XÃ HỘI HÓA VÀ LỒNG GHÉP CÁC HOẠT ĐỘNG Y TẾ
- Tác giả: Bộ Y tế
- Chuyên ngành: Tổ chức, quản lý y tế
- Nhà xuất bản:Bộ Y tế
- Năm xuất bản:2006
- Trạng thái:Chờ xét duyệt
- Quyền truy cập: Cộng đồng
XÃ HỘI HÓA VÀ LỒNG GHÉP CÁC HOẠT ĐỘNG Y TẾ
Khái niệm cơ bản
Xã hội hoá công tác y tế
Sức khỏe là tài sản quý giá nhất của mỗi người, đồng thời cũng là tài sản chung của xã hội và của mỗi quốc gia. Sức khỏe do nhiều yếu tố tác động. Để bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho mỗi người và cả cộng đồng không phải chỉ ngành y tế, cán Bộ Y tế mà là nhiệm vụ của chính mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng và của toàn xã hội. Điều đó có nghĩa là mọi người, mọi cộng đồng, mọi ban ngành đoàn thể đều cần nhận thức và có trách nhiệm trong công tác chăm sóc sức khỏe. Trên thực tế ngành y tế cần tổ chức, vận động, huy động mọi cá nhân, gia đình, cộng đồng, các ban ngành đoàn thể, tổ chức xã hội tham gia công tác chăm sóc sức khỏe, đó chính là hoạt động xã hội hóa công tác y tế.
Xã hội hóa công tác y tế là một quá trình vận động nhân dân tự giác, chủ động tham gia vào các lĩnh vực hoạt động y tế, huy động hợp lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cộng đồng, phối hợp với các nguồn lực của Nhà nước, nhằm đạt được các mục tiêu của các chương trình phát triển y tế.
Xã hội hoá là một phong trào quần chúng rộng lớn, có vai trò và ý nghĩa quan trọng trong việc chủ động giải quyết những vấn đề liên quan đến bệnh tật, sức khỏe đòi hỏi phải có sự tham gia đa phương. |
Xã hội hoá mang tính chiến lược để chủ động thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe, cả trước mắt cũng như lâu dài. |
Xã hội hoá y tế là phong trào cần sự tổ chức hướng dẫn, quản lý của ngành y tế và các ngành liên quan, các tổ chức quần chúng, xã hội tham gia. |
Xã hội hóa y tế là một biện pháp nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn của công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. |
Trong hoạt động thực tiễn của ngành y tế nước ta, cả trong thời chiến và thời bình, nhờ có sự lãnh đạo của Đảng, ngành y tế đã đạt được các thành tích to lớn đó chính là kết quả của sự vận động nhân dân tham gia vào các phong trào chăm sóc sức khỏe. Ngành y tế luôn coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục vệ sinh phòng bệnh, phòng chống dịch, vệ sinh môi trường. Đó chính là những hoạt động xã hội hóa công tác y tế đã được thực hiện và đưa đến các kết quả khả quan. Đã từ lâu, Bộ Y tế chủ trương đẩy mạnh các phong trào vệ sinh phòng bệnh, phòng dịch cả ở nông thôn và thành thị, chú trọng vệ sinh môi trường, vệ sinh ăn uống, phòng bệnh theo mùa. Nhân dân tích cực tham gia các phong trào: "Vệ sinh yêu nước", "Sạch làng tốt ruộng", "Sạch bản tốt nương", "Gọn nhà sạch phố", "Thể dục vệ sinh", "Ba sạch bốn diệt", "5 dứt điểm trong công tác y tế", "làng văn hoá sức khỏe", v.v... Sự tham gia của cộng đồng vào các phong trào này đã đóng góp to lớn cho công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân. Tuy đã đạt được nhiều kết quả tốt nhưng hiện nay chúng ta vẫn cần phải kiên trì truyền thông, giải thích vai trò của vệ sinh phòng bệnh, bảo vệ môi trường trong phát triển xã hội bền vững. Tích cực vận động cộng đồng tham gia công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe mà trước tiên là giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại từng gia đình và từng cộng đồng. Khuyến khích các hoạt động có lợi cho sức khỏe, nhiều hoạt động cần mọi người cùng làm có thể làm được, không có nhiều khó khăn, chỉ cần phát huy tính tự giác của mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng, dựa vào các tổ chức và cấu trúc sẵn có của cộng đồng, dưới sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, chắc chắn sẽ có kết quả tốt. Cần lồng ghép và xã hội hóa công tác bảo vệ sức khỏe, gắn liền với giáo dục về phòng chống các nguy cơ về bệnh tật do ô nhiễm môi trường gây ra. Biết tận dụng nguồn lực sẵn có của cộng đồng để thực hiện giáo dục nâng cao sức khỏe. Truyền thông giáo dục bảo vệ môi trường phải làm thường xuyên, liên tục có tổ chức, theo kế hoạch đã định. Trước mắt tiếp tục tập trung vào ngăn chặn các vấn đề ô nhiễm đất, nước, không khí, thực vật, giải quyết các công trình vệ sinh cơ bản như nhà xí, nguồn nước, nhà tắm, xử lý rác thải, nước thải, cải thiện vệ sinh môi trường gia đình vì qua các nghiên cứu tỷ lệ gia đình có công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn còn rất thấp. Trong thực hiện các phong trào chăm sóc sức khỏe cần phát huy vai trò của chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, tổ chức chính trị, biết dựa vào cộng đồng, vận động người dân tích cực chăm sóc sức khỏe cho cá nhân, gia đình mình và cộng đồng. Các hành động thiết thực như xây dựng và sử dụng các công trình vệ sinh, thực hành ngăn chặn các bệnh tật thông thường do ô nhiễm môi trường gây ra... đó chính là các hoạt động thực tiễn của xã hội hóa công tác y tế cần được đẩy mạnh.
