Bài giảng Áp dụng chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng Việt Nam vào thực hành CSNB
- Tác giả: Bộ Y tế
- Chuyên ngành: Điều dưỡng
- Nhà xuất bản:NHÀ XUẤT BẢN Y HỌC HÀ NỘI
- Năm xuất bản:2020
- Trạng thái:Chờ xét duyệt
- Quyền truy cập: Cộng đồng
Bài giảng Áp dụng chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng Việt Nam vào thực hành chăm sóc người bệnh
Nguồn : TÀI LIỆU ĐÀO TẠO THỰC HÀNH LÂM SÀNG CHO ĐIỀU DƯỠNG VIÊN MỚI – NHÀ XUẤT BẢN Y HỌC HÀ NỘI - Bộ Y tế 2020
MỞ ĐẦU
Nghề Y nói chung nghề điều dưỡng nói riêng được phân biệt với các nghề khác bởi nghĩa vụ đạo đức nghề nghiệp mang tính đặc thù, đó là: Chăm sóc, điều trị, cứu người, làm giảm nhẹ sự đau đớn của con người do bệnh tật và do các can thiệp y tế. Để hoàn thành nghĩa vụ nghề nghiệp đối với sự ủy thác của xã hội điều dưỡng viên phải vừa giỏi chuyên môn và vừa phải có đạo đức nghề nghiệp. Tính chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp là nền tảng của nghề điều dưỡng.
Chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng viên Việt Nam được xây dựng dựa trên các cơ sở: (1) Pháp lý: Dựa vào Điều 42 Luật Phòng chống tham nhũng; (2) Nghĩa vụ nghề nghiệp của điều dưỡng viên được quy định bởi: Các mối quan hệ với người bệnh, đồng nghiệp, nghề nghiệp và xã hội; (3) Những thách thức của y đức trong cơ chế thị trường: Nảy sinh những mâu thuẫn trong việc thực thi nghĩa vụ nghề nghiệp của điều dưỡng viên; (4) Trên cơ sở hội nhập quốc tế: Tham khảo Chuẩn đạo đức nghề nghiệp điều dưỡng viên của Hội đồng Điều dưỡng quốc tế (The ICN Code of Ethics for Nurses; 2000) và Quy tắc đạo đức y học của Hiệp hội Y học thế giới (Medical Ethics manual of the World Medical Asociation; 2005).
Chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng viên Việt Nam là những nguyên tắc, những giá trị nghề nghiệp, những khuôn mẫu để hướng dẫn điều dưỡng viên đưa ra các quyết định có đạo đức trong quá trình hành nghề. Chuẩn đạo đức nghề nghiệp cũng là cơ sở để người bệnh, người dân và người quản lý giám sát, đánh giá việc thực hiện của hội viên trên phạm vi cả nước. Mọi điều dưỡng viên cần cam kết áp dụng mọi lúc, mọi nơi hành nghề và tại các cơ sở y tế.
Chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng viên Việt Nam được ban hành theo Quyết định số 20/QĐ-HĐD, ngày 10 tháng 09 năm 2012 của Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam.
NỘI DUNG CHUẨN ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP CỦA ĐIỀU DƯỠNG VIÊN VIỆT NAM (Nội dung chi tiết trong phụ lục ở phần cuối bài)
Tám nội dung của Chuẩn đạo đức nghề nghiệp của Điều dưỡng viên Việt Nam
Bảo đảm an toàn cho người bệnh:
Tôn trọng người bệnh và người nhà người bệnh:
Thân thiện với người bệnh và gia đình người bệnh (GĐNB):
Trung thực trong khi hành nghề:
Duy trì và nâng cao năng lực hành nghề:
Tự tôn nghề nghiệp:
Thật thà đoàn kết với đồng nghiệp:
Cam kết với cộng đồng và xã hội:
ÁP DỤNG “CHUẨN ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP CỦA ĐIỀU DƯỠNG VIÊN VIỆT NAM” VÀO THỰC HÀNH CHĂM SÓC NGƯỜI BỆNH
Câu hỏi thảo luận về thực hiện Chuẩn đạo đức nghề nghiệp của Điều dưỡng viên Việt Nam trong thực hành chăm sóc
Với trải nghiệm của bản thân qua thời gian học tập tại bệnh viện hoặc đến thăm người nhà ốm tại các bệnh viện, bạn hãy:
Liệt kê những hành vi không phù hợp đạo đức của Điều dưỡng / hoặc cán bộ y tế (bạn đã từng chứng kiến);
Thảo luận về những vấn đề đã nêu.
