Bài giảng gãy xương bánh chè
- Tác giả: TS. BS. LÊ QUANG TRÍ
- Chuyên ngành: Chấn thương, chỉnh hình
- Nhà xuất bản:Bệnh viện quân y 7A
- Năm xuất bản:Đang cập nhật
- Trạng thái:Chờ xét duyệt
- Quyền truy cập: Cộng đồng
Bài giảng gãy xương bánh chè
TS. BS. LÊ QUANG TRÍ
ĐẠI CƯƠNG
Đặc điểm chung
Xương bánh chè là một xương vừng lớn nhất trong cơ thể nằm trong hệ thống gân duỗi gối, che chở mặt trước khớp gối. Mặt sau xương bánh chè liên quan trực tiếp với khớp gối, khi gãy xương bánh chè là gãy xương phạm khớp [1].
Gãy xương bánh chè chiếm khoảng 2-4% tổng số các trường hợp gãy xương.
Gãy xương bánh chè nếu điều trị sớm, đúng phương pháp sẽ liền xương và phục hồi chức năng tốt.
Nhắc lại một số đặc điểm về giải phẫu [1]
Hệ thống duỗi gối bao gồm gân cơ tứ đầu đùi, xương bánh chè và gân bánh chè. Vì vậy gãy xương bánh chè sẽ ảnh hưởng đến chức năng gấp duỗi gối (hình 1). Khi gãy xương bánh chè do cơ tứ đầu đùi kéo lên trên gây di lệch giãn cách ổ gãy.
Cấu trúc của xương bánh chè: bọc bên ngoài là tổ chức xương đặc, ở trong là tổ chức xương xốp, khi gẫy xương bánh chè có thể vỡ làm nhiều mảnh - Mặt trước xương bánh chè có các thớ sợi dày chắc đan chéo nhau. - Hai bên xương bánh chè có cánh bánh chè.
Hình 1. Cấu tạo giải phẫu xương bánh chè [1].
Nguyên nhân và cơ chế chấn thương [1]
Cơ chế chấn thương trực tiếp
Thường gặp do ngã đập đầu gối xuống đất hoặc đập vào các vật cứng khi gối đang ở tư thế gấp hoặc do đập trực tiếp vào xương bánh chè (hình 2).
Hình 2. Cơ chế chấn thương trực tiếp gây gãy xương bánh chè [1].
Cơ chế chấn thương gián tiếp ít gặp hơn
Có thể gặp ở người chơi thể thao do co gấp cẳng chân đột ngột khi cơ tứ đầu đùi đang co gấp làm cho xương bánh chè bị tỳ ép mạnh lên lồi cầu xương đùi gây ra gãy ngang xương bánh chè (hình 3).
Hình 3. Cơ chế gián tiếp gây gãy xương bánh chè [1].
Phân loại gãy xương bánh chè (hình 4) [3]
Gãy không di lệch di lệch giản cách ổ gãy < 3 mm và di lệch trước sau của mặt sụn < 1 mm.
Thường gặp các hình thái gãy sau:
Gãy ngang chiếm gần 50%- 80% tổng số bệnh nhân. Khoảng 80% gãy 1/3 giữa.
Gãy nhiều mảnh.
Gãy dọc.
Gãy di lệch nếu di lệch giản cách ổ gãy > 3 mm và di lệch trước sau của mặt sụn > 1 mm.
Trong gãy di lệch thường gặp các hình thái ổ gãy sau: - Gãy ngang (50%- 85%).
Gãy chéo vát.
Gãy dọc (12%- 27%).
Gãy nát, phức tạp (30%- 35%).
Gãy cực xa hoặc cực gần.
Gãy mặt sụn.
Hình 4. Các hình thái gãy xương bánh chè [3].
TRIỆU CHỨNG
Lâm sàng [2]
Bệnh nhân thường khai rằng sau khi ngã đập gối xuống đất thấy đau chói ở mặt trước khớp gối, không thể tự duỗi gối được.
Khớp gối sưng nề, biến dạng, mất các lõm tự nhiên và nếu đến muộn có thể có vết tím bầm tím (hình 5).
Hình 5. Hình ảnh lâm sàng gãy xương bánh chè [1].
