Ứng dụng Laser trong trẻ hóa da
- Tác giả: Adam S. Aldahan, BS, Stephanie Mlacker, BS, Vidhi V. Shah, BA, Mohammed Alsaidan, MD, Keyvan Nouri, MD
- Chuyên ngành: Da Liễu
- Nhà xuất bản:Biên dịch: Bs. Trương Tấn Minh Vũ
- Năm xuất bản:Đang cập nhật
- Trạng thái:Chờ xét duyệt
- Quyền truy cập: Cộng đồng
Ứng dụng Laser trong trẻ hóa da
Tác giả: Adam S. Aldahan, BS, Stephanie Mlacker, BS, Vidhi V. Shah, BA, Mohammed Alsaidan, MD, Keyvan Nouri, MD
University of Miami Miller School of Medicine, Department of Dermatology and Cutaneous Surgery, Miami, FL, US
Biên dịch: Bs. Trương Tấn Minh Vũ
NHỮNG ĐIỂM CHÍNH
Laser là một phương tiện hiệu quả để điều trị các tình trạng như lão hoá do ánh sáng, nếp nhăn và sẹo mụn.
Laser xâm lấn loại bỏ đi các lớp mỏng của da, cho kết quả ấn tượng nhất nhưng cũng có nguy cơ biến chứng cao hơn và thời gian lành thương lâu hơn.
Laser không xâm lấn tác động tới lớp bì mà không làm tổn thương lớp biểu bì bề mặt, dễ chịu hơn khi điều trị và ít biến chứng hơn.
Ánh sáng xung mạnh (IPL) và liệu pháp quang động là những biện pháp thay thế trong trẻ hóa da.
Cả laser xâm lấn và không xâm lấn đều thúc đẩy tăng trưởng collagen để làm căng và săn chắc da.
Các phương pháp mới như laser fractional đang cho thấy sự hứa hẹn trong việc trẻ hóa da cùng với việc giảm tác dụng phụ.
GIỚI THIỆU
Trong lĩnh vực da liễu thẩm mỹ, trẻ hóa liên quan đến sự cải thiện bề ngoài tươi trẻ của làn da. Nhiều vấn đề của da có thể được trẻ hóa, bao gồm nếp nhăn, da lỏng lẻo và thay đổi sắc tố. Mặc dù có rất nhiều lựa chọn phẫu thuật để điều trị các tình trạng này, nhưng cũng có nhiều lựa chọn không phẫu thuật thay thế, bao gồm lột hóa chất, sóng vô tuyến và trẻ hóa da bằng ánh sáng.
Phương pháp trẻ hóa da bằng ánh sáng sử dụng tia laser, ánh sáng xung mạnh hoặc liệu pháp quang động để đạt được kết quả hài lòng về mặt thẩm mỹ. Tái tạo bề mặt bằng laser xâm lấn là một phương thức thường được sử dụng, nhưng liên quan đến việc tăng đau cũng như các biến chứng. Việc tái tạo bề mặt bằng laser không xâm lấn thường có ít biến chứng hơn nhưng có thể không mang lại kết quả rõ rệt. Ánh sáng xung mạnh và liệu pháp quang động là những can thiệp không xâm lấn cho kết quả tương tự như tái tạo bề mặt bằng laser không xâm lấn. Các thủ thuật này liên tục thay đổi và phát triển với hy vọng tối ưu hóa kết quả thẩm mỹ với ít tác dụng phụ nhất.
LỊCH SỬ TRẺ HOÁ DA MẶT
Trẻ hóa da mặt bắt đầu từ những năm 1990 với việc sử dụng laser CO2 dạng xung. Trước thời điểm này, laser CO2 chỉ có sẵn ở chế độ liên tục và được sử dụng thay thế cho dao mổ để cắt da [1]. C n được gọi là laser "không than", laser CO2 dạng xung cho phép cắt bỏ có kiểm soát các lớp da rất mỏng với tổn thương tối thiểu đối với các mô xung quanh [2]. Các loại laser khác như Er: YAG cũng đã được sử dụng theo cách tương tự như laser CO2. Các phương thức mới như liệu pháp laser fractional xâm lấn gần đây đã được thử nghiệm để trẻ hóa khuôn mặt với hy vọng điều trị sâu hơn vào da với tác dụng phụ được giảm thiểu.