Lồng ghép hoạt động y tế
Lồng ghép hoạt động y tế là sự phối hợp các hoạt động trong ngành y tế cũng như các hoạt động của ngành y tế với các ngành, các đoàn thể, tổ chức xã hội khác thành quá trình chung nhằm biến các mục tiêu y tế thành các hoạt động cụ thể với sự tham gia thực hiện của nhân dân với sự quản lý và điều phối của các cấp trong ngành y tế và các ngành liên quan khác.
Các loại lồng ghép
Lồng ghép trong ngành y tế
Ngành y tế có nhiều lĩnh vực hoạt động như y học dự phòng, y tế công cộng, khám chữa bệnh, dược, trang thiết bị y tế, hệ thống đào tạo nhân lực y tế, các chương trình, dự án y tế/chăm sóc sức khỏe, với sự hỗ trợ kinh phí của chính phủ hay các tổ chức quốc tế v.v... Các lĩnh vực công tác y tế trong ngành y tế cần được phối hợp với nhau để tránh hoạt động chồng chéo và lãng phí nguồn lực. |
Lồng ghép còn là sự phối hợp một số hoạt động của các chương trình y tế triển khai theo ngành dọc, nhưng có tính chất giống nhau hoặc có liên quan mật thiết với nhau, do một nhân viên y tế thực hiện dưới sự điều hành chung của các chương trình đó, nhằm tạo điều kiện cho sự hỗ trợ và tăng cường lẫn nhau để đạt hiệu quả chung tốt hơn. |
Lồng ghép liên ngành
Sức khỏe liên quan đến nhiều ngành, vì thế để nâng cao sức khỏe cần có sự lồng ghép hoạt động của ngành y tế với các ngành có liên quan như giao thông, nông nghiệp, giáo dục, văn hóa thông tin v.v...
Lồng ghép giữa các cấp
Ngành y tế chia ra làm nhiều tuyến, mỗi tuyến có các nhiệm vụ khác nhau nhưng các công việc liên quan mật thiết với nhau trong một hệ thống thống nhất. Các tuyến y tế không thể hoạt động độc lập mà phải có sự phối hợp và hợp tác trong mọi lĩnh vực để thực hiện nhiệm vụ chung là bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Mục đích của xã hội hóa và lồng ghép
Huy động và tận dụng các nguồn lực cho hoạt động y tế. |
Phát huy sáng tạo, làm tăng hiệu quả các hoạt động y tế. |
Tăng lòng tin cho quần chúng nhân dân đối với ngành y tế. |
Tạo sức mạnh tổng hợp giải quyết các khó khăn, các chương trình khó. |
Tăng cường hiểu biết, trình độ năng lực cán bộ. |
Phát huy vai trò cộng đồng, tinh thần tập thể, hoạt động nhóm. |
Giúp các chương trình đi sâu vào các hoạt động nghiệp vụ. |
Thống nhất chỉ đạo từ trên xuống. |
Giảm nhẹ một số công việc (việc làm trùng lặp). |
Tác động hỗ trợ giữa các tuyến với nhau. |
Một số nguyên tắc cơ bản chỉ đạo quá trình thực hiện xã hội hoá và lồng ghép các hoạt động y tế cơ sở
Vận động toàn thể nhân dân và các hội viên của các đoàn thể đang sống trong bối cảnh xã hội thường ngày của họ chứ không chỉ tập trung vào một số người có nguy cơ mắc bệnh, nhằm giúp họ tự chịu trách nhiệm và chủ động tạo ra, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho chính mình và cộng đồng.
