Thuốc điều chỉnh các rối loạn hô hấp
- Tác giả: Học viện Quân y
- Chuyên ngành: Dược học
- Nhà xuất bản:Học viện Quân y
- Năm xuất bản:2012
- Trạng thái:Chờ xét duyệt
- Quyền truy cập: Cộng đồng
Thuốc điều chỉnh các rối loạn hô hấp
THUỐC CHỐNG HEN PHẾ QUẢN
ĐẠI CƯƠNG
Khái niệm chung về bệnh hen phế quản
Hen phế quản là một bệnh viêm mạn tính ở đường hô hấp, đặc điểm là phế quản phản ứng cao độ với các tác nhân kích thích ( đặc hiệu hoặc không đặc hiệu ), biểu hiện bằng cơn khó thở ra, chậm, rít, xuất hiện đột ngột do khí - phế quản bị co thắt. Mức độ nặng nhẹ của cơn khó thở thay đổi tuỳ từng bệnh nhân và từng cơn hen. Cơn hen có thể tự hồi phục hoặc hồi phục nhanh chóng khi dùng các thuốc kiểu giao cảm, theophylline, corticoid… Giữa các cơn hen phổi trở lại bình thường.
Trên thế giới hiện nay có khoảng hơn 300 triệu người mắc bệnh hen. Tuy nhiên con số này có xu hướng ngày càng tăng, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Hàng năm có khoảng 200.000 người tử vong do bệnh hen. Chi phí dành cho điều trị hen lớn hơn chi phí cho điều trị lao và nhiễm HIV/AIDS cộng lại. Ở Việt Nam có khoảng 5 % dân số ( khoảng 4 triệu người ), ở Singapore khoảng 14,33 %, ở Mỹ khoảng 20 triệu người mắc bệnh hen…
Phân loại thuốc chống hen phế quản
Phân loại theo tác dụng dược lý
Các thuốc làm giãn phế quản
Thuốc kích thích chọn lọc receptor ( Rp ) beta2-adrenergic.
Nhóm methyl xanthine : theophylline, caffeine, theobromine.
Thuốc ức chế phó giao cảm : ipratropium, tiotropium…
Các thuốc chống viêm :
Nhóm corticoid.
Nhóm chromone ( gồm : cromoglicate ( tên khác : cromolyn…), nedocromil...).
Fenspiride...
Phân loại theo lâm sàng
Các thuốc giãn phế quản cắt cơn hen
Thuốc kích thích chọn lọc Rp beta2-adrenergic tác dụng nhanh ( sau 3 - 5 ph ) và ngắn ( chỉ kéo dài » 4 h trong cơ thể ): SABA ( short acting beta2-adrenergic receptor agonist, short acting beta-2 agonists, short acting β2-adrenergic receptor agonists, short-acting beta-adrenoceptor agonists…) : gồm salbutamol ( tên khác : albuterol sulfate, biệt dược : ventolin...), terbutaline ( biệt dược : bricanyl...), fenoterol ( biệt dược : berotec... ). Thuốc được dùng dưới dạng khí dung ( aerosol ).
Corticoid dùng đường toàn thân : cắt cơn chậm sau 6 h, có nhiều tác dụng không mong muốn.
Thuốc ức chế phó giao cảm ( anticholinergics agent ) : ipratropium bromide ( biệt dược : atrovent ), tiotropium bromide ( tên khác : titropium; biệt dược : spiriva, tiova...) : tác dụng cắt cơn kém các thuốc kích thích Rp beta2-adrenergic.
Nhóm methyl xanthine : GINA ( global iniative for asthma = chương trình toàn cầu kiểm soát hen ) khuyến cáo không dùng vì các thuốc nhóm này, nhất là theophylline dễ gây ngộ độc cho bệnh nhân.
Thuốc kích thích chọn lọc Rp beta2-adrenergic tác dụng nhanh dùng đường uống.
Các thuốc điều trị dự phòng hen
Nhóm corticoid khí dung ( ICS = inhaled corticosteroid ) : dùng liều xịt ( hít, aerosol ) thấp và vừa, ít gây tác dụng không mong muốn. Bao gồm :
Beclomethasone ( biệt dược : becotide ).
Budesonide ( biệt dược : pulmicort…).
Fluticasone propionate ( biệt dược : flixotide...).
Fluticasone propionate kết hợp salmeterol xinafoate ( biệt dược : seretide accuhaler ...)…
Corticoid loại uống : chỉ dùng ngắn ngày, hay gây tác dụng không mong muốn…
Nhóm chromone : hay dùng cho trẻ em, giá thành cao.
Theophylline thải trừ chậm ( biệt dược : theo-dur, theolair...) : ít dùng hơn các thuốc kích thích chọn lọc Rp beta2-adrenergic.