TÁI TẠO BỀ MẶT DA BẰNG LASER XÂM LẤN
Tái tạo bề mặt bằng laser xâm lấn là quá trình loại bỏ các lớp da để điều trị các tình trạng da khác nhau như nếp nhăn, sẹo và đốm nâu. Laser hoạt động bằng cách nhắm mục tiêu là nước trong bề mặt da, được hấp thụ cực đại ở bước sóng ở 3.000nm. Hai laser thường được sử dụng để tái tạo bề mặt laser là laser CO2 và Er: YAG. Tái tạo bề mặt bằng laser có thể gây đau, vì vậy có thể dùng thuốc giảm đau trước khi làm thủ thuật. Ngoài ra, phong bế thần kinh hoặc thuốc gây tê tại chỗ cũng có thể được sử dụng để giảm đau cục bộ trong khu vực điều trị [3]. Do loại bỏ hoàn toàn lớp biểu bì và có nguy cơ biến chứng, việc tái tạo bề mặt bằng laser chỉ hạn chế ở mặt và cổ [4].
Laser CO2 là loại laser được sử dụng phổ biến nhất để tái tạo bề mặt. Nó hoạt động bằng cách làm nóng collagen trong da, tạo hiệu ứng làm săn chắc da. Collagen mới cũng được sản xuất theo thời gian và làm giảm sự lỏng lẻo của da. Không giống như các phương thức khác như dermabrasion và lột hóa chất, laser CO2 cung cấp năng lượng đến độ sâu chính xác trên da theo cách được kiểm soát. Điều này cho phép chỉ gây thiệt hại nhiệt tối thiểu cho các mô xung quanh [1].
Laser Er: YAG cũng thường xuyên được sử dụng để tái tạo bề mặt. Với bước sóng 2.940nm, Laser Er: YAG nhắm mục tiêu là nước trong da. Er: YAG có thể điều trị sẹo mụn và tổn thương da ánh sáng [5]. Nó hoạt động chủ yếu bằng cách bóc bay lớp biểu bì bề mặt nhưng cũng có tác dụng sâu hơn trong da. Er: YAG tác động sự sản xuất collagen trong da để tái cấu trúc lớp bì. Đây là cơ chế chính giúp giảm nếp nhăn [6]. Kết quả của laser Er: YAG nhìn chung ít ấn tượng hơn với so với CO2, nhưng tác dụng phụ giảm hơn. Các tác dụng phụ chính bao gồm nhiễm trùng, sẹo và thay đổi sắc tố. Một ưu điểm khác của điều trị Er: YAG là thời gian điều trị ngắn hơn so với laser CO2 [5].
Một phương pháp mới đang được ứng dụng nhiều là phân đoạn chùm tia của laser CO2 hoặc laser Er: YAG. Trái ngược với các laser truyền thống với một chùm lớn, laser phân đoạn cho phép năng lượng được phân phối đến nhiều vùng nhỏ với độ xuyên sâu vào da giống nhau. Cơ chế này được cho là cho phép thâm nhập sâu hơn vào lớp bì so với liệu pháp laser truyền thống [7]. Laser fractional CO2 và laser fractional Er: YAG đã chứng minh thành công trong điều trị da lỏng lẻo ở cổ, nếp nhăn và kết cấu da [8]. Tuy nhiên, kết quả của liệu pháp laser phân đoạn thường ít được thấy rõ hơn so với liệu pháp laser chùm đơn, mặc dù các tác dụng phụ cũng giảm [5].