Tác động đến những nhân tố quyết định có ảnh hưởng đến sức khỏe cá nhân và cộng đồng, bằng cách phối hợp mọi nỗ lực của các cơ quan Nhà nước, với các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức quần chúng từ Trung ương đến địa phương cùng chịu trách nhiệm bảo vệ và nâng cao sức khỏe của nhân dân, bảo vệ môi trường sống lành mạnh về mọi mặt cho cộng đồng xã hội.
Vận dụng phối hợp các giải pháp và biện pháp kỹ thuật thích hợp: gồm truyền thông và giáo dục sức khoẻ, luật pháp, tài chính, thay đổi tổ chức, phát triển cộng đồng ... nhằm chống lại các nguy cơ tác hại đến sức khỏe nhân dân.
Vận động nhân dân tham gia một cách cụ thể, thiết thực và có hiệu quả bằng cách tăng cường cho các cá nhân và cộng đồng những hiểu biết và kỹ năng phát hiện vấn đề và đề ra các quyết định giải quyết các vấn đề sức khỏe của họ.
Xác định vai trò nòng cốt của ngành y tế và của các nhân viên sức khỏe cộng đồng trong việc phối hợp, liên kết, lồng ghép mọi hoạt động chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho nhân dân (lồng ghép trong ngành y tế và lồng ghép liên ngành, lồng ghép dọc và lồng ghép ngang).
Xác định vai trò trách nhiệm của những người tham gia và của những người lãnh đạo cộng đồng (Lãnh đạo Đảng, chính quyền, già làng, trưởng bản, lãnh đạo các tổ chức đoàn thể quần chúng... ). Đây là nhân tố hàng đầu có tầm quan trọng và có tác động quyết định.
Các lực lượng tham gia thực hiện xã hội hoá và lồng ghép công tác y tế cơ sở
Các cán bộ lãnh đạo Đảng, chính quyền và đoàn thể, tổ chức quần chúng tại địa phương giữ vai trò to lớn trong việc tập hợp và điều phối mọi lực lượng xã hội, định hướng đúng đắn cho các hoạt động xã hội có liên quan đến y tế, tạo mọi thuận lợi cho các hoạt động y tế bằng cách huy động cộng đồng cùng tham gia và giải quyết các khó khăn của ngành y tế địa phương, nhất là các Phòng y tế huyện và Trạm y tế xã .
Những người lãnh đạo dư luận xã hội: bao gồm những người có uy tín trong cộng đồng, được mọi người tôn trọng và noi gương, do họ thường có tiếng nói tác động ảnh hưởng mạnh mẽ đến các phong trào quần chúng, như các nhà hoạt động xã hội, tôn giáo, những người cao tuổi... họ không nhất thiết phải là những người lãnh đạo Đảng hay chính quyền, đoàn thể hay tổ chức nào.
Các nhà kinh doanh, các kỹ nghệ gia trong và ngoài tỉnh, huyện, họ có khả năng hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật thích hợp và các phương tiện vật chất cần thiết cho mọi hoạt động y tế của cơ sở địa phương, nguồn lực này nhiều khi giữ vai trò rất quan trọng để phát triển các dự án y tế địa phương, mặc dù đã có sự đầu tư của các chương trình, dự án y tế theo ngành dọc.
Các đoàn thể, các tổ chức xã hội và tôn giáo, các hội quần chúng, những người tình nguyện thuộc mọi lứa tuổi... họ cần được tổ chức lại, cùng nhau phân công trách nhiệm, cùng nhau cam kết phối hợp mọi nguồn lực có thể khai thác được trong cộng đồng. Đây là lực lượng chủ yếu không bao giờ cạn kiệt và sẵn có trong cộng đồng, cần được khai thác triệt để cho mọi nỗ lực xã hội vì lợi ích của chính các cá nhân và của cả cộng đồng.
Những người hưởng thụ hay tiêu thụ các dịch vụ xã hội, họ là những người được hưởng các quyền lợi về chăm sóc và bảo vệ, nâng cao sức khoẻ cho chính mình nên phải có nghĩa vụ đóng góp và tham gia tích cực vào việc xã hội hoá công tác y tế, trước hết bằng cách thay đổi hành vi sức khỏe của bản thân và giúp đỡ những người khác trong cộng đồng thay đổi lối sống nhằm đem lại lợi ích chung cho sức khỏe nhân dân, đây là một lực lượng trực tiếp thực hiện quá trình xã hội hoá công tác y tế và đồng thời họ cũng là đối tượng đích của quá trình này.