Thuốc kích thích chọn lọc Rp beta2-adrenerigic tác dụng dài ( LABA = long-acting beta2-adrenergic receptor agonist, long acting beta-2 agonists, long acting β2-adrenergic receptor agonists, long-acting beta-adrenoceptor agonists…) : gồm có salmeterol ( biệt dược : serevent ), formoterol ( biệt dược : foradil, oxis )...
Nhóm thuốc kháng leukotriene ( LT ) ( leukotriene receptor antagonist ( LTRA ); hoặc leukotriene inhibitors drugs ( LTI )) : montelukast ( biệt dược : singulair, singular...), zafirlukast ( biệt dược : accolate...), zileuton ( biệt dược : leutrol; zyflo...) : tính kháng viêm trung bình, chỉ dùng với trẻ em > 12 tuổi, giá thành cao…
CÁC THUỐC
Các thuốc giãn phế quản
Các thuốc kích thích chọn lọc Rp beta2-adrenergic
Trước đây hay dùng epinephrine ( tên khác : adrenaline ), ephedrine để cắt cơn hen nhưng hiện nay chỉ còn dùng các thuốc có tác dụng kích thích chọn lọc Rp beta2-adrenergic của khí – phế quản.
Đặc điểm tác dụng
Loại tác dụng nhanh ( SABA ) : cắt ngay được cơn cấp nặng : salbutamol, fenoterol, terbutaline… Dùng nhiều lần sẽ gây quen thuốc nhanh ( tachyphylaxia ) do số lượng các Rp beta2-adrenergic của khí – phế quản giảm dần ( cơ chế điều hòa giảm ).
Loại tác dụng dài ( LABA ) : formoterol, salmeterol.
Có 2 trường hợp nên dùng đường uống :
Trẻ em < 5 tuổi : do khó điều chỉnh liều phun. Nên cho uống siro salbutamol, orciprenaline ( tên khác : metaproterenol sulfate )…
Cơn hen quá nặng, nếu dùng thuốc dạng khí dung có thể kích thích gây ho và co thắt khí - phế quản nặng thêm. Nên dùng thuốc đường uống.
Tác dụng dược lý và cơ chế tác dụng
Do kích thích Rp beta2-adrenergic ở niêm mạc khí – phế quản nên thuốc làm tăng tổng hợp cAMP ( cyclic AMP, cyclic adenosine monophosphate, 3'-5'-cyclic adenosine monophosphate ), dẫn đến :
Giãn cơ trơn khí - phế quản ( tác dụng nhanh và mạnh ).
Ức chế tổng hợp và giải phóng các chất TGHH làm co thắt khí - phế quản ( LT, histamine...).
Làm tăng chức phận của các niêm mao.
Làm giảm tính thấm mao mạch phổi, phế quản.
Ức chế phospholipase A2 ( PLA2 )( là enzyme có vai trò quan trọng trong viêm ).
Có thể làm giảm các globulin miễn dịch ( Immuno globulin ) trong các tế bào lympho ở bệnh nhân hen.
Chỉ định
Điều trị và dự phòng co thắt khí - phế quản trong các bệnh đường hô hấp : hen phế quản, viêm phế quản mạn và các bệnh phổi - phế quản mạn tính khác ( khí phế thũng )…
Chống chỉ định
Loạn nhịp nhanh.
Cơn hen ác tính ( thể khó thở liên tục ) : khi dùng thuốc dạng aerosol.
Trẻ em < 5 tuổi.
Phụ nữ có nguy cơ xảy thai.
Quá mẫn cảm với thuốc…
Thận trọng
Bệnh tim mạch : suy mạch vành, tăng huyết áp, hội chứng tim tăng động ( tim dễ bị kích thích ), nhịp nhanh tim, hẹp van động mạch chủ dưới do phì đại không rõ nguyên nhân.
Co giật, đái tháo đường hay cường giáp ( bệnh Basedow ).
Bệnh nhân có đáp ứng bất thường với thuốc cường giao cảm nhóm amine.
Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú.
Đang điều trị bằng MAOIs ( monoamine oxidase inhibitors )…
Tác dụng không mong muốn
Thần kinh : lo lắng, căng thẳng, nhức đầu, mệt mỏi, mất ngủ, run rẩy, vật vã, suy nhược, đỏ bừng mặt…
Tim mạch : hồi hộp đánh trống ngực, đau thắt ngực, rối loạn nhịp tim ( tim đập nhanh và mạnh - do kích thích Rp beta1-adrenergic hoặc do phản xạ giãn mạch vì kích thích Rp beta2-adrenergic ).
Tiêu hóa : nôn, buồn nôn…
Hô hấp : PaO2 ( partial pressure of oxygen in arterial blood = áp lực riêng phần O2 máu động mạch ) có thể giảm khi điều trị cơn hen cấp do kích thích Rp beta2-adrenergic làm giãn mạch mà hô hấp không tăng tương xứng. Thường nhẹ và thoáng qua. Có thể gặp phù phổi cấp ở sản phụ dùng ritodrine ( thuốc kích thích Rp beta2-adrenergic chọn lọc làm giãn tử cung chống doạ sảy thai ) và terbutaline.