TÁI TẠO BỀ MẶT DA BẰNG LASER KHÔNG XÂM LẤN
Có những tùy chọn không xâm lấn để trẻ hóa khuôn mặt. Những tia laser này hoạt động bằng cách gây ra tổn thương cho lớp bì trong khi để lại lớp biểu bì phía trên tương đối không tổn thương gì. Các phương pháp điều trị như laser nhuộm xung (PDL) và ánh sáng xung mạnh (IPL) đã được chứng minh là thúc đẩy tăng trưởng collagen, mặc dù hiệu quả không ấn tượng như phương pháp xâm lấn. Chúng cũng cải thiện thương tổn màu đỏ và sẹo phì đại. Laser hồng ngoại đã được sử dụng để điều trị lão hóa ánh sáng và sẹo. Tuy nhiên, chúng không cải thiện nhiều dấu hiệu của sắc tố hoặc thương tổn màu đỏ. Laser hồng ngoại có khả năng tạo ra nhiều nhiệt trong lớp bì hơn PDL và IPL. Tác dụng này gây ra sự sản sinh collagen nhiều hơn làm dày lớp bì, có kết quả tốt hơn trong điều trị các nếp nhăn và sẹo mụn [4].
LIỆU PHÁP QUANG ĐỘNG
Liệu pháp quang động (PDT) cung cấp một phương pháp điều trị hiệu quả khác cho trẻ hóa da. Phương pháp này dùng một hợp chất bôi tại chỗ cho da để làm cho nó nhạy cảm với một ánh sáng nhất định. Sau đó, lớp da nhạy cảm với ánh sáng được tiếp xúc với nguồn sáng cụ thể này, gây ra phản ứng có kiểm soát. Các chất cảm quang được sử dụng phổ biến nhất là axit 5-aminolevulinic (5-ALA), cũng có thể chất cảm quang thực sự là sản phẩm phụ của 5-ALA sau khi được hấp thụ vào da. Khi được bôi lên da, hợp chất này tập trung ở những khu vực có tổn thương, vì vậy tác động của ánh sáng lớn nhất ở các khu vực này [4]. Một trong những nguồn ánh sáng hiệu quả nhất trong liệu pháp quang động là ánh sáng xung mạnh (IPL) [9]. Dùng 5ALA kết hợp IPL cho thấy hiệu quả hơn so với IPL đơn thuần trong điều trị lão hóa do ánh sáng [10].
Đặc biệt trong trẻ hóa da, liệu pháp quang động có hiệu quả trong việc giảm đỏ, nám, nếp nhăn và sẹo mụn. Nó thường được chịu đựng tốt hơn so với các phương thức khác như phẫu thuật, điều trị bằng laser và kem bôi. So với các phương pháp điều trị thay thế, PDT được hầu hết bệnh nhân ưa thích để điều trị bệnh dày sừng ánh sáng [11]. Nó cũng được cho là phương pháp điều trị có mức chi phí- hiệu quả nhất đối với dày sừng ánh sáng [12].
CHUẨN BỊ KHI LÀM THỦ THUẬT
Trước khi làm thủ thuật, cần thảo luận về tiền sử y tế với bác sĩ. Bác sĩ cần biết về các tình trạng như da nhạy cảm, phản ứng của da, sẹo phì đại. Cần trao đổi với bác sĩ về các loại thuốc đang dùng trong trường hợp cần ngừng một số thuốc trước khi làm thủ thuật. Cố gắng tránh ánh nắng mặt trời và không thoa bất kỳ loại nước hoa nào vào khu vực được điều trị [3]. Thủ thuật thường được thực hiện trong một khoảng thời gian ngắn, một số trường hợp nhất định có thể kéo dài hơn. Đối với trẻ hóa bằng laser không xâm lấn, thường ít đau, có thể sử dụng thuốc giảm đau hY phong bế thần kinh tại chỗ. Thủ thuật laser xâm lấn thường đau hơn, nhưng cơn đau có thể được giảm theo cách tương tự ở trên [3].
