QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN Y TẾ
- Tác giả: Bộ Y Tế
- Chuyên ngành: Chống nhiễm khuẩn
- Nhà xuất bản:Bộ Y Tế
- Năm xuất bản:2012
- Trạng thái:Chờ xét duyệt
- Quyền truy cập: Cộng đồng
QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN Y TẾ
NỘI DUNG
Căn cứ vào Quyết định số 43/2007/QĐ-BYT, ngày 30 tháng 11 năm 2007 của Bộ Y tế mỗi cơ sở y tế cần phải xây dựng quy trình thu gom và quản lý chất thải, hướng dẫn để mọi NVYT có thể áp dụng trong thực hành.
Chất thải y tế nguy hại là chất thải có chứa một trong các thành phần có dính máu, dịch tiết, chất gây độc tế bào, chất phóng xạ, các chất dễ cháy, nổ và các chất hóa học nguy hại.
Quy trình quản lí chất thải y tế từ khi chất thải phát sinh tới khâu tiêu hủy cuối cùng bao gồm: Phân loại ngay tại nguồn; thu gom; xử lí ban đầu đối với chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao; vận chuyển; lưu giữ tạm thời trong cơ sở y tế; vận chuyển bên ngoài cơ sở y tế; tiêu hủy an toàn chất thải nguy hại.
Bài này tập trung vào 2 khâu trong quy trình quản lý chất thải rắn y tế là phân loại và thu gom.
MỤC ĐÍCH
Quản lý và xử lý an toàn chất thải rắn y tế.
Bảo vệ sức khỏe cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng.
PHÂN NHÓM CHẤT THẢI
Chất thải y tế lây nhiễm.
Chất thải hoá học nguy hại.
Chất thải phóng xạ.
Bình áp suất.
Chất thải thông thường.
Bài này tập trung vào hai nhóm chất thải y tế phổ biến nhất là nhóm chất thải lây nhiễm và nhóm chất thải thông thường.
PHÂN LOẠI VÀ NHẬN DẠNG CÁC CHẤT THẢI
Phân loại và nhận dạng chất thải lây nhiễm
Chất thải sắc nhọn bao gồm: Bơm kim tiêm, đầu sắc nhọn của dây truyền, lưỡi dao mổ, đinh mổ, cưa, các ống tiêm, mảnh thuỷ tinh vỡ và các vật sắc nhọn khác sử dụng trong các hoạt động y tế.
Chất thải lây nhiễm không sắc nhọn bao gồm: Chất thải thấm máu, thấm dịch sinh học của cơ thể và các chất thải phát sinh từ buồng bệnh cách ly.
Chất thải lây nhiễm cao bao gồm: Chất thải phát sinh trong các phòng xét nghiệm như: Bệnh phẩm và dụng cụ đựng/dính bệnh phẩm.
Chất thải giải phẫu bao gồm: Các mô, cơ quan, bộ phận cơ thể người; rau thai, bào thai và xác động vật thí nghiệm.
Phân loại và nhận dạng chất thải thông thường
Chất thải sinh hoạt phát sinh từ các buồng bệnh (trừ các buồng bệnh cách ly).
Chất thải phát sinh từ các hoạt động chuyên môn y tế: Các chai lọ thuỷ tinh, chai huyết thanh, các vật liệu nhựa, các loại bột bó trong gẫy xương kín. Những chất thải này không dính máu, dịch sinh học và các chất hoá học nguy hại.
Chất thải phát sinh từ các công việc hành chính: Giấy, báo, tài liệu, vật liệu đóng gói, thùng các tông, túi nilon, túi đựng phim.
Chất thải ngoại cảnh: Lá cây và rác từ các khu vực ngoại cảnh.
Hệ thống mã mầu các phương tiện chứa, đựng chất thải rắn y tế
Màu vàng đựng chất thải lây nhiễm.
Màu đen đựng chất thải hoá học nguy hại và chất thải phóng xạ.
Màu xanh đựng chất thải thông thường và các bình áp suất nhỏ.
Mầu trắng đựng chất thải tái chế.