Chuyển hóa : tăng glucose, lactat, acid béo tự do; giảm K+/ máu.
Quen thuốc : do hiện tượng giảm số lượng Rp beta2-adrenergic ở màng tế bào. Bệnh nhân có xu hướng dùng tăng liều trong khi cơn hen nặng dần, có thể dẫn tới cơn hen ác tính ( thể khó thở liên tục ).
Các dấu hiệu khác : run cơ ( do cơ vân có nhiều Rp beta2-adrenergic ), bí tiểu tiện, vị giác bất thường, khô rát họng, kích ứng họng, dị ứng ngoài da…
Chế phẩm và liều lượng :
Salbutamol
Chỉ định: hen, tắc nghẽn đường hô hấp hồi phục được, chống đẻ non. Liều dùng:
Cơn hen cấp: hít định liều mỗi lần 100 - 200 μg (1- 2 xịt), tối đa 3 - 4 lần/ ngày. Hoặc:tiêm bắp hoặc tiêm dưới da mỗi lần 500 μg, nhắc lại sau mỗi 4 giờ nếu cần.
Cơn hen cấp nghiêm trọng: du ng dịch khí dung 2,5 – 5 mg, tối đa 4 lần/ ngày hoặc tiêm tĩnh mạch chậm 250 μg, dùng nhắc lại nếu cần.
Đề phòng cơn hen do gắng sức: hít 100 - 200 μg (1- 2 xịt) truớc khi vận động 15 – 30 phút, hoặc uống 2 - 4 mg trước khi vận động 2 giờ.
Dùng đường khí dung, nồng độ thuốc trong máu chỉ bằng 1/10 - 1/50 so với liều uống.
Terbutalin
Chỉ định: giống như salbutamol
Liều dùng: cơn hen cấp: hít 250 - 500 μg (1- 2 lần xịt), tối đa 3 - 4 lần/ ngày, hoặc tiêm dưới da, tiêm bắp hoặc tĩnh mạch chậm 250 - 500 μg, tối đa 4 lần/ ngày. Bambuterol là tiền thuốc của terbutalin, mỗi ngày uống một lần 10 - 20 mg trước khi đi ngủ
Salmeterol
Chỉ định: điều trị dự phòng dài hạn bệnh hen, tắc nghẽn đường hô hấp phục hồi được (kể cả hen ban đêm và phòng co thắt phế quản do gắng sức) ở người phải điều trị bằng thuốc giãn phế quản thường xuyên, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Liều dùng:
Bệnh hen: mỗi lần hít 50 - 100 μg (2- 4 xịt), 2 lần/ ngày. Trẻ em trên 4 tuổi: mỗi lần hít 50 μg (2 xịt), 2 lần/ ngày.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính: mỗi lần hít 50 μg (2 xịt), 2 lần/ ngày.
Hình 1 : Công thức hóa học của một số thuốc kích thích chọn lọc Rp beta2-adrenergic |
Các thuốc ức chế phó giao cảm
Từ khi có thuốc kích thích chọn lọc Rp beta2-adrenergic vào cuối những năm 60 của thế kỷ XX, việc dùng thuốc ức chế phó giao cảm trong điều trị hen có giảm xuống. Tuy nhiên gần đây thấy vai trò của hệ phó giao cảm rất quan trọng trong hen do tâm lý ( psychogenic asthma ). Lúc này dùng các thuốc ức chế phó giao cảm mang amine bậc 4 ( anticholinergic bronchodilator )( ví dụ : ipratropium, tiotropium…) có tác dụng tốt vì thuốc không được hấp thu vào tuần hoàn chung.
Dược động học
Khoảng 90 % liều khí dung bị nuốt vào đường tiêu hóa, không bị hấp thu, bị thải trừ qua phân ( do ít tan trong mỡ ). Chỉ có 1 % được hấp thu vào máu.
Tiotropium |
|
Hình 2 : Công thức hóa học của một số thuốc ức chế phó giao cảm |
Tác dụng dược lý
Tác dụng giãn phế quản của ipratropium trên bệnh nhân hen thường chậm và không mạnh bằng thuốc kích thích chọn lọc Rp beta2-adrenergic. Tác dụng này cũng thay đổi trên từng bệnh nhân, do vai trò khác nhau của hệ phó giao cảm trong bệnh sinh của hen trên từng cá thể. Tác dụng tối đa sau khí dung là 30 - 90 ph và kéo dài > 4 h. Nếu phối hợp với thuốc kích thích chọn lọc Rp beta2-adrenergic thì tác dụng mạnh và kéo dài hơn.
Chỉ định
Hen phế quản.
