Kháng sinh điều trị Viêm tổ chức hốc mắt
- Tác giả: Bộ Y tế
- Chuyên ngành: Dược học
- Nhà xuất bản:Bộ Y tế
- Năm xuất bản:2015
- Trạng thái:Chờ xét duyệt
- Quyền truy cập: Cộng đồng
Kháng sinh điều trị Viêm tổ chức hốc mắt
ĐẠI CƯƠNG
Viêm tổ chức hốc mắt (orbital cellulitis) là viêm của phần mô mềm trong hốc mắt. Viêm tổ chức hốc mắt gặp ở cả trẻ em và người lớn. Ở trẻ em dưới 5 tuổi thì hay phối hợp với viêm đường hô hấp trên. Ở trẻ em trên 5 tuổi hay phối hợp với viêm xoang. Ở người lớn hay gặp ở những người đái tháo đường, suy giảm miễn dịch hay do dị vật nằm trong hốc mắt. Viêm tổ chức hốc mắt có thể được chia thành viêm phần trước vách (preseptal) hay viêm tổ chức trong hốc mắt sau vách (postseptal). Viêm trước vách có những dấu hiệu như sưng nóng đỏ đau phần mô mềm nhưng viêm không lan đến xương hốc mắt, thị lực và vận nhãn thường bình thường. Viêm sau vách ảnh hưởng đến thị lực, có thể lan vào màng xương và xương hốc mắt. [1,3]
NGUYÊN NHÂN
Nguyên nhân
Do vi khuẩn thường gặp là Staphylococcus aurreus (tụ cầu vàng), Streptococcus pneumoniae, nhóm Streptococcus anginosus/millieri (nhóm liên cầu) hay Heamophilus influenzae typ b (Hib) (liên cầu tan huyết nhóm b), vi khuẩn Gram-âm…
Do nấm trong những trường hợp sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, corticosteroid kéo dài, suy giảm miễn dịch.
Do virus.
Do ký sinh trùng.
Các yếu tố thuận lợi
Ở trẻ em hay gặp do viêm đường hô hấp trên, viêm xoang.
Ở người lớn hay gặp ở những người đái tháo đường, suy giảm miễn dịch.
Có thể gặp do những nguyên nhân lan truyền trực tiếp từ những cấu trúc như nhãn cầu, mi và phần phụ cận của nhãn cầu cũng như các xoang lân cận.
Do chấn thương xuyên làm tổn thương vách hốc mắt, đặc biệt những chấn thương có dị vật hốc mắt.
Những phẫu thuật như phẫu thuật giảm áp hốc mắt, phẫu thuật mi, phẫu thuật lác, nội nhãn… Viêm tổ chức hốc mắt cũng có thể gặp sau viêm nội nhãn sau phẫu thuật. [1]
TRIỆU CHỨNG
Lâm sàng
Xuất hiện đau đột ngột, đau ở vùng hốc mắt.
Đau khi vận động nhãn cầu, liếc mắt, đau đầu, mệt mỏi, sốt… Mi phù.
Phù kết mạc và sung huyết kết mạc.
Lồi mắt: Lồi mắt có thể lồi thẳng trục hoặc không thẳng trục.
Song thị.
Sụp mi.
Hạn chế vận nhãn hoặc liệt vận nhãn.
Giảm thị lực nhiều mức độ khác nhau, nếu viêm gần đỉnh hốc mắt có thể có giảm thị lực trầm trọng.
Có thể có viêm hắc mạc hoặc viêm thị thần kinh.
Có thể tăng nhãn áp do chèn ép. Những triệu chứng hô hấp hay xoang.
Cận lâm sàng
Chụp XQ hoặc chụp CT: Hình ảnh viêm tổ chức hốc mắt, hình ảnh viêm xoang. Có thể thấy hình ảnh viêm xoang với những xương và màng xương đẩy về phía hốc mắt.
Hình ảnh ổ áp-xe cạnh màng xương: điển hình trên CT là hình ảnh tổn thương cạnh xoang mờ, có bờ xung quanh mềm mại và có thể có khí bên trong.
Trong trường hợp chấn thương có thể xác định được dị vật hốc mắt.
Siêu âm: Có giá trị trong một số trường hợp chẩn đoán xác định và chẩn đoán phân biệt như có viền dịch quanh nhãn cầu.
Công thức máu: Bạch cầu đa nhân trung tính tăng cao, CRP tăng trong nhiễm khuẩn.
Lấy bệnh phẩm ở hốc mắt hoặc mủ ở ổ áp-xe làm xét nghiệm soi tươi, soi trực tiếp, nuôi cấy vi khuẩn để chẩn đoán nguyên nhân và để điều trị.
Lấy bệnh phẩm ở xoang hay vùng mũi họng.
Cấy máu nếu nghi ngờ hoặc có nhiễm khuẩn huyết.
ĐIỀU TRỊ BẰNG KHÁNG SINH
Nguyên tắc chung
Phải điều trị cấp cứu viêm tổ chức hốc mắt cấp tính để phòng biến chứng viêm màng não, tắc xoang hang và nhiễm khuẩn huyết.
Người bệnh phải được điều trị cấp cứu tích cực.
Điều trị theo kháng sinh đồ.
Tìm các ổ viêm phối hợp như viêm xoang, viêm đường hô hấp trên để điều trị.