Thảo luận về một số tình huống liên quan đến đạo đức nghề nghiệp trong thực hành chăm sóc người bệnh
Tình huống 1
Nội dung tình huống
Người bệnh Lê Văn M, 64 tuổi, đang nằm điều trị tại phòng bệnh số 6, khoa Ngoại bệnh viện C, với chẩn đoán vết thương phần mềm bàn chân trái do tai nạn lao động ngày thứ 2. Điều dưỡng T đi qua cửa phòng bệnh, ông M hỏi điều dưỡng T:
Ông M: Cô có thể cho tôi biết tên điều dưỡng phụ trách buồng bệnh số 6 không?
Điều dưỡng T: Tên cô ấy đã ghi trên bảng ở cửa phòng bệnh số 6, và khi làm việc cô ấy thường đeo biển tên, bác nằm ở đây mấy hôm mà vẫn chưa biết sao?
Ông M thấy chưa thoả đáng! Cảm ơn cô, tôi biết rồi!
Ngày điều trị thứ 5
Vết thương ông M bị nhiễm khuẩn, điều dưỡng H (Phụ trách phòng bệnh số 6) đến phòng bệnh và thông báo Ông M sẽ được chuyển sang phòng bệnh số 10.
Ông M: Tôi muốn ở lại phòng bệnh này, vì mấy người cùng nằm với nhau đã quen, tôi không muốn chuyển sang phòng khác!
Điều dưỡng H: Bác sĩ đã chỉ định rồi, bác phải chấp hành quy định chuyên môn, bác nói với người nhà chuẩn bị đồ cá nhân, chiều cháu sẽ chuyển phòng cho bác.
Người bệnh rất không thoải mái và không thể hiểu vì sao phải chuyển phòng điều trị?
Yêu cầu thảo luận
Nêu nhận xét về ứng xử (đúng/ chưa đúng) của hai điều dưỡng trong tình huống1 (đối chiếu với quy định của Chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng).
Đưa ra cách ứng xử đúng, phù hợp với quy định của Chuẩn đạo đức Điều dưỡng trong tình huống 1.
Tình huống 2:
Nội dung tình huống
Một phụ nữ đưa chồng bị chấn thương chân đến phòng khám cấp cứu của bệnh viện huyện X, lúc đó khoảng 12 giờ 15 phút. Điều dưỡng A đang trực tại phòng khám, điều dưỡng Ađã đón tiếp người bệnh và mời Bác sĩ khám. Sau khi khám, BS yêu cầu cho người bệnh đi chụp X quang.
Người nhà dìu người bệnh đi chụp X quang; điều dưỡng A lúc ấy đang ngồi ghi chép gì đó, nhìn thấy vợ người bệnh đang dìu người bệnh đi chụp X quang; người bệnh phàn nàn với vợ vì chân rất đau, khó đi lại.
Điều dưỡng Achỉ tay về phía chiếc cáng và nói với vợ người bệnh: “Cáng ở đó, chị lấy mà đẩy chồng đi, sao lại dắt chồng đi bộ để anh ấy đau!!!”. Người nhà dìu người bệnh lên cáng, loay hoay đẩy mà cáng không đi thẳng hướng. Một người nhà của người bệnh khác thấy vậy đã đến giúp và cùng hỗ trợ đẩy người bệnh đến phòng chụp phim.
Yêu cầu thảo luận
Nêu nhận xét về ứng xử và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn (đúng/chưa đúng), khi chăm sóc người bệnh của điều dưỡng A(đối chiếu với Chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng).
Đưa ra cách ứng xử đúng, phù hợp với quy định của Chuẩn đạo đức Điều dưỡng trong tình huống 2.
Tình huống 3
Nội dung tình huống
Điều dưỡng L (phòng khám), chuyển người bệnh từ Khoa khám bệnh vào Khoa điều trị. Điều dưỡng B (Khoa điều trị) từ chối chưa nhận người bệnh vì thiếu một số thủ tục hành chính; hai điều dưỡng tranh luận qua lại chưa đi đến thống nhất, làm cho người bệnh và gia đình thấy sốt ruột!
Yêu cầu thảo luận
Nêu nhận xét về ứng xử và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn (đúng/ chưa đúng), khi chăm sóc người bệnh của 2 điều dưỡng L và B (đối chiếu với Chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng).