Dự phòng và điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ( COPD = chronic obstructive pulmonary disease ).
Chế phẩm và liều lượng :
Ipratropium bromid (Atrovent) là dẫn xuất amin bậc 4, dùng đường hít. Khi khí dung, chỉ khoảng 1% thuốc được hấp thu, 90% bị nuốt vào đường tiêu hóa, không được hấp thu, thải theo phân nên ít gây tác dụng không mong muốn toàn thân. Tác dụng giãn phế quản của ipratropium trên người bệnh hen thường chậm và không mạnh bằng thuốc cường β2 tác dụng ngắn (SABA), nên thường chỉ được phối hợp sử dụng khi các thuốc SABA không đủ mạnh hoặc c ó tác dụng phụ nặng. Phối hợp ipratropium với SABA làm giãn phế quản mạnh hơn, cho phép giảm liều SABA nên hạn chế được tác dụng phụ của SABA. Khí dung ipratropium có tác dụng tối đa sau 30 - 60 phút, thời gian tác dụng kéo dài 3 - 6 giờ.
Ipratropium cũng có tác dụng tốt trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Thận trọng: tăng nhãn áp, phì đại tuyến tiền liệt và tắc nghẽn dòng chảy ra từ bàng quang, có thai và cho con bú.
Tác dụng không mong muốn: khô miệng, buồn nôn, táo bón, đau đầu. Liều dùng: hít địnhliều: mỗi lần 20 - 40 μg (1- 2 xịt), 3-4 lần/ ngày.
Berodual (ipratropium bromid + fenoterol): mỗi lần xịt có 20 μg ipratropium và 50 μg fenoterol. Liều thông thường 1 - 2 xịt/ lần, ngày 3 lần.
Oxitropium có tác dụng tương tự như ipratropium.
Nhóm methyl xanthine
Bao gồm theophylline và các dẫn xuất ( caffeine, theobromine…). Có nhiều trong chè, cà-phê, ca-cao… Phần này chỉ nói về theophylline.
Hình 3 : Công thức hóa học của các thuốc nhóm methyl xanthine |
Tác dụng dược lý
Trên hệ hô hấp : làm giãn cơ trơn khí - phế quản, đồng thời kích thích trung khu hô hấp ở hành tủy, làm tăng tần số và biên độ hô hấp...
Trên hệ tim mạch : làm tăng biên độ, tần số và lưu lượng tim, tăng sử dụng O2 của cơ tim và tăng lưu lượng mạch vành...
Trên hệ thần kinh trung ương : kích thích hoạt động của hệ thần kinh trung ương ( kém caffeine ), kích thích tâm thần, làm dễ dàng cho các hoạt động của vỏ não, gây mất ngủ ( có thể do tác dụng lên hệ thống lưới kích thích ), dùng liều cao gây co giật...
Các tác dụng khác : giãn cơ trơn đường mật và niệu quản, lợi niệu ( kém theobromine )...
Cơ chế tác dụng
Do ức chế enzyme phosphodiesterase của màng tế bào cơ trơn khí - phế quản ( là enzyme giáng hóa cAMP ) nên thuốc làm tăng nồng độ cAMP, gây ra các tác dụng tương tự thuốc kích thích chọn lọc Rp beta2-adrenergic...
Chỉ định
Hen phế quản.
Các biểu hiện khó thở do co thắt khí - phế quản.
Tuy nhiên GINA khuyến cáo không dùng vì theophylline dễ gây ngộ độc cho bệnh nhân...
Chống chỉ định
Động kinh chưa được điều trị đặc hiệu.
Phối hợp với troleandomycin, erythromycin, cimetidine…
Rối loạn nhịp tim nặng kèm theo tổn thương cơ tim, bệnh mạch vành vì theophylline tuy gây giãn mạch vành, nhưng lại gây thiếu O2 cho cơ tim.
Quá mẫn cảm với thuốc…
Thận trọng
Mắc bệnh tim mạch : suy tim xung huyết, bệnh tim do mạch vành, tâm phế mạn...
Suy chức năng gan.
Béo phì.
Cường giáp.
Tiền sử động kinh.
Loét dạ dày - tá tràng tiến triển.
Trẻ em < 1 tuổi, người già > 60 tuổi, phụ nữ có thai…
Tác dụng không mong muốn
Mất ngủ, bồn chồn, đánh trống ngực, đau họng, nhức đầu...
Rối loạn tiêu hóa : buồn nôn, ỉa chảy, đau bụng vùng thượng vị…
Với trẻ em : theophylline có thể gây cơn co giật liên tục và tử vong...
Chế phẩm và liều lượng :
Viên theophylin giải phóng chậm (Theostat, Nuelin SA): mỗi lần uống 200 - 400 mg, cách 12 giờ uống 1 lần.
Hen ban đêm: uống một lần duy nhất vào buổi tối với liều bằng tổng liều dùng trong một ngày.
