Bộ hai cánh- Diptera
- Tác giả: Học viện Quân y
- Chuyên ngành: Ký sinh trùng
- Nhà xuất bản:Học viện Quân y
- Năm xuất bản:2008
- Trạng thái:Chờ xét duyệt
- Quyền truy cập: Cộng đồng
Bộ hai cánh- Diptera
Hình : Các loại côn trùng hai cánh.
Cấu trúc cơ thể của bộ hai cánh gồm 3 phần: đầu, ngực, bụng.
Đầu: có 2 mắt kép (một số loài ruồi có mắt đơn), có hai râu, hai pan và một vòi.
Ngực có ba đốt dính liền thành một khối, mỗi đốt mang một đôi chân, đốt giữa còn có một đôi cánh mỏng, trên cánh có những đường gân ngang và dọc. Chân có nhiều đốt: đốt đùi, cẳng chân và bàn chân.
Bụng thường có 9 đốt, đốt cuối là bộ phận sinh dục và hậu môn.
Bộ hai cánh có hai bộ phụ được phân biệt theo số đốt của râu (anten):
Bộ phụ râu ngắn - Brachycera, râu có 3 đốt, là các họ ruồi: Muscidae, Tabanidae, Gastrophilidae,...
Bộ phụ râu dài - Nematocera, râu có trên 3 đốt là các họ: Culicidae, Ceratopogonidae, Simulidae.
CULICIDAE - HỌ MUỖI
ĐẠI CƯƠNG MUỖI
Muỗi thuộc lớp côn trùng, bộ 2 cánh, râu dài, chỉ có muỗi cái hút máu, muỗi đực hút nhựa cây. Muỗi phân bố ở khắp mọi nơi từ hải đảo đến đất liền, từ vùng nhiệt đới tới vùng hàn đới. Muỗi thuộc nhóm biến thái hoàn toàn.
Phân biệt muỗi đực, muỗi cái dựa vào râu, râu muỗi đực rậm, râu muỗi cái thưa.
Hình thể.
Hình thể muỗi trưởng thành:
Đầu muỗi có một đôi râu gồm 16 đốt, dùng để đánh hơi tìm mồi, một đôi pan có tác dụng như cơ quan xúc giác, một vòi để hút máu, một đôi mắt kép.
Ngực có 3 đôi chân chia nhiều đốt, riêng bàn chân có 5 đốt được gọi đốt bàn 1 đến đốt bàn 5 có giá trị trong phân loại muỗi. Gốc cánh muỗi ở đốt ngực giữa, trên cánh gồm các gân dọc: gân costa, gân dưới costa và 6 đường gân khác được dánh số thứ tự L1 - L6. Trên gân cánh có các vẩy cùng màu, hoặc khác màu, tùy loại muỗi. Ngoài ra còn có gân ngang nối liền các gân dọc với nhau. Diềm cánh mọc ở bờ ngoài cánh.
Bụng muỗi có 9 đốt, đốt thứ 9 có cơ quan sinh dục đực hoặc cái.
Cấu tạo bên trong của muỗi: gồm cơ quan tiêu hoá và các tuyến nước bọt, xoang máu, cơ quan sinh dục...
Hình thể của trứng:
Trứng muỗi hình thoi, màu đen hoặc đen nâu, có thể đẻ từng chiếc như chi Aedes hoặc thành bè nổi trên mặt nước như chi Culex, hoặc chùm ở dưới lá cây thủy sinh như chi Mansonia...
Hình thể bọ gậy:
Bọ gậy muỗi hình giống con sâu, màu nâu hoặc nâu đen tùy môi trường sống, cơ thể chia ra làm 3 phần. Phần đầu bọ gậy bơi tròn có hai pan, phần miệng có các lông môi, chùm lông bàn chải và có các lông đầu.
Ngực bọ gậy phình to, có nhiều lông mọc thành từng cụm tùy loài muỗi mà số lông và hình dạng khác nhau.
Bụng bọ gậy có 9 đốt, trên các đốt có vẩy kitin hình khánh và các lông lá cọ (chi Anopheles), hoặc không có vẩy kitin và lông lá cọ (chi Aedes, Culex...).
Các loại bọ gậy muỗi không truyền sốt rét, đốt thứ 9 chia làm hai, một bên là bánh lái và một bên là ống thở, từ ống thở có hai ống khí quản chạy dọc hai bên bụng của bọ gậy. Bọ gậy Anopheles (muỗi truyền sốt rét), cuối đốt thứ 8 có hai lỗ thở nối liền hai ống khí quản, đốt thứ 9 là bánh lái.
Hình thể quăng:
Quăng của muỗi hình dấu hỏi, phần đầu to, trên lưng có 2 ống thở, phần đuôi nhỏ chia đốt giống như đuôi tôm.
Đặc điểm sinh học.
Vòng đời của muỗi phát triển qua 4 giai đoạn: trứng - ấu trùng (bọ gậy) - thanh trùng (quăng) - trưởng thành.
Ba giai đoạn đầu sống dưới nước, giai đoạn muỗi trưởng thành sống tự do ở môi trường, chúng chỉ hút máu người khi đói.
Hình : Các giai đoạn phát triển của muỗi.
1.Trứng (eggs); 2. Bọ gậy (larvae); 3. Cung quăng (pupa); 4. Muỗi trưởng thành.
Giai đoạn trước trưởng thành:
Giai đoạn sống dưới nước: muỗi đẻ trứng dưới nước, ở nơi đất ẩm hoặc nơi có lá cây mục nát nhưng muốn phát triển thì trứng rơi xuống nước mới nở thành bọ gậy, ở vùng nhiệt đới, trứng thường nở sau 2 - 3 ngày. Ở môi trường khô, trứng có thể sống được nhiều tuần.
Sau khi nở, bọ gậy không phát triển liên tục, mà qua bốn giai đoạn (tuổi) khác nhau. Ở tuổi I, kích thước khoảng 1,5 mm, và ở tuổi IV, khoảng 8 - 10 mm. Mặc dù không có chân, bọ gậy có đầu phát triển, mình phủ nhiều lông, và bơi bằng các chuyển động của cơ thể.
Bọ gậy rất phàm ăn, ăn tất cả các chất hữu cơ, tảo, vi khuẩn và các vi sinh vật trong nước. Bọ gậy thở oxy của không khí qua ống thở (bọ gậy Aedes, Culex, Mansonia), hoặc lỗ thở (bọ gậy Anopheles) nằm ở đốt cuối bụng.
Bọ gậy thường tập trung ở trên mặt nước (bọ gậy Aedes, Culex, Anopheles) hoặc cắm ống thở vào rễ cây thủy sinh để lấy oxy (Mansonia).
Nơi khí hậu ấm, giai đoạn bọ gậy khoảng 4 - 7 ngày, hoặc dài hơn nếu thiếu thức ăn. Sau đó bọ gậy phát triển thành quăng có hình dấu phẩy. Quăng không ăn, có sức chịu đựng cao với môi trường và hoá chất và hầu như chỉ ở trên mặt nước. Giai đoạn này thường ngắn khoảng 1 - 3 ngày. Toàn bộ thời gian từ trứng đến muỗi trưởng thành, ở điều kiện tốt nhất là khoảng 7 - 13 ngày.
Thời gian hoàn thành vòng đời của muỗi phụ thuộc vào nhiệt độ và thức ăn của môi trường.
Thời gian hoàn thành vòng đời (N) được tính:
222,7
N = ------------------
t - 10,2
Trong đó:
222,7 : tổng nhiệt độ cần thiết
t : nhiệt độ môi trường
10,2 : nhiệt độ tối thiểu
Nếu t = 250C thì:
222,7
N = ------------ ≈ 15 ngày đêm
25 - 10,2
Nhiệt độ môi trường càng cao, vòng đời phát triển của muỗi càng nhanh, nhưng nếu cao quá 350C thì muỗi không phát triển được. Nhiệt độ môi trường thích hợp cho muỗi phát triển khoảng 250C - 300C. Ngoài nhiệt độ, thức ăn cũng là yếu tố cần thiết cho sự phát triển của bọ gậy, hai yếu tố này kết hợp chặt chẽ với nhau, thiếu một trong hai yếu tố, muỗi chậm hoặc ngừng phát triển.
Giai đoạn muỗi trưởng thành:
Sau khi nở 24 giờ muỗi trưởng thành bay thành từng đàn, giao phối trong không gian (thường vào các buổi chiều tối) cả đời muỗi chỉ giao phối một lần. Sau đó muỗi bay đi tìm mồi hút máu. Muỗi bị thu hút bởi mùi, CO2 và nhiệt toả ra từ cơ thể người hay động vật. Muỗi hút máu khoảng vài phút mới no. Mỗi loài có vật chủ thích hợp, Anopheles minimus thích hút máu người, Aedes aegypty hút cả máu người và động vật. Có loài muỗi chỉ thích hút máu trong nhà (endophile) như Culex quinquefasciatus, nhưng có loài muỗi chỉ hút máu ngoài nhà (exsophile) như: Anopheles dirus, Aedes albopictus chỉ hút máu vào ban ngày, muỗi Mansonia annulifera chỉ hút máu ban đêm, thời gian còn lại chúng đậu nghỉ. Khi đã tìm được mồi chúng theo mồi rất dai phải ăn đủ no mới bay đi nơi khác.