NGUYÊN TẮC PHÂN LOẠI VÀ THU GOM CHẤT THẢI Y TẾ
Phân loại chất thải ngay tại nguồn phát sinh: người phát sinh ra chất thải phải phân loại riêng theo từng nhóm và từng loại đúng quy định. Mỗi nhóm/loại chất thải rắn phải được đựng trong các túi và thùng có mã mầu và biểu tượng theo quy định, không đựng quá 3/4 túi, thùng.
Đặt thùng, hộp đựng chất thải phải gần nơi chất thải phát sinh. Phương tiện, thùng, hộpđựng vật sắc nhọn phải để ngay cạnh các xe tiêm, nơi làm thủ thuật.
Thu gom và chuyển khỏi các khoa lầm sàng, buồng bệnh tối thiểu ngày một lần và khi cần.
NGUYÊN TẮC VẬN CHUYỂN CHẤT THẢI TRONG CƠ SỞ KHÁM, CHỮA BỆNH
Vận chuyển chất thải từ các khoa phòng về nơi lưu giữ chất thải của cơ sở khám, chữa bệnh ít nhất một lần/ngày và khi cần.
Cơ sở y tế phải quy định đường vận chuyển và giờ vận chuyển chất thải. Tránh vận chuyển chất thải qua các khu vực chăm sóc người bệnh và các khu vực sạch khác.
Vận chuyển chất thải bằng xe chuyên dụng có nắp đậy kín; không được làm rơi, vãi chất thải, nước thải và phát tán mùi hôi trong quá trình vận chuyển.
NGUYÊN TẮC LƯU GIỮ CHẤT THẢI RẮN TRONG CƠ CỞ KHÁM, CHỮA BỆNH
Lưu giữ riêng chất thải y tế nguy hại và chất thải thông thường
Nơi lưu giữ chất thải phải cách xa nhà ăn, buồng bệnh, lối đi công cộng và khu vực tập trung đông người tối thiểu là 100 mét.
Có đường để xe chuyên chở chất thải từ bên ngoài đến.
Nhà lưu giữ chất thải phải có mái che, có hàng rào bảo vệ, có cửa và có khoá. Không để súc vật, các loài gậm nhấm và người không có nhiệm vụ tự do xâm nhập.
Diện tích phù hợp với lượng chất thải phát sinh của cơ sở khám, chữa bệnh.
Có phương tiện rửa tay, phương tiện bảo hộ cho nhân viên, có dụng cụ, hoá chất làm vệ sinh.
Có hệ thống cống thoát nước, tường và nền chống thấm, thông khí tốt.
Khuyến khích các cơ sở khám, chữa bệnh lưu giữ chất thải trong nhà có bảo quản lạnh.
Thời gian lưu giữ chất thải trong các cơ sở khám, chữa bệnh không quá 48 giờ. Lưu giữ chất thải trong nhà bảo quản lạnh hoặc thùng lạnh có thể đến 72 giờ, chất thải giải phẫu phải chuyển đi chôn hoặc tiêu huỷ hàng ngày.
CÁC PHƯƠNG PHÁP TIÊU HỦY CHẤT THẢI RẮN Y TẾ
Tiêu hủy chất thải lây nhiễm sắc nhọn
Cô lập trong hộp an toàn và thiêu đốt trong lò đốt.
Cách 1: Cho cả bơm tiêm có gắn kim vào thùng đựng vật sắc nhọn bằng nhựa hoặc bìa cát tông, có khả năng kháng thủng. Treo hộp an toàn trên các xe tiêm hoặc bàn tiêm, khi hộp đầy 3/4 dán kín miệng chuyển đi thiêu đốt cùng chất thải lây nhiễm ở nơi thiêu đốt tập trung ngoài cơ sở khám, chữa bệnh .
Cách 2: Gạt kim tiêm ở miệng của thùng đựng vật sắc nhọn chuyên biệt có chổ gạt kim riêng. Nếu không có thùng này, tách kim tiêm ra khỏi bơm tiêm bằng kìm, sau đó cô lập kim tiêm vào hộp an toàn / các chai nhựa sẵn có (có nhãn theo Quy chế quản lý chất thải y tế). Bơm tiêm sau tiêm cho ngay vào túi nilon mầu vàng chứa chất thải lây nhiễm và vận chuyển cùng chất thải lây nhiễm đem đi thiêu đốt.