Aminophylin: uống mỗi lần 100 - 300 mg, ngày 3 - 4 lần, sau bữa ăn. Tiêm tĩnh mạch chậm ít nhất trong 20 phút liều 5 mg/ kg.
Các thuốc chống viêm
Glucocorticoid ( corticosteroid = CS )
Tác dụng và cơ chế tác dụng
Ức chế giải phóng các chất TGHH gây viêm.
Giảm số lượng dưỡng bào ( tế bào bón, tế bào mast – mastocyte, mast cell ).
Ức chế enzyme PLA2, làm giảm tổng hợp các chất TGHH gây viêm hoặc các chất chuyển hóa của acid arachidonic, đồng thời ức chế các tế bào lympho T và cytokine gây viêm ( PG, các LTB-4, LTC-4, LTD-4 hoặc interleukin ( IL ) ( IL-3, IL-4, IL-5 ) do đó làm giảm co thắt khí - phế quản, giảm tính thấm và giảm tiết dịch nhày ).
Ức chế di chuyển bạch cầu, giảm sự tập trung và hoạt hóa các tế bào bạch cầu ái toan và dưỡng bào, giảm tiết dịch nhày phế quản, giảm tính thấm thành mạch ( tác dụng chống viêm ), làm giảm phù nề phế quản và giảm đáp ứng phế quản.
Phục hồi đáp ứng của các Rp beta2-adrenergic; hiệp đồng làm tăng tác dụng của các thuốc kích thích chọn lọc Rp beta2-adrenergic ( CS ngăn ngừa sự giảm nhạy cảm của Rp beta2-adrenergic khi được điều trị lâu dài, còn thuốc kích thích chọn lọc Rp beta2-adrenergic tăng cường hoạt tính kháng viêm của CS ).( Xem bài : Các chế phẩm hormone ).
Chế phẩm và liều lượng :
Beclometason dipropionat (Becotide): khí dung định liều mỗi lần 100 - 400 μg, 2 lần/ ngày, sau đó điều chỉnh theo đáp ứng của người bệnh.
Budesonid (Pulmicort): hít mỗi lần 200 μg, 2 lần/ ngày.
Chế phẩm phối hợp: Symbicort chứa formoterol và budesonid với các hàm lượng
ormoterol/ budesonid mỗi lần xịt là 4,5 μg/ 80μg; 4,5μg/ 160 μg; 9μg/320μg.
Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi: mỗi lần 1- 2 xịt, ngày 2 lần.
Điều trị duy trì: 1 lần xịt/ ngày.
Fluticason propionat: hít định liều mỗi lần 100 – 250 μg, 2 lần/ngày.
trẻ em 4- 16 tuổi: mỗi lần 50 - 100 μg, 2 lần/ ngày
Chế phẩm phối hợp: Seretide chứa salmeterol và fluticason propionat với các hàm lượng salmeterol / fluticason propionat mỗi lần xịt là 25 μg/ 50 μg; 25 μg/ 125 μg; 25 μg/ 250 μg Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi: mỗi lần 2 xịt, ngày 2 lần.
Dùng chế phẩm có hàm lượng thuốc phù hợp với mức độ nặng của bệnh hen.
Ciclesonid: người lớn xịt mỗi ngày một lần 160 μg.
Mometason furoat: người lớn hít 200 - 400 μg vào buổi tối hoặc chia làm 2 lần trong ngày.
Dùng toàn thân: điều trị cơn hen cấp nặn g hoặc để kiểm soát hen mạn tính nặng.
Hen nặng cấp tính: người lớn uống prednisolon 40 - 50 mg/ ngày, ít nhất trong 5 ngày (trẻ em 1- 2 mg/ kg/ ngày, trong 3 ngày), sau đó điều chỉnh liều theo đáp ứng của người bệnh, hoặc tiêm tĩnh mạch hydrocortison 400 mg/ ngày, chia làm 4 lần. . Hen mạn tính nặng không đáp ứng đầy đủ với các thuốc chống hen khác, hít GC liều cao phối hợp với uống GC mỗi ngày một lần vào buổi sáng. Tìm liều thấp nhất đủ kiểm soát được triệu chứng
Nhóm chromone
Bao gồm : cromoglicate, nedocromil...:
Cromolyn natri
Tác dụng: ức chế dưỡng bào của phổi giải phóng các chất trung gian hóa học do đáp ứng với các kích thích hoặc do tương tác kháng nguyên - kháng thể IgE. Ức chế tác dụng hoạt hóa của các peptid hóa hướng động trên bạch cầu trung tính, ưa acid hoặc đơn nhân.
Cromolyn natri chỉ có tác dụng phòng cơn, ngăn ngừa đáp ứng hen với các kích thích do dị ứng hoặc không do dị ứng, được dùng điều trị dài hạn sớm trong hen, không có tác dụng điều trị cơn hen cấp. Trẻ em đáp ứng với thuốc tốt hơn người lớn. Nhìn chung tác dụng dự phòng hen của cromolyn natri kém hiệu quả hơn so với GC đường hít.