Điều trị cụ thể
Kháng sinh đường tĩnh mạch liều cao, phổ rộng trong giai đoạn sớm và kháng sinh đặc hiệu sau khi đã nuôi cấy phân lập được vi khuẩn.
Trong thời gian chờ đợi nuôi cấy vi khuẩn có thể dùng kháng sinh phổ rộng như: [1,2,4]
Nhóm cephalosporin thế hệ 3: Cefotaxim 2g (ở trẻ em: 50mg/kg cân nặng) đường tĩnh mạch 3 lần/ ngày (8 tiếng 1 lần) hay ceftazidim 1g (ở trẻ em 30-50 mg/kg cân nặng) đường tĩnh mạch 3 lần/ngày.
Hoặc phối hợp ceftriaxon 2g (ở trẻ em: 50 mg/kg cân nặng) đường tĩnh mạch/ngày phối hợp với di/flucloxacilin 2g (trẻ em: 50mg/kg cân nặng) đường tĩnh mạch 4 lần/ngày (6 tiếng 1 lần).
Tiếp theo: Amoxicilin-clavulanat 875 + 125 mg (trẻ em: 22,5 + 3,2 mg/kg) đường uống, ngày 2 lần trong 10 ngày.
Đối với những trường hợp người bệnh bị quá mẫn với penicilin hay nghi ngờ hoặc nuôi cấy có kháng methicilin thì cần hội chẩn với các chuyên khoa như lây, vi sinh.
Nhóm glycopeptid (vancomycin) 1g truyền tĩnh mạch chậm 12 giờ/lần.
Ở trẻ em: 10 mg/kg truyền tĩnh mạch chậm 12 giờ/lần.
Khi xác định được nguyên nhân và có nuôi cấy vi khuẩn và kháng sinh đồ thì điều trị theo nguyên nhân và theo kháng sinh đồ.
Chống viêm: Steroid đường uống và đường tĩnh mạch: Methyl prednisolon 1mg/kg cân nặng
Điều trị phối hợp những trường hợp viêm xoang, viêm đường hô hấp, đái tháo đường.
Điều trị ngoại khoa: Khi đã xác định được ổ áp-xe: Chích dẫn lưu ổ áp-xe và xoang viêm. Nếu do nguyên nhân chấn thương có dị vật hốc mắt phải lấy hết dị vật.
DỰ PHÒNG
Điều trị những viêm nhiễm của mi, viêm phần trước vách phòng lan vào tổ chức hốc mắt.
Phòng những bệnh như hô hấp, viêm xoang ở trẻ em. Khi trẻ mắc bệnh cần được điều trị và theo dõi cẩn thận để những biến chứng không xảy ra.
Theo dõi và điều trị tốt những người có bệnh mạn tính như đái tháo đường, viêm xoang, viêm răng…
Khi có viêm tổ chức hốc mắt phòng các biến chứng xảy ra.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Buchanan MA., Muen W, Heinz P., (2012) “Management of periorbital and orbital cellulitis”, Paediatrics and Child Health, Volume 22, Issue 2, February 2012, Pages 72-77
Meara D.J (2012) “Sinonasal Disease and Orbital Cellulitis in Children”, Oral and Maxillofacial Surgery Clinics of North America, Volume 24, Issue 3, August 2012, Pages 487-496.
Decock C, Claerhout I, Kestelyn P, Van Aken EH., (2010) “Orbital cellulitis as complication of endophthalmitis after cataract surgery ”. J Cataract Refract Surg. Apr;36(4):673-5.
Jack Rootman., (2003) “ Diseases of the Orbit: A Multidisciplinary Approach ” Wolters Kluwer Health: page 473.
Jimmy D. Bartlett, Siret D. Jaanus ., (2008) ., “ Clinical Ocular Pharmacology” book., Elsevier Health Sciences: page 183.
Lee S., Yen MT., (2011) “Management of preseptal and orbital cellulitis”, Saudi Journal of Ophthalmology, Volume 25, Issue 1, January-March 2011, Pages 21-29
Vairaktaris E, et al (2009) “Orbital cellulitis, orbital subperiosteal and intraorbital abscess. Report of three cases and review of the literature” Journal of Cranio-Maxillofacial Surgery, Volume 37, Issue 3, April 2009, Pages 132-136
-
Tài liệu mới nhất
-
Huyết động trong ARDS
16:08,05/08/2022
-
Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị sau nhiễm COVID-19 ở người lớn
22:37,04/08/2022
-
Triệu chứng ICU: Khoảng trống pCO2
21:03,03/08/2022
-
Huyết động trong cấp cứu thần kinh
16:51,03/08/2022
-
Cạm bẫy trong theo dõi huyết động dựa trên dạng sóng áp lực động mạch
16:48,31/07/2022
-
Nhiễm nấm xoang xâm lấn và không xâm lấn trong ICU
16:24,31/07/2022
-
Triệu chứng học ICU : LACTATE
15:57,31/07/2022
-
Triệu chứng học ICU : SvO2/ ScvO2
22:59,28/07/2022
-
Tổn thương não cấp và giảm oxy máu- cá thể hóa trong hỗ trợ thông khí
21:59,28/07/2022
-
Quản lý shock dãn mạch kháng trị
21:20,23/07/2022
-
Huyết động trong ARDS