đổi từ 0,2 - 2,5%. Những thống kê điều tra cơ bản những năm gần đây của Bộ môn Kí sinh trùng, Trường Đại học Y khoa Hà Nội thấy tỉ lệ nhiễm giun lươn thường xuyên dưới 1%. Thực tế này cho thấy giun lươn có sự phân bố bất thường và gần như không thành quy luật.
Nguồn bệnh:
Trước đây quan niệm: nguồn bệnh duy nhất là người. Nhưng hiện nay thấy cả chó, mèo cũng có thể mắc bệnh giun lươn. Do vậy chó mèo cũng có thể là nguồn lây bệnh.
Mầm bệnh:
Ấu trùng giun lươn, giai đoạn có thực quản hình sợi, từ nguồn bệnh và từ môi trường tự do. Nhiệt độ thích hợp cho giun lươn sống tự do: 26 - 28oC, nhiệt độ giới hạn : 10 - 40oC. ấu trùng giun lươn giai đoạn thực quản hình củ, sống được 59 ngày ở nhiệt độ 11 - 16oC, sống được 4 ngày ở nhiệt độ 37oC.
Đường lây:
Lây qua da. Những người tiếp xúc với phân, đất, hầm, hố, dễ bị nhiễm. Theo tài liệu của hội thảo quốc gia phòng chống các bệnh giun sán chủ yếu ở Việt Nam (1987): đường truyền bệnh giun lươn Strongyloides fuclleborni từ vượn mẹ sang vượn con qua đường sữa, đã có báo cáo giun lươn này có thể nhiễm qua người ở vùng Fly-Papua New Guinea.
Phòng bệnh:
Các biện pháp phòng bệnh giống như đối với giun móc.
-
Tài liệu mới nhất
-
Chuẩn năng lực cơ bản của Bác sĩ Y học cổ truyền Việt Nam
09:51,03/12/2022
-
Rung nhĩ trong suy tim cấp (Atrial fibrillation in acute heart failure)
21:40,28/11/2022
-
Hướng dẫn của ESC 2022 về quản lý bệnh nhân rối loạn nhịp thất và phòng ngừa đột tử do tim – P1
22:29,26/11/2022
-
So sánh giá trị các phân loại EU-TIRADS, K-TIRADS và ACR-TIRADS
21:21,20/11/2022
-
Quy chế công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của cơ quan Bộ Y tế
20:44,18/11/2022
-
Hướng dẫn: Ghi chép Phiếu chẩn đoán nguyên nhân tử vong
16:36,18/11/2022
-
Siêu âm thoát vị hoành thai nhi: Kỹ thuật đánh giá và tiên lượng trên siêu âm
22:35,13/11/2022
-
Não thoái hóa nước hay não úng thủy
21:30,12/11/2022
-
Theo dõi nỗ lực hít vào của bệnh nhân trong quá trình thở máy: Thông khí bảo vệ phổi và cơ hoành
21:10,07/11/2022
-
Time constant: Chúng ta cần biết gì để sử dụng nó?
21:43,06/11/2022
-
Chuẩn năng lực cơ bản của Bác sĩ Y học cổ truyền Việt Nam