Cromolyn natri dùng theo đường hít, ít được hấp thu nên ít gây độc tính toàn thân.
Tác dụng không mong muốn: ho, co thắt nhẹ phế quản, nhức đầu, buồn ngủ, rối loạn tiêu hóa, phản ứng quá mẫn.
Liều dùng: hít mỗi lần 10 mg (2 xịt, ngày 4 lần cách đều nhau).
Phòng cơn hen do gắng sức, khí lạnh, tác nhân môi trường: hít 10 mg (2 xịt) ngay trước khi tiếp xúc với các yếu tố gây cơn.
Hình 4 : Công thức hóa học của một số thuốc nhóm chromone |
Fenspiride
Biệt dược : espiran, pneumorel retard, respirid…
Hình 5 : Công thức hóa học của fenspiride |
Dược động học
Hấp thu dễ dàng qua đường tiêu hóa và đạt Cmax. trong máu sau 6 h. Tồn tại lâu trong máu. Thải trừ chủ yếu qua thận ( 90 % )...
Tác dụng dược lý
Fenspiride ( một NSAIDs ) là thuốc tổng hợp, có tác dụng đối kháng với các chất trung gian hóa học của quá trình viêm ( serotonin, histamine, bradykinin...) tại đường hô hấp, do đó có tác dụng chống phù nề, giảm xuất tiết, chống co thắt cơ trơn khí - phế quản, giảm ho...
Chỉ định :
Các bệnh lý nhiễm trùng phế quản - phổi như viêm phế quản mạn, viêm mũi hầu, viêm họng, viêm tai.
Viêm đường hô hấp trong sởi, ho gà, cúm…
Chống chỉ định
Phụ nữ có thai.
Quá mẫn cảm với thuốc...
Thận trọng : phụ nữ đang cho con bú.
Tác dụng không mong muốn
Rối loạn tiêu hóa ( buồn nôn, nôn, đau bụng…).
Gây ngủ gà, tim đập nhanh…
CÁC THUỐC ĐIỀU CHỈNH CÁC RỐI LOẠN HÔ HẤP KHÁC
THUỐC LÀM THAY ĐỔI BÀI TIẾT DỊCH KHÍ - PHẾ QUẢN
Dịch khí- phế quản được bài tiết :
Từ các tế bào niêm mạc: các tế bào hình đài tiết dịch nhày (do có nhiều mucoprotein và mucopolysaccharid) và các tế bào thanh dịch tiết dịch lỏng, độ quánh thấp.
Từ các tuyến tiết dưới niêm mạc: là tuyến hỗn hợp tiết nước hoặc dịch nhày. Acetylcholin và các thuốc cường phó giao cảm làm tăng bài tiết dịch khí - phế quản. Dịch khí- phế quản là chất làm dịu tự nhiên của niêm mạc đường hô hấp. Dịch nhày có tác dụng bám dính các hạt bụi, vi khuẩn, sau đó nhờ hệ thống lông mao đẩy chúng ra ngoài.
Thuốc làm giảm tiết dịch
Thuốc huỷ phó giao cảm hoặc thuốc kháng histamin H 1. Thực tế ít dùng vì có thể làm chất tiết đặc quánh, khó tống ra ngoài, dễ gây xẹp phế nang.
Thuốc làm long đờm
Thuốc làm tăng dịch tiết
Là thuốc làm tăng bài tiết dịch ở đư ờng hô hấp, bảo vệ niêm mạc chống lại các tác nhân kích thích và khi làm tan được những tác nhân đó sẽ cho phép loại trừ chúng dễ dàng. Có 2 cơ chế tác dụng:
Kích thích các receptor từ niêm mạc dạ dày để gây phản xạ phó giao cảm làm tăng bài tiết dịch ở đường hô hấp, nhưng liều có tác dụng thường làm đau dạ dày và có thể gây nôn. Một số thuốc thường dùng là:
Natri iodid và kali iodid: uống 1 - 2g/ ngày. Dùng kéo dài làm tích luỹ iod. Không dùng cho phụ nữ có thai, trẻ em, người bị bướu giáp.
Natri benzoat: uống 1 - 4 g/ ngày. Dùng kéo dài làm tích luỹ Na +.
Amoni acetat: 0,5 - 1g/ ngày. Không dùng ở người suy gan hoặc suy thận
Ipeca hoặc ipecacuanha, hoạt chất là emetin. Dùng liều thấp (tối đa 1,4 mg alcaloid) trong trường hợp ho có đờm. Liều c ao gây nôn.
Kích thích trực tiếp các tế bào xuất tiết
Thường dùng các tinh dầu bay hơi như terpin, gaicol, eucallyptol. Những tinh dầu này còn có tác dụng sát khuẩn.