Những người trực tiếp làm công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, bao gồm các nhân viên y tế, nhân viên sức khỏe cộng đồng, họ cần được đào tạo bổ túc về phương pháp và kỹ năng thực hiện và mở rộng hoạt động xã hội hoá công tác y tế tại tuyến cơ sở một cách có hệ thống và có hiệu quả.
Một số biện pháp chủ yếu để thực hiện xã hội hoá và lồng ghép công tác y tế cơ sở
Vận động quần chúng là biện pháp cơ bản nhất và có hiệu quả nhất
Mục đích chủ yếu là nhằm làm thay đổi cách nghĩ và cách làm của họ trong việc tự giác, tự nguyện, tích cực và sáng tạo thực hiện các biện pháp thích hợp nhất với điều kiện hoàn cảnh của riêng họ, để tạo ra, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho mỗi cá nhân và cho cả cộng đồng.
Cộng đồng phải được bàn bạc dân chủ để tham gia vào việc lập kế hoạch y tế cho địa phương của họ, thực hiện kế hoạch đó với sự đóng góp các nguồn lực mà họ có thể có được kể cả việc đánh giá kết quả của các chương trình y tế đó. Đây là cách làm mới đòi hỏi những nhà lãnh đạo y tế phải thay đổi cách nghĩ và cách làm của chính mình trước đã; không áp đặt một kế hoạch y tế dội từ trên xuống bắt nhân dân địa phương phải thực theo, mà giúp họ lập kế hoạch từ dưới lên chắc lẽ phù hợp hơn và dễ được địa phương chấp nhận hơn để rồi tích cực hoàn thành chương trình do kế hoạch đó vạch ra vì lợi ích của chính họ và do đó họ ý thức được đầy đủ trách nhiệm của mình.
Tranh thủ sự hỗ trợ, đồng tình của các cấp l∙nh đạo Đảng, chính quyền và các tổ chức, đoàn thể địa phương
Uỷ ban nhân dân xã, huyện có trách nhiệm phối hợp và điều hành mọi hoạt động liên ngành, mọi hoạt động quần chúng rộng lớn, dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng và sự hỗ trợ của lãnh đạo các ngành, các giới, nhằm cung cấp các nguồn lực sẵn có và tạo ra các nguồn lực mới đảm bảo cho việc tạo ra, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho nhân dân địa phương. Các chỉ thị nghị quyết của các cấp uỷ Đảng và chính quyền là chỗ dựa vững chắc cho ngành y tế địa phương hoạt động đúng hướng và đi theo quỹ đạo chung của toàn thể cộng đồng và của xã hội.
Tập trung các hoạt động của phòng y tế, các đơn vị y tế trong huyện và trạm y tế x∙ vào các chương trình mục tiêu
Chọn các mục tiêu chiến lược cho từng giai đoạn phát triển xã hội để có thể tập trung mọi nguồn lực có hạn tại địa phương vào việc giải quyết một số nhu cầu bức thiết nhất của nhân dân và phù hợp với các bước triển khai của các chương trình y tế theo ngành dọc.
Chọn đối tượng đích cho phù hợp với các mục tiêu chiến lược đó, bao gồm những người có nhu cầu sức khỏe cần được giải quyết ưu tiên và kết quả sẽ mang lại lợi ích to lớn cho cộng đồng, như các trẻ em dưới 5 tuổi, các phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, các thanh thiếu niên có hành vi nguy cơ nhiễm HIV/AIDS, những người nghèo nhất...
Chọn vùng dân cư trọng điểm, tuỳ theo các đặc điểm về địa lý, kinh tế, xã hội, chính trị... tập trung vào các vùng xa, vùng sâu, vùng bị thiên tai, cũng như vùng tập trung đông dân có nhiều vấn đề y tế, xã hội phức tạp như các thị trấn.
Chọn thời gian thích hợp: Chú ý đến các mùa dễ có các dịch bệnh phát sinh, những thời gian nông dân nhàn rỗi để dễ dàng huy động được nhiều người cùng tham gia, đem lại nhiều lợi ích về sức khỏe cho họ mà không ảnh hưởng đến sản xuất chung.
Chọn các công việc mấu chốt phân công cho từng người tham gia để cùng đạt các mục tiêu chung đã định, cần phải hoàn thành trong một thời gian nhất định.