Muỗi no, tìm nơi trú ẩn để tiêu máu, đó là nơi kín gió, ấm, ẩm và tối. Mỗi loài muỗi có nơi trú ẩn khác nhau, Anopheles minimus đậu nghỉ ở trong nhà còn Anopheles dirus đậu nghỉ ở ngoài nhà trong các hang hốc, lùm cây…trong thời gian tiêu máu, đồng thời trứng cũng phát triển, máu tiêu đến đâu, trứng chín đến đó.
Thời gian tiêu máu và chín trứng (M) được tính:
37 37 : tổng nhiệt độ cần thiết
M = --------- t : nhiệt độ nơi muỗi trú ẩn
t - 9 9: nhiệt độ tối thiểu
37
Nếu t = 25; M= ----------; M ≈ 2,4 ngày đêm.
25 - 9
Khi muỗi hoàn thành giai đoạn tiêu máu thì trứng đã chín, muỗi tìm nơi đẻ trứng. Tùy theo loài, muỗi cái có thể đẻ từ 30 đến 300 trứng mỗi lần. Nhiều loài đẻ trứng rời từng chiếc một (Anopheles), hoặc dính với nhau thành bè (Culex) trên mặt nước, một số loài (Aedes) đẻ trứng ngay cạnh thành mặt nước hoặc nơi bùn ướt, đất ẩm, mỗi loài muỗi cần có những ổ nước thích hợp: nước suối, ao hồ, chum, vại, vũng nước nhỏ sau cơn mưa... sau khi đẻ, muỗi lại bay đi tìm mồi hút máu. Thời gian vừa đẻ vừa tìm mồi hút máu cho lần đẻ sau được tính là một ngày đêm. Thời gian: ăn - tiêu máu, chín trứng - đi đẻ - tìm mồi hút máu, gọi là chu kì sinh thực.
Thời gian chu kì sinh thực (G) được tính:
37
Chu kì sinh thực: G = M + 1 = --------------+ 1
T - 9
37
Nếu t = 250C, G = ----------- + 1; G ≈ 3,4 ngày đêm.
25 - 9
G: chu kì sinh thực.
M: thời gian tiêu máu và chín trứng.
t : thời gian mỗi lần đẻ và tìm mồi.
Mỗi lần muỗi đẻ để lại một sẹo trên dây trứng, sẹo này được gọi là Polovodova, số sẹo trên dây trứng cho biết số lần muỗi đã đẻ, dựa vào đó người ta biết được số ngày muỗi đã sống. Mỗi sẹo được tính là một tuổi - tuổi sinh lí của muỗi.
Ví dụ: để biết được mối liên quan giữa tuổi sinh lí của muỗi Anopheles và thời gian hoàn thành thoi trùng của P.falciparum có thể tính toán như sau:
Công thức tính thời gian hoàn thành thoi trùng của P.falciparum trong cơ thể muỗi (nếu nhiệt độ môi trường là 250C) là:
111
Sf = --------------
25 - 16
Sf : chu kì thoi trùng của P.falciparum.
111: tổng nhiệt độ cần thiết.
25 : nhiệt độ môi trường nơi muỗi trú ẩn.
16 : nhiệt độ tối thiểu để P.falciparum phát triển.
Sf ≈ 12,7 ngày đêm.
Để hoàn thành một chu kì thoi trùng của P.falciparum ở nhiệt độ 250C muỗi cần 3 lần đẻ (chu kì sinh thực), từ lần hút máu thứ 4 trở đi muỗi mới truyền được P.falciparum cho người, thời gian này được gọi là tuổi nguy hiểm của muỗi.
Tuổi nguy hiểm của muỗi là khái niệm thường dùng trong dịch học bệnh sốt rét, để đánh giá mức độ nặng, nhẹ của bệnh sốt rét lưu hành tại một khu vực nào đó, thông qua vai trò vật chủ trung gian là muỗi. Người ta sử dụng tuổi nguy hiểm của muỗi như một tiêu chuẩn để đánh giá kết quả công tác phòng chống bệnh sốt rét, thông qua các biện pháp diệt muỗi truyền bệnh.
Tuổi nguy hiểm của muỗi là số chu kì sinh thực của muỗi đã thực hiện cho đến khi muỗi có khả năng truyền được kí sinh trùng sốt rét. Tuổi nguy hiểm của muỗi được tính theo công thức:
S
P = -------------
G
P : tuổi nguy hiểm của muỗi (Polovodova).
S : chu kì thoi trùng (sporozoite).
G : chu kì sinh thực (M + 1).
Ví dụ: tuổi nguy hiểm của muỗi Anopheles truyền P.falciparum ở nhiệt độ (t) = 300C là:
Như vậy từ lần đẻ thứ 3 của muỗi mới truyền được kí sinh trùng sốt rét.
Muỗi cái sống khoảng 2 tháng và đẻ trung bình 6 - 8 lần, sau mỗi lần đi đẻ muỗi chết khoảng 50%. Trong phòng thí nghiệm muỗi sống lâu hơn có thể tới 3 tháng. Muỗi đực ăn nhựa cây, sau khi giao phối sống được một thời gian khoảng 10 - 15 ngày.
Vai trò y học.
Muỗi truyền bệnh theo phương thức đặc hiệu, truyền được các mầm bệnh là virut và kí sinh trùng cho người và động vật.
Các mầm bệnh thường gặp do muỗi truyền ở Việt Nam là: sốt Dengue và sốt xuất huyết Dengue, viêm não B Nhật Bản, kí sinh trùng sốt rét, giun chỉ...
Phòng chống.
Dựa vào đặc điểm sinh lí, sinh thái của từng loại để đề ra biện pháp phòng chống thích hợp, kết hợp các biện pháp: cơ - lí - hoá - sinh học nhằm tạo ra hiệu quả cao nhất để diệt muỗi.
Hiện nay các loại hoá chất diệt côn trùng nói chung và diệt muỗi nói riêng ngày càng nhiều, khi dùng phải xem xét cân nhắc kĩ, chú ý khả năng kháng thuốc của muỗi và tránh ô nhiễm môi trường.
Một số loài muỗi thích hút máu súc vật, ứng dụng đặc tính ấy người ta dùng hàng rào gia súc để cản bớt muỗi vào nhà hút máu người (người ta làm các chuồng trại gia súc xung quanh làng, quanh doanh trại, quanh các khu nhà ở).
Phân loại.
Họ muỗi Culicidae chia làm 3 họ phụ:
Họ phụ Anophelinae có chi Anopheles, trên thế giới có khoảng 380 loài Anopheles; Việt Nam đã phát hiện 59 loài Anopheles.
Họ phụ Culicinae có nhiều chi: Aedes, Culex, Mansonia, Armigeres, Ficalbia,
Culiseta... Muỗi Aedes ở khắp nơi trên thế giới và có khoảng 950 loài, miền Bắc Việt Nam đã phát hiện được 40 loài Aedes (Vũ Đức Hương, 1984). Chi Culex có khoảng 550 loài đã được mô tả, đa số chúng sống ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Chi Mansonia có khoảng 25 loài, thấy chủ yếu ở các nước nhiệt đới.
Họ phụ Toxorhynchitinae có khoảng 66 loài: là những loài muỗi không kí sinh, ấu trùng của chúng ăn các loài bọ gậy có trong nước thậm chí còn ăn thịt các bọ gậy đồng loại. Muỗi trưởng thành không ăn, sống trong các rừng rậm nhiệt đới. Việt Nam có loài Toxorhynchites splendens đã được nuôi trong phòng thí nghiệm để diệt bọ gậy muỗi Aedes aegypti. Đây là những loài muỗi có lợi, nhưng nuôi chúng tốn kém, hiểu biết về chúng còn ít.
MUỖI ANOPHELINAE
Trên thế giới có khoảng 380 loài Anophelinae. Chừng 60 loài bị thu hút bởi con người và có thể truyền sốt rét. Một số loài Anopheles khác cũng đồng thời là vật truyền bệnh giun chỉ và các bệnh virut.
Muỗi Anopheles khác các loài muỗi Culex, Aedes, Mansonia là:
Chiều dài của pan bằng chiều dài của vòi.
Khi đậu ở tư thế nghỉ, vòi và thân muỗi thường hợp thành với mặt phẳng nơi muỗi đậu một góc nhọn (hình 16.3). Góc này thay đổi tùy loài và trong một số trường hợp tạo nên một góc gần bằng góc vuông. Loài Anopheles culicifacies, một loài truyền bệnh ở Nam á là một ngoại lệ, có thân gần như song song với mặt bằng muỗi đậu, nhìn bề ngoài gần giống như muỗi Culex.
Nơi cư trú của bọ gậy thường thay đổi theo từng loài, nhưng thường thích nơi có ánh sáng mặt trời, và thường thấy ở nơi có cây cỏ, các đám rong rêu. Nơi muỗi thích đẻ nhất là các vũng nước, rãnh nước, những nơi nước lặng trong suối nước chảy chậm, ruộng nước, kẽ lá và vũng nước mưa. Những dụng cụ chứa nước nhân tạo như vại, bể tắm, bể nước, két nước tầng thượng thường không thích hợp, ngoại trừ trường hợp loài Anopheles stephensi ở vùng Tây Nam Á.
