Các phương pháp điều trị sẹo
- Tác giả: Sahal Samarkandy, MD, Mohammed Alsaidan, MD, Adam S. Aldahan, BS, Keyvan Nouri, MD
- Chuyên ngành: Da Liễu
- Nhà xuất bản:Biên dịch: Bs. Trương Tấn Minh Vũ
- Năm xuất bản:Đang cập nhật
- Trạng thái:Chờ xét duyệt
- Quyền truy cập: Cộng đồng
Các phương pháp điều trị sẹo
Tác giả: Sahal Samarkandy, MD, Mohammed Alsaidan, MD, Adam S. Aldahan, BS, Keyvan Nouri, MD
University of Miami Miller School of Medicine, Department of Dermatology and Cutaneous Surgery, Miami, FL, US
Biên dịch: Bs. Trương Tấn Minh Vũ
NHỮNG ĐIỂM CHÍNH
Sẹo là một quá trình sinh lý phục hồi sự toàn vẹn của da sau chấn thương
Quá trình lành thương trải qua ba giai đoạn, giai đoạn viêm, giai đoạn tăng sinh và giai đoạn sửa chữa
Sẹo bệnh lý có thể xảy ra trong một số trường hợp
Các hình dạng lâm sàng chính bao gồm sẹo phì đại, sẹo lồi và sẹo lõm
Quá trình hình thành sẹo bất thường có thể được ngăn ngừa bằng cách làm theo lời khuyên của bác sĩ, như tránh sức căng cho vết thương, chăm sóc vết thương và sẹo đúng cách
Một số phương pháp điều trị có sẵn được lựa chọn riêng cho từng bệnh nhân, dựa trên loại sẹo, kết cấu, màu sắc và đáp ứng với điều trị
Một số phương pháp điều trị hiệu quả, an toàn, dễ sử dụng, ít tác dụng phụ và được các bác sĩ sử dụng làm lựa chọn hàng đầu
Những phương pháp điều trị xâm lấn được sử dụng nếu sẹo khó trị hoặc tái phát
GIỚI THIỆU
Quá trình hình thành sẹo là một quá trình mà cơ thể khôi phục một khiếm khuyết trên da, chẳng hạn như vết thương, bằng cách hình thành mô sợi lấp đầy khiếm khuyết đó. Quá trình hình thành sẹo quá mức có thể ảnh hưởng về mặt thể chất, xã hội và tâm lý [1]. Hậu quả về thể chất bao gồm các triệu chứng mà bệnh nhân phải chịu như ngứa, cứng khớp, co thắt, đau cũng như thẩm mỹ bên ngoài. Ảnh hưởng tâm lý xã hội bao gồm sự cô lập xã hội, kỳ thị, tự kỷ, trầm cảm và lo lắng. Sẹo ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống và cản trở giao tiếp xã hội, đặc biệt nếu vết sẹo lớn hoặc xuất hiện ở các vị trí dễ nhìn thấy như mặt [2, 3].
Các vết thương và quá trình hình thành sẹo sau đó thường xảy ra sau khi bị thương, phẫu thuật, chà sát, bỏng, và đôi khi do các bệnh lý da như mụn trứng cá hoặc nhiễm trùng da.
QUÁ TRÌNH LÀNH THƯƠNG VÀ HÌNH THÀNH SẸO
Khi chúng ta bị thương, vết thương trải qua các giai đoạn chồng chéo khác nhau để khôi phục tính toàn vẹn của da. Chúng bao gồm các giai đoạn viêm, tăng sinh và sửa chữa [4, 5]. Trong giai đoạn viêm (ngày 1-3), cơ thể cố gắng làm ngưng chảy máu, gọi là quá trình cầm máu, bằng cách hình thành cục máu đông với sự trợ giúp của các thành phần như tiểu cầu và các yếu tố đông máu. Cũng trong giai đoạn này, một số tế bào miễn dịch như bạch cầu trung tính và đại thực bào đến vết thương để chống lại các vật thể lạ và mảnh vụn mô. Trong giai đoạn tăng sinh (ngày 4-21), các tế bào khác nhau trên da thực hiện một số nhiệm vụ vd như các nguyên bào sợi tạo ra collagens mới, tế bào nội mô hình thành các mạch máu mới và tế bào sừng tăng sinh để bao phủ lớp da ngoài cùng là lớp biểu bì. Quá trình này gọi là tái cấu trúc, tất cả cùng hoạt động để khôi phục tính toàn vẹn của da. Trong giai đoạn sửa chữa (ngày 21 đến 1 năm), một collagen khác sẽ thay thế cho loại trước đó và vết thương bắt đầu co lại, được hỗ trợ bởi các tế bào gọi là nguyên bào sợi xơ giúp thiết lập cấu trúc sẹo để tăng sức bền cho vết thương. Giai đoạn này tiếp tục trong hơn một năm [4]. Trong quá trình chữa lành thương, vết sẹo có hình thái là một đường sẹo mịn màu da mà không có bất kỳ triệu chứng nào. Nếu bất cứ sai sót gì trong quá trình lành thương đặc biệt là trong giai đoạn cuối của quá trình, việc hình thành sẹo bệnh lý xảy ra [5].
HÌNH ẢNH LÂM SÀNG CỦA SẸO
Có một số loại sẹo chính, bao gồm sẹo phì đại, sẹo lồi và sẹo lõm. Sẹo phì đại (tăng trưởng quá mức) thường xuất hiện dưới dạng dày và nhô lên nhưng không vượt ra ngoài rìa vết thương. Nó có thể là tuyến tính (tạo thành một đường và thường là kết quả sau khi phẫu thuật hoặc cắt) hoặc lan rộng (xảy ra sau khi bị bỏng hoặc các tình trạng da như nhiễm trùng hoặc mụn trứng cá) [1]. Sẹo lồi tương tự như sẹo phì đại nhưng vượt ra ngoài rìa vết thương ban đầu, phổ biến hơn ở loại da sẫm màu, ngứa hơn và đau hơn so với sẹo phì đại [6]. Sẹo lõm (mất mô) có bề mặt thấp hơn bề mặt da. Có một số loại sẹo nhỏ khác dựa trên nguyên nhân hình thành, ví dụ như sẹo mụn [7]