Ứng dụng Laser trong điều trị bệnh lý mạch máu
- Tác giả: Adam S. Aldahan, BS, Brian J. Simmons, BS, Vidhi V. Shah, BA, Stephanie Mlacker, BS, Keyvan Nouri, MD
- Chuyên ngành: Da Liễu
- Nhà xuất bản:Biên dịch: Bs. Trương Tấn Minh Vũ
- Năm xuất bản:Đang cập nhật
- Trạng thái:Chờ xét duyệt
- Quyền truy cập: Cộng đồng
Ứng dụng Laser trong điều trị bệnh lý mạch máu
Tác giả: Adam S. Aldahan, BS, Brian J. Simmons, BS, Vidhi V. Shah, BA, Stephanie Mlacker, BS, Keyvan Nouri, MD
University of Miami Miller School of Medicine, Department of Dermatology and Cutaneous Surgery, Miami, FL, US
Biên dịch: Bs. Trương Tấn Minh Vũ
NHỮNG ĐIỂM CHÍNH
Laser hoạt động bằng cách khuếch đại và phát ra các chùm ánh sáng cường độ cao có bước sóng đơn theo hướng đồng nhất.
Laser nhuộm xung (PDL), Laser Potassium Titanyl phosphate (KTP) và Laser Nd:YAG là những phương pháp điều trị phổ biến đối với các tổn thương mạch máu của da.
Các tổn thương mạch máu bẩm sinh xuất hiện khi sinh, bao gồm u máu ở trẻ sơ sinh (infantile hemangiomas), bớt rượu vang (port wine stains) và u mạch bạch huyết (lymphangiomas).
Tình trạng sức khoẻ, môi trường tiếp xúc hoặc quá trình lão hóa gây ra tổn thương mạch máu mắc phải, bao gồm giãn mao mạch, hemangiomas anh đào, giãn tĩnh mạch, u hạt sinh mủ, hồ tĩnh mạch, poikiloderma, và Kaposi sarcoma.
Laser là một giải pháp thay thế cho phẫu thuật loại bỏ các tổn thương mạch máu của da.
GIỚI THIỆU
Các laser chính được sử dụng để điều trị các tổn thương mạch máu bao gồm: laser nhuộm xung (PDL), laser potassium titanyl phosphate (KTP) và laser neodymium: yttri aluminium garnet (Nd: YAG). Tổn thương mạch máu bẩm sinh xuất hiện từ lúc mới sinh. Theo thời gian, chúng có thể tăng kích thước, giữ nguyên kích thước hoặc biến mất hoàn toàn, tùy thuộc vào tổn thương. Những tổn thương này bao gồm: u máu sơ sinh, bớt rượu vang và lymphangiomas. Tổn thương mạch máu mắc phải không xuất hiện từ khi sinh và có thể được gây ra bởi các nguyên nhân như tình trạng sức khoẻ, môi trường tiếp xúc hoặc quá trình lão hóa. Những tổn thương này bao gồm: giãn mao mạch, hemangiomas anh đào, giãn tĩnh mạch, u hạt sinh mủ, hồ tĩnh mạch, poikiloderma, Kaposi sarcoma.
U MÁU BẨM SINH (INFANTILE HEMANGIOMAS)
Là những u mạch máu bẩm sinh phổ biến nhất ở trẻ em. Thông thường những tổn thương này sẽ tự khỏi sau thời gian phát triển nhanh ban đầu. Tuy nhiên, những tổn thương này nên được điều trị nếu chúng đe dọa đến tính mạng, dẫn đến suy giảm chức năng, bị loét hoặc chảy máu. Chúng cũng cần được loại bỏ nếu ảnh hưởng về thẩm mỹ. Laser không phải là phương pháp điều trị được chỉ định đầu tiên đối với bệnh u máu bẩm sinh, nhưng chúng có thể là một giải pháp thay thế cho trẻ em không đáp ứng với các phương pháp điều trị ban đầu. Loại laser tốt nhất để sử dụng cho u máu bẩm sinh là laser nhuộm xung (PDL) là loại laser xung dài để giảm thiểu nguy cơ để lại sẹo (xem Hình 1).
BỚT RƯỢU VANG
Bớt rượu vang là tổn thương bẩm sinh xuất hiện dưới dạng các mảng màu đỏ hoặc hồng. Những tổn thương này có thể phát triển thành hình dạng mảng có nhiều cục lổn nhổn và có thể bị chảy máu. Phương pháp điều trị bằng laser phổ biến nhất cho những tổn thương này là laser PDL (xem Hình 2). Những tổn thương này rất khó điều trị và cần nhiều lần để có kết quả. Trong một nghiên cứu lớn liên quan đến việc xử lý các bớt rượu vang bằng nhiều lần laser PDL, bệnh nhân đã cải thiện tình trạng bớt trung bình khoảng 79% [1]. Kết quả điều trị tốt khó đạt được hơn khi tuổi tăng lên hoặc da sẫm màu. Những tổn thương này cũng khó điều trị nếu chúng ở giữa mặt, trên thân hoặc ở tứ chi.
Có thể có vết bầm tím sẽ xuất hiện ngay sau khi điều trị nhưng sẽ hết trong vòng 2 tuần. Bên cạnh đó, thường xuất hiện phù và đỏ sau thủ thuật.
U MẠCH BẠCH HUYẾT (LYMPHANGIOMAS
Hệ thống bạch huyết dẫn chất lỏng dư thừa trong các mô. U mạch bạch huyết là dị dạng bạch huyết thường xuất hiện dưới dạng tổn thương phát triển chậm. Hầu hết là bẩm sinh, nhưng chúng cũng có thể phát sinh sau chấn thương, nhiễm trùng và sưng tấy mô.
Khoảng 15% các tổn thương này tự thoái lui. Thông thường điều trị u mạch bạch huyết là phẫu thuật, nhưng liệu pháp laser có thể là một giải pháp thay thế cho các tổn thương khó điều trị. Tuy nhiên, bệnh nhân nên được thông báo về những nguy cơ sẹo, tái phát và khả năng cần nhiều đợt điều trị.