Đưa ra cách ứng xử đúng, phù hợp với quy định của Chuẩn đạo đức Điều dưỡng trong tình huống 3.
Tình huống 4
Nội dung tình huống
Một người bệnh được người nhà đưa vào bệnh viện cấp cứu lúc hơn 1 giờ đêm trong tình trạng khó thở tím tái, người nhà đưa người bệnh vào luôn Khoa Nội, không qua Khoa cấp cứu (vì người bệnh đã có vài lần vào khoa nội điều trị). Điều dưỡng N (trực khoa Nội) không tiếp đón người bệnh vào khoa, hướng dẫn người bệnh ra khoa Khám bệnh để làm thủ tục nhập viện; gia đình người bệnh phản ứng và đe doạ sẽ kiện điều dưỡng; điều dưỡng N lúc đó lại càng cương quyết yêu cầu gia đình phải đưa người bệnh ra phòng khám làm thủ tục vào viện để đảm bảo nguyên tắc.
Yêu cầu thảo luận
Nêu nhận xét về ứng xử và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn (đúng/chưa đúng), khi chăm sóc người bệnh của điều dưỡng N (đối chiếu với Chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng).
Đưa ra cách ứng xử đúng, phù hợp với quy định của Chuẩn đạo đức Điều dưỡng trong tình huống 4.
Tình huống 5
Nội dung tình huống
Trong đêm trực tại khoa Nhi, một bà mẹ có con 5 tuổi (đang điều trị tại khoa) đề nghị điều dưỡng trực cho con chị ấy uống thuốc hạ sốt vì đang sốt cao.
Điều dưỡng H (đang trực) liền thực hiện đo nhiệt độ cho cháu, kết quả 390C. Bệnh nhi quấy khóc, bà mẹ rất nôn nóng, giục điều dưỡng cho bệnh nhi uống hạ sốt. Điều dưỡng trực lấy 1 gói efferalgan (trong tủ thuốc trực) cho bệnh nhi uống, sau đó vào báo cáo bác sĩ trực.
Bác sĩ trực không đồng ý với cách giải quyết của điều dưỡng H, đã phê bình vì cô ấy làm sai nguyên tắc; Điều dưỡng H không phục, và cho rằng mình làm như vậy là muốn cho bác sỹ được nghỉ ngơi một chút, không muốn đánh thức; mặt khác efferalgan là thuốc thông thường, có thể sử dụng rồi báo cáo sau!
Yêu cầu thảo luận
Nêu nhận xét về ứng xử, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và hợp tác làm việc (đúng/ chưa đúng), khi chăm sóc người bệnh của điều dưỡng H (đối chiếu với Chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng);
Đưa ra cách giải quyết đúng, phù hợp với quy định của Chuẩn đạo đức Điều dưỡng trong tình huống 5.
Học viên/ nhóm học viên trình bày, thảo luận câu hỏi và các tình huống.
Kết luận: “Chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng Việt Nam” được Hội Điều dưỡng Việt Nam ban hành theo Quyết định số 20/QĐ-HĐD, ngày 10 tháng 09 năm 2012. Là văn bản giúp các điều dưỡng viên đưa ra các quyết định có đạo đức trong quá trình hành nghề, cũng là cơ sở để người bệnh, người dân và người quản lý giám sát, đánh giá việc thực hiện của của các điều dưỡng trên phạm vi cả nước. Mọi điều dưỡng viên cần hiểu thấu đáo và vận dụng phù hợp các tiêu chuẩn đạo đức khi thực hành nghề nghiệp.
PHỤ LỤC: CHUẨN ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP CỦA ĐIỀU DƯỠNG VIÊN VIỆT NAM
Chương I: QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
Chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng viên áp dụng đối với hội viên của Hội Điều dưỡng Việt Nam, các Giáo viên điều dưỡng và Điều dưỡng trưởng các cấp (sau đây gọi tắt là điều dưỡng viên).
Điều 2. Mục đích
Giáo dục điều dưỡng viên tự rèn luyện theo các chuẩn mực đạo đức phù hợp với nghề điều dưỡng được xã hội thừa nhận;
Giúp điều dưỡng viên đưa ra các quyết định trong các tình huống hành nghề phù hợp. Công khai Chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng viên làm cơ sở để người dân, người bệnh (NB) và nhà quản lý y tế giám sát, đánh giá việc thực hiện của điều dưỡng viên (ĐDV).