Chú ý: việc tách rời kim tiêm khỏi bơm tiêm sau tiêm không được khuyến cáo và cần phải cân nhắc kỹ điểm lợi và điểm hại, khi tháo kim có thể dẫn tới nguy cơ bị tai nạn rủi ro do kim đâm vào tay cho NVYT.
Cắt bơm tiêm và kim tiêm bằng thiết bị cắt kim
Dụng cụ cần thiết: Thiết bị cắt kim (needle cutter) để trên xe tiêm hoặc bàn tiêm; túi nilon mầu vàng đựng bơm tiêm; hố chôn kim được xây bằng bê tông, có nắp bằng bê tông và trên nắp có thiết kế một ống kim loại đường kính 15 cm để thải bỏ kim tiêm vào trong hố.
Quy trình cắt và xử lý kim tiêm:
+ Đặt thiết bị cắt kim chắc chắn trên bàn tiêm hoặc xe tiêm.
+ Cắt ngay từng bơm kim tiêm sau mỗi lần tiêm.
+ Vị trí cắt là điểm khớp giữa đốc kim và đầu ambu.
+ Cho bơm tiêm sau khi đã cắt vào trong túi nilon mầu vàng đựng chất thải nhiễm khuẩn.
+ Tháo hộp đựng kim tiêm sau khi đã được chứa đầy 2/3 hộp từ thiết bị cắt kim, sau đó đậy kín nắp hộp (chú ý tháo cẩn thận để kim tiêm không văng ra khỏi hộp).
+ Chuyển ngay hộp đựng kim tiêm ra hố chôn kim, mở nắp hộp, đổ kim tiêm đã cắt vào hố và đậy kín nắp hố chốn kim.
+ Khử khuẩn hộp đựng kim để dùng lại.
Chú ý: Thiết bị cắt kim phải lau chùi hàng ngày sau mỗi buổi tiêm và hàng tháng cần tháo rời từng bộ phận để bảo dưỡng.
Tiêu hủy chất thải lây nhiễm không sắc nhọn
Cách 1: Thiêu đốt trong lò đốt chuyên dụng.
Cách 2: Khử khuẩn bằng hơi nóng trong máy khử khuẩn chuyên dụng hoặc bằng thiết bị vi sóng để tiêu diệt các tác nhân vi sinh. Chất thải lây nhiễm sau khi khử khuẩn được xử lý như chất thải thông thường. Hiện nay, Bộ Y tế khuyến cáo thay thế dần công nghệ đốt chất thải sang công nghệ khử khuẩn để phòng ngừa phát tán các khí có chứa dioxin và fuaran vào không khí.
Cách 3: Chôn lấp hợp vệ sinh, áp dụng tạm thời đối với các cơ sở y tế các tỉnh miền núi và trung du chưa có cơ sở xử lý chất thải y tế nguy hại đạt tiêu chuẩn tại địa phương. Nơi chôn lấp tại địa điểm theo quy định của chính quyền và được sự chấp thuận của cơ quan quản lý môi trường tại địa phương. Hố chôn lấp phải có hàng rào vây quanh, cách xa giếng nước, xa nhà ở tối thiểu 100m, đáy hố cách mức nước bề mặt tối thiểu 1,5 mét, miệng hố nhô cao và che tạm thời để tránh nước mưa, mỗi lần chôn chất thải phải đổ lên trên mặt hố lớp đất dầy từ 10- 25 cm và lớp đất trên cùng dầy 0,5 mét. Không chôn chất thải lây nhiễm lẫn với chất thải thông thường. Chất thải lây nhiễm phải được khử khuẩn trước khi chôn lấp.
Tiêu hủy chất thải giải phẫu
Cách 1: Phân loại riêng, cô lập trong 2 túi nilon mầu vàng, thiêu đốt như chất thải y tế lây nhiễm.