Ấn nơi xương gãy thấy có điểm đau chói cố định. Sờ thấy khe giãn cách giữa hai đoạn gãy. Khám thấy dấu hiệu bập bềnh xương bánh chè. Làm được động tác di dộng ngược chiều giữa 2 đoạn gãy (cử động bất thường) (hình 6).
B
Hình 6. Khám lâm sàng gãy xương bánh chè A. Cử động bất thường B. Bập bềnh xương bánh chè [2].
Chọc hút khớp gối có nhiều dịch máu tụ trong khớp lẫn váng mỡ và không đông.
X- Quang [2]
Để chẩn đoán quyết định gãy xương bánh chè phải chụp khớp gối tư thế thẳng, nghiêng, chếch dọc 45°và chếch ngang 45° (hình 7).
Trên phim nghiêng cho thấy rõ vị trí gãy, hình thái đường gãy, mức độ di lệch và các tổn thương kết hợp ở mâm chày, đầu dưới xương đùi.
Phim chụp khớp gối tư thế thẳng giúp cho phát hiện các thương tổn kết hợp như gãy mâm chày, bong điểm bám các dây chằng chéo, dây chằng bên…
Phim chụp chếch ngang 45° cho thấy những mảnh gãy ở cực trên và dưới nhỏ, ít di lệch.
Phim chụp chếch dọc 45°cho thấy mảnh gãy dọc cánh trong và ngoài nhỏ ít di lệch.
Hình 7. Hình ảnh X- Quang ở phim chụp thẳng, nghiêng và chếch khớp gối [2].
ĐIỀU TRỊ
Sơ cứu [1]
Giảm đau: tiêm các thuốc giảm đau toàn thân như Promedol 0,02 x 1 ống tiêm bắp thịt hoặc Aspegic 0,5 x 1 ống tiêm tĩnh mạch chậm…Cũng có thể dùng thuốc uống như: Efferangall Codein 0,5 uống 1 viên…
Cố định tạm thời từ 1/3 giữa đùi đến bàn chân trên nẹp ê ke gỗ, nẹp Crame trong tư thế duỗi gối hoàn toàn.
Sau đó chuyển bệnh nhân về tuyến chuyên khoa.
Điều trị thực thụ
Điều trị bảo tồn bằng bó bột [2]
Chỉ định: các trường hợp gãy xương bánh chè có di lệch giãn cách dưới 3mm và chênh diện khớp mặt sau xương bánh chè dưới 1mm.
Cách tiến hành
Chọc hút hết máu tụ trong ổ khớp (hình 8): dùng kim số 16 hoặc 18 chọc ở mặt trong hoặc ngoài khớp gối cách bờ xương bánh chè 1,5cm. Cần dồn hết dịch máu từ bao thanh dịch cơ tứ đầu đùi vào ổ khớp để chọc hút cho hết máu tụ.
Hình 8. Chọc hút máu tụ khớp gối[2] + Bó bột đùi bàn chân (bột Tutto) (hình 9) trong tư thế duỗi gối hoàn toàn. Thời gian bó bột ở người lớn là từ 6-9 tuần. Sau khi bỏ bột thì hướng dẫn bệnh nhân gấp duỗi gối tăng dần kết hợp với điều trị lí liệu.
Hình 9. Bó bột Tutto [3].
Dùng thuốc kết hợp:
Chống sưng nề: achimotrypcin 5 mg ngày uống 4-6 viên chia 2 lần.
Thuốc giảm đau: Efferangal, Codein, Alaxan…
Điều trị phẫu thuật (mổ sớm nhất có thể trong nhiều nhất là 7 ngày sau chấn thương) [1]
Chỉ định
Mổ cấp cứu với các trường hợp gãy hở xương bánh chè.
Mổ phiên:
Các gãy xương bánh chè di lệch lớn hơn mức cho phép điều trị bảo tồn.
Khớp giả xương bánh chè.
Một số phương pháp kết xương
Nguyên tắc kết hợp xương bánh chè[3]
Phục hồi một cách hoàn hảo về hình thể giải phẫu của xương bánh chè, đặc biệt là diện khớp mặt sau.
Cố định ổ gãy vững chắc để sau mổ bệnh nhân có thể tập vận động sớm.
Phương pháp kết xương bằng vít xốp: trong kinh điển có một số tác giả đã áp dụng nhưng hiện nay phương pháp này ít được sử dụng (hình 10)