Công bố Chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng viên Việt Nam đáp ứng yêu cầu thực hiện Thỏa thuận khung về công nhận dịch vụ điều dưỡng giữa Việt Nam với các nước ASEAN và các nước khác.
Chương II: CHUẨN ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP CỦA ĐIỀU DƯỠNG VIÊN VIỆT NAM
Điều 3. Bảo đảm an toàn cho người bệnh
Duy trì chuẩn mực thực hành tốt nhất có thể ở nơi làm việc;
Chịu trách nhiệm cá nhân về mọi quyết định và hành vi chuyên môn trong chăm sóc người bệnh;
Can thiệp kịp thời và báo cáo cho người phụ trách khi phát hiện các hành vi thực hành của người hành nghề không bảo đảm an toàn cho người bệnh.
Điều 4. Tôn trọng người bệnh và người nhà người bệnh
Tôn trọng tuổi, giới tính, dân tộc, tín ngưỡng của người bệnh;
Tôn trọng quyền tự quyết của người bệnh trong khi thực hành chăm sóc;
Tôn trọng danh dự, nhân phẩm và bảo đảm kín đáo tốt nhất có thể cho người bệnh khi chăm sóc và làm thủ thuật;
Cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan đến các giải pháp và hoạt động chăm sóc cho người bệnh;
Giữ gìn những bí mật liên quan đến bệnh tật và cuộc sống riêng tư của người bệnh;
Đối xử công bằng với mọi người bệnh.
Điều 5. Thân thiện với người bệnh và gia đình người bệnh (GĐNB)
Giới thiệu tên và chào hỏi người bệnh, GĐNB một cách thân thiện;
Lắng nghe người bệnh, GĐNB và đáp lại bằng câu nói ân cần với cử chỉ lịch sự;
Cung cấp dịch vụ chăm sóc kèm theo nụ cười thân thiện;
Giúp người bệnh giảm nhẹ đau đớn do bệnh tật và do phẫu thuật, thủ thuật.
Điều 6. Trung thực trong khi hành nghề
Trung thực trong việc quản lý, sử dụng thuốc và vật tư tiêu hao cho người bệnh;
Trung thực trong việc thực hiện các hoạt động chuyên môn chăm sóc người bệnh và thực hiện các chỉ định điều trị;
Trung thực trong việc ghi các thông tin trong hồ sơ bệnh án của người bệnh.
Điều 7. Duy trì và nâng cao năng lực hành nghề
Thực hiện đầy đủ chức năng nghề nghiệp của điều dưỡng viên;
Tuân thủ các quy trình kỹ thuật, các hướng dẫn chuyên môn khi chăm sóc người bệnh;
Học tập liên tục để cập nhật kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp;
Tham gia nghiên cứu và thực hành dựa vào bằng chứng.
Điều 8. Tự tôn nghề nghiệp
Giữ gìn và bảo vệ uy tín nghề nghiệp khi người khác làm tổn hại đến các giá trị và danh dự của nghề;
Tận tụy với công việc chăm sóc người bệnh và tự giác chấp hành các quy định ở nơi làm việc;
Từ chối nhận tiền hoặc lợi ích khác của người bệnh, gia đình người bệnh vì mục đích được ưu tiên trong khám bệnh, chữa bệnh;
Tôn trọng Điều lệ Hội và tự nguyện tham gia các hoạt động của Hội Điều dưỡng ở các cấp.
Điều 9. Thật thà đoàn kết với đồng nghiệp
Hợp tác và giúp đỡ đồng nghiệp hoàn thành nhiệm vụ;
Tôn trọng và bảo vệ danh dự, uy tín của đồng nghiệp;
Truyền thụ và chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp với đồng nghiệp.
Điều 10. Cam kết với cộng đồng và xã hội
Nói và làm theo các quy định của Pháp luật;
Gương mẫu tại cộng đồng và nơi sinh sống;
Tham gia các hoạt động từ thiện và bảo vệ môi trường.