Không dùng gaicol cho trẻ em dưới 30 tháng tuổi.
Thuốc làm tiêu chất nhày
Các thuốc này làm thay đổi cấu trúc, dẫn đến giảm độ nhớt của chất nhày, vì vậy các “nút” nhày có thể dễ dàng di chuyển ra khỏi đường hô hấp nhờ hệ thống lông chuyển hoặc sự khạc đờm. Những thuốc có nhóm thiol tự do (như acetylcystein) có tác dụng cắt đứt các cầu nối disulfit –S –S – của các sợi mucopolysaccharid nên làm lỏng dịch tiết của niêm mạc phế quản.
Các thuốc làm tiêu chất nhày có thể làm phá vỡ hàng rào chất nhày bảo vệ ở dạ dày, phải thận trọng ở những người có tiền sử loét dạ dày - tá tràng.
N- acetylcystein
Dùng làm thuốc tiêu chất nhày trong bệnh nhày nhớt, các bệnh lý hô hấp có đờm nhày quánh như trong viêm phế quản cấp hoặc mạn. Còn dùng làm thuốc giải độc khi dùng quá liều paracetamol.
Không dùng ở người có tiền sử hen (nguy cơ phản ứng co thắt phế quản) Tác dụng không mong muốn: buồn nôn, nôn, buồn ngủ, nhức đầu, phản ứng dị ứng. Không dùng đồng thời với các thuốc chống ho hoặc các thuốc làm giảm bài tiết dịch phế quản.
Liều dùng:
Uống mỗi lần 200 mg, ngày 3 lần.
Khí dung 3- 5 mL dùng dịch 20%, 3- 4 lần/ ngày.
Nhỏ trực tiếp vào khí quản 1 - 2 mL dung dịch 10 - 20%, mỗi giờ 1 lần. Do tác dụng nhanh, đôi khi có thể làm tràn dịch trong khí quản nếu người bệnh không có khả năng ho để tống ra ngoài kịp thời. Có thể hút đờm loãng b ằng máy hút.
Bromhexin (Bisolvon)
Dùng điều trị những rối loạn hô hấp đi kèm với ho có đờm. Khi điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp, bromhexin làm tăng sự xâm nhập của một số kháng sinh vào dịch bài tiết phế quản, tăng đáp ứng với kháng sinh.
Thận trọng ở người có tiền sử loét dạ dày - tá tràng, bệnh hen, suy gan hoặc suy thận nặng. Tác dụng không mong muốn: rối loạn tiêu hóa, tăng nhẹ enzym gan, chóng mặt, nhức đầu, phát ban ở da. Khí dung bromhexin đôi khi gây ho hoặc co thắt phế quản ở những người nhạy cảm.
Liều dùng: uống mỗi lần 8 - 16 mg, ngày 3 lần.
Có thể dùng đường khí dung, tiêm bắp sâu hoặc tiêm tĩnh mạch chậm.
Các thuốc khác : Carbocistein, mucothiol, mecystein…
THUỐC CHỮA HO
Ho là cơ chế tự vệ sinh lý quan trọng để tống ra ngoài các dị vật ở phần trên của đường hô hấp có thể gây tắc đường thở. Ho cũng có thể là triệu chứng của một số rối loạn trong cơ thể (hen, trào ngược dạ dày - thực quản… ), mà khi điều trị những bệnh này sẽ giảm ho, nhưng nhiều khi cũng cần điều trị triệu chứng .
Chỉ dùng thuốc giảm ho trong trường hợp ho không có đờm (ho khi cảm cúm, ho do kích ứng, dị ứng), ho nhiều làm người bệnh mệt mỏi, mất ngủ.
Không dùng thuốc làm giảm ho trong trường hợp ho có đờm (trong bệnh viêm phế quản mạn, giãn phế quản… ) vì ho được coi như cơ chế bảo vệ có lợi, làm sạch đường thở.
Các thuốc giảm ho được chia làm 2 loại:
Thuốc giảm ho ngoại biên
Làm giảm nhạy cảm của các receptor gây phản xạ ho ở đường hô hấp
Thuốc làm dịu ho do có tác dụng bảo vệ, bao phủ các receptor cảm giác ở họng, hầu: glycerol, mật ong, các siro đường mía
Thuốc gây tê các ngọn dây thần kinh gây phản xạ ho: benzonatat, bạc hà (menthol), lidocain, bupivacain.
Thuốc giảm ho trung ương
Các thuốc này ức chế trực tiếp, làm nâng cao ngưỡng kích thích củ a trung tâm ho ở hành tuỷ, đồng thời có tác dụng an thần, ức chế nhẹ trung tâm hô hấp.
Alcaloid của thuốc phiện và các dẫn xuất
Codein
Codein (methylmorphin) là alcaloid của thuốc phiện. Trong cơ thể, khoảng 10% codein bị khử methyl thành morphin.