CHĂM SÓC SAU THỦ THUẬT
Đối với các thủ thuật xâm lấn, có thể mất từ 3-10 ngày để vết thương lành. Tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và chăm sóc vết thương đúng cách. Bác sĩ sẽ hướng dẫn cách chăm sóc vết thương thích hợp và sắp xếp cuộc hẹn để theo dõi. Thủ thuật không xâm lấn có thời gian phục hồi nhanh hơn nhiều. Tránh ánh nắng mặt trời để giảm bớt tổn thương cho da, đồng thời thoa kem chống nắng ít nhất 30 SPF khi ra ngoài. Chườm lạnh có thể được sử dụng để giảm đau, và trang điểm có thể được sử dụng một cách an toàn để che đi các vết đỏ. Mặc dù ban đầu làn da sẽ hồi phục tương đối nhanh chóng, nhưng có thể mất vài tháng để việc phát triển collagen trong da có sự khác biệt đáng kể. Liên hệ với bác sĩ da liễu nếu bị nhiễm trùng, sẹo hoặc tăng sắc tố ở vùng được điều trị [3].
KẾT LUẬN
Laser là phương pháp can thiệp hiệu quả cho trẻ hóa da vùng mặt và cổ. Lĩnh vực này tương đối mới, nhưng đang phát triển nhanh chóng với nhiều lựa chọn điều trị. Laser xâm lấn thường có hiệu quả hơn trong việc loại bỏ các nếp nhăn và sẹo mụn, nhưng có nguy cơ biến chứng cao hơn. Laser không xâm lấn là lựa chọn an toàn hơn, mặc dù hiệu quả có thể bị giảm. Liệu pháp laser phân đoạn là một phương pháp mới cho thấy sự hứa hẹn trong việc làm trẻ hóa làn da hiệu quả trong khi làm giảm tác dụng phụ. Nhìn chung, các phương thức này có thể cải thiện đáng kể bề mặt của da.
KHUYẾN NGHỊ
Trẻ hóa bằng laser xâm lấn có thể được sử dụng để điều trị lão hoá ánh sáng, nếp nhăn và sẹo mụn. Nó rất hiệu quả nhưng có nguy cơ nhiễm trùng và thay đổi sắc tố, cũng như thời gian chữa lành lâu nhất trong số tất cả các lựa chọn.
Trẻ hóa bằng laser không xâm lấn là lý tưởng cho những bệnh nhân không thể chịu đựng cơn đau hoặc không thể chờ đợi nhiều ngày để chữa lành. Kết quả nhìn chung ít ngoạn mục hơn nhưng vẫn có thể làm hài lòng về mặt thẩm mỹ.
Liệu pháp quang động có nhiều ưu điểm so với trị liệu bằng laser và thường được bệnh nhân ưa thích. Hỏi bác sĩ da liễu về tất cả các lựa chọn trước khi chọn một.
Luôn nhớ dùng kem chống nắng trên khu vực điều trị trước và sau khi làm thủ thuật.
Hãy kiên nhẫn chờ kết quả của thủ thuật. Vết thương có thể lành khá nhanh, nhưng cần mất nhiều tháng để sự phát triển collagen trong da có sự khác biệt đáng kể.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Riggs, K., M. Keller, and T. R. Humphreys. 2007. “Ablative laser resurfacing: highenergy pulsed carbon dioxide and erbium:yttrium- aluminum-garnet.” Clin Dermatol 25 (5):462-73. doi: 10.1016/j.clindermatol.2007.07.003.
Kauvar, A. N., H. A. Waldorf, and R. G. Geronemus. 1996. “A histopathological comparison of “char-free” carbon dioxide lasers.” Dermatol Surg 22 (4):343-8.
2015. “Laser Resurfacing.” American Society for Dermatologic Surgery. https://www.asds.net/LaserResurfacingInformation.aspx.