Chương III: TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 11. Trách nhiệm của Ban chấp hành Trung ương Hội Điều dưỡng Việt Nam
Phối hợp với Bộ Y tế và Tổng Hội Y học Việt Nam tổ chức phát động thi đua thực hiện Chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng viên Việt Nam;
Xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng viên tới cấp tỉnh/thành hội và chi hội trực thuộc;
Giám sát, đánh giá kết quả triển khai thực hiện Chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng viên đối với các cấp hội;
Tổ chức sơ kết, tổng kết phổ biến các bài học, kinh nghiệm điển hình để nhân rộng trong toàn bộ hệ thống tổ chức của Hội Điều dưỡng Việt Nam ở các cấp;
Đề nghị khen thưởng kịp thời các tỉnh hội, thành hội, các chi hội, các cá nhân hội viên thực hiện tốt và kiến nghị với các cấp quản lý y tế xử lý kỷ luật đối với các cá nhân vi phạm Quy định này.
Điều 12. Trách nhiệm của Chủ tịch cấp tỉnh/thành hội và Chi hội trưởng Chi hội điều dưỡng
Chủ tịch cấp tỉnh, thành, ngành hội
Phối hợp với Sở Y tế, Điều dưỡng trưởng Sở Y tế, các ban ngành hữu quan tại địa phương tổ chức phát động thi đua, giới thiệu, phổ biến nội dung Chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng và xây dựng kế hoạch triển khai tới tất cả các chi hội.
Giám sát, đánh giá kết quả triển khai thực hiện Chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng viên đối với các chi hội trực thuộc.
Tổ chức sơ kết, phổ biến các bài học, kinh nghiệm điển hình để nhân rộng trong toàn bộ các chi hội.
Đề nghị khen thưởng kịp thời các chi hội, các cá nhân thực hiện tốt và kiến nghị các cấp quản lý y tế xử lý kỷ luật đối với các cá nhân vi phạm Quy định này.
Chi hội trưởng các chi hội
Phối hợp với Thủ trưởng đơn vị, Điều dưỡng trưởng bệnh viện xây dựng kế hoạch, tổ chức cho tất cả hội viên học tập và thực hiện Chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng viên.
Hướng dẫn cho từng hội viên định kỳ tự đánh giá bản thân theo Chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng viên theo Bộ công cụ hướng dẫn của Trung ương Hội Điều dưỡng Việt Nam (phụ lục 1 kèm theo văn bản này).
Phối hợp với các Điều dưỡng trưởng đánh giá kết quả thực hiện Chuẩn đạo đức nghề nghiệp của hội viên và phản hồi kết quả đánh giá tới từng hội viên theo Bộ công cụ hướng dẫn của Trung ương Hội Điều dưỡng Việt Nam (phụ lục 2 kèm theo văn bản này).
Báo cáo kết quả triển khai thực hiện Chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng viên cho tổ chức Hội cấp trên và cơ quan quản lý y tế cùng cấp.
Đề nghị khen thưởng kịp thời các cá nhân hội viên thực hiện tốt và đề nghị xử lý kỷ luật đối với các cá nhân vi phạm Quy định này.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Hội Điều dưỡng Việt Nam (2012). Quyết định số 20/QĐ-HĐD, ngày 10 tháng 9 năm 2012 ban hành Chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng viên.
-
Tài liệu mới nhất
-
Tính hữu ích của thuốc an thần dạng hít ở bệnh nhân ARDS nặng do COVID-19
20:51,26/03/2023
-
Khuyến cáo về vận chuyển bệnh nhân bệnh nặng trong bệnh viện
22:45,13/03/2023
-
Hồi Sức Sớm Và Tối Ưu Hóa Huyết Động
21:58,13/03/2023
-
Chăm sóc trẻ sau ngừng tim: Tuyên bố khoa học từ Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ
21:13,09/03/2023
-
Xử trí sau Hồi sức ngưng tim trẻ em
20:47,09/03/2023
-
Nhiễm trùng phổi biến chứng ARDS
20:51,21/02/2023
-
Sự phân chia cơ học hô hấp ở bệnh nhân mắc HC nguy kịch hô hấp cấp tính và mối liên hệ với kết cục
20:54,17/02/2023
-
THÔNG TƯ : QĐ chi tiết về hoạt động và mối quan hệ công tác của Hội đồng Giám định y khoa các cấp
21:34,11/02/2023
-
Áp lực thực quản (Esophageal Manometry )
22:24,09/02/2023
-
Áp lực xuyên phổi: tầm quan trọng và giới hạn
22:55,07/02/2023
-
Tính hữu ích của thuốc an thần dạng hít ở bệnh nhân ARDS nặng do COVID-19