Cách 2: Phân loại riêng, cô lập trong 2 túi nilon mầu vàng, cho vào thùng và chuyển đi chôn tại nghĩa trang.
Cách 3: Phân loại riêng, cô lập trong 2 túi nilon mầu vàng, chôn trong hố bê tông, có đáy và có nắp kín trong khu đất của cơ sở khám, chữa bệnh (chỉ áp dụng với các cơ sở khám, chữa bệnh miền núi, có khu đất rộng và chưa có điều kiện xử lý chất thải y tế theo tiêu chuẩn quy định.
Xử lý ban đầu chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao
Chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao phải được xử lý an toàn ở gần nơi chất thải phát sinh.
Phương pháp xử lý ban đầu chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao có thể áp dụng một trong các phương pháp sau:
Khử khuẩn bằng hoá chất: Ngâm chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao trong dung dịch Cloramin B 1-2%, Javen 1-2% trong thời gian tối thiểu 30 phút hoặc các hoá chất khử khuẩn khác theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất và theo quy định của Bộ Y tế.
Khử khuẩn bằng hơi nóng ẩm: Cho chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao vào trong máy khử khuẩn bằng hơi nóng ẩm và vận hành theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất.
Chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao sau khi xử lý ban đầu có thể đem chôn hoặc cho vào túi nilon mầu vàng để hòa vào chất thải lây nhiễm. Trường hợp chất thải này được xử lý ban đầu bằng phương pháp tiệt khuẩn bằng hơi nóng, bằng vi sóng hoặc các công nghệ hiện đại khác đạt tiêu chuẩn thì sau đó có thể xử lý như chất thải thông thường và có thể tái chế.
Tiêu hủy chất thải thông thường
Chôn lấp tại bãi chôn lấp chất thải trên địa bàn.
Tái chế.
NGUYÊN TẮC TÁI CHẾ, TÁI SỬ DỤNG CHẤT THẢI THÔNG THƯỜNG
Danh mục chất thải thông thường được tái chế, tái sử dụng bao gồm các chai nhựa đựng huyết thanh (không lẫn thuốc gây độc hại tế bào), lọ đựng thuốc thông thường, bao túi bằng nilon và bằng cát tông.
Chất thải thông thường được tái chế phải bảo đảm không có yếu tố lây nhiễm và các chất hoá học nguy hại gây ảnh hưởng cho sức khoẻ.
Chất thải được phép tái chế, tái sử dụng chỉ cung cấp cho tổ chức cá nhân có giấy phép hoạt động và có chức năng tái chế chất thải.
Cơ sở khám, chữa bệnh giao cho một đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc xử lý chất thải thông thường theo đúng quy định để phụ vụ mục đích tái chế, tái sử dụng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Quyết định số 43/2007/QĐ-BYT, ngày 30 tháng 11 năm 2007 của Bộ Y tế ban hành Quy chế quản lý chất thải y tế.
Tài liệu Đào tạo Phòng ngừa chuẩn của Bộ Y tế, 2010.
Tài liệu quản lý chất thải Y tế của WHO.
-
Tài liệu mới nhất
-
Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị sau nhiễm COVID-19 ở trẻ em
22:10,06/07/2022
-
Xử trí dịch truyền chu phẫu ở trẻ em
23:05,04/07/2022
-
Liệu pháp truyền dịch chu phẫu cho phẫu thuật lớn
09:54,03/07/2022
-
Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh sán dây chó ở người
16:44,28/06/2022
-
Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh sán lá ruột lớn
16:28,28/06/2022
-
Liệu pháp thay thế thận cho bệnh nhân bị chấn thương thần kinh cấp tính.
22:18,24/06/2022
-
Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh sán lá ruột nhỏ
21:16,24/06/2022
-
Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh ấu trùng giun đầu gai
22:42,22/06/2022
-
Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh sán lá phổi
21:48,22/06/2022
-
Cơ sở sinh lý của các hỗ trợ hô hấp bảo vệ sự sống
22:16,20/06/2022
-
Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị sau nhiễm COVID-19 ở trẻ em