DeHoratius, D. M., and J. S. Dover. 2007. “Nonablative tissue remodeling and photorejuvenation.” Clin Dermatol 25 (5):474-9. doi: 10.1016/j.clindermatol. 2007.05.006.
Farshidi, D., W. Hovenic, and C. Zachary. 2014. “Erbium:yttrium aluminum garnet ablative laser resurfacing for skin tightening.” Dermatol Surg 40 Suppl 12:S152-6. doi: 10.1097/DSS. 0000000000000226.
Orringer, J. S., L. Rittie, T. Hamilton, D. J. Karimipour, J. J. Voorhees, and G. J. Fisher. 2011. “Intraepidermal erbium:YAG laser resurfacing: impact on the dermal matrix.” J Am Acad Dermatol 64 (1):119-28. doi: 10.1016/j.jaad.2010.02.058.
Ortiz, A. E., M. P. Goldman, and R. E. Fitzpatrick. 2014. “Ablative CO2 lasers for skin tightening: traditional versus fractional.” Dermatol Surg 40 Suppl 12:S147-51. doi: 10.1097/DSS.0000000000000230.
Tierney, E. P., and C. W. Hanke. 2009. “Ablative fractionated CO2, laser resurfacing for the neck: prospective study and review of the literature.” J Drugs Dermatol 8 (8):723-31.
Tierney, E., A. Barker, J. Ahdout, C. W. Hanke, R. L. Moy, and D. J. Kouba. 2009. “Photodynamic therapy for the treatment of cutaneous neoplasia, inflammatory disorders, and photoaging.” Dermatol Surg 35 (5):725-46. doi: 10.1111/j.15244725.2009.01117.x.
Dover, J. S., A. C. Bhatia, B. Stewart, and K. A. Arndt. 2005. “Topical 5aminolevulinic acid combined with intense pulsed light in the treatment of photoaging.” Arch Dermatol 141 (10):1247-52. doi: 10.1001/archderm.141.10.1247.
Tierney, E. P., M. J. Eide, G. Jacobsen, and D. Ozog. 2008. “Photodynamic therapy for actinic keratoses: survey of patient perceptions of treatment satisfaction and outcomes.” J Cosmet Laser Ther 10 (2):81-6. doi: 10.1080/14764170802056117.
Gold, M. H. 2008. “Pharmacoeconomic analysis of the treatment of multiple actinic keratoses.” J Drugs Dermatol 7 (1):23-5.
-
Tài liệu mới nhất
-
Chuẩn năng lực cơ bản của Bác sĩ Y học cổ truyền Việt Nam
09:51,03/12/2022
-
Rung nhĩ trong suy tim cấp (Atrial fibrillation in acute heart failure)
21:40,28/11/2022
-
Hướng dẫn của ESC 2022 về quản lý bệnh nhân rối loạn nhịp thất và phòng ngừa đột tử do tim – P1
22:29,26/11/2022
-
So sánh giá trị các phân loại EU-TIRADS, K-TIRADS và ACR-TIRADS
21:21,20/11/2022
-
Quy chế công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của cơ quan Bộ Y tế
20:44,18/11/2022
-
Hướng dẫn: Ghi chép Phiếu chẩn đoán nguyên nhân tử vong
16:36,18/11/2022
-
Siêu âm thoát vị hoành thai nhi: Kỹ thuật đánh giá và tiên lượng trên siêu âm
22:35,13/11/2022
-
Não thoái hóa nước hay não úng thủy
21:30,12/11/2022
-
Theo dõi nỗ lực hít vào của bệnh nhân trong quá trình thở máy: Thông khí bảo vệ phổi và cơ hoành
21:10,07/11/2022
-
Time constant: Chúng ta cần biết gì để sử dụng nó?
21:43,06/11/2022
-
Chuẩn năng lực cơ bản của Bác sĩ Y học cổ truyền Việt Nam