So với morphin, codein được hấp thu tốt hơn khi uống, ít gây táo bón hoặc co thắt đường mật, ít gây ức chế hô hấp và ít gây nghiện hơn nhưng tác dụng giảm đau cũng kém hơn. Codein có tác dụng giảm ho do ức chế trực tiếp trung tâm ho, nhưng làm khô và tăng độ quánh của dịch tiết phế quản. Dùng codein trong trường hợp ho khan gây khó chịu, mất ngủ và trong các chứng đau nhẹ và vừa.
Chống chỉ định: mẫn cảm với thuốc, trẻ em dưới 1 tuổi, bệnh gan, suy hô hấp, phụ nữ có thai.
Liều dùng điều trị ho khan: uống mỗi lần 10 - 20 mg, ngày 3 – 4 lần.
Pholcodin
Tác dụng giảm ho mạnh hơn codein 1,6 lần, ít gây tác dụng không mong muốn hơn. Liều dùng: 5- 15 mg/ ngày
Thuốc giảm ho không gây nghiện
Dextromethorphan:
Là chất tổng hợp, đồng phân D của morphin nhưng không tác dụng lên các receptor của morphin nên không gây nghiện, không có tác dụng giảm đau và rất ít tác dụng an thần. Do ức chế trung tâm ho, dextromethorphan có tác dụng chống ho tương tự codein, nhưng ít gây tác dụng phụ hơn.
Dextromethorphan chỉ định tốt trong trường hợp ho khan, mạn tính. Chống chỉ định: quá mẫn với thuốc, trẻ em dưới 2 tuổi, đang điều trị bằng thuốc ức chế monoaminoxydase (MAO).
Thận trọng: người có nguy cơ hoặc đang suy giảm hô hấp, tiền sử bị hen, dị ứng. Liều dùng: uống mỗi lần 10 - 20 mg, 4 giờ/ lần hoặc mỗi lần 30 mg, 6 - 8 giờ/ lần, tối đa 120 mg/ ngày.
Noscapin:
Tác dụng, cách dùng, tác dụng không mong muốn và thận trọng tương tự như dextromethorphan.
Không dùng cho phụ nữ có khả năng mang thai (vì nguy cơ gây đột biến) Liều dùng: mỗi lần 15 - 30 mg, ngày 3 lần.
Thuốc giảm ho kháng histamin
Một số thuốc có tác dụng kháng histamin H 1 trung ương và ngoại biên (kháng H 1 thế hệ 1) đồng thời có tác dụng chống ho, kháng cholinergic, kháng serotonin và an thần.
Chỉ định: các chứng ho khan do dị ứng, do kích thích, nhất là về ban đêm. Tác dụng an thần của thuốc là điều bất lợi khi dùng thuốc ban ngày, nhưng có thể thuận lợi khi ho ban đêm.
Các thuốc:
Alimemazin: người lớn uống 5 - 40mg/ngày, chia nhiều lần.
Trẻ em: 0,5- 1 mg/ kg/ ngày, chia nhiều lần.
Diphenhydramin: mỗi lần uống 25 mg, 4 - 6 giờ/ lần.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Trường Đại học Y Hà Nội ( 2007 ), Dược lý học, NXB Giáo dục, Hà Nội. |
Trường Đại học Dược Hà Nội ( 2006 ), Dược lâm sàng và điều trị, NXB Y học, Hà Nội. |
Bộ Y tế ( 2007 ), Dược lý học, NXB Y học, Hà Nội. |
Laurence L. Brunton, John S. Lazo and Keith L. Parker ( 2006 ), Goodman & Gilman's The pharmacological basis of therapeutics, 11th edition, McGraw-Hill, Medical publishing division, United states of America. |
-
Tài liệu mới nhất
-
Hỗ trợ hô hấp không xâm lấn ở bệnh nhân giảm oxy máu chu phẫu / thủ thuật
22:40,23/05/2022
-
Hướng dẫn Phục hồi chức năng và tự chăm sóc các bệnh có liên quan sau mắc COVID-19
20:09,20/05/2022
-
Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh sán lá gan nhỏ
19:38,20/05/2022
-
Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh sán lá gan lớn
23:13,17/05/2022
-
Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh sán dây
23:00,17/05/2022
-
Lung recruitment
21:50,15/05/2022
-
Oxygen targets
21:44,15/05/2022
-
Làm thế nào để cải thiện đồng bộ bệnh nhân - máy thở
20:51,15/05/2022
-
Xác định PEEP tốt nhất ở bệnh nhân thở máy
22:08,08/05/2022
-
Thuyên tắc ối: Bệnh sinh- Chẩn đoán- Hồi sức
16:00,05/05/2022
-
Hỗ trợ hô hấp không xâm lấn ở bệnh nhân giảm oxy máu chu phẫu / thủ thuật