Sử dụng kỹ thuật thích hợp
Sử dụng các kỹ thuật phù hợp với khả năng và nguồn lực của cơ sở, đồng thời áp dụng các thuật y học hiện đại phù hợp với địa phương, đây là xu hướng quan trọng nhất của y tế cộng đồng khắp trên thế giới hiện nay.
Kỹ thuật thích hợp là kỹ thuật phải:
Đơn giản, dễ thực hiện tại địa phương có kết quả tốt. |
Với các phương tiện sẵn có và dễ kiếm được. |
Không tốn nhiều tiền hoặc có thể được trợ cấp. |
Có người thực hiện được tại chỗ, sau khi được đào tạo. |
Đáp ứng được các mục tiêu, giải quyết được vấn đề y tế địa phương. |
Như vậy sử dụng các kỹ thuật thích hợp là dựa vào sức mình là chính, tận dụng những gì sẵn có tại địa phương và tạo ra thêm các nguồn vật tư, kỹ thuật làm phong phú thêm cho các điều kiện làm việc của các cơ sở y tế địa phương. Trong điều kiện cần thiết thì chuyển người bệnh lên tuyến trên để giải quyết.
Tổ chức tốt ngày sức khỏe tại địa phương
Nếu tổ chức tốt được "Ngày sức khỏe" hàng tháng thì trên 50 % các chỉ tiêu hoạt động trong tháng đã được thực hiện, chủ yếu nhằm đáp ứng các vấn đề bảo vệ sức khỏe các bà mẹ và trẻ em, hoặc tập trung vào một số vấn đề nổi trội nhất tuỳ từng thời kỳ. Để tổ chức tốt "Ngày sức khỏe" cần:
Chuẩn bị đầy đủ các phương tiện kỹ thuật y tế cho các hoạt động. |
Thông báo trước cho các nhóm đối tượng phục vụ. |
Chọn địa điểm thuận lợi cho mọi người, có thể tổ chức một vài địa điểm trên một địa bàn xã huyện rộng. |
Cần cố định thời gian (ngày, giờ) trong một tháng để gây thành thói quen tham gia của mọi người. |
Tận dụng mạng lưới y tế sẵn có, với sự phối hợp của các nhân viên sức khoẻ cộng đồng là những người tình nguyện từ các tổ chức quần chúng, với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. |
Đảm bảo thực hiện đúng kỹ thuật chuyên môn đi kèm với việc truyền thông và giáo dục sức khoẻ có liên quan. |
Mỗi "Ngày sức khỏe" phải là một phần của cả một kế hoạch tổng thể kế tiếp |
với nhau thành một loạt các chiến dịch ngắn hạn trong một chiến lược y tế chung của một năm hoạt động.
Đối với các vùng xa, vùng sâu, nhân dân sống không tập trung thì cần tổ chức nhiều hoạt động lồng ghép các nội dung của các chương trình y tế có thể thực hiện dứt điểm trong vài ngày chứ không chỉ tập trung vào một ngày cố định.
Củng cố hoạt động của Ban chăm sóc sức khỏe ban đầu của huyện và xã để có thể đảm nhận chức năng làm nòng cốt trong quá trình xã hội hoá và lồng ghép các hoạt động y tế tại địa phương, chứ không cần thành lập thêm một tổ chức nào khác.
Tóm tắt: Xã hội hóa và lồng ghép là một giải pháp quan trọng hiện nay cũng như lâu dài của ngành y tế để huy động các nguồn lực, thu hút sự tham gia của các ngành, các đoàn thể, tổ chức xã hội và cộng đồng nói chung vào các hoạt động thiết thực, chủ động nhằm bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.
-
Tài liệu mới nhất
-
Hỗ trợ hô hấp không xâm lấn ở bệnh nhân giảm oxy máu chu phẫu / thủ thuật
22:40,23/05/2022
-
Hướng dẫn Phục hồi chức năng và tự chăm sóc các bệnh có liên quan sau mắc COVID-19
20:09,20/05/2022
-
Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh sán lá gan nhỏ
19:38,20/05/2022
-
Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh sán lá gan lớn
23:13,17/05/2022
-
Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh sán dây
23:00,17/05/2022
-
Lung recruitment
21:50,15/05/2022
-
Oxygen targets
21:44,15/05/2022
-
Làm thế nào để cải thiện đồng bộ bệnh nhân - máy thở
20:51,15/05/2022
-
Xác định PEEP tốt nhất ở bệnh nhân thở máy
22:08,08/05/2022
-
Thuyên tắc ối: Bệnh sinh- Chẩn đoán- Hồi sức
16:00,05/05/2022
-
Hỗ trợ hô hấp không xâm lấn ở bệnh nhân giảm oxy máu chu phẫu / thủ thuật