Trứng muỗi được đẻ từng chiếc, nổi trên mặt nước cho tới khi nở. Trứng hình dài, thon, khoảng 1 cm, có hai phao ở hai bên. Trứng nở sau 2 - 3 ngày. Bọ gậy nằm ngang ở trên mặt nước, ăn các hạt hữu cơ nhỏ. Ở vùng nhiệt đới, thời gian từ khi trứng nở tới khi muỗi trưởng thành khoảng 11- 13 ngày.
Hình : Muỗi Anopheles.
Muỗi Anopheles hoạt động từ khi mặt trời lặn tới khi mặt trời mọc. Mỗi loài có một giờ đốt mồi cao điểm riêng, và cũng có sự biến đổi trong việc đốt mồi trong nhà hay ngoài nhà.
Muỗi Anopheles bay vào nhà đốt mồi thường đậu lại trong nhà vài giờ sau khi đốt mồi. Sau đó nó bay ra nơi nghỉ ngoài nhà, ở các bụi cây, vũng chân loài gặm nhấm, khe, kẽ cây hoặc kẽ đất, các hốc dưới gầm cầu. Cũng có thể là muỗi nghỉ trong suốt thời gian cần thiết để tiêu máu và phát triển trứng. Muỗi thường nghỉ trong nhà những nơi khô hoặc thoáng gió khi nơi trú ẩn an toàn ngoài nhà hiếm. Một khi trứng đã phát triển đầy đủ, muỗi có trứng rời khỏi nơi trú ẩn và bay tìm nơi đẻ thích hợp.
Một số loài Anopheles đốt cả người và súc vật. Tuy nhiên chúng khác nhau về mức độ thích đốt người hay đốt súc vật. Một số loài chủ yếu đốt súc vật trong khi đó một số loài chủ yếu đốt người. Các loài đốt người là những loài truyền sốt rét nguy hiểm nhất.
Muỗi sốt rét phân bố rộng khắp trên thế giới, mỗi vùng có một số loài muỗi truyền sốt rét chủ yếu. ở nước ta có khoảng 10 loài Anopheles có vai trò truyền bệnh, quan trọng nhất là An.minimus, An.dirus, An.sundaicus và An.subpictus.
Anopheles minimus.
An.minimus là muỗi truyền bệnh sốt rét chủ yếu ở Việt Nam, phân bố ở các vùng đồi núi trên khắp nước ta.
Hình thể:
An.minimus là một loài muỗi đa hình. Năm 1938, Toumanoff đã thấy có 2 kiểu cánh khác nhau, có điểm đen gốc costa gián đoạn và không gián đoạn, trong mỗi kiểu cánh này lại có nhiều chi tiết khác nhau ở gân cánh. Ngày nay các nhà khoa học Việt Nam và thế giới dùng những kỹ thuật hiện đại đã xác định được 3 kiểu hình và 5 kiểu gen khác nhau của An.minimus. Nhìn chung hình thể muỗi An.minimus có những đặc điểm sau:
Muỗi nhỏ, màu đen, chân đen, pan có 3 băng trắng, băng đen cạnh băng trắng đỉnh pan hẹp.
Gân cánh costa có 4 điểm đen.
Gân cánh L6 có 2 điểm đen và không có điểm trắng ở cuối.
Gốc gân cánh L1 không có vẩy đen hoặc xám, điểm đen trước tận cùng L1 không có điểm trắng.
Đặc điểm sinh học:
Muỗi Anopheles minimus: thích hút máu người, kết quả phản ứng ngưng kết huyết thanh cho thấy 67,7 - 91,2% muỗi có hút máu người.
Muỗi Anopheles minimus: hoạt động hút máu về đêm, cao điểm từ 20 giờ đến 2 giờ, về mùa đông có thể sớm hơn.
Vị trí trú ẩn tiêu máu: muỗi thường đậu trong nhà, gầm giường, góc tủ, nơi treo vắt quần áo, muỗi đậu cao không quá 2 m so với sàn nhà. Ở những nơi phun DDT nhiều năm liền hoặc nơi mới khai phá thì muỗi Anopheles minimus trú ẩn tiêu máu ngoài nhà.
Nơi đẻ của muỗi Anopheles minimus: thường ở suối nước trong chảy chậm, hai bên bờ suối có cỏ, ánh sáng nắng hoặc ở các ruộng bậc thang và các mương máng nước chảy. Tuy nhiên trong điều kiện đặc biệt muỗi Anopheles minimus có thể đẻ vào các chum vại nước ăn, bể chứa nước mưa... Trong vụ dịch sốt rét ở Gia Lâm-Hà Nội (năm 1957) 50 - 60% các bể chứa nước của gia đình có bọ gậy Anopheles minimus. Đây là một thay đổi tập quán để thích nghi với môi trường.
Mùa phát triển của muỗi An.minimus phụ thuộc vào khí hậu từng khu vực:
Miền Bắc: muỗi An.minimus phát triển trong mùa mưa, có 2 đỉnh cao trong năm: tháng 4 đến tháng 5 và tháng 9 đến tháng 10 (Nguyễn Thọ Viễn, 1968), vào các tháng 6 - 7 - 8 do mưa nhiều, mưa to nước cuốn trôi hết bọ gậy, mật độ muỗi giảm.
Tây Nguyên: muỗi phát triển quanh năm, đỉnh cao vào cuối mùa khô và đầu mùa mưa (Nguyễn Đức Mạnh, 1976 -1977, 1980 -1988).
Vân Canh (Bình Định): muỗi phát triển quanh năm, đỉnh cao vào các tháng 3, 4, 5 và tháng 9, 10, 11, 12 (Nguyễn Thọ Viễn và CS, Lê Khánh Thuận và CS - 1991, 2000).
Miền Đông Nam Bộ: mật độ muỗi tăng cao vào tháng 12 (mùa khô).
Ở Việt Nam muỗi An.minimus còn nhạy cảm với DDT, nhưng ở những vùng phun DDT nhiều năm liền, muỗi thay đổi sinh thái, hút máu trong nhà nhưng ra trú ẩn ngoài nhà. Ví dụ ở: Đồng Nai, Vân Canh (Nguyễn Thọ Viễn và CS, 1976 và 1991) khi ngừng phun DDT một thời gian, mật độ muỗi được phục hồi và có sức đề kháng nhất định với DDT.
Vai trò truyền bệnh:
Muỗi An.minimus đã được xác định có vai trò truyền bệnh sốt rét ở nhiều vùng trong nước.
Tỉ lệ nhiễm nhiễm kí sinh trùng sốt rét tự nhiên: 1,4% - 4%, trong các vụ dịch sốt rét mổ muỗi đều thấy có kí sinh trìng sốt rét.
Tỉ lệ nhiễm kí sinh trùng sốt rét thực nghiệm: 62% - 72%.
Phòng chống muỗi An.minimus:
Tùy từng vùng mà đề ra các biện pháp phòng chống cụ thể, có thể sử dụng cá hoặc vi khuẩn Bacillus để diệt bọ gậy muỗi An.minimus ở vùng ven biển gần núi.
Ở vùng rừng núi thường dùng các hoá chất để diệt muỗi.
Các biện pháp cải tạo môi trường, bảo vệ cá nhân: nhà ở thoáng mát, không treo vắt quần áo trong buồng ngủ, sinh hoạt, vui chơi buổi tối mặc quần áo dài, dùng hoá chất xua, diệt muỗi, ngủ trong màn, dùng màn tẩm hoá chất (permethrin...) có tác dụng tốt, thường xuyên dọn vệ sinh, phát quang bụi rậm, khơi thông dòng chảy ở cống rãnh, suối nước quanh nơi ở để phá nơi trú ẩn, và nơi đẻ của muỗi cũng là một biện pháp rất quan trọng làm giảm mật độ muỗi tại đó.
Anopheles dirus.
Muỗi An.dirus thuộc nhóm An.leucosphyrus. Đây là một nhóm rất phức tạp gồm nhiều loài muỗi khác nhau, hiện nay nhóm này có tới 14 loài, trong đó có muỗi An.dirus (Payton và Harison phát hiện năm 1979).
Muỗi An.dirus phân bố rất rộng rãi ở Băng La Đét, Myanma, Campuchia, Ấn Độ, Lào, Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Việt Nam ...
Trong nhóm An.leucosphyrus còn có loài An.takasagoensis được nghi ngờ là vector truyền bệnh sốt rét ở Việt Nam nhưng còn đang được tiếp tục nghiên cứu.
Hình thể:
An.dirus là muỗi kích thước trung bình, màu vàng nâu, chân có nhiều đốm trắng, khớp cẳng chân thứ ba có khoang trắng rộng.
Gân L1 có điểm đen thứ nhất kéo dài về phía gốc cánh, đến quá nửa điểm đen tương ứng trên gân costa.
Đặc điểm sinh học:
Muỗi An.dirus thích hút máu người, nhưng khi không gặp người chúng hút cả máu động vật: bê, khỉ...
Muỗi hoạt động hút máu vào ban đêm, cao điểm từ nửa đêm về sáng, thường hút máu ngoài nhà, hoặc nếu vào nhà hút máu thì khi no cũng bay ra ngoài trú ẩn.
Muỗi An.dirus thường trú ẩn tiêu máu ở các bụi cây quanh nhà, trong các hốc cây. Chúng có tập tính rình mồi trước khi hút máu và khi đã no thì nghỉ một thời gian ngắn rồi mới bay đi tìm nơi trú ẩn, muỗi thường đậu nghỉ ở mái tranh hoặc mặt ngoài tường nhà ở.
Muỗi phát triển vào mùa mưa, đỉnh cao vào các tháng mưa nhiều.
Muỗi đẻ trứng vào các vũng nước đọng, trong rừng, các hốc cây, bẹ lá có nước, vỏ đồ hộp... đặc biệt ở những ổ nước nơi có bóng cây che phủ.
Muỗi An.dirus sống hoang dại trong các rừng già bằng phẳng có nhiều bóng râm. Ở Việt Nam, muỗi phân bố từ miền Tây Thanh Hóa (Bá Thước) đến cuối dãy Trường Sơn, gặp nhiều ở vùng rừng bằng, rừng trồng cây cao su...
Vai trò truyền bệnh:
An.dirus là loài muỗi truyền bệnh sốt rét chủ yếu ở vùng rừng núi Đông Nam Á và Việt Nam. Tỉ lệ nhiễm kí sinh trùng sốt rét ở Di Linh: 1,2% - 36,38%; Tây Ninh: 1% - 10%; Vân Canh (Bình Định): 1,75%; Bình Phước: 1,4%.
Các muỗi thuộc nhóm An.leucosphyrus còn truyền kí sinh trùng sốt rét cho khỉ, truyền giun chỉ cho người.
Phòng chống:
An.dirus ở Việt Nam còn nhạy cảm với DDT, hơn nữa ngày nay có rất nhiều thuốc diệt muỗi tác dụng tốt. Song rất khó diệt vì muỗi sống ngoài nhà. Các biện pháp diệt muỗi trưởng thành gặp nhiều khó khăn.
Để phòng chống muỗi, thường kết hợp với biện pháp diệt bọ gậy với vệ sinh cải tạo môi trường, triệt phá nơi sinh đẻ, nơi trú ẩn của muỗi. Phát quang tạo khoảng trống quanh nhà đẩy lùi nơi trú ẩn của muỗi cách xa khu vực người ở.
Để diệt muỗi trưởng thành có thể sử dụng các hoá chất thuộc nhóm pyrethroid như phun tồn lưu hoặc tẩm màn bằng permithrin...
Anopheles subpictus.
Muỗi An.subpictus là muỗi truyền kí sinh trùng sốt rét ở ven biển nước ta.
Vùng dịch tễ do An.subpictus truyền bệnh có tỉ lệ P.vivax cao: 90 - 100%.
Hình thể:
An.subpictus là muỗi có kích thước trung bình.
Gân cánh costa có trên 3 điểm đen.
Chân muỗi có màu đồng nhất.
Trên pan có 3 băng trắng, băng đen cạnh băng trắng ở đỉnh pan rộng (băng đen bằng hoặc xấp xỉ băng trắng đỉnh pan).
Đặc điểm sinh học:
Muỗi trú ẩn trong nhà và các chuồng gia súc. Hoạt động hút máu vào ban đêm, thích hút máu gia súc hơn máu người. Theo Toumannoff: muỗi bắt ở trong nhà, tỉ lệ hút máu người thấp (9,5%) tỉ lệ hút máu súc vật cao (90,5%).
Nơi đẻ của muỗi là vùng nước lợ ven biển từ Bắc vào Nam, hàm lượng muối thích hợp 5 - 7g/l, cũng có thể gặp bọ gậy ở những nơi có độ mặn cao hoặc thấp hơn. Ở miền Bắc mật độ muỗi An.subpitus cao ở vùng cách bờ biển từ 1 - 4 km. ở các cửa sông lớn do nước thủy triều lên có thể thấy muỗi An.subpitus ở cách bờ biển 7 - 10 km, hoặc xa hơn. Ở miền Nam đặc biệt là các tỉnh miền Tây Nam Bộ, muỗi phân bố rộng rãi hơn do nước biển vào sâu trong đất liền. Mùa phát triển của muỗi tùy thuộc vào từng khu vực địa lí, ở miền Bắc cao điểm vào các tháng 6, 7 và 9, 10, miền Nam cao điểm vào các tháng đầu mùa mưa.
Vai trò truyền bệnh:
An.subpictus là muỗi truyền bệnh sốt rét ở vùng ven biển miền Bắc nước ta, cùng với An.sundaicus ở ven biển miền Nam, tạo lên vùng sốt rét lưu hành.
Biện pháp phòng chống:
An.subpitus đã được thông báo có kháng với DDT. Ở những vùng An.subpitus đã kháng DDT có thể dùng các hoá chất khác như actelic hoặc ICON... để diệt muỗi.
Muỗi An.subpitus thích hút máu trâu, bò nên có nơi người ta làm các chuồng trâu bò xung quanh làng, có tác dụng như hàng rào thu hút muỗi để hạn chế muỗi hút máu người.
Muỗi trú ẩn trong nhà, nếu nhà cửa thoáng mát, sáng sủa, vệ sinh có thể hạn chế nơi trú ẩn của muỗi.
Anopheles sundaicus.
Muỗi An.sundaicus là muỗi truyền sốt rét ở ven biển miền Nam và Campuchia.
Hình thể:
Muỗi có kích thước trung bình; đùi và cẳng có hoa.
Gân cánh costa có trên 3 điểm đen.
Gân cánh số 6 (L6) có 2 điểm đen.
Pan có 3 băng trắng, băng trắng ở đỉnh pan nó rộng, dài gần gấp hai lần băng đen kề bên.
Vòi màu đen.
Đặc điểm sinh học:
Muỗi An.sundaicus thích hút máu người ở trong nhà, hoạt động hút máu suốt đêm, đỉnh cao vào khoảng 22 giờ - 2 giờ sáng, tuy nhiên muỗi có thể hút máu cả ban ngày ở những nhà ẩm thấp, thiếu ánh sáng.
Muỗi trú ẩn ở trong nhà. Tỉ lệ muỗi bắt được ở trong nhà 99,1% chỉ có 0,85% bắt được ở chuồng gia súc. Muỗi đẻ trứng ở ao, ruộng, kênh, rạch có nhiều rong tảo, độ pH từ 6 - 8, nồng độ muối thích hợp 7 g/l; nhưng cũng có thể bắt được bọ gậy này ở các ổ nước có nồng độ muối từ 0,3 - 28 g/l.
Mùa phát triển của muỗi: quanh năm, nhưng cao điểm vào các tháng đầu mùa mưa (tháng 5 - 6).
Vùng phân bố của muỗi An.sundaicus thường gặp cả muỗi An.subpictus. Ở Việt Nam muỗi An.sundaicus phân bố từ ven biển Hàm Tân (Bình Thuận) tới tận vùng ven biển Campuchia (Viện Sốt rét - KST - CT Trung ương, 1979 - 1980).
Ở đồng bằng sông Cửu Long muỗi phân bố rộng ở những nơi có nước thủy triều lên, xuống.
Vai trò truyền bệnh:
An.sundaicus là vectơ chính truyền bệnh sốt rét ở ven biển miền Nam Việt Nam. Muỗi An.sundaicus có thể truyền cả P.falciparum và P.vivax nhưng ở vùng phân bố muỗi này tỉ lệ nhiễm P.falciparum cao hơn.
Biện pháp phòng chống:
Muỗi An.sundaicus còn nhậy cảm với DDT, và các hoá chất diệt côn trùng khác. Nhưng ở một vài nơi đã có hiện tượng An.sundaicus kháng DDT.
Một số muỗi Anopheles khác.
An.maculatus:
Muỗi An.maculatus phân bố rộng từ đồng bằng, ven biển đến miền núi, muỗi hút cả máu người và động vật, sống hoang dại, phát triển quanh năm, đỉnh cao vào mùa mưa.
Tỉ lệ mang thoi trùng tùy theo từng vùng (0,51 - 2,7%) theo Toumanoff (1936) và 0,03% theo Nguyễn Thượng Hiền (1968). Ngoài ra còn thấy An.aconitus là muỗi truyền sốt rét chủ yếu ở vùng đồng bằng Java, Indonesia (Reid 1968).
An.aconitus:
An.aconitus phân bố rộng từ đồng bằng, ven biển đến miền núi. Muỗi hút cả máu người và động vật, muỗi sống hoang dại, phát triển quanh năm, đỉnh cao vào mùa mưa.
Tỉ lệ mang thoi trùng tùy theo từng vùng: 0,51% - 2,7% theo Toumanoff (1936) và 0,03% theo Nguyễn Thượng Hiền (1968). Ngoài ra còn thấy An.aconitus là muỗi truyền bệnh sốt rét chủ yếu ở vùng đồng bằng Java Indonesia (Reid, 1968).
An.jeyporiensis:
Theo Đặng Văn Ngữ (1962): muỗi An.jeyporiensis là muỗi truyền kí sinh trùng sốt rét thứ yếu ở các vùng miền Bắc. Đây là loài muỗi có phân bố rất rộng ở vùng rừng núi trong cả nước. Muỗi thích hút máu người và trú ẩn trong nhà. Muỗi phát triển quanh năm nhưng cao nhất vào mùa mưa.
Tỉ lệ mang kí sinh trùng sốt sét ở Việt Nam là 0,72% (Toumanoff, 1931), ở Di Linh 0,75% (Nguyễn Thượng Hiền, 1968).
Muỗi này còn truyền bệnh giun chỉ ở Trung Quốc.
MUỖI CULEX
Có 550 loài Culex đã được mô tả, đa số là của các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Một số loài là vật truyền bệnh quan trọng đối với giun chỉ W. bancrofti và các bệnh arbovirus như viêm não Nhật Bản. Ở một số vùng, loài này là một mối phiền hà đáng kể.
Muỗi đẻ trứng từng bè 100 trứng hoặc hơn trên mặt nước. Bè trứng nổi cho tới khi nở, sau khoảng 2 - 3 ngày. Loài Culex đẻ ở nhiều nơi chứa nước lặng, từ những nơi chứa nước nhân tạo, cống rãnh cho tới những thảm nước thường xuyên rộng lớn. Loài phổ biến nhất, Culex quinquefasciatus là mối phiền hà nhất và vật truyền bệnh giun chỉ W.bancrofti, thích đặc biệt đẻ trứng ở nơi nước bẩn có nhiều chất hữu cơ, như chất thải, phân, cây mục.
Ở các nước đang phát triển, Culex quinquefasciatus rất phổ biến ở các đô thị phát triển nhanh, là nơi hệ thống thoát nước và vệ sinh không được bảo đảm.
Culex tritaeniorhynchus là loài truyền bệnh viêm não B Nhật Bản ở châu Á, ưa nước trong, thường thấy loài này ở ruộng lúa nước, mương rãnh.
Muỗi truyền bệnh giun chỉ có khoảng 40 loài, thuộc 4 chi Anopheles, Aedes, Culex và Mansonia, nhưng ở nước ta Culex quinquefasciatus (tên cũ là C.fatigans) và một số loài thuộc chi muỗi Mansonia là những muỗi được xác định có vai trò truyền bệnh chính.
Culex quinquefasciatus.
Muỗi C.quinquefasciatus có màu nâu đậm hoặc nâu nhạt, chân và cánh không có khoang đen trắng (hình 16.4).
Muỗi gặp nhiều ở trong nhà, chuồng gia súc, đặc biệt trong nhà những vùng đông dân, nhà cửa thấp tối, điều kiện vệ sinh kém, quanh nhà có cống rãnh nước bẩn.
Hình : Muỗi Culex trưởng thành.
Muỗi hút máu về ban đêm, rất thích hút máu người, ít hút máu súc vật. Ban ngày muỗi đậu nghỉ trong góc nhà, gầm giường, gầm tủ.
Muỗi đẻ trứng ở những nơi nước bẩn, cống rãnh, trứng kết lại thành bè nổi trên mặt nước.
Muỗi phát triển quanh năm, nhưng cao điểm vào mùa xuân - hè. Ở Hà Nội muỗi này phát triển mạnh nhất vào các tháng 3 - 4 - 5 (Đặng Văn Ngữ ,1960).
Muỗi có sức chịu đựng cao với các hoá chất diệt côn trùng, vì vậy để phòng chống muỗi phải cải tạo điều kiện sống, vệ sinh nhà cửa, cống rãnh để triệt phá nơi trú ẩn, nơi sinh đẻ của muỗi.
Muỗi C.quinquefasciatus truyền giun chỉ Wuchereria bancrofti.
Culex tritaeniorhynchus.
Muỗi truyền bệnh viêm não B Nhật Bản ở Đông Nam Á có nhiều loại thuộc chi Culex: C.tritaeniorhynchus, C.bitaeniorhynchus, C.gelidus, C.vishnui... ở
Việt Nam muỗi truyền bệnh viêm não B Nhật Bản là muỗi C.tritaeniorhynchus.
Muỗi C.tritaeniorhynchus, có màu nâu đen, gặp nhiều ở vùng nông thôn, làng mạc đông dân có nhiều hồ, ao. Muỗi đẻ trứng ở những ao, ruộng lúa, trứng dính thành bè nổi trên mặt nước.
Muỗi hút máu về ban đêm, cả trong và ngoài nhà, thính hút máu chim, máu lợn hơn máu người. Trú ẩn ở các bụi rậm hoặc trong chuồng gia súc, nhất là chuồng lợn.
Mùa phát triển của muỗi vào mùa nóng, ẩm. Ở Hà Nội muỗi phát triển mạnh từ tháng 5 - 11, cao điểm vào tháng 8 - 9.
Muỗi truyền bệnh viêm não B Nhật Bản, trẻ em rất dễ mắc, khi khỏi để lại những di chứng nặng nề.
MUỖI MANSONIA
Muỗi Mansonia thấy chủ yếu ở các nước nhiệt đới. Một số loài là vật truyền bệnh quan trọng của giun chỉ Brugia sp. Ở miền Nam Ấn Độ, Indonesia và Malaysia.
Chi muỗi Mansonia có hai chi phụ: Mansonia Mansonioides và Mansonia
Coquillettidia. Hai chi phụ này có những loài truyền bệnh giun chỉ. Chi phụ Mansonia Coquillettidia có nhiều loài, nhưng loài M.(C).crassipes đã được xác định có vai trò truyền bệnh. Chi phụ Mansonia Mansonioides có nhiều loài có khả năng truyền bệnh, ở Việt Nam đã xác định được hai loài M.(M).annulifera và M.(M).uniformis có khả năng truyền bệnh giun chỉ.
Gần đây, Nguyễn Duy Toàn và CS (1992), đã xác định loài M.(M).indiana cũng truyền bệnh giun chỉ ở Việt Nam.
Về cấu tạo muỗi Mansonia: hầu như thân các loài muỗi, kể cả chân và cánh có vẩy phủ màu nâu sẫm và vẩy màu nhạt làm muỗi trông như có bụi bám hoặc được rắc muối và tiêu .
Hình : Muỗi Mansonia
Các loài truyền bệnh giun chỉ thường đẻ trứng thành từng đám, dính treo vào mặt dưới của cây hoặc gần sát mặt nước.
Do cả bọ gậy và quăng bám vào các thực vật thủy sinh để thở, nên chỉ thấy chúng ở những nơi nước thường xuyên có thực vật như đầm lầy, giếng nước, mương máng có cỏ, máng dẫn nước và rất khó tìm. Cũng có thể thấy bọ gậy loài này ở chỗ nước sâu hơn và có thực vật nổi, thường bám vào mặt dưới, nằm trong nước, của các loài bèo.
Các loài Mansonia thường đốt vào ban đêm, chủ yếu ở ngoài nhà, nhưng một số loài cũng vào nhà. Sau khi đốt máu, muỗi thường trú ẩn ngoài nhà.
Mansonia (Coquillettidia) crassipes.
Muỗi M.(C).crassipes phân bố rộng rãi ở Ấn Độ, Srilanca, Đông Nam Á...
Muỗi có kích thước trung bình, màu từ vàng nhạt đến nâu. Chân, bụng, cánh có màu nâu sẫm, lưng và sườn màu nâu vàng. Chân màu xẫm nhưng gốc đùi có màu vàng nhạt.
Muỗi đẻ trứng ở nơi có nhiều ao, hồ trồng cây thủy sinh, trứng hình bầu dục, thon về phía đỉnh, có màu nâu đen hoặc đen, trứng dính thành bè nổi trên mặt nước.
Bọ gậy ở sâu dưới nước, ống thở cắm vào rễ cây để lấy ôxy. Bọ gậy ăn các chất hữu cơ có trong nước, bọ gậy dài khoảng 6 mm, có màu trắng sữa.
Quăng ở sâu dưới nước, phễu thở của quăng dài, sau một thời gian quăng lột xác thành muỗi trưởng thành.
Vai trò truyền bệnh của muỗi M.(C).crassipes ở Việt Nam chưa được nghiên cứu, nhưng ở Malaysia, Borneo (Indonesia)… có vai trò lớn trong lan truyền bệnh giun chỉ Brugia malayi.
Mansonia (Mansonioides) annulifera.
Muỗi có kích thước nhỏ hoặc trung bình, trên thân và chân có nhiều đốm vàng trắng xen kẽ, gân cánh có vẩy vàng trắng xáo trộn, tạo cho muỗi có màu vàng rơm. Trên lưng (mesonotum) có 7 đốm trắng. Sáu đốm xếp thành hai hàng song song với nhau từng đôi một, đốm thứ 7 xếp giữa 2 đốm sau cùng.
Muỗi gặp nhiều ở vùng nông thôn hoặc ven thành phố, nơi có nhiều ao hồ và chăn nuôi trâu bò, muỗi đẻ trứng ở những ao có cây thủy sinh nhất là các loại bèo, trứng xếp thành chùm treo ở dưới mặt lá mấp mé nước.
Muỗi trú ẩn ở vườn rậm, bãi cỏ, bụi cây thấp… nơi ít ánh sáng. Muỗi đậu, trú ẩn trong nhà ở gầm giường, tủ, bàn ghế, nơi góc nhà tối.
Muỗi thích hút máu trâu, bò, người, hút máu vào ban đêm. Muỗi thường bay vào nhà, chuồng gia súc hút máu, khi no lại bay ra ngoài.
Muỗi có quanh năm, tại Hà Nội bắt được nhiều vào các tháng 9 - 10 - 11 - 12 (Đặng Văn Ngữ, 1960).
Muỗi truyền giun chỉ Brugia malayi.
Mansonia (Mansonioides) uniformis.
Muỗi cỡ trung bình, trên thân, chân có vảy nâu, trắng xen kẽ tạo cho muỗi có màu nâu nhạt. Trên lưng (mesonotum) có các vảy trắng làm thành hai đường thẳng chạy dọc hai bên lưng.
Sinh lí, sinh thái và khả năng truyền bệnh giống muỗi M.(M).annulifera.
MUỖI AEDES
Muỗi Aedes có mặt khắp nơi trên thế giới và có khoảng trên 950 loài. Loài này gây ra mối phiền hà lớn do việc đốt người và súc vật, cả ở vùng nhiệt đới và nơi có khí hậu mát mẻ hơn. Ở những nước nhiệt đới, muỗi Aedes aegypti là vật quan trọng truyền bệnh Dengue, bệnh sốt xuất huyết, bệnh sốt vàng và các bệnh virut khác. Một loài gần với loài này là Aedes albopictus, cũng có thể truyền bệnh Dengue. Ở một số nơi, muỗi Aedes truyền bệnh giun chỉ.
Loài này đẻ trứng rời từng chiếc trên những diện tích ẩm ướt, ngay trên thành hoặc gần sát với mặt nước, trong những dụng cụ chứa nước tạm thời, hoặc những nơi có nước lên xuống. Nó chịu được độ khô trong nhiều tháng và chỉ nở khi bị ngập nước. Tất cả các loài Aedes ở vùng có mùa đông lạnh có thể sống sót qua thời kì này ở dạng trứng. Một số loài đẻ trứng ở vùng ven biển nước mặn và đầm lầy, bị ngập nước từng thời kì do thủy triều lên cao bất thường, hoặc mưa to, trong khi một số loài khác đã thích ứng được với việc tưới tiêu trong nông nghiệp.
Bệnh sốt Dengue và sốt xuất huyết Dengue là bệnh thường gặp ở thành phố của vùng Đông Nam Á. Muỗi truyền bệnh là Aedes aegypti và Aedes.albopictus.
Aedes aegypti.
Muỗi Aedes aegypti nhỏ, màu đen, chân, thân, bụng có khoang đen trắng rõ rệt, đặc biệt vùng ngực có các vẩy trắng xếp thành hàng, trên lưng có hình chiếc đàn 2 dây màu trắng (hình 16.6). Muỗi gặp nhiều ở thành phố nên được gọi là muỗi vằn thành thị. Muỗi còn ở các thị trấn dọc theo các trục đường giao thông có dân cư đông đúc.
Muỗi thích đậu cao, nơi treo vắt quần áo, mùng màn, ở trong và ngoài nhà. Muỗi hút máu vào ban ngày, bay rất nhanh, thấy mồi lao vào hút máu ngay, theo mồi rất dai và chỉ bay đi khi đã hút máu no. Hoạt động hút máu của muỗi Aedes aegypti phụ thuộc nhiệt độ môi trường, nếu nhiệt độ dưới 230C thì muỗi hầu như không hút máu. Muỗi hút cả máu người và các động vật như: chim, gà, thỏ, chuột...
Muỗi đẻ trứng ở những nơi có nước (rất thích đẻ trứng vào nước mưa), muỗi đôi khi đẻ
Hình : Muỗi Aedes
trong đất ẩm, nhưng muốn nở ra bọ gậy trứng phải được rơi vào nước. Mỗi lần muỗi đẻ khoảng 150 trứng, cả đời muỗi đẻ 6 - 7 lần. Ở điều kiện phòng thí nghiệm muỗi có thể đẻ tới 13 lần.
Muỗi ham hút máu, hoàn thành vòng đời nhanh, giao phối trong không gian nhỏ, nên muỗi được nuôi trong phòng thí nghiệm để thử thuốc hoặc tiến hành các nghiên cứu khác trên muỗi.
Mùa phát triển của muỗi thường vào mùa mưa, ở miền Bắc muỗi phát trtển từ tháng 4 đến tháng 11, thường có hai đỉnh cao vào tháng 5 - 6 và tháng 10 - 11.
Muỗi truyền mầm bệnh bệnh sốt Dengue/ sốt xuất huyết Dengue và mầm bệnh sốt vàng. Phòng chống Aedes aegypti bằng cách che đậy kín nơi chứa nước, thả cá cho cá ăn bọ gậy, thay nước thường xuyên, 7 - 10 ngày thay một lần. Khi có nhiều muỗi hoặc đang có dịch thì dùng malathion, permethrin... phun dưới dạng sương mù (ULV - Ultralow volum).
Aedes albopictus.
Muỗi Aedes albopictus về hình thể rất giống muỗi Aedes aegypti chỉ khác trên mặt lưng có một vạch trắng, chạy dọc lưng.
Sinh lí, sinh thái của muỗi Ae.albopictus tương tự như của muỗi Aedes aegypti, nhưng muỗi Aedes albopictus phân bố chủ yếu ở vùng nông thôn, gặp ít ở thành phố.
SIMULIDAE - HỌ RUỒI VÀNG
Hình thể.
Ruồi vàng có thân màu đen, lông phớt vàng, dài 2 - 5 mm, đầu dẹt, anten có 11 đốt, pan có 5 đốt, vòi ngắn nhưng nhọn và khỏe, ngực to gồ về phía lưng, hai cánh trong suốt dài hơn thân .
Ấu trùng ruồi vàng có hình con sâu, phần đầu có một chùm lông xòe ra hình quạt để vơ thức ăn, có một chân giả ở phía trước thân và cuối thân có một giác để bám.
Thanh trùng nằm trong kén hình chóp, không ăn, không hoạt động, thở bằng các khí quản.
Đặc điểm sinh học.
Vòng đời:
Ruồi vàng phát triển qua 4 giai đoạn: trứng - ấu trùng - thanh trùng - trưởng thành. Ruồi đẻ trứng ở nơi nước suối chảy mạnh, mỗi lần đẻ từ 300 - 500 trứng, nhiều ruồi vàng đẻ vào một chỗ tạo thành từng ổ, trứng bám vào lá cây hoặc đá mấp mé mặt nước.
Khoảng 10 ngày sau trứng nở ra ấu trùng, ấu trùng bám vào đá hoặc cành cây, lá cây dưới nước nhờ giác bám ở cuối thân. Ấu trùng thở qua da và 3 màng thở ở hậu môn, sau 5 lần lột xác, ấu trùng nhả tơ làm kén, thành nhộng (thanh trùng). Sau một thời gian thanh trùng cắn kén chui ra thành ruồi vàng trưởng thành. Thời gian hoàn thành vòng đời từ 15 - 30 ngày, ruồi vàng thuộc nhóm biến thái hoàn toàn.
Sinh lí, sinh thái:
Chỉ có ruồi cái hút máu, thời gian hoạt động hút máu buổi sáng từ 6 - 8 giờ, buổi chiều từ 16 - 18 giờ; buổi trưa nắng, trời mưa, gió mạnh trên 3m/giây, ruồi vàng ngừng hoạt động. Ruồi vàng hoạt động ở khu vực quanh bờ suối là chủ yếu, xa bờ ít hơn, xa trên 2000 m hoàn toàn không thấy ruồi vàng hoạt động. Ruồi có thể bay xa 1 - 2 km, hút máu người và động vật, mỗi lần hút 4 - 5 phút mới no. Ruồi vàng đốt ít đau, khi ngừng đốt thường để lại giọt máu ở vết đốt.
Ruồi vàng sống hoang dại, ở vùng núi đá có nước suối chảy mạnh. Ở Việt Nam ruồi vàng phân bố nhiều ở vùng Tây Bắc, đặc biệt ở Mù Cang Chải (Nghĩa Lộ).
Hình : Vòng đời của ruồi vàng truyền bệnh giun chỉ
Vai trò y học.
Ruồi vàng truyền bệnh giun chỉ Onchocherca volvulus của người. Bệnh phổ biến ở châu Phi và Nam Mĩ. Ở Việt Nam chưa phát hiện thấy bệnh này.
Vết đốt của ruồi vàng nhanh chóng nổi mẩn, đỏ xung quanh có đường kính tới vài centimet, ngứa dữ dội, có khi chỗ đốt phù nề, càng gãi càng ngứa, chất độc của ruồi vàng gây loét, nhiễm trùng, nổi hạch. Thường để lại vết sẹo đen to, đôi khi nổi sẩn cục cứng to bằng hạt ngô, kéo dài hàng năm.
Phòng chống.
Diệt ruồi vàng rất khó, ấu trùng sống ở nơi nước chảy mạnh, ruồi vàng trưởng thành hoạt động ở trong rừng.
Phòng ruồi vàng đốt: mặc quần áo, đi tất, giày che kín, hoặc dùng các hoá chất bôi vào chỗ da hở, hạn chế hoạt động ở gần suối vào các giờ ruồi vàng hoạt động hút máu. Nếu bị ruồi vàng đốt, phải nặn hết máu, bôi cồn 700 vào vết đốt và tránh gãi để phòng nhiễm trùng.
PHLEBOTOMUS - MUỖI CÁT
Hình thể.
Muỗi cát nhỏ khoảng 3mm, màu vàng trắng, mắt to đen nổi rõ. Trên chân, cánh, thân đều có lông, cánh hình bầu dục, đầu mút cánh hình mũi mác. Hai cánh không khép vào thân khi đậu, mà luôn dựng đứng tạo thành hình chữ V. Anten dài 16 đốt phủ đầy lông (hình 16.9). Trứng màu đen dài và thon ở hai đầu, ấu trùng hình con sâu, thân chia đốt, đuôi có lông dài, thanh trùng màu vàng, đầu hình tam giác bụng chia đốt và uốn cong.
Hình : Vòng đời của ruồi vàng truyền bệnh giun chỉ.
Đặc điểm sinh học.
Vòng đời:
Vòng đời phát triển qua 4 giai đoạn: trứng - ấu trùng - thanh trùng - trưởng thành.
Sau khi hút máu no khoảng 30 - 36 giờ thì muỗi đẻ trứng vào các khe kẽ tối ẩm ở các bãi hoang, số lượng từ 30 - 50 trứng; 6 - 12 ngày sau trứng nở ra ấu trùng, sau 4 lần lột xác (khoảng 25 - 30 ngày) phát triển thành thanh trùng và 10 ngày sau thành con trưởng thành. Thời gian hoàn thành vòng đời từ 5 - 9 tuần. Tuổi thọ trung bình của muỗi từ 14 - 15 ngày.
Sinh lí, sinh thái:
Muỗi cát sống hoang dại, trú ẩn ở các hốc cây, khe đá… đặc biệt hay gặp ở các tổ mối. Có loài trú ẩn trong nhà (Ph.papatasi), có loài trú ẩn ở chuồng gia súc (Ph.argentipes), loài Ph.sergenti lại gặp nhiều ở trong rừng.
Chỉ có muỗi cái mới hút máu. Ở Việt Nam nhiều nơi có muỗi cát nhưng chỉ phân bố ở trong vùng rất hẹp của một địa phương. Đã phát hiện thấy muỗi cát ở: Cẩm Bình (Hải Dương), Ghềnh (Ninh Bình), Đức Phổ (Quảng Ngãi). Nói chung ở Việt Nam muỗi cát chưa được nghiên cứu đầy đủ.
Vai trò y học.
Muỗi cát truyền nhiều bệnh khác nhau:
Bệnh Kala - azar (bệnh Leishmania nội tạng): gặp nhiều ở vùng Trung Á, Địa Trung Hải, Ấn Độ... ở Việt Nam năm 1979, Bệnh viện 103 đã phát hiện được mầm bệnh kí sinh trùng này ở trên một tử thi. Sau đó Bệnh viện Thụy Điển - Uông Bí (Quảng Ninh) cũng đã phát hiện được mầm bệnh trên 3 bệnh nhân.
Bệnh Leishmania ngoài da.
Bệnh mụn Peru.
Bệnh sốt muỗi cát (bệnh này và bệnh mụn Peru chưa gặp ở Việt Nam).
Phòng chống.
Phòng chống muỗi cát khó, vì muỗi cát thường phân bố trong một vùng rất hẹp, khó xác định được. Thường dùng hoá chất xua diệt côn trùng để xua diệt muỗi cát, nhưng hiệu quả kém. Cần có các biện pháp phát hiện và diệt chó bị bệnh, vì chó cũng là vật chủ của Leishmania.
CERATOPOGONIDAE - HỌ DĨN
Dĩn thuộc lớp côn trùng hai cánh hút máu, kích thước 1 - 2 mm, có nhiều chi khác nhau, nhưng trong y học chỉ chú ý tới 3 chi: Culicoides, Lashiohelea và Leptoconops.
Cả 3 chi này đều có ở Việt Nam, nhưng chi Culicoides phổ biến hơn.
Dĩn có màu nâu đen, chân dài, trên cánh có các lông lớn hoặc lông nhỏ (marcrotrichi, hoặc microtrichi) .
Hình : Dĩn trưởng thành.
Vòng đời của dĩn phát triển qua 4 giai đoạn: trứng - ấu trùng - thanh trùng - trưởng thành.
Dĩn thuộc nhóm côn trùng có vòng đời biến thái hoàn toàn.
Dĩn đẻ ở nơi có nhiều mùn, rác, lá cây mục nát, đất ẩm, hốc cây, bùn...
Hoạt động của dĩn phụ thuộc vào ánh sáng, tốc độ gió, mưa nắng… Chi Culicoides hút máu vào ban đêm. Chi Leptoconops hút máu vào ban ngày; trời càng nắng chúng hút máu càng mạnh. Chi Lashiohelea thường hút máu vào buổi sáng hoặc lúc không có ánh nắng, đặc biệt khi có cơn giông, dĩn xuất hiện thành từng đám, dĩn rất ham hút máu vật chủ: người, trâu, bò, dê, ngựa… Chỉ có dĩn cái mới hút máu.
Dĩn truyền một số mầm bệnh như: giun chỉ, viêm não… Vai trò truyền bệnh của dĩn ở nước ta chưa được nghiên cứu đầy đủ.
Dĩn đốt có cảm giác ngứa, khó chịu, có thể nổi mẩn, dị ứng. Do kích thước nhỏ dĩn có thể luồn vào kẽ tóc, chui qua màn hút máu, gây ngứa ngáy, mất ngủ, ảnh hưởng đến sức khoẻ và năng suất lao động.
Phòng chống dĩn khó khăn, có thể dùng các hoá chất xua diệt côn trùng, dọn dẹp vệ sinh quanh nhà ở, chuồng gia súc, bến tắm giặt... để triệt phá nơi sinh đẻ của dĩn.
MUSCA DOMESTICA - RUỒI NHÀ
Ruồi nhà thuộc lớp côn trùng hai cánh, không hút máu, ruồi sinh sản nhanh, nhiều, ruồi thường xuyên sống gần người, truyền bệnh theo phương thức không đặc hiệu.
Hình thể.
Ruồi nhà màu xám đen, toàn thân và chân có nhiều lông (hình 16.11). Đầu ruồi hình bán cầu, có hai mắt kép. Ruồi đực có hai mắt kép gần nhau, ruồi cái có hai mắt kép xa nhau. Anten ngắn, có 3 đốt, vòi ruồi cấu tạo theo kiểu liếm hút, khi không ăn vòi gập được vào ổ miệng.
Ngực ruồi có 3 đôi chân, một đôi cánh mỏng, trong suốt với 5 gân dọc. Chân ruồi được chia ra thành nhiều đốt, có lông, đốt cuối bàn chân có móng, đệm móng và tuyến tiết chất dính.
Bụng ruồi thường chỉ nhìn rõ 5 đốt, ruồi cái có ống dẫn trứng, kéo dài ra khi đẻ, sau đẻ co lại. Ruồi cái có độ dài khoảng 5,6 - 7,5 mm, ruồi đực nhỏ hơn: 5,8 - 6,5 mm. Trứng ruồi hình bầu dục, màu trắng, nhỏ.
Ấu trùng (dòi) màu trắng ngà, thân chia 10 đốt.
Thanh trùng (nhộng) không ăn, không hoạt động; dài khoảng 5 - 6,3 mm, màu nâu đen như hạt gạo rang cháy.
Hình : Ruồi nhà trưởng thành
Đặc điểm sinh học.
Vòng đời:
Ruồi nhà là loài côn trùng có vòng đời biến thái hoàn toàn, phát triển qua 4 giai đoạn: trứng - ấu trùng - thanh trùng - trưởng thành (hình 16.12). Ruồi đẻ ra trứng, sau khi giao phối 4 - 8 ngày ruồi bắt đầu đẻ, mỗi lần ruồi đẻ 100 - 150 trứng, cả đời ruồi đẻ 4 - 8 lần. Về mùa hè sau khoảng 12 - 24 giờ, trứng nở ra dòi, dòi lột xác 2 lần, dài 1 - 1,2 cm. Sau 2 - 4 ngày dòi chui xuống đất lột xác, nhưng xác vẫn giữ nguyên thành kén giả, đó là nhộng, sau một thời gian phá kén, chui lên khỏi mặt đất trở thành ruồi trưởng thành.
Thời gian hoàn thành vòng đời của ruồi phụ thuộc vào nhiệt độ và thức ăn của môi trường. Ở môi trường có đủ thức ăn và nhiệt độ 180C ruồi hoàn thành vòng đời trong khoảng 20 ngày, ở nhiệt độ 280C, thời gian này chỉ khoảng 10,5 ngày.
Đời sống của ruồi về mùa hè ngắn: khoảng 18 - 20 ngày, mùa đông sống lâu hơn, có khi tới 4 tháng.
Hình : Vòng đời sinh học ruồi nhà.
Sinh lí, sinh thái:
Ruồi thường đẻ trứng vào hố rác, phân người, phân gia súc hoặc xác động vật. Sau 12 - 24 giờ trứng nở ra dòi giai đoạn I (ấu trùng I), dòi ăn các chất hữu cơ trong môi trường, sau 2 lần lột xác thành dòi giai đoạn III, chúng không ăn, tìm nơi đất xốp để chui xuống phát triển thành nhộng (thanh trùng), nhộng thường ở độ sâu thích hợp 20 - 30 cm dưới mặt đất, nhưng có khi chỉ 1 - 2 cm. Nếu dòi không chui được xuống đất thì không thể thành nhộng được. Nhộng không ăn, không hoạt động. Sau một thời gian nhộng nở ra ruồi và chui lên khỏi mặt đất, khoảng 2 giờ sau khô cánh, ruồi bay đi. Vào mùa đông lạnh, ruồi phát triển chậm, hoặc ngừng phát triển, sang xuân ấm áp, nhộng mới nở, nếu đất chặt quá, hoặc nhiều nước quá ruồi không chui lên được khỏi mặt đất và chết.
Sau khi nở khoảng 2 ngày, ruồi bắt đầu giao phối, nếu đói ruồi không giao phối được, nếu thức ăn thiếu đạm, trứng thường không phát triển. Ruồi sinh sản nhanh và nhiều. Theo Howard: một ruồi cái trung bình 1 lần đẻ 120 trứng. Chỉ trong vòng gần 5 tháng (tính từ 15 tháng 4 đến 10 tháng 9) từ một một ruồi cái qua nhiều thế hệ sinh sản cho ra đời 398.720.000.000 ruồi, con số này ít hơn thực tế nhiều vì chỉ tính mỗi đời ruồi đẻ một lần. Theo Hodge cũng từ một ruồi cái qua mùa hè có thể tạo ra 191010 1015 ruồi, số lượng này chứa đầy 180 dm3.
Ruồi không phải là kí sinh trùng. Ruồi ăn tất cả các thức ăn từ chất lỏng đến chất rắn. Nếu thức ăn là chất rắn thì ruồi tiết nước bọt làm mềm thức ăn, rồi hút vào dạ dày.
Ruồi ăn rất lâu, khoảng 2 giờ mới no, ăn tất cả các chất bổ đến chất thừa, thải, ôi, thiu. Ruồi vừa ăn vừa nôn, vừa bài tiết, đạp rũ chân, gây ô nhiễm nơi ruồi đậu.
Ruồi tìm thức ăn nhờ đôi râu, ruồi thích thức ăn có mùi thơm, tanh, thối.
Thức ăn và chất thải của người là thức ăn của ruồi, ở đâu có người ở đó có ruồi, vì vậy được gọi là ruồi nhà (Musca domestica).
Ruồi hoạt động vào ban ngày. Ruồi không thích ánh sáng mặt trời trực tiếp cũng không thích chỗ tối. Ruồi thích màu vàng, da cam, ruồi không thích màu tím, màu đỏ.
Ruồi bay xa được khoảng 1.500 m. Nhưng ruồi có thể theo tàu, xe, thuyền bè, phát tán đi rất xa.
Ruồi phát triển và hoạt động mạnh vào mùa nóng; mùa lạnh ruồi ít hoạt động, thường tìm nơi ấm để đậu. Ruồi phát triển ở nơi có điều kiện vệ sinh kém.
Vai trò y học.
Ruồi truyền bệnh theo phương thức không đặc hiệu và truyền được rất nhiều loại mầm bệnh. Ruồi có vai trò truyền bệnh rất lớn do:
Cấu tạo của ruồi có rất nhiều lông ở chân, ở vòi nên mang được nhiều loại mầm bệnh.
Ruồi thích ăn phân, máu, mủ, chất nôn, các mầm bệnh vào cơ quan tiêu hoá của ruồi, không bị tiêu diệt, vẫn tồn tại.
Ruồi thích ăn các thức ăn của người và sống gần với người.
Trong khi ăn ruồi vừa ăn, vừa nôn, vừa bài tiết...
Ruồi có thể vận chuyển được nhiều mầm bệnh.
Theo Derbeneva - Ukhova (1952) ruồi có thể mang trên thân 6 triệu mầm bệnh và trong ống tiêu hoá 28 triệu mầm bệnh.
Ruồi truyền được các loại mầm bệnh sau:
Vi khuẩn: tả, lị, lao, thương hàn...
Virut: đậu mùa, mắt hột, viêm gan, bại liệt... - Kí sinh trùng: amíp lị, trùng roi, trứng giun sán...
Do đặc tính sinh lí, sinh thái, khả năng vận chuyển mầm bệnh của ruồi, ruồi đã trở thành một trong các nguyên nhân quan trọng phát sinh dịch đặc biệt là các dịch bệnh đường tiêu hoá.
Phòng chống.
Triệt nguồn thức ăn của ruồi: vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, quản lí và xử lí các chất thải.
Triệt nơi sinh đẻ của ruồi: chuồng gia súc, hố xí, hố rác phải xây gạch hoặc nện chặt đất, đậy kín...
Diệt ruồi trưởng thành: đập, bẫy, bẫy dính, mồi độc, khi dùng phải bảo đảm an toàn cho người và gia súc.
TABANIDAE - HỌ RUỒI TRÂU
Ruồi trâu thuộc lớp côn trùng hai cánh, hút máu. Ruồi trâu có nhiều chi, nhưng chi Tabanus và chi Chrysops có vai trò y học.
Đặc điểm hình thể.
Ruồi trưởng thành:
Có kích thước khoảng 6 - 30 mm, chiều dài trung bình khoảng 10 - 20 mm .
Đầu: có đôi mắt kép màu xám, có hai anten, mỗi anten có 3 đốt. Vòi ruồi trâu ngắn và khoẻ.
Ngực: lớn, có đôi cánh rộng, khoẻ, tùy từng chi, cánh có thể trong suốt hoặc có băng đen chạy ngang, có 3 đôi chân. Bụng: có đốt, những đốt cuối là cơ quan sinh dục, toàn thân ruồi có màu xám hoặc vàng, có nhiều lông cứng.
Hình : (a) Chysops fixissmus; (b) C.discalis Williston.
Trứng ruồi:
Hình bầu dục, thon dài, thường dính vào lá cây, vách đá nhô ra mặt nước.
Ấu trùng:
Ấu trùng có hình con sâu, thon ở hai đầu, miệng ấu trùng có màng kitin dài và nhọn. Ấu trùng có 3 đốt ngực và 10 đốt bụng.
Thanh trùng (nhộng):
Giống như nhộng của ruồi nhà nhưng kích thước lớn hơn.
Đặc điểm sinh học.
Vòng đời ruồi trâu phát triển qua 4 giai đoạn: trứng - ấu trùng - thanh trùng - trưởng thành.
Ruồi trưởng thành mỗi lần đẻ khoảng 100 - 800 trứng, sau 5 - 7 ngày trứng nở ra ấu trùng. Ấu trùng rơi xuống nước hoặc có thể ở trong bùn, cát. Ấu trùng ăn các loại côn trùng và động vật có trong môi trường. Sau khoảng gần 1 năm ấu trùng phát triển thành nhộng, những ấu trùng ở sâu trong bùn, cát sự phát triển thành nhộng khó khăn hơn. Sau từ 1 đến 3 tuần ruồi phá vỏ chui ra thành ruồi trâu trưởng thành.
Ruồi trâu cái hút máu người và động vật. Chi Tabanus mỗi lần hút 0,2 ml máu trong khoảng 10 phút. Ruồi hoạt động hút máu vào những ngày nắng, ấm, ẩm. Ruồi hoạt động nhiều ở ven suối, đồng cỏ, đầm lầy.
Vai trò y học.
Ở Việt Nam chưa nghiên cứu đầy đủ về vai trò truyền bệnh của ruồi trâu.
Ruồi trâu truyền được một số mầm bệnh giun chỉ, Trypanosoma, Tularemie...
Bệnh chủ yếu của động vật.
Ruồi trâu đốt rất đau, vết đốt thường bị viêm loét lâu khỏi.
Phòng chống.
Chưa có biện pháp hữu hiệu nào để phòng chống ruồi trâu.
Một số nước (Liên Xô cũ) dùng dầu hoả đổ vào nước để tạo màng mỏng hoặc rút nước trong các đầm lầy để diệt ấu trùng và thanh trùng.
Phun hoá chất diệt côn trùng như DDT, 666,... để diệt ruồi trưởng thành nhưng kết quả hạn chế.
-
Tài liệu mới nhất
-
Rung nhĩ trong suy tim cấp (Atrial fibrillation in acute heart failure)
21:40,28/11/2022
-
Hướng dẫn của ESC 2022 về quản lý bệnh nhân rối loạn nhịp thất và phòng ngừa đột tử do tim – P1
22:29,26/11/2022
-
So sánh giá trị các phân loại EU-TIRADS, K-TIRADS và ACR-TIRADS
21:21,20/11/2022
-
Quy chế công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của cơ quan Bộ Y tế
20:44,18/11/2022
-
Hướng dẫn: Ghi chép Phiếu chẩn đoán nguyên nhân tử vong
16:36,18/11/2022
-
Siêu âm thoát vị hoành thai nhi: Kỹ thuật đánh giá và tiên lượng trên siêu âm
22:35,13/11/2022
-
Não thoái hóa nước hay não úng thủy
21:30,12/11/2022
-
Theo dõi nỗ lực hít vào của bệnh nhân trong quá trình thở máy: Thông khí bảo vệ phổi và cơ hoành
21:10,07/11/2022
-
Time constant: Chúng ta cần biết gì để sử dụng nó?
21:43,06/11/2022
-
Làm thế nào tôi thiết lập áp lực dương cuối thì thở ra
20:30,06/11/2022
-
Rung nhĩ trong suy tim cấp (Atrial fibrillation